Thất bại truyền thông sẽ thất bại trong chống dịch
Tại tọa đàm “Trách nhiệm truyền thông nhìn từ dịch Covid-19” do CLB Cafe số (Hội Truyền thông số VN) và Báo Giao thông tổ chức mới đây, Ths. Vũ Mạnh Cường, Vụ phó Vụ Truyền thông và Thi đua khen thưởng, Bộ Y tế cho biết, dịch bệnh này chúng ta nghe đến từ giữa tháng 1/2020.
Khi dịch xuất hiện ở Vũ Hán, Trung Quốc, truyền thông nước ngoài bắt đầu đưa tin, Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế đã tiến hành thu thập thông tin, nghiên cứu tài liệu, Cục Quản lý Khám chữa bệnh lập tức lật giở lại dịch SARS, đưa ra phác đồ điều trị.
Đồng quan điểm, BS. Trần Văn Phúc, Khoa Chẩn đoán hình ảnh, Bệnh viện Đa khoa Xanh pôn cho rằng, trong đợt dịch này, thành hay bại, vai trò của truyền thông chiếm tỷ lệ rất cao, có thể là 30%. Truyền thông làm thế nào để con số cất lên tiếng nói, những con số đó không đe doạ người dân thì mới quan trọng. Chúng ta mà thất bại trên mặt trận truyền thông thì 100% sẽ thất bại khi dịch xuất hiện.
BS Phúc dẫn chứng, trong dịch bệnh Mers năm 2015, Hàn Quốc không có truyền thông nguy cơ, dẫn tới người dân không biết, tự vào mạng tìm, loạn tin đồn, dẫn đến Hàn Quốc có 186 bệnh nhân nhưng tử vong 38 bệnh nhân, Chính phủ Hàn Quốc phải cách ly 16.752 bệnh nhân. Hệ quả toàn xã hội Hàn Quốc thời điểm đó bị rối loạn, bệnh nhân sợ hãi, giá cả leo thang, phải đóng cửa toàn bộ trường học từ mầm non đến đại học, GDP sụt giảm.
Vụ phó Vụ Truyền thông và Thi đua khen thưởng Bộ Y tế cho biết, rất may dịch Covid-19 lần này, việc truyền thông tương đối đồng điệu, chúng ta đã bắt đầu đi được một nhịp với nhau, đây là điều tuyệt vời để ngăn chặn dịch bệnh không lan rộng ra.
Ông Cường chia sẻ: “Suốt từ 23 Tết Nguyên đán đến nay toàn bộ ngành Y tế chưa được nghỉ ngơi. Hệ thống y tế dự phòng đã được kích hoạt ngay lập tức, đưa ra tất cả các kịch bản bệnh có thể phát triển để đưa ra các phương pháp đối phó khác nhau. Quan trọng hơn hết, vai trò điều hành của Chính phủ rất rõ nét, các biện pháp đưa ra rất tổng thể, phối hợp nhịp nhàng với các bộ ngành, địa phương để chúng ta đối phó với dịch bệnh một cách hiệu quả nhất.
Tiếp xúc trực tiếp với các cán bộ y tế cơ sở chúng tôi nhận thấy hoạt động của loa phường vô cùng cần thiết, chúng tôi sử dụng từ phương tiện đơn sơ nhất đến phương tiện hiện đại nhất hiện nay. Các đơn vị như Viettel xác lập một tổng đài với 80 điện thoại viên, mỗi ngày nhận 15 nghìn cuộc gọi cần tư vấn về dịch bệnh.
Các ứng dụng như Zalo Việt Nam, App sức khoẻ Việt Nam, DDT giúp thành lập một cổng điện tử mới về dịch bệnh. Đặc biệt, bên cạnh sự giúp đỡ của các công ty viễn thông là sự trợ giúp của các nhà báo, các toà soạn, nhiều cơ quan báo chí mở chuyên mục về dịch bệnh, cập nhật tin thường xuyên”.
Cùng với đó, bác sỹ Nguyễn Trung Cấp, Trưởng khoa Cấp cứu Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương cũng bày tỏ: Bệnh Covid-19 mới xuất hiện nên nảy sinh rất nhiều vấn đề về chẩn đoán, xây dựng phương án điều trị ban đầu, càng về sau càng hoàn thiện hơn. Liên tục có các cải tiến mới về chẩn đoán, phác đồ… như chúng ta theo dõi.
