Các cụ bà 70 tuổi đi tập gym…
Phòng tập thu hút rất nhiều đối tượng, từ những bạn sinh viên đến các trung niên, thậm chí một số em thiếu niên bị thừa cân, béo phì cũng được bố mẹ đưa đến tập với bài tập riêng phù hợp để giảm cân, khỏe đẹp. Những người cao tuổi đến phòng tập thi thoảng vẫn có khoảng 6-7 người nhưng tập đều và được cả phòng tập coi như “tinh thần của phòng tập” thì chỉ có… 3 “cụ bà”.
Gọi họ là “cụ bà” cho vui chứ thực sự các cụ tập nhiều khi còn khỏe hơn cả những người đang ở tuổi trung niên. Trong số đó bà Ngoại “già gân” được mọi người nể phục nhiều nhất. Năm nay bà đã 68 tuổi, theo tập được khoảng 8 tháng. Ngay trong nửa tháng tập đầu tiên bà đã giảm được gần 1kg. Nhưng bà chia sẻ, mục đích của bà chỉ là tập cho khỏe, không phải tập để giảm cân.
Bà tâm sự, trước đây, mỗi buổi sáng bà đều bán xôi ngoài chợ cóc, bị con cái bắt “bỏ chợ” bà buồn quá, không biết làm gì… đành đến phòng tập. Không ngờ đến tập là bị nghiện luôn. Hầu như không ngày nào bà vắng mặt. Phòng tập có thiết bị tập nào mới mẻ, cánh trẻ còn ngại ngần sợ nặng, sợ đau vai, sập khớp nhưng bà Ngoại… chấp tất.
Thiết bị tập nào bà cũng… chơi theo đúng sức của mình. Bà tập xong thấy hữu ích với hông, với bụng hay vai khớp bà lại chia sẻ cho những người cùng tập để mọi người có can đảm tập. Bà bảo, bà tập cho vui, cho khỏe người nên mỗi máy chỉ tập vài phút. Mỗi ngày bà tập khoảng gần 2 tiếng. Có nhiều chị em đến phòng tập, việc đầu tiên là… ngó xem bà Ngoại đến chưa vì tập với bà rất vui.
Trầm hơn bà Ngoại một chút là bà Hồng. Bà đến phòng tập vì muốn đứa cháu bị tự kỷ của mình tập để giảm cân. Sáng nào hai bà cháu cũng đi bộ đến phòng tập, bà tập máy bà, cháu tập máy cháu nhưng bà luôn phải để ý đến đứa cháu không may bị dính phải chứng tự kỷ. Bà bảo nếu không vì đứa cháu chưa chắc bà đã ra đến phòng tập vì sức bà cũng không có nhiều.
Nhưng ra đến phòng tập, bà mày mò những dụng cụ tập vừa với sức mình. Dần dà bà đạp xe, tập chân, tập tay cũng đủ cả. Bây giờ, kể cả vắng mặt đứa cháu đã 16 tuổi, bà vẫn một mình đến phòng tập vừa cho khỏe vừa là thói quen khó bỏ dù bà mới đến phòng tập được 3 tháng.
Bà già “gân” có thâm niên lâu nhất ở phòng tập gym phải kể đến là bà Hiển, năm nay đã 73 tuổi và đã tập gym được… 3 năm. Bà đi tập bất kể thời gian, cứ lúc nào sắp xếp được là bà đi. Tuy nhiên, đa phần bà đều đi tập buổi chiều vì buổi sáng còn bận nhiều việc nhà. Nhiều lần buổi chiều có việc bận, bà luôn cố gắng sắp xếp thời gian để tập vào giờ sáng, sau khi đi chợ xong. Nên việc bà xách làn vào phòng tập vào mỗi buổi sáng đã quen thuộc với nhiều hội viên ở đây.
Đến phòng tập để giao lưu, chia sẻ…
Bởi các cụ còn luôn chia sẻ cách giữ gìn sức khỏe tuổi già, chia sẻ xem bệnh tật uống gì cho khỏi, rồi làm sao để không vướng bận đến các con, mỗi người một ý nên mỗi buổi tập có đủ mặt các bà già “gân” là cánh trẻ lại xúm xuýt lại học hỏi, ngưỡng mộ và ước ao “về già chỉ mong được một nửa của cụ”.
Các cụ cũng luôn “tìm đến nhau” trước khi vui vẻ giơ tay chào một chị em, anh em nào đấy. Câu chuyện của các cụ luôn là ngủ ngon không, ăn uống thế nào, sức khỏe ra sao. Tâm sự nhiều mới biết những người đến tập cũng nhiều hoàn cảnh, có những bà gần 60 tuổi, bị ung thư cách đây khoảng 10 năm nhưng vẫn cố gắng sống chung, chống chọi và tập gym ở mức độ an toàn.
Sau một đợt nghỉ Tết dài ngày, các cụ xúm vào hỏi han nhau. Cả phòng tập ngơ ngác thắc mắc khi thấy bà Ngoại “mất mặt” một thời gian khá dài, bỗng dưng xuất hiện. Vẫn thân hình khỏe mạnh nhưng bà bước vào mới một câu chào chung “Tưởng suýt chết”. Hóa ra từ trước Tết, con gái bà đưa đi kiểm tra sức khỏe định kỳ, làm các xét nghiệm mới phát hiện bà bị thừa tiểu cầu.
Bà được yêu cầu lập tức nhập viện điều trị. Điều trị ở viện nửa tháng bà sốt ruột không biết tình hình của mình thế nào. Bà kể: “Ngày nào cũng phải nằm điều trị, thăm khám, nhận thuốc, tối mới được về nhà. Tôi tưởng mình không còn cơ hội đi tập gym nữa. Thẻ một năm mới mua chưa được sử dụng ngày nào. Tôi đã định ra phòng tập trình bày hy vọng có thể lấy lại được số tiền đã mua tập 1 năm thì may quá, các bác sĩ cho ra viện, lấy thuốc về nhà điều trị”.
Và bà vừa được về nhà điều trị hôm trước thì hôm sau lập tức đến phòng tập và được tất cả mọi người hân hoan chào đón “bà Ngoại đã trở lại, lợi hại hơn xưa”. Kể xong câu chuyện của mình, bà lại bắt đầu với các thiết bị tập, dẻo dai, bền bỉ như chưa hề trải một đợt điều trị bệnh viện dài ngày. Bà Ngoại chia sẻ bí quyết: “Phải lựa theo sức mình mà luyện tập, với bất kỳ lứa tuổi nào việc luyện tập thể thao cũng quan trọng, tuổi già càng cần phải luyện tập nhưng phải lựa chọn bài tập phù hợp với sức mình. Thể thao không chỉ mang đến những lợi ích về sức khỏe thể chất mà còn khiến tâm hồn sảng khoái, trí tuệ minh mẫn và cả đẹp nữa. Phụ nữ tuổi nào cũng cần khỏe đẹp, gợi cảm” - cụ bà U70 cười sảng khoái.
Thế mới thấy sức khỏe, dù ở tuổi nào, nếu biết quý giá thì cụ già 70 tuổi cũng vẫn sung sức hơn cả thanh niên. Các bà già “gân” sau khi nghe xong chuyện bệnh của bà Ngoại cũng bắt đầu tập với các thiết bị vừa sức mình. Họ luôn tâm niệm, vẫn đi lại được là phải đi tập, để sau này mình bớt khổ, con cái cũng không phải lo lắng nhiều.