Được rửa nhục vì oan án “yêu râu xanh”
Sáng 17/11, VKSND tỉnh Đồng Nai đã tổ chức xin lỗi và cải chính công khai vì đã ban hành quyết định truy tố tội danh “Hiếp dâm trẻ em” sau đổi thành “Giao cấu với trẻ em”, dẫn đến oan sai cho ông Nguyễn Trần, ngụ tại ấp 2, xã Xuân Hưng (huyện Xuân Lộc). Tại buổi xin lỗi, đại diện VKSND tỉnh Đồng Nai thừa nhận, việc truy tố oan sai của VKSND tỉnh đã gây thiệt hại cho ông Nguyễn Trần về vật chất và tinh thần, làm ảnh hưởng đến uy tín và danh dự của ông. VKSND tỉnh Đồng Nai cũng xin nhận khuyết điểm và thành thật xin lỗi ông Nguyễn Trần và xem đây là bài học kinh nghiệm trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, không để xảy ra tình trạng oan sai tương tự.
VKSND tỉnh Đồng Nai xin lỗi ông Nguyễn Trần |
Riêng việc bồi thường thiệt hại, VKSND tỉnh sẽ thực hiện sau khi có quyết định xét xử của TAND huyện Xuân Lộc, vì trước đó ông Nguyễn Trần đã có đơn khởi kiện VKSND tỉnh tại TAND huyện Xuân Lộc.
Theo nội dung vụ việc, vào tháng 3/2006, cháu X (14 tuổi, hàng xóm với ông Trần) được gia đình phát hiện có thai, gia đình cháu bé cho rằng ông Trần chính là người hãm hại cháu bé dẫn đến mang thai khi chưa thành niên. Mặc dù ông Trần kêu oan và các chứng cứ về hành vi phạm tội của ông Trần hầu như không có, chỉ dựa vào lời khai vu vơ của nạn nhân nhưng VKSND tỉnh Đồng Nai vẫn phê chuẩn việc bắt tạm giam ông để điều tra vụ án hiếp dâm trẻ em. Sau đó, tội danh của ông được VKSND tỉnh Đồng Nai thay đổi thành tội giao cấu với trẻ em.
Tuy nhiên, tại các phiên tòa xét xử, ông Trần đã phản cung và kêu oan. Trước những lời kêu oan của ông Trần, tòa đã yêu cầu cơ quan điều tra lại. Về phía cháu X, sau khi sinh con đã được trưng cầu giám định ADN và kết quả ông Trần không phải cha ruột đứa trẻ do cháu X sinh ra.
Thế nhưng mãi đến ngày 24/12/2007, ông Trần mới được hủy bỏ tạm giam, cấm đi khỏi nơi cư trú. Mặc dù đã có kết luận giám định về việc ông Trần vô can, không làm cháu X mang thai nhưng cơ quan tố tụng vẫn loay hoay tìm cách khép công dân này vào tội danh đã bị truy tố trước đó. Đơn kêu oan và những lời kêu cứu oan khuất của ông Trần cứ rơi vào vô vọng. Do đã hết thời hạn điều tra mà không chứng minh được hành vi phạm tội, nên tháng 3/2008, Công an tỉnh Đồng Nai ban hành quyết định đình chỉ điều tra bị can đối với ông Nguyễn Trần.
Chính vì cái quyết định đình chỉ “không rõ ràng” đó mà ông Trần vẫn bị coi là có tội nhưng được cơ quan điều tra tha miễn. Trở về gia đình, ông Trần và gia đình vẫn bị hàng xóm kỳ thị, hiểu lầm vì có chồng, cha là gã râu xanh. Suốt 10 năm qua, ông Trần liên tục kêu oan, yêu cầu bồi thường thiệt hại.
Người phụ nữ 7 năm đi đòi công lý
Ngày 4/10, tại nhà văn hóa KP.4 phường Long Bình (TP Biên Hòa, Đồng Nai), VKSND TP Biên Hòa đã tổ chức buổi xin lỗi công khai đối với bà Trịnh Thị Nghị (40 tuổi, ngụ KP.4, phường Long Bình) vì đã truy tố oan về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.
Bà Trịnh Thị Nghị trong buổi xin lỗi minh oan |
Tính đến khi được xin lỗi minh oan, bà Trịnh Thị Nghị đã bị tạm giam gần 1 năm và gần 7 năm mang thân phận bị can. Theo nội dung vụ án oan, vào năm 2004, bà Nghị được Cty T. (trụ sở ở Khu công nghiệp Biên Hòa 2, TP Biên Hòa) nhận vào làm nhân viên kế toán tiền lương. Đến năm 2008, nghi ngờ bà Nghị kê khống tiền lương công nhân đã nghỉ việc để chiếm đoạt tài sản, Cty đã làm đơn tố cáo gửi đến cơ quan công an.
