Năm 2003, dịch SARS tại Việt Nam làm 37 nhân viên y tế nhiễm bệnh và dịch cúm A (H1N1) làm hàng chục nhân viên y tế nhiễm bệnh tại các cơ sở y tế. Năm 2014, dịch sởi đã làm gần 150 trẻ tử vong…
Gánh nặng y tế
Theo Tổ chức Y tế thế giới, hằng năm thế giới có khoảng 2 triệu bệnh nhân mắc nhiễm khuẩn bệnh viện (NKBV) lại nhớ NKBV làm 90.000 người tử vong và chi phí y tế tăng thêm 4,5 tỷ USD. Tại các nước phát triển, có khoảng 5 - 10% người bệnh nằm viện bị NKBV.
Còn tại Việt Nam, Bộ Y tế cho biết kết quả điều tra năm 1998 trên 901 bệnh nhân trong 12 bệnh viện toàn quốc cho thấy tỷ lệ NKBV là 11.5%, trong đó nhiễm khuẩn vết mổ chiếm 51% ; năm 2001 điều tra trên 5.396 bệnh nhân ở 11 bệnh viện toàn quốc (6 BV trung ương, 5 BV tỉnh) thì phát hiện 369 bệnh nhân với tỷ lệ NKBV là 6.8%, trong đó nguyên nhân do viêm phổi chiếm 41.8%; năm 2005 tỷ lệ NKBV trong 19 bệnh viện toàn quốc cho thấy là 5.7% và nguyên nhân do viêm phổi chiếm 55.4%.
Theo nghiên cứu của Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương năm 2013, khảo sát trên 3.671 người bệnh của 15 khoa hồi sức tích cực tại 15 bệnh viện từ 3 miền Bắc, Trung, Nam cho thấy tỷ lệ NKBV là 27,3%, tỷ lệ sử dụng kháng sinh thay đổi ở các khoa và bệnh viện dao động từ 60,5% đến 99,5%. Các bệnh viện tuyến Trung ương có tỷ lệ NKBV cao hơn và tác nhân hàng đầu NKBV tương tự các mầm bệnh.
Chưa có những nghiên cứu quốc gia đánh giá chi phí của NKBV, nhưng theo một nghiên cứu của Bệnh viện Chợ Rẫy thì NKBV làm kéo dài thời gian nằm viện 15 ngày với viện phí trung bình mỗi ngày là 192.000 đồng và tổng chi phí phát sinh do mắc NKBV khoảng 3.000.000 đồng.
Tại Bệnh viện Bạch Mai, số ngày nằm viện gia tăng do nhiễm khuẩn vết mổ là 11,4 ngày, nhiễm khuẩn huyết là 24,3 ngày và nhiễm khuẩn hô hấp 7,8 ngày với tổng chi phí phát sinh trung bình tăng thêm lần lượt là 1,9 triệu đồng, 32,3 triệu đồng và 23,6 triệu đồng.
Kết quả điều tra tại một số bệnh viện phía Bắc (Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Việt Đức, Bệnh viện Thanh Nhàn, Bệnh viện Lao & Bệnh phổi Trung ương), tỷ lệ NKBV hàng năm từ 3-7% chủ yếu là nhiễm trùng hô hấp, vết mổ và tiết niệu.
Nhắc đến NKBV lại nhớ năm 2003, dịch SARS tại Việt Nam làm 37 nhân viên y tế nhiễm bệnh và dịch cúm A (H1N1) làm hàng chục nhân viên y tế nhiễm bệnh tại các cơ sở y tế. Năm 2014, dịch sởi đã làm gần 150 trẻ tử vong. Những con số đau thương trên là một bài học xương máu cho ngành y tế trong việc kiểm soát nhiễm khuẩn kém khiến bệnh nhân bị lây chéo, nhân viên y tế cũng bị lây bệnh từ bệnh nhân…
Làm thế nào để giảm nhiễm khuẩn bệnh viện?
Trước những gánh nặng do NKBV gây ra, nhiều hệ thống tổ chức kiểm soát nhiễm khuẩn đã được thiết lập ở hầu hết các bệnh viện trong toàn quốc. Báo cáo tại hội thảo khoa học về kiểm soát NKBV trong các cơ sở khám, chữa bệnh vừa diễn ra mới đây cho thấy hiện có đến 72,6% bệnh viện đã xây dựng kế hoạch giám sát nhiễm khuẩn (GSNK) hàng năm nhưng việc thực hiện GSNK bệnh viện vẫn còn thấp.
Theo kết quả khảo sát của Bộ Y tế, mới chỉ có 35,29% bệnh viện có bộ phận GSNK chuyên trách. Việc triển khai GSNK kém, dẫn tới khó kiểm soát được thực trạng nhiễm khuẩn tại các cơ sở y tế.
