Khi Chủ tịch nước đã có chỉ đạo làm rõ vụ án xâm phạm tình dục trẻ em ở Vũng Tàu thì Phó Thủ tướng cũng yêu cầu xem xét tố giác xâm hại trẻ em ở Hà Nội. Lập tức, có sự vào cuộc quyết liệt của cơ quan chức năng ngay. Quốc hội cũng có chủ trương giám sát chặt chẽ với hành vi này, dư luận có thể thở phào nhẹ nhõm.
Khi những vụ nhận xe biếu của các doanh nghiệp gây dư luận không tốt, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu dừng ngay hành vi này lại. Tiếp tục, các vụ nhận xe biếu của doanh nghiệp bị phanh phui, thì ra, không ít địa phương có những việc tương tự, sau Cà Mau, Cần Thơ, Nghệ An,... là Ninh Bình, địa phương này từng từ chối 3 xe tiền tỷ doanh nghiệp tặng, nhưng một huyện của tỉnh này đang “xài” 2 chiếc xe loại sang do doanh nghiệp biếu. Lý do tặng xe, dù ở đâu cũng na ná giống nhau: Doanh nghiệp “thương” địa phương nghèo, đi lại khó khăn, giúp xe để chống lụt bão,...
Chỉ trong lĩnh vực biếu xe thôi, chính quyền địa phương cũng nghe ngóng và “nhìn nhau mà làm” đấy chứ! Đến bây giờ thì đã lộ diện một phong trào doanh nghiệp biếu xe sang cho chính quyền và lãnh đạo địa phương rồi.
“Nhìn nhau mà làm” phổ biến nhất ở các lĩnh vực xây dựng và có lúc hiện tượng này trở thành phong trào như dự án các khu công nghiệp, sân bay, tượng đài, công viên,... mà không tính gì đến hiệu quả. Hiện tại, hậu quả đã nhãn tiền với các dự án nghìn tỷ “đắp chiếu” hoặc thua lỗ triền miên.
Về phía nhân dân, “nhìn nhau mà làm” rất phổ biến theo hướng tiêu cực. Lấn chiếm vỉa hè là một ví dụ, nhà nhà đều nhìn nhau mà lấn chiếm. Tương tự, việc đổ rác bừa bãi, họp chợ tự phát, xâm hại môi trường, cưới xin, ma chay linh đình, mê tín dị đoan,... ra sức bùng phát và có tính lây lan rộng lớn.
Một hiện tượng rất đáng quan tâm trong việc quản lý xã hội là những việc “nhìn nhau mà làm” theo hướng tiêu cực đó hầu như không được chính quyền sở tại quan tâm và ngăn chặn. Hệ thống chính trị ở cơ sở hầu như bất lực trước các hành vi xâm hại môi trường hay sinh hoạt cộng đồng thiếu văn hóa, văn minh. Còn như các đoàn thể hầu như tê liệt trước một thành viên nào đó của mình vi phạm pháp luật, đạo lý hay là nạn nhân của các hành vi đó. Hầu như tất cả mọi người dân đều là thành viên của một tổ chức nào đó: Công đoàn, thanh niên, phụ nữ, nông dân, người cao tuổi,... nhưng họ không được tổ chức của mình bảo vệ khi gặp sự cố do mình gây ra hoặc do người khác mang lại.
“Nhìn nhau mà làm” theo hướng tích cực là rất tốt, như một hiệu ứng của việc nêu gương và cũng là một biểu hiện của sự đồng thuận xã hội. “Nhìn nhau mà làm” diễn biến theo chiều hướng xấu thì đó là sự a dua, bắt chước thiếu lành mạnh, rất cần đến sự điều chỉnh của những người quản lý xã hội.