Đau đầu vì bài toán thiếu đất dựng trường
Dù là đơn vị hành chính thuộc thị trấn Nông trường Việt Trung (huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình) nhưng vượt qua những cây số đường đèo dốc để đến với bản Khe Ngát, chúng tôi mới hiểu được những khó khăn, vất vả của bà con đồng bào dân tộc Vân Kiều chốn thâm sơn này. Cả bản có khoảng 95 hộ với hơn 350 nhân khẩu, 100 phần trăm là bà con thuộc tộc người Vân Kiều, cuộc sống của họ chủ yếu dựa vào nương, rẫy…
Trước đây, trẻ em ở Khe Ngát hầu như không được học bậc mầm non, mãi sau này chính quyền địa phương đã mượn nhà kho và phòng chức năng của Nhà văn hóa bản Khe Ngát rồi xin phân biên chế cô giáo về mở lớp cho trẻ. Dạo một vòng quanh bản, chúng tôi được chứng kiến niềm vui của đồng bào khi con em mình ngày nay đã được học cái chữ. Hiện Điểm trường Mầm non bản Khe Ngát có 29 cháu chia làm 2 lớp, trong đó, 10 cháu 5 tuổi và 19 cháu trong độ 3 - 4 tuổi. Tuy nhiên, các cháu bậc mầm non phải học tập trong căn phòng “nhờ” tạm bợ, xuống cấp và thiếu thốn trăm bề, ai thấy cũng xót xa.
Bên trong các phòng học chỉ có một vài đồ dùng dạy học đơn sơ và không có nước sinh hoạt. Nhìn các giáo viên ân cần chăm sóc trẻ mới hiểu ra rằng, chỉ có tình yêu thương bao la dành cho các con, họ mới vượt qua được những khó khăn tại điểm trường này. Cô Hoàng Thị Vương chia sẻ: “Nhà văn hóa vốn đã xuống cấp từ lâu rồi. Sau bão số 10, mái ngói bị bão giật càng hư hỏng thêm nhiều. Trời mưa là trẻ chỉ ngồi được ở một góc thôi”.
Nắm được tình cảnh của Điểm trường Khe Ngát, UBND huyện Bố Trạch mới đây đã quyết định trích ngân sách để xây dựng điểm trường mới cho các cháu, dự kiến sẽ khởi công vào cuối năm nay. Có dự án xây Điểm trường Khe Ngát, từ chính quyền thị trấn cho đến bà con trong bản ai cũng mừng nhưng lại lo, bởi gần địa bàn dân cư thì đất của đồng bào kín hết rồi. Chỉ còn mấy khoảng đất triền dốc, làm sao dựng trường được?
Tấm lòng chị Khun
Chủ tịch UBND thị trấn Nông trường Việt Trung – ông Nguyễn Đức Trường cho biết, anh em cán bộ quyết định đánh liều đi vận động xin các hộ dân có đất bằng phẳng. Nhưng, đất của bà con để trồng trọt, ai cũng khó khăn. Họ đâu dễ đồng ý? Điều bất ngờ đã xảy ra, chị Hồ Thị Khun (45 tuổi, người sống ngay phía sau Nhà văn hóa) nghe chính quyền trình bày, vận động đã gật đầu “cái rụp” hiến cho UBND thị trấn gần 800m2 đất vườn để làm trường cho các cháu. Chị không chút mảy may do dự, lăn tăn…
Ban đầu, nghe tin chị Khun hiến đất, nhiều người trong bản nghi ngờ: “Ai hiến còn được, chứ nhà Khun nghèo, cơm chưa đủ ăn no, sao dám hiến đất?”. Đến khi thấy cán bộ thị trấn và trưởng bản mang thước xuống đo đạc để tính toán, họ té ngửa ra… là thật. Đáng ngưỡng mộ hơn khi gia cảnh chị Khun nằm trong diện là những hộ nghèo nhất bản Khe Ngát. Chồng chị mất sớm, chị Khun quyết không đi bước nữa, ở vậy nuôi 6 đứa con thơ dại và mẹ chồng đã cao tuổi, lại hay đau ốm liên miên. Hiện con gái đầu của chị đã đi lấy chồng, 3 đứa khác đang đi học. Trong đó, đứa con thứ 5 là Hồ Thị San (4 tuổi) hiện cũng đang được đi học ở lớp trong Nhà văn hóa bản.
Cả nhà giờ 7 miệng ăn chủ yếu dựa vào một tay chị chạy lo từng bữa, làm thuê làm mướn đủ đường. Chúng tôi hỏi: “Hiến đất vậy không tiếc à?” Chị Khun cứ gãi đầu ngại ngùng: “Cái thời mình không biết chữ nên dốt và nghèo. Nay Nhà nước quan tâm xây trường cho trẻ em đi học là sướng rồi. Con mình cũng sẽ được học ở đó. Nghèo cũng nghèo rồi, hiến miếng đất thì có đáng chi”.
Nhờ nghĩa cử hiến hàng trăm mét đất sản xuất để xây trường bất chấp khó khăn như chị Khun mà “công cuộc” diệt trừ “ma dốt, ma ngu”, gieo cái chữ Bác Hồ xuống giữa đại ngàn Trường Sơn nghèo khó đang ngày càng đạt nhiều kết quả tích cực... Ông Nguyễn Đức Trường - Chủ tịch UBND thị trấn Nông trường Việt Trung bộc bạch: “Hoàn cảnh gia đình chị Khun thuộc diện khó khăn nhưng chị vẫn không ngần ngại, hào phóng hiến đất điểm xây trường mới cho các cháu. Đó là tấm gương đáng để học tập. Hiện chính quyền địa phương cũng đã có chính sách hỗ trợ một phần kinh phí giúp gia đình chị Khun ổn định hơn trong cuộc sống”.