Thế nhưng, không phải trẻ nào cũng có những hiểu biết về quy định của pháp luật liên quan đến hành vi sexting.
Hành vi bình thường hay nguy hiểm?
Trong một nghiên cứu vừa được công bố, hơn một nửa số giáo viên đều đồng tình cảnh báo thực trạng trào lưu tin nhắn tình dục đang bùng phát ở lứa trẻ vị thành niên trong các học đường ở Tây Âu. Các trường hợp bắt quả tang học sinh từ 13 đến 16 tuổi lợi dụng phương tiện truyền thông xã hội trên smartphone để chia sẻ tin nhắn, hình ảnh hoặc video có tính chất quan hệ sinh lý nam nữ ngày càng nhiều, thậm chí có cả trẻ mới 7 tuổi.
Các nhóm nghiên cứu về “sexting” của Pew Internet & American Life Project (chương trình nghiên cứu tác động của Internet với cuộc sống của người dân Mỹ) đã tập trung nổi bật một thực tế thanh, thiếu niên nhìn nhận sexting theo nhiều cách khác nhau.
Theo bản báo cáo mang tên “Teens and Sexting” là kết quả tổng hợp từ các cuộc phỏng vấn theo nhóm của 74 thanh, thiếu niên ở 3 thành phố của nhóm nghiên cứu của Pew, một số teen được phỏng vấn cho biết sexting không đáng phải quan tâm.
“Tôi chỉ làm việc đó (sexting) với bạn gái của tôi. Chúng tôi đã quan hệ tình dục với nhau. Nó thực sự không phải là một vấn đề lớn”, một cậu học sinh trung học nói. Một số người khác còn khẳng định sexting là một phần trong văn hóa của thanh, thiếu niên, bởi nó có thể trở nên thuận tiện hơn và ít đáng sợ hơn hẹn hò theo kiểu truyền thống.
Tuy nhiên, vẫn có một số teen thừa nhận những mối nguy hiểm của sexting, trong đó có một thực tế là người nhận những bức ảnh nude có thể dễ dàng chia sẻ chúng cho bạn bè hoặc tải chúng lên Internet để trả thù. “Một cô gái đã gửi những bức ảnh cho bạn trai cô. Sau đó họ chia tay và anh bạn trai nọ gửi chúng cho bạn của mình, người bạn đó lại chia sẻ chúng cho tất cả mọi người ở trường tôi… Nó đã hủy hoại cô ấy”, một cậu học sinh kể lại.
Tại Việt Nam, kết quả của một nghiên cứu mới đây của nhóm tác giả PGS.TS Trần Thành Nam (Đại học Giáo dục - Đại học Quốc gia Hà Nội) chỉ ra trên đối tượng 697, học sinh, sinh viên thì có 77,4% em cho rằng, sexting là một hành vi bình thường: “Đối với tôi, nó vui và chẳng làm sao cả”; “Việc này là lựa chọn riêng của mỗi cá nhân”… Đối với các sinh viên này việc gửi tin nhắn hình ảnh cho nhau chính là một cách thức hẹn hò hoặc tạo nên cảm giác gần gũi với người yêu.
Tuy nhiên, theo khảo sát, cũng có khoảng 70% học sinh, sinh viên tham gia cuộc khảo sát nói rằng, sexting là hành vi thiếu an toàn, có thể dẫn đến nhiều nguy cơ như bị bắt nạt, lạm dụng tình dục trên mạng, dính líu pháp luật hoặc hình ảnh xấu sẽ bị truyền đi một cách không mong muốn.
Có tới 46% học sinh tham gia cuộc điều tra cho rằng, việc sexting ở những người dưới 18 tuổi là sai trái. Điều này cho thấy học sinh phổ thông ở Việt Nam đã bước đầu có những hiểu biết về quy định của pháp luật liên quan đến hành vi sexting.
Tiềm ẩn nhiều nguy cơ
Các nguy cơ từ sexting cũng khác nhau tùy theo mức độ. Ngoài việc hiển nhiên là phạm pháp khi lưu giữ, truyền bá hình ảnh khiêu dâm trẻ vị thành niên, việc bị phát hiện và những mâu thuẫn trong mối quan hệ được xem là nguy cơ cao nhất của sexting.
Hai yếu tố này có thể khiến đương sự trở nên lo lắng, hoảng hốt, tổn thương, trầm cảm... Vì thế, mọi hình thức ép buộc sexting phải được xem như là quấy rối tình dục. Một số nghiên cứu khác cho thấy sexting liên quan rất mật thiết tới lạm dụng tình dục, lừa đảo, đe dọa tống tiền...