Nếu không phải người của chuyên ngành sẽ không hiểu, hoang mang trước nhiều thông tin chẩn đoán mỗi ngày một khác nhau. Và bản thân các bác sỹ gặp khó khăn khi truyền tải thông tin từ những kiến thức hàn lâm chuyển tải sang thành kiến thức đại chúng, để người dân hiểu rõ và rành mạch hơn.
Hành khách đều qua khu vực đo thân nhiệt tại sân bay. |
Ví dụ như thông tin virut Covid-19 lây qua khí dung, oresol, nếu chúng ta quy ra là lây qua đường không khí sẽ khiến người dân hoảng loạn. Người dân sẽ lẫn lộn với ý thức: lây qua không khí rất nguy hiểm, nhưng hiểu rõ trong môi trường đóng kín, qua giọt bắn giọt nhỏ thì khiến người dân yên tâm hơn.
Khoảng cách giữa khái niệm chuyên môn với khái niệm dân dã. Cùng với đó liên tục có sự đổi mới trong chẩn đoán và điều trị, các thông tin đưa ra truyền thông liên tục, tham gia diễn giải để truyền thông đúng áp dụng với cộng đồng, cần xây dựng một mạng lưới đội ngũ chuyển tải được khái niệm theo đúng tinh thần…
Không giấu giếm thông tin
Hiện nay chúng ta đang công khai rất trung thực về dịch bệnh, không giấu giếm hay làm giảm bớt thông tin. Tuy nhiên vẫn còn rất nhiều ý kiến trái chiều xung quanh “tính trung thực” này. Ông Vũ Mạnh Cường khẳng định: “Khi dịch bệnh bùng nổ, chúng tôi đề ra nguyên tắc đầu tiên và tối cao nhất là không giấu giếm, công khai trung thực về dịch bệnh, từ số người nhiễm, số người nghi nhiễm… Giữa y tế và truyền thông nếu lệch nhịp sẽ không còn là truyền thông nguy cơ nữa. Qua lần này chúng tôi nhận thấy sự đồng điệu, đồng tâm giữa các bên”.
Bác sỹ Trần Văn Phúc cho biết thêm: “Với tư cách là người đồng hành từ dịch SARS 2003, dịch H1N1… tôi quan sát thấy Việt Nam thực hiện rất tốt việc minh bạch hoá thông tin với toàn dân và thế giới. Đúng là cũng có ý kiến nghi ngờ, thậm chí các đồng nghiệp của tôi ở nước ngoài cũng nghi ngờ Việt Nam làm quá tốt như vậy có phải là giấu giếm? Tôi theo dõi và khẳng định không có chuyện đó”.
Bác sĩ Nguyễn Trung Cấp cho rằng, chúng ta đã làm rất tốt 2 việc đầu nên Việt Nam có số lượng bệnh nhân rất nhỏ. Còn nếu con số bệnh nhân này mà lên hàng nghìn, hàng vạn thì chắc chắn sẽ không thể điều trị tốt được.
Vấn đề thứ 2, bác sĩ Cấp muốn chia sẻ, toán thống kê là một chương trình bác sĩ phải học nhưng để hiểu sâu cũng không nhiều. Chắc chắn với nhà báo thì toán thống kê vô cùng khó khăn. Chúng ta thấy tình trạng, Trung Quốc công bố mỗi ngày tăng thêm 300 - 400 bệnh nhân, tử vong 30 - 40 bệnh nhân, các nhà khoa học bảo dịch leo thang khủng khiếp. Đến ngày khác, Trung Quốc công bố tăng thêm 2.000 bệnh nhân, chết khoảng 400 bệnh nhân, nhà khoa học bảo rằng đến đỉnh và chuẩn bị quay xuống.
Nhưng nếu căn cứ con số thông thường thì sẽ có ý kiến thắc mắc rằng: “Lúc đang đi lên các ông lại bảo là cực kỳ kinh khủng. Lúc đang cực kỳ kinh khủng ông lại bảo là đã đỡ rồi”. Đó là khái niệm về thống kê. Nếu hiểu đúng thì cực kỳ khó khăn. Một trong những trách nhiệm của truyền thông là diễn giải con số đó phù hợp để người dân hiểu và không hoảng loạn ở con số hàng trăm hay hàng nghìn mà ở xu thế đi lên hay đi ngang.
