Luôn trong tâm thế sẵn sàng
Là tuyến đầu điều trị cho các bệnh nhân nhiễm bệnh, các bác sĩ, y tá tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương đang ngày đêm gồng mình chống dịch Covid-19. Họ khoác lên vai trọng trách cao cả của “chiếc áo trắng”, chuẩn bị cho mình tâm thế vững vàng, sẵn sàng tiếp nhận và điều trị khi có ca nhiễm bệnh.
Tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, có thời điểm số người đến khám sàng lọc quá lớn khiến các bác sĩ, điều dưỡng nơi đây phải làm việc liên tục. Thời điểm căng thẳng nhất, những người làm việc tại bệnh viện luôn phải túc trực thường xuyên, bám trụ cả chục ngày đêm để theo dõi sát sao tình hình các bệnh nhân. Trong bộ quần áo bảo hộ, những bác sĩ tuyến đầu luôn phải sẵn sàng ứng phó với tình hình mới của diễn biến dịch bệnh.
Từ ngày 31/1, ngày bệnh nhân đầu tiên dương tính Covid-19 nhập viện, lịch sinh hoạt của các y, bác sĩ Khoa Cấp cứu xáo trộn khá nhiều. Đây là đơn vị tuyến đầu tiếp nhận các trường hợp dương tính với Covid-19 và bệnh nhân nghi nhiễm nặng nên mọi hoạt động đều phải chính xác, nhanh chóng. Mỗi ngày, các bác sĩ chia làm 3 kíp trực, trong đó 2 kíp trực 6 tiếng và 1 kíp trực đêm 12 tiếng. Mỗi kíp trực gồm 1 bác sĩ và 3 điều dưỡng.
Không chỉ là những người đảm nhiệm việc điều trị cho bệnh nhân, mà các y, bác sĩ tại đây cũng là những người nghiên cứu rất kỹ lưỡng về cơ chế bệnh, chuẩn bị tài liệu, thông tin cần thiết, lên phương hướng cụ thể cho việc điều trị bệnh nhân.
Dịch bệnh do virus Corona khiến cho tâm lý nhiều người trở nên hoang mang |
Bác sĩ Thân Mạnh Hùng, Phó khoa Cấp cứu tại Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương 2 chia sẻ: “Ngay khi trường hợp nhiễm Covid-2019 ở Trung Quốc được thông báo, tôi cùng đồng nghiệp đã lập tức lao vào tìm hiểu cơ chế sinh bệnh của nó. Thậm chí, mọi người còn biên soạn tài liệu, phổ biến về bệnh và xây dựng kịch bản ứng phó khi Việt Nam vẫn chưa có ai mắc”.
Trong vai trò là bác sĩ, y tá nhưng họ còn kiêm luôn cả nhiệm vụ là những người “chiến sĩ hậu cần” chăm sóc cho các bệnh nhân. Theo bác sĩ Trần Thị Hải Ninh - Trưởng khoa Nội tổng hợp, bệnh nhân ở đây phải cách ly hoàn toàn, do đó các y, bác sĩ không chỉ thăm khám mà còn lo việc hậu cần cho những bệnh nhân này, từ bữa ăn, vệ sinh đến những vật dụng cá nhân của người bệnh.
Nhiều khi, y tá còn nhờ người lặn lội đi mua đồ rồi mang vào cho bệnh nhân khi có người thèm ăn vặt. Bệnh nhân còn được trang bị cả wifi để cập nhật thông tin và giải trí cho đỡ buồn. Để hạn chế bệnh nhân trốn về, bệnh viện luôn tạo điều kiện thoải mái và tốt nhất cho họ.
Tuy nhiên, cũng là những người phải tiếp xúc trực tiếp với người bệnh, những bác sĩ, y tá tại đây đối mặt với nguy cơ cao bị lây nhiễm. Theo nghiên cứu của các bác sĩ Chung Nam tại Đại học Vũ Hán, tỷ lệ người nhiễm virus Covid-19 trong thời gian lưu trú trong bệnh viện là 41%. Đã có trường hợp 1 bệnh nhân mắc Covid-19 lây nhiễm cho 10 nhân viên y tế.
PGS. TS Lương Ngọc Khuê cho biết: “Với bệnh dịch nguy hiểm như Covid-19 mà Tổ chức Y tế Thế giới phải công bố khẩn cấp và tại Trung Quốc hằng ngày vẫn có thêm hàng nghìn người mắc, cả trăm người tử vong, thì người thầy thuốc ở tuyến nào tiếp xúc bệnh đều nguy hiểm”.
Bởi đó, mỗi khi vào thăm khám, chăm sóc cho bệnh nhân Covid-19, các y, bác sĩ đều tuân thủ mặc bộ quần áo chuyên dụng bó sát, kín mít, không dễ chịu chút nào. Thêm vào đó, họ luôn phải đeo khẩu trang N95 dày, nhiều lớp, không những khó thở mà còn in vết hằn rất lâu trên gương mặt. Nhưng dường như điều này không làm các y, bác sĩ ở đây cảm thấy e ngại.
Các y, bác sĩ đang phải ngày đêm túc trực tại bệnh viện, theo dõi sát sao tình hình bệnh nhân |
Bác sĩ Trần Quang Vịnh, 46 tuổi, là Trưởng khoa Bệnh Truyền nhiễm Bệnh viện Đa khoa khu vực Phúc Yên, Vĩnh Phúc. Anh được điều động tăng cường đến Phòng khám Đa khoa Quang Hà ở huyện Bình Xuyên từ ngày 7/2, khi phòng khám phát hiện 5 bệnh nhân nhiễm virus Corona và trở thành nơi điều trị cách ly người nhiễm.