Trong kết quả nghiên cứu của nhóm tác giả PGS.TS Trần Thành Nam có đến 70% học sinh, sinh viên tham gia cuộc khảo sát nói rằng sexting là hành vi thiếu an toàn, có thể dẫn đến nhiều nguy cơ như bị bắt nạt, lạm dụng tình dục trên mạng, dính líu pháp luật hoặc hình ảnh xấu sẽ bị truyền đi một cách không mong muốn. Nhưng 75% các bạn trẻ tin rằng xác suất để bị dính vào các sự kiện không may này rất thấp và hậu quả nếu có cũng không nghiêm trọng lắm (71%).
Theo Tạp chí Psychology Today, về mặt tình cảm, sexting có thể gây thiệt hại cho một người, đặc biệt là nếu nó gây tác dụng ngược và rơi vào tay kẻ xấu. Thanh, thiếu niên có một khả năng độc đáo để cảm thấy như họ bất khả chiến bại. Vì vậy, mặc dù họ có thể biết rằng sexting là sai, họ không nghĩ rằng họ sẽ bị bắt.
Một cảm xúc khác là việc sexting có thể dẫn đến bắt nạt cho thanh, thiếu niên có ảnh đã được gửi người khác. Thông thường, họ không tìm kiếm sự giúp đỡ vì bối rối và thất vọng, sợ làm cho nó tồi tệ hơn hoặc sợ gặp rắc rối. Nhiều thanh, thiếu niên có thể cảm thấy như họ bị mắc kẹt trong một cái bẫy không có lối thoát.
Là người có nhiều năm tham gia trị liệu tâm lý cho học sinh, sinh viên, TS Trần Thành Nam chia sẻ ông từng gặp và tư vấn cho nhiều trường hợp có biểu hiện trầm cảm, nảy sinh ý định tự tử, hủy hoại bản thân, bắt nguồn từ những hành động sexting.
“Có trường hợp học sinh được gia đình đưa đến trị liệu tâm lý vì hành động tự cắt vào tay mình. Người yêu lợi dụng, ép chụp ảnh khỏa thân, ảnh quan hệ với nhau, gây áp lực, thậm chí cưỡng bức trong các mối quan hệ khiến em bị trầm cảm. Ngoài ra, không ít trường hợp có ý định tự sát vì lộ ảnh nhạy cảm trên mạng hoặc bị chính người yêu dùng những hình ảnh đó để tống tiền” - theo PGS.TS Nam.
Một cuộc khảo sát khác ở Utah, Mỹ cho thấy, 18% nam sinh và 17% nữ sinh từng gửi ảnh chụp những chỗ nhạy cảm của mình qua smartphone. 1/3 nữ sinh và 1/2 nam sinh từng nhận được hình ảnh gợi tình. Và có đến 25% chia sẻ hình ảnh này cho người khác.
Học sinh thích sexting có khuynh hướng yêu đương và quan hệ tình dục sớm hơn bạn bè cùng lứa nhưng chưa bao giờ sexting. Đặc biệt, cũng dễ mắc hành vi tính dục nguy hiểm như hút chích ma túy, uống rượu mạnh trước khi quan hệ tình dục và có nhiều bạn tình cùng một lúc.
Chỉ trong vòng một năm, dịch vụ tư vấn ChildLine đã xử lý hơn 1.200 trường hợp với tư cách là đơn vị thiện nguyện hỗ trợ các trẻ em mất kiểm soát hình ảnh tình dục. Họ đã kết hợp với Tổ chức Internet Watch (IWF) để giúp xóa những hình ảnh ấy. Các cơ quan này cũng đang kêu gọi, vấn đề nên được các trường đưa vào chương trình giáo dục về giới tính và các mối quan hệ với từng lứa tuổi để trẻ được bảo vệ.
Cái khó cho các nhà làm luật là hành động sexting khi thực hiện giữa 2 cá nhân “có quan hệ tình cảm trên mức bình thường” lại hoàn toàn hợp pháp nhưng cũng có thể từ đó, những bức ảnh “nóng” sẽ được phát tán ra điện thoại của các học sinh khác và đích đến cuối cùng sẽ là một nơi nào đó trên mạng Internet.
Ở nước ta, mặc dù chưa có công trình nghiên cứu nào tương tự nhưng tình trạng trẻ vị thành niên trong nhà trường sử dụng smartphone để chia sẻ tin nhắn, hình ảnh hoặc video có tính chất quan hệ sinh lý nam nữ không phải là không có. Giải mã cho bài toán này đang làm đau đầu phụ huynh và các thầy cô, những người trực tiếp tiếp xúc với học trò của mình mỗi ngày.