Chính quyền bị 'bịt mắt'?
Theo phản ánh của bạn đọc Báo Pháp luật Việt Nam, tại thôn Lại Dụ, xã An Thượng, huyện Hoài Đức (Hà Nội) hàng chục nhà xưởng tự ý xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp, đất nông nghiệp mua bán trao tay gây bức xúc trong nhân dân.
Thực tế, tại diện tích khoảng 4ha đất bãi nông nghiệp trồng cây lâu năm như nhãn, bưởi, ổi... thôn Lại Dụ, xã An Thượng, nhiều hộ dân đang tự ý xây dựng nhà xưởng như một "khu tiểu thủ công nghiệp" và đổ bê tông khoảng 4m làm đường đi vào.
Hàng nghìn m2 đất nông nghiệp đang bị người dân thôn Lại Dụ, An Thượng xây nhà xưởng. Ảnh: Xuân Hồng. |
Hiện có khoảng 30 công trình nằm gọn trong khu vực bãi sông và hành lang thoát lũ, đoạn đê tả sông Đáy từ K15+500 đến K16+600, thuộc thôn Lại Dụ, xã An Thượng. Chưa kể các công trình xây dựng mới trong năm 2016.
Trong đó, diện tích xưởng và kho vào khoảng 3.000 m2 của ông Phạm Văn Sơn, tiếp đến là nhà xưởng của ông Lê Huy Thức 2.100m2; Công ty TNHH Phú Thịnh 1.500m2; nhà xưởng của bà Ngô Thị Thanh 1.300m2; xưởng bánh kẹo của ông Nguyễn Quang Dương 1.200m2; xưởng sản xuất máy ép gạch không nung của ông Trương Hùng Tiệp 1.050m2; Công ty Tân Hưng Phát 1.050m2; Công ty Bao bì Ánh Dương 1.050m2; kho thuốc sâu của bà Nguyễn Thị Hồng Hà 1.050m2… Còn lại phần lớn các xưởng có diện tích từ 300 đến 700m2.
Ông Lê Thiên Dương, Hạt trưởng Hạt Quản lý Đê điều Hoài Đức cho biết, "trong số 30 trường hợp đã thống kê có một số nhà xưởng nằm trong hành lang thoát lũ của Sông Đáy, vi phạm nghiêm trọng Luật Đê điều".
Một trong những vi phạm mới nhất là công trình của nhà ông Chu Hưng Lê Huy trú quán ở thôn Ngãi Cầu, xã An Khánh (huyện Hoài Đức). Ông Huy đã tự ý chuyển đổi mục đích sử dụng từ đất nông nghiệp sang đất phi nông nghiệp trên diện tích gần 800m2.
Khi phóng viên Báo PLVN đến thực tế tại hiện trường, bỗng xuất hiện một nam thanh niên “mặt hằm hằm sát khí” đi xe máy SH-BKS 30M6-3147 chặn ngang đầu xe của PV, liên tiếp chỉ vào mặt PV và tuôn những lời lẽ thô tục đe dọa: “Chụp ảnh linh tinh đ... qua công an xã, tôi gọi mấy anh em nó ra đập... luôn bây giờ”.
PV hỏi lại, "anh là công an thì cho xin số điện thoại tên và đơn vi công tác?", thanh niên này không nói, quay xe bỏ đi.
Nam thanh niên đe dọa PV khi tác nghiệp tại thôn Lại Dụ. Ảnh: Xuân Hồng cắt từ video. |
PV Báo PLVN cung cấp video ghi nhận việc nam thanh niên chặn xe và và có lời nói đe dọa cho chính quyền địa phương. Ông Nguyễn Chí Lương, Chủ tịch UBND xã và ông Nguyễn Quang Lâm, Trưởng công an xã An Thượng, cho biết, nam thanh niên không thuộc công an xã An Thượng. Người này tên Chu Hưng Lê Huy, dân xã An Khánh, có xưởng xây dựng tại thôn Lại Dụ.
Đơn vị chức năng địa phương cho biết thêm, sẽ gọi nam thanh niên trên lên làm việc, xác minh lại vụ việc về thanh niên trên mạo danh công an, xúc phạm PV. Và sẽ cân nhắc biện pháp xử lý theo thẩm quyền.
Xử lý 4ha đất lấn... trên giấy?
Trước phản ánh của PV về vùng đất bãi thôn Lại Dụ của xã An Thượng hiện như một "khu tiểu thủ công nghiệp hoạt động chui", Chủ tịch UBND xã An Thượng Nguyễn Chí Lương cho biết: Vùng đất bãi Sông Đáy thuộc thôn Lại Dụ được quy hoạch là đất nông nghiệp trồng cây lâu năm (chủ yếu là cây nhãn chín muộn).