Suốt 12 ngày đêm, bác sĩ chưa rời phòng khám phút nào. Bình Xuyên nửa tháng qua cũng trở thành tâm dịch Covid-19 của cả nước. “Là bác sĩ, tôi hiểu tình hình thực tế của dịch Covid-19 nên không cảm thấy lo lắng hay ngại ngần khi trực tiếp điều trị cho các bệnh nhân nhiễm nCoV”, bác sĩ Vịnh cho biết.
Cũng với tâm thế đó, bác sĩ Nguyễn Viết Nam, Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương chia sẻ: “Chúng tôi đã xác định đã làm bác sĩ chuyên ngành truyền nhiễm thì không được nề hà trong lúc có dịch bệnh. Chúng tôi làm việc vất vả hơn ngày thường và không có ngày nghỉ. Hầu như mọi người đều ngủ lại cơ quan để sẵn sàng đáp ứng những tình huống có thể xảy ra”.
Áp lực lớn nhất không phải từ người bệnh…
Làm việc hết mình, hy sinh thầm lặng giữa bão dịch nhưng các bác sĩ, y tá đối mặt với áp lực lớn hơn đến từ gia đình và người dân. Điều dưỡng Ngô Đình Tú (Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương) xót xa kể: “Nhiều người cứ nghĩ làm việc ở Khoa Cấp cứu, tiếp xúc với bệnh nhân dương tính Covid-19 là mắc bệnh. Thậm chí, một nữ đồng nghiệp của tôi bị chủ nhà trọ báo với cả xóm “cách ly” bạn ấy để tránh lây bệnh. Bạn ấy không dám về nhà từ đầu dịch đến giờ. Một nữ điều dưỡng khác cũng vô cùng sốc khi thấy mọi người cứ thấy mình là đeo khẩu trang, có người còn xì xào nói chị ấy bị nhiễm virus Corona”.
Một điều dưỡng khác tại Khoa Virus - Kí sinh trùng cũng bị nhà trọ dọa đuổi vì bị đồn đoán nhiễm Covid-19. Một nam điều dưỡng của Khoa Cấp cứu cũng bị chủ trọ đòi đuổi khỏi nhà sau khi trạm y tế xã phát tán thông tin anh tiếp xúc với người nhiễm Corona.
Là tuyến đầu chống dịch bệnh, các y bác sĩ cũng phải đối mặt với áp lực và sự kỳ thị từ những người xung quanh |
Còn bác sĩ Vịnh cho hay: “Mọi người đều tỏ ra ngại ngần với vợ tôi khi biết tôi tham gia chống dịch tại Vĩnh Phúc. Gia đình cũng không muốn tôi phải đi làm ở vùng dịch nhưng là một bác sĩ, tôi không thể bỏ mặc bệnh nhân”.
Có lẽ, đối với các y, bác sĩ đang điều trị cho bệnh nhân, không có điều gì chua xót hơn tình cảnh bị cộng đồng cách ly, xa lánh. Thậm chí, nhiều người không dám trở về nhà thăm gia đình bởi áp lực từ những người xung quanh.
Đương đầu với dịch bệnh là một phần nhưng cái khó hơn của họ là đương đầu với sự kỳ thị của cộng đồng dù họ là những người ngày đêm cống hiến hết mình thầm lặng trong cuộc chiến này. Không chỉ áp lực từ những người xung quanh mà thông tin không chính xác lan truyền trên mạng xã hội, những tin tức vô căn cứ cũng khiến họ cảm thấy áp lực hơn.
Bác sĩ Bá Đình Thắng, Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương chia sẻ: “Mạng truyền thông phát triển, bất kể thông tin gì đều đưa lên mạng. Đưa tốt thì không sao nhưng hiện tại rất nhiều tin giả gây ra tình trạng dân lo lắng. Ngoài những bệnh nhân như này thì bọn mình vẫn phải tiếp nhận các bệnh nhân nặng khác, đan xen công việc với nhau nên nặng hơn bình thường”.
Hiểu được sự hy sinh thầm lặng đó, Bộ Y tế đã kịp thời động viên, trao tặng bằng khen cho các tập thể Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, Khoa Cấp cứu Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, Khoa Nội tổng hợp Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, Khoa Vi rút - Kí sinh trùng Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương. Đây là những nơi tuyến đầu trong công cuộc chiến đấu với dịch virus Covid-19, cũng là những tập thể với tinh thần “thép”, không ngần ngại cống hiến cho trọng trách cao cả này.
PGS.TS Lương Ngọc Khuê cũng chia sẻ rằng: “Bộ Y tế đã sát cánh cùng với các thầy thuốc trong công tác phòng chống dịch ở cả Trung ương và cơ sở nên thấu hiểu được sự vất vả, sự cố gắng cũng như nỗi lòng của những các bộ y tế tham gia công tác chống dịch. Về phía cơ quan quản lý, chúng tôi đánh giá cao tất cả thầy thuốc đã tham gia vào công cuộc điều trị, phòng chống dịch cũng như tấm lòng, sự cố gắng của các thầy thuốc đã quên mình, không vì lợi ích nhân cá nhân để phục vụ người bệnh”.