Xã Thành Công nằm ở độ cao trung bình từ 1000 đến 2000 mét so với mực nước biển. Mùa đông có hôm nhiệt độ xuống dưới 0 độ C, tuyết rơi dày đặc. Từ trung tâm xã Thành Công đến thôn Nhà Máng phải đi theo đường mòn ngoằn ngoèo đầy những “ổ gà”. Biết có phóng viên từ Hà Nội đến, anh Lý Pù Dung (53 tuổi, cán bộ thôn) cởi lòng cởi dạ: “Ở đây đời sống của bà con con vất vả lắm. Bà con trong xóm vẫn phải dựa vào nương rẫy để sống nên đa phần các hộ vẫn còn nghèo, chưa đủ ăn. Mặc dù đường đến trung tâm xã đã được đổ sỏi đá nhưng vẫn còn rất khó đi”.
Theo tìm hiểu được biết, người Dao đỏ quen sống khép kín, trình độ dân trí vẫn chưa cao, ít giao tiếp với người ở dưới xuôi. Sản xuất của người dân trong bản chủ yếu là tự cung, tự cấp. Bao đời nay, bà con người Dao đỏ họ vẫn trồng ngô, trồng lúa nương là chính. Nhà nào có điều kiện thì nuôi trâu, bò hoặc chăn nuôi lợn, gà. Ngô gạo làm ra vừa để nuôi sống gia đình, vừa để nuôi con gà, con lợn. Đời sống của bà con vẫn còn phụ thuộc vào khí hậu và sự khắc nghiệt của thời tiết. Năm nào được mùa thì bà con no đủ, năm nào mất mùa thì chật vật cả năm.
Phút nghỉ ngơi giữa mùa gặt. |
Sự nghèo đói cộng với trình độ dân trí thấp, sinh đẻ “vỡ kế hoạch” cũng là một trong những nguyên nhân ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của người dân. Được sự tuyên truyền của cán bộ dân số - kế hoạch hóa gia đình, y tế thôn, xã nên tình trạng sinh con thứ 3 đã giảm dần. Theo lời cô La Thị Mùi (cô giáo được giao nhiệm vụ xóa trắng đảng viên ở xóm Nhà Máng) cho biết: “Được sự tuyên truyền và hỗ trợ của Đảng và Nhà nước nên chất lượng cuộc sống của người dân đã có những bước cải thiện. Hiện trong bản chỉ còn hai hộ sinh con thứ 4, thứ 5, nhà không có mà ở, phải lợp bằng lều bạt, xã phải trợ cấp”.
Theo lời cô Mùi, hiện Nhà nước đang phổ biến dự án trồng chè từ đầu năm nay. Trong xóm Nhà Máng có tổng số 60 hộ dân, tuy nhiên mới chỉ có khoảng 20 hộ dân trồng chè. Qua dự án trồng chè, các hộ gia đình sẽ được Nhà nước hỗ trợ 50% giống cây, người dân sẽ phải bỏ công sức để chăm bón. Tuy nhiên, từ khi trồng đến khi thu hoạch cũng phải mất 3 năm nên hiện tại đời sống của người dân vẫn chưa thoát được nghèo.
Dân cư ở thôn Nhà Máng sống thưa thớt, nhà nọ cách nhà kia đến cả cây số. Trong xóm lại chia thành từng chòm nhỏ như Phe Chẳm, Phe Chủ, Nà Ngỏa, Phe Xum, sống trên các triền đồi nên rất khó khăn trong việc đi lại, giao lưu. Do đời sống của người dân còn nghèo khó nên nhiều gia đình cho con đi học nhưng vẫn chưa lo đủ sách vở cho con em mình. Hầu hết các em học sinh phải tự đi bộ hàng chục cây số đến trường.
Dọc đường đi ngang qua những thửa ruộng bậc thang đang mùa gặt, phóng viên gặp chị Triệu Thị Pới vừa gặt lúa vừa địu con trên lưng. Thiếu phụ trẻ chia sẻ: “Nhà nghèo lắm, có ít ruộng, ít lúa nên con nhỏ cũng phải địu con đi làm thôi. Bọn trẻ theo mẹ lên nương quen rồi, không lo ốm đâu”. Theo lời chị Pới, những đứa trẻ trong bản vẫn thường được bố mẹ nuôi lớn ở trên lưng như vậy. Được biết, cuộc sống của người dân trong bản chủ yếu nhờ tự cấp, tự túc, lương thực chính là cây ngô, hầu hết đồng bào ăn ngô thay cho gạo mà có khi vẫn bị “đứt bữa” trong dịp giáp hạt. Năng suất cây ngô, cây lúa chủ yếu phụ thuộc vào thời tiết, mà thời tiết ở bản vùng cao này rất khắc nghiệt, khô khát quanh năm.
Chia tay xóm làng, chúng tôi cũng chỉ thầm mong mai này cuộc sống nơi vùng cao Nhà Máng sẽ được thay đổi. Và rồi xóm làng sẽ có điện, đường làng sẽ được láng nhựa để các em đạp xe đến lớp học. Và trên ruộng nương sẽ không còn cảnh mẹ địu con đi làm giữa trời nắng, từ đó chất lượng cuộc sống của người dân sẽ được nâng lên…