Thứ 3, có thể tư duy của thầy thuốc và nhà báo khá xa nhau. Tư duy thầy thuốc là trong hoàn cảnh xấu, chọn cái ít xấu nhất. Còn với nhà báo, tư duy là mong mỏi mọi điều tốt với mọi người. Mỗi con người là một số phận nên không chấp nhận được việc bảo chết thêm vài trăm người. Đặt vào vị trí của nhau trong mỗi quyết định, trong mỗi lý giải thì mọi thứ sẽ tốt hơn…
Là người trong cuộc ở tuyến đầu, bác sỹ Nguyễn Trung Cấp cũng cho biết thêm, trong quá trình theo dõi, điều trị cho bệnh nhân Covid-19, từ hơn 20 ngày qua ông và bác sỹ Phó khoa không rời bệnh viện. Bởi để giảm thiểu tối đa nguy cơ, bác sỹ Trưởng và Phó là hai người trực tiếp thăm khám soi, nghe sát tận miệng bệnh nhân, bất cứ thời gian nào…
Phó Vụ trưởng Vụ Truyền thông và Thi đua khen thưởng, Bộ Y tế Vũ Mạnh Cường: Các thông tin không chuẩn xác sẽ gây hoang mang cho cộng đồng
Việc xuất hiện những thông tin trái chiều, tất cả chúng ta cũng nhìn thấy mạng xã hội là mảnh đất màu mỡ cho các thông tin trái chiều, fake news, các thông tin không được kiểm chứng xuất hiện. Trong đó, có rất nhiều thông tin dịch không chính xác, mà “khí dung giao” là 1 ví dụ.
May mắn, các nhà khoa học y tế của Việt Nam nhanh chóng đưa ra các thông tin chính xác để dập những thông tin gây hoang mang đó. Đặc biệt, thời gian gần đây, trên mạng lan truyền thông tin, Chính phủ Nga tuyên bố virus Corona là do rò rỉ, là nhân tạo. Sau đó, một dịch giả nổi tiếng đã phải lên tiếng do dịch sai, chưa được kiểm chứng từ các bác sĩ, nhà khoa học.
Lợi dụng tình hình dịch Covid-19 có diễn biến phức tạp, nhiều đối tượng đã thông tin không chính xác khiến người dân lo lắng. Gần đây, thông tin virus Corona có thể lây truyền qua đường ống nước khiến không ít người dân hoang mang. Đến thời điểm hiện tại tôi chưa thấy thông báo có trường hợp lây nhiễm virus Corona mới qua đường ống thoát nước hay đường ống chất thải.
Đây chỉ có thể là một giả thuyết còn thực tiễn chưa có ca nào bị lây nhiễm virus Corona mới, gây bệnh viêm đường hô hấp cấp qua đường ống nước hay đường ống thoát chất thải. Thực tế, phải có một chùm các ca mắc Covid-19 cùng bị nhiễm virus qua một đường lây truyền thì mới có thể khẳng định được đường lây đó là chính xác. Nếu không chứng minh được điều này thì mọi đường lây truyền khác chỉ là giả thuyết và không có cơ sở khoa học.
Hơn nữa, Covid-19 là vụ dịch đầu tiên mà Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã phải kêu gọi để chống lại fake news lan truyền trên các trang mạng xã hội. Tôi cho rằng khi người dân lo lắng có hiểu biết thì sẽ dẫn đến hành động đúng, còn chỉ lo lắng mà không có hiểu biết sẽ gây ra nhiều hệ lụy khó lường.
Thực tế đã có sự đánh tráo khái niệm khiến nhiều người dân hiểu sai về tình hình dịch bệnh cũng như bản chất của vấn đề. Đơn cử, nhiều ý kiến cũng như các thông tin cho rằng vùng có dịch là cả tỉnh Vĩnh Phúc. Tuy nhiên, vùng có dịch là xã Sơn Lôi chứ không phải cả tỉnh Vĩnh Phúc. Việc đánh tráo khái niệm đã khiến không ít người dân có sự kỳ thị đối với người dân tại Vĩnh Phúc…