“Sống chung với lũ”?
Mạng xã hội mở ra không gian kết nối sâu rộng hơn, thâm nhập mạnh mẽ vào đời sống con người và mang lại những trải nghiệm mới chưa từng có. Tuy nhiên, không phải ngẫu nhiên người ta nói rằng “mạng xã hội là con dao hai lưỡi” bởi những vấn đề từ không gian ảo vô tình tạo nên những áp lực nặng nề với người dùng, thậm chí có thể dẫn đến những hậu quả khôn lường. Áp lực từ mạng xã hội ngày càng trở nên phức tạp, có thể xuất phát từ những thứ tưởng chừng như rất đơn giản nhưng cũng có thể tạo nên làn sóng mạnh mẽ.
Những nghệ sĩ nổi tiếng trình diễn phục vụ nhu cầu giải trí, tinh thần của khán giả có lẽ là bộ phận cảm nhận rõ ràng nhất áp lực từ mạng xã hội. Họ thường xuyên phải hứng chịu những lời chỉ trích nặng nề, chê bai năng lực cũng như ngoại hình hoặc trở thành đối tượng cho các “anh hùng bàn phím ném đá”.
Đối mặt với điều này, nhiều người thường lựa chọn cách im lặng bởi họ cho rằng “ai yêu thích thì sẽ cảm thông, ai ghét thì cứ kệ”. Tuy nhiên, cũng nhiều nghệ sĩ lựa chọn cách đáp trả đanh thép với những bình luận ác ý hay tin tức vu khống về bản thân.
Mới đây nhất, khi bộ phim “Về nhà đi con” tạo được sự thu hút lớn từ cộng đồng, diễn viên Quỳnh Nga – đảm nhận vai “tiểu tam” Nhã, nhận lại không ít sự tức giận vô cớ của cộng đồng mạng. Trên trang facebook cá nhân, nữ diễn viên chia sẻ: “Các bạn có thể chửi Nhã, chửi mình nhưng đừng lôi cả gia đình, bố mẹ mình vào để chửi, để châm chọc…”.
Hay với nhiều nghệ sĩ khác, họ sẽ lựa chọn cách tạm dừng hoạt động nghệ thuật một thời gian, lui về chăm sóc nhiều hơn cho gia đình, nơi họ có thể sống thoải mái và không phải gồng mình với những áp lực từ cả phía công chúng hay mạng xã hội. Diễn viên Việt Trinh từng chia sẻ rằng quá mệt mỏi và áp lực bởi những lời chửi nặng nề từ facebook, cô đã lựa chọn sẽ về quê sống bình dị giống như trước kia: trồng cây ăn trái, làm vườn, sản xuất rau sạch... để thấy cuộc đời nhẹ nhàng hơn.
Không chỉ giới văn nghệ sĩ mà bất kỳ ngành, nghề hay công việc nào cũng có thể trở thành đối tượng của những vấn nạn tiêu cực từ mạng xã hội. Thời gian gần đây, nhiều vụ việc bạo hành liên quan đến giáo viên đã làm mất đi phàn nào hình ảnh của người thầy trong mắt nhiều người. Trên mạng xã hội facebook, những lời bán tán, chỉ trích, những comment hay bài share đã tạo nên áp lực rất lớn đối với nhà giáo.
Đối mặt với áp lực đó, những người thầy, cô đã tập thích nghi với không gian trên mạng xã hội, bắt kịp với xu thế cũng như luôn chủ động nắm rõ thông tin, đặc biệt là thông tin trái chiều để không làm cho học sinh, phụ huynh hoang mang.
Cô giáo Nguyễn Thị Bích Ngọc, Trường THPT Trần Phú (Vĩnh Yên) chia sẻ: “Giáo viên cần khéo léo hướng dẫn học sinh cách phản ứng với các tin “hot” lan truyền trên mạng xã hội, cho học sinh cơ hội lựa chọn việc chia sẻ ngay lập tức hay bình tĩnh đưa ra các phán xét, quyết định cho riêng mình, đặt các em vào vị trí những người bị hại, những người bị phê phán, lên án thì các em sẽ cảm thấy như thế nào...”.
Hay với những người làm công việc báo chí, truyền thông, họ phải đối mặt với áp lực lớn khi trên mạng xã hội luôn tràn lan những tin giả, nguồn tin không được kiểm chứng. Nhiều nghiên cứu trên thế giới cho biết, tin sai sự thật lan truyền nhanh hơn rất nhiều so với tin tức nghiêm túc, bởi trên mạng xã hội luôn có một số người thường xuyên tò mò, thích dựng chuyện, khai thác tin xấu, cố tình hiểu sai hoặc cố tình xuyên tạc ý kiến của người khác. Nếu không có lập trường vững vàng, phóng viên rất dễ dàng mắc bẫy tin giả và trở thành đối tượng bị chỉ trích trên mạng xã hội,...
Ông Lê Quốc Minh - Phó Tổng Giám đốc TTXVN từng trình bày rằng: “Tin giả (Fake news), cùng với những sai lầm của nhiều cơ quan báo chí trong cuộc chạy đua tuyệt vọng với mạng xã hội để giành giật độc giả và nguồn thu quảng cáo đã khiến cho sự tín nhiệm của công chúng đối với báo chí giảm sút xuống mức thấp chưa từng thấy”. Ông cũng cho rằng, báo chí cần có những hành động cụ thể, tập trung vào chất lượng, nội dung và tăng cường hiệu quả kết nối với công chúng.