Theo Phó Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh Hoàng Văn Thành, các bệnh viện hiện tại chưa quan tâm đúng mức đến công tác GSNK bệnh viện, chưa chú ý kiện toàn bộ phận GSNK bệnh viện. Cụ thể, trong năm 2016 chỉ có 37,39% số bệnh viện thực hiện GSNK hiện mắc trong toàn bệnh viện; 23,84% thực hiện GSNK mắc mới tại các khoa trọng điểm; 28,63% bệnh viện thực hiện giám sát NKBV hiện mắc tại các khoa trọng điểm hoặc nhóm bệnh trọng điểm. Tỷ lệ bệnh viện thực hiện GSNK đối với các bệnh trọng điểm thấp.
Trong số 121 bệnh viện việc thực hiện GSNK vết mổ chỉ chiếm 25,42%. Những con số này còn thấp hơn trong giám sát viêm phổi thở máy (14,46%); giám sát nhiễm khuẩn huyết (12,61%) và giám sát nhiễm khuẩn tiết niệu (14,29%). Trong tổng số 93 bệnh viện có thực hiện GSNK hiện mắc năm 2016, tỷ lệ nhiễm khuẩn bệnh viện chung là 3,6% (cao nhất tuyến tỉnh với 5,06%, tuyến trung ương 2,79%, tuyến huyện 2,11% và bệnh viện tư nhân 1,45%).
Giám sát vi sinh và vi khuẩn kháng thuốc dù tăng so với năm 2015 (8,1%), ở mức 13,45%, nhưng vẫn ở mức thấp. 40,97% bệnh viện thực hiện giám sát vi sinh trong môi trường tại những khu vực có nhiều nguy cơ lây nhiễm.
Nhận định GSNK là một trong những yếu tố quan trọng để cải thiện tình hình NKBV, nhiều chuyên gia y tế đưa ra đề nghị, cần sớm xây dựng và đưa vào hoạt động hệ thống GSNK quốc gia. Bộ Y tế cần chỉ đạo, hỗ trợ cho sáu bệnh viện gồm Bạch Mai, Chợ Rẫy, Trung ương Huế, Nhiệt đới Trung ương, Đại học Y - Dược TP Hồ Chí Minh và Bệnh viện Nhi Đồng 1 hoàn thiện mô hình bệnh viện mẫu về KSNK. Trong đó, hoàn thiện hoạt động giám sát NKBV trước hết là GSNK huyết và nhiễm khuẩn tiết niệu.
Tuy nhiên, trước khi hệ thống GSNK được phê duyệt, xây dựng và đưa vào hoạt động thì tình trạng NKBV vẫn sẽ là vấn đề nhức nhối, khó kiểm soát. Cách đơn giản nhất để người bệnh và nhân viên y tế tránh được NKBV là thực hiện theo khuyến cáo của WHO, vệ sinh bàn tay trước và sau mỗi lần tiếp xúc với bệnh nhân, trước khi làm các thủ thuật vô khuẩn, sau khi tiếp xúc với dụng cụ y tế nhiễm khuẩn.
Tỷ lệ NKBV và tỷ lệ tuân thủ vệ sinh tay ở nhân viên y tế có mối liên quan nghịch, nếu tuân thủ vệ sinh tay càng tăng thì NKBV càng giảm và ngược lại, nhiều nghiên cứu cũng xác định sát khuẩn tay là biện pháp quan trọng nhất để dự phòng lây truyền tác nhân gây bệnh trong các cơ sở y tế.
Tuân thủ nghiêm ngặt kỹ thuật vô khuẩn với các dụng cụ phẫu thuật, nội soi... khi thực hiện các thủ thuật xâm nhập, phẫu thuật, chăm sóc vết thương như tại vùng da bệnh nhân dự kiến phẫu thuật. Các dụng cụ, đồ dùng trong bệnh viện (quần áo, giường tủ...) và chất thải của bệnh nhân cần được vệ sinh, khử khuẩn bằng các biện pháp thích hợp, đối với các dụng cụ y tế dùng lại phải bảo đảm xử lý vệ sinh theo đúng các quy định của Bộ Y tế.
Tổ chức thực hiện các biện pháp cách ly phòng ngừa như: phòng ngừa chuẩn, phòng ngừa bổ sung (dựa theo đường lây truyền bệnh); tổ chức thực hiện các hướng dẫn và kiểm tra các biện pháp thực hành kiểm soát nhiễm khuẩn theo tác nhân, cơ quan và bộ phận bị NKBV. Một số trường hợp cần thiết có thể tiến hành cách ly nhằm ngăn ngừa sự lây lan từ bệnh nhân sang bệnh nhân, nhân viên y tế, người nhà, khách thăm...