Từ năm 1994, khu vực này hình thành một số nhà xưởng sản xuất, tuy nhiên tình trạng quản lý đất đai lỏng lẻo của chính quyền địa phương kéo dài trong nhiều năm đã dẫn đến việc xây dựng nhà xưởng tràn lan.
Khi để xảy ra tình trạng vi phạm Luật Đất đai, Luật Đê điều, đặc biệt là những vi phạm mới đang xảy ra, ông Nguyễn Chí Lương thừa nhận trách nhiệm thuộc chính quyền địa phương. Tuy nhiên, do lực lượng mỏng, trang thiết bị không đầy đủ, quy mô vi phạm lớn nên UBND xã gặp rất nhiều khó khăn trong ngăn chặn, xử lý.
"Vi phạm cũ chúng tôi sẽ từng bước xử lý, đối với những vi phạm mới sẽ kiên quyết xử lý dứt điểm" - ông Lương cho biết thêm.
Cũng theo ông Nguyễn Chí Lương, trong một động thái "hợp lý hóa khu vực này thành điểm tiểu thủ công nghiệp vừa và nhỏ", từ năm 2013 trong Nghị quyết sử dụng đất đến năm 2020 của HĐND xã, trong quy hoạch nông thôn mới, xã đã đưa khu bãi khoảng 4ha thôn Lại Dụ vào quy hoạch cụm điểm công nghiệp, và đã báo cáo UBND huyện. Tuy nhiên, đến nay chủ trương này vẫn chưa được chấp thuận...
Ông Nguyễn Chí Lương trao đổi với PV Báo PLVN về xây dựng nhà xưởng trái phép trên đất nông nghiệp. Ảnh: Xuân Hồng. |
Liên quan đến vấn đề này, ông Nguyễn Anh - Phó Chủ tịch UBND huyện Hoài Đức cho biết: Đề xuất của UBND xã An Thượng chưa được thông qua vì vướng vào quy hoạch thoát lũ Sông Đáy, thể hiện tại Quyết định 1821/QĐ-TTg ngày 7/10/2014 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch phòng chống lũ và đê điều hệ thống Sông Đáy. Những vi phạm tại khu bãi Lại Dụ đến thời điểm này, vẫn không có dấu hiệu dừng. Mặc dù từ năm 2013 đến nay, Huyện ủy, UBND huyện Hoài Đức đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo xử lý.
“Huyện đã thành lập Tổ công tác xử lý vi phạm đất đai tại xã An Thượng, trên cơ sở kiểm tra, rà soát sẽ kiên quyết xử lý các vi phạm về đất đai theo quy định của pháp luật. Theo kết quả rà soát mới nhất, Tổ công tác đã thông báo: Các trường hợp vi phạm phát sinh đến thời điểm tháng 2-2010 là 31 trường hợp với tổng diện tích hơn 24.000m2. Trong năm 2015 và những tháng đầu năm 2016 tiếp tục phát sinh 7 vụ vi phạm mới, như trường hợp ông Nguyễn Quang Trịnh 1.133m2; ông Phạm Văn Thư 803m2; Phạm Văn Tỉnh 512m2; Nguyễn Anh Liêm 922m2…". – ông Nguyễn Anh cho biết thêm.
Phó Chủ tịch UBND huyện Nguyễn Anh nhấn mạnh: "Qua phân loại, vi phạm nào thuộc thẩm quyền cấp xã thì UBND xã chỉ đạo xử lý, cấp huyện thì UBND huyện chỉ đạo xử lý. Trong kế hoạch chúng tôi giao cụ thể trách nhiệm từng ngành, nếu không hoàn thành sẽ xử lý kỷ luật cá nhân, tập thể liên quan".
Về nhiệm vụ trước mắt, UBND huyện sẽ chỉ đạo UBND xã cùng các ngành liên quan kiểm tra, rà soát, kiên quyết ngăn chặn và xử lý nghiêm những vi phạm mới. Về hướng xử lý đối với những vi phạm cũ, ông Nguyễn Anh cho biết thêm, đã có báo cáo xin ý kiến của Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội, tuy nhiên đến nay UBND huyện chưa nhận được hướng dẫn cụ thể.
Thực tế, sau nhiều năm xử lý vi phạm sử dụng đất đai ở xã An Thượng, mọi công việc vẫn chỉ nằm trên “giấy” và dừng lại ở khẩu hiệu "kiểm tra, rà soát, kiên quyết ngăn chặn và xử lý nghiêm những vi phạm". Chính vì vậy, tình trạng vi phạm không những không giảm mà còn có chiều hướng gia tăng, nguy cơ mất an ninh trật tự xảy ra, gây bức xúc trong dư luận quần chúng nhân dân.
Báo Pháp luật Việt Nam tiếp tục thông tin tới bạn đọc.