Tuy nhiên, có không ít trường hợp những người đối mặt với mạng xã hội không thể tự vượt qua được những áp lực quá lớn từ không gian đó. Ho lựa chọn cái chết để giải thoát bản thân, trốn tránh khỏi những sự tấn công của cộng đồng mạng. Một số người khác, tuy họ không lựa chọn cái chết nhưng cuộc sống của họ cũng đang phải vật lộn với căn bệnh trầm cảm mà nguyên nhân gốc rễ xuất phát từ mạng xã hội.
Bản lĩnh người dùng mạng xã hội
Đây là điều mà rất nhiều chuyên gia lên tiếng cảnh báo người dân khi họ tham gia vào mạng xã hội. Khi tiếp xúc với tin tức trên mạng xã hội, điều quan trọng nhất là không nên vội vã phán xét, dù là tán thưởng hay chê bai. Mỗi người cần nhìn nhận, đánh giá chính xác, khách quan, đặc biệt cần kiểm chứng thông tin qua những nguồn khác nhau, bảo đảm thông tin tiếp nhận là đúng sự thật.
Mặc định đây là không gian ảo nên nhiều người thoải mái trong việc tranh luận, khi không kiểm soát được sẽ dến đến những tranh cãi, thậm chí buông lời chửi thề, mạt sát. Bởi vậy, tham gia mạng xã hội, người dùng cũng cần có những nguyên tắc riêng đảm bảo “văn hóa tranh luận”, là cách để giúp mình tự giải thoát khỏi áp lực mạng xã hội.
Tiến sĩ Vũ Thu Hương cho rằng: “Có lẽ đã đến lúc chúng ta dừng cách tranh luận thiếu văn hóa, với các nhận định thiếu cân nhắc lại bởi vì điều đó không đóng góp được gì cho đất nước đang đà phát triển này cũng như không đem lại điều tốt đẹp gì cho chính chúng ta. Đất nước rất cần những con người xây dựng xã hội tốt đẹp thay vì hủy hoại nó dù chỉ bằng lời nói”.
Bên cạnh đó, việc am hiểu kiến thức, nắm rõ thông tin và có phông nền văn hóa chắc chắn cũng giúp cho người dùng không còn quá mệt mỏi bởi áp lực từ mạng xã hội. Điều này sẽ giúp người dùng nhận biết được mặt đúng sai, tự kiềm chế được bản thân, không để sa đà vào bẫy mạng xã hội và tự khám phá được những giá trị tích cực mà mạng xã hội mang lại.
Mặt khác, người dùng cũng cần có lối ứng xử văn minh hơn bởi mạng xã hội không phải nơi để phô diễn phản cảm, không chấp nhận những điều dung tục, lệch lạc với văn hóa cộng đồng. Điển hình, vụ việc Hiều Orion và hành vi khoe thân phản cảm trên Mã Pí Lèng bị cộng đồng lên án mạnh mẽ. Sự thông thái và tỉnh táo khi dùng mạng xã hội sẽ đảm bảo cho không gian mạng trở nên văn minh hơn hết, giúp người dùng hiểu biết rõ ràng và có thể tự bảo vệ mình trước sự tiêu cực từ mạng xã hội.
Một vai trò quan trọng nữa đó là các cơ quan chính quyền, những người cũng đang phải chịu áp lực lớn từ mạng xã hội. Như Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng từng nói: “Việc tổ chức thực thi nghiêm túc Luật An ninh mạng, coi đây là giải pháp hữu hiệu phòng tránh các biểu hiện tiêu cực trong sử dụng mạng, thúc đẩy yếu tố hữu ích, tích cực của mạng xã hội”.
Có thể thấy, trong thời điểm dịch Covid-19 đang trở thành nỗi ám ảnh của toàn thế giới. Nhiều người bịa đặt, loan tin đồn thất thiệt về dịch bệnh. Điều đáng nói, thông tin tưởng chừng vô hại nhưng lại có thể để lại hậu quả khôn lường trên thực tế; từ tâm lý hoang mang, lo sợ cho đến thực hiện những hành vi có thể gây tổn hại đến sức khoẻ của cá nhân, cộng đồng.
Đáng nói, chống lại tin giả là cuộc chiến mà cả thế giới đang phải chống lại khi nó đang trở thành công cụ ảnh hưởng đến tất cả các lĩnh vực, từ chính trị, kinh tế đến văn hoá, xã hội… Quả thực, luật pháp cũng như xã hội Việt Nam ngày càng nhận thức rõ ràng những hiểm họa mà tin giả gây ra. Cùng với việc thực thi pháp luật, điều quan trọng tiếp theo chính là văn hóa ứng xử, trách nhiệm xã hội và nghĩa vụ công dân, khi tham gia mạng xã hội.
Từ ngày 15/4/2020, vu khống có thể bị phạt tù 7 năm
Theo Điều 101 Nghị định 15/2020/NĐ-CP về “Xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử” được Chính phủ ban hành ngày 3/2/2020, sẽ có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15/4/2020, các hành vi lợi dụng mạng xã hội để cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống bị quy định mức phạt tiền 10 - 20 triệu đồng.
Mặt khác, nhiều luật sư cho rằng, nếu tổ chức, cá nhân lợi dụng mạng xã hội để tung tin đồn thất thiệt, xâm hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, gây bất an trong dư luận ở mức độ nặng thì có thể bị xử lý theo Điều 156 Bộ luật Hình sự, về hành vi vu khống, với mức phạt tù cao nhất là 7 năm.