Qua xác minh, đến tháng 9/2010, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP Biên Hòa đã tiến hành khởi tố bị can, bắt tạm giam bà Nghị để điều tra về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Theo kết quả điều tra, trong thời gian làm nhân viên kế toán tiền lương tại Cty vào năm 2007, bà Nghị đã có hành vi kê khống tiền lương của 245 công nhân đã nghỉ việc để chiếm đoạt của công ty hơn 359 triệu đồng.
Tháng 3/2011, VKSND TP Biên Hòa đã ra cáo trạng truy tố bà Nghị về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Tuy nhiên, đến tháng 7/2011, khi đưa vụ án ra xét xử, TAND TP Biên Hòa đã trả hồ sơ vụ án cho VKS để điều tra bổ sung vì thiếu chứng cứ buộc tội bà Nghị.
Sau một thời gian dài điều tra, do không xác định thêm được chứng cứ nhưng các cơ quan tố tụng vẫn không đình chỉ vụ án hoặc mở phiên tòa để tuyên công dân vô tội, cái án “bị can” vẫn treo lơ lửng trên đầu bà Nghị như một cái “thòng lọng” gần 6 năm trời. Mãi đến tháng 4/2017, VKSND TP Biên Hòa đã ra quyết định đình chỉ vụ án, đình chỉ điều tra bị can đối với bà Nghị.
Tại buổi xin lỗi bà Nghị, đại diện VKSND TP Biên Hòa thừa nhận việc khởi tố bị can, truy tố đối với bà Nghị là oan sai, gây thiệt hại về vật chất và tinh thần cho bà; những mất mát, thiệt hại của bà không thể bù đắp được. VKSND TP Biên Hòa đã chủ động liên hệ với bà Nghị và chính quyền địa phương tổ chức xin lỗi công khai để sớm phục hồi danh dự, nhân phẩm cho bà Nghị theo quy định của pháp luật.
Bà Nghị cho biết, nhiều năm qua bà và gia đình phải đi kêu cứu khắp nơi mới có được ngày hôm nay. Đến nay các cơ quan tố tụng mới tổ chức xin lỗi bà và gia đình là quá muộn. Cay đắng hơn, bà đã bị tạm giam khi đang nuôi con nhỏ dưới 36 tháng tuổi.
Bà Nghị trình bày, ngay khi bị bắt tạm giam, bà và gia đình đã kêu oan, đồng thời trưng ra nhiều giấy tờ xác định bà đang nuôi con nhỏ dưới 36 tháng tuổi, nhưng không được chấp nhận. “Tôi còn nhớ như in hình ảnh mỗi tháng tôi được gặp con một lần qua tấm lưới B40 của trại giam. Mẹ con gặp nhau chỉ vài phút, con tôi gọi tiếng mẹ chưa tròn thì tôi đã phải vào buồng giam. Nhiều lần nghe con hỏi: “Sao mẹ đi lâu thế?”, tôi sợ chuyện của mình làm ảnh hưởng đến tâm lý của con, tôi lại phải nói dối: “Con về đi, mẹ còn phải đi học” – người phụ nữ chia sẻ trong nước mắt.
Hơn 9 tháng bị tạm giam, bà Nghị đã được tòa cho tại ngoại điều tra. Dù Cơ quan điều tra và VKS không có cơ sở chứng minh bà phạm tội, nhưng bà vẫn phải mang thân phận bị can suốt 7 năm qua. Trước đó, bà gửi đơn kêu oan nhưng những lá đơn cứ rơi vào im lặng.
“Để có điều kiện đi kêu oan, tôi phải xin việc ở nhiều nơi, nhưng không nơi nào tuyển dụng vì tôi đang mang thân phận bị can. Nhiều nơi nói phải chờ kết luận cuối cùng của cơ quan pháp luật thì tôi mới được tuyển dụng vào làm việc” – người phụ nữ nghẹn ngào tâm sự.
Bà Nghị cho biết, sau khi được VKSND TP Biên Hòa tổ chức xin lỗi công khai, bà sẽ cùng với luật sư của mình thống kê số tiền bị thiệt hại để yêu cầu bồi thường. Ngoài yêu cầu bồi thường về việc bị khởi tố, tạm giam và truy tố oan, bà còn yêu cầu các cơ quan chức năng xem xét xử lý việc làm sai của các cá nhân, đơn vị có liên quan, đặc biệt là việc bắt tạm giam bà khi đang nuôi con nhỏ.