Trong những ngày qua, hàng trăm nhà xe các tuyến Đà Nẵng - Huế, Quảng Trị, Quảng Bình, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định… và ngược lại trên địa bàn thành phố Đà Nẵng đã phản ánh, nhiều tài xế bị hành hung vì không dừng xe theo yêu cầu của hành khách, còn nếu dừng thì trái với quy định cấm dừng, đón trả khách trên các tuyến đường Tôn Đức Thắng, đường Trường Chinh, Ngã ba Huế…
Theo quy định, nhà xe phải đón và trả khách trong bến xe. |
Nhằm lập lại trật tự vận tải, xóa bỏ các điểm “nóng” “bến cóc, xe dù” trên địa bàn thành phố, mới đây, Công ty CP Vận tải và Quản lý bến xe Đà Nẵng đã đưa ra quy định đối với các nhà xe chạy tuyến Đà Nẵng – Huế, Quảng Trị, Quảng Bình, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định… khi xuất bến tuyệt đối không cho xe đậu, đỗ, quần đảo, đón khách tại khu vực trước cổng Bến xe Trung tâm, đường Tôn Đức Thắng, đường Trường Chinh, khu vực Ngã ba Huế; không được đưa xe vào các cửa hàng xăng dầu trên 2 tuyến đường nói trên để lợi dụng đón, trả khách.
Nếu xe nào vi phạm, bị tổ công tác liên ngành lập biên bản hoặc tổ công tác theo dõi, giám sát gửi danh sách về công ty thì ngoài việc xử lý của cơ quan chức năng, nhà xe còn bị đình phiên hoặc đình chỉ hoạt động. Tuy nhiên, sau khi quy định này được áp dụng, nhiều tài xế bị hành khách đe dọa vì không dừng xe theo yêu cầu của hành khách. Anh Lê Hồng Sơn, chủ xe 43S- 4990 chạy tuyến Đà Nẵng – Đông Hà (Quảng Trị) cho biết: Về quy định của thành phố, chúng tôi đồng tình, bởi hiện nay tình trạng “xe dù, bến cóc” xuất hiện ở nhiều khu vực, gây mất an toàn giao thông và văn minh đô thị. Nói thật, từ khi quy định này được áp dụng, những điểm “nóng” về “xe dù, bến cóc” cũng như tình trạng “cò” xe, bắt chẹt hành khách và nhà xe đã giảm hẳn.
Nhưng cũng vì quy định này, nhiều tài xế đã bị hành khách nổi khùng vì tài xế không đáp ứng yêu cầu dừng xe của hành khách. Đơn cử như cách đây vài ngày, xe của tôi chở hơn chục hành khách từ Đông Hà vào Đà Nẵng, khi đến Trường Đại học Bách khoa, nhiều hành khách đòi xuống nhưng tài xế không thể dừng, bởi nếu dừng sai quy định sẽ bị xử phạt và đình phiên liền. Vì không dừng theo yêu cầu của hành khách, tài xế đã bị “thượng đế” dở chứng côn đồ”. “Nhằm tạo thuận lợi cho cả nhà xe lẫn hành khách, chúng tôi đề nghị các ngành chức năng của thành phố cần lập các điểm đón trả khách hợp lý trên các tuyến đường Tôn Đức Thắng, Nguyễn Lương Bằng, Trường Chinh”, anh Đỗ Tình, chủ xe 43S – 7721 chạy tuyến Đà Nẵng – Huế đề nghị.
Theo bà Trương Thị Hà, Phó GĐ Công ty CP Vận tải và Quản lý bến xe Đà Nẵng, việc cấm các tuyến xe khách liên tỉnh bắt khách dọc các đường xung quanh khu vực Bến xe Trung tâm đã được giao cho cơ quan liên ngành gồm CSGT, Thanh tra GT và CS 113 thực hiện từ tháng 8-2008 nhưng chưa phát huy tối đa hiệu quả. Đến ngày 1-8-2010, lực lượng Cảnh sát trật tự 113 được nhận nhiệm vụ trực tiếp giám sát, quản lý hoạt động này. Đồng thời hình thức xử phạt đình chuyến được áp dụng triệt để hơn, thay vì phạt hành chính đối với các xe khách vi phạm về trật tự đón trả khách. Theo đó, xe vi phạm lần 1 sẽ đình 1 ngày, lần 2 là 5 ngày, lần 3 là 15 ngày và nếu vi phạm lần thứ 4 sẽ đề nghị Sở GTVT đình chỉ hoạt động. Sau gần 1 tháng thực hiện quyết liệt, đã có 97 trường hợp xe khách vi phạm, có 5 trường hợp vi phạm bị đình chuyến lần 2. Đây là một dấu hiệu đáng mừng trong việc lập lại trật tự đưa đón khách tại bến xe Đà Nẵng, đặc biệt là một năm học mới lại bắt đầu.
Tuy nhiên, thực tế cho thấy, quãng đường kiểm soát việc cấm đón trả khách là quá dài, trong khi lực lượng chức năng lại quá mỏng, không thể kiểm soát được 24/24 giờ, nên tình trạng xe vi phạm vẫn có thể xảy ra. Theo quan sát của chúng tôi, trên tuyến đường Nguyễn Lương Bằng nối với đường Tôn Đức Thắng, “cửa ngõ” của các tuyến xe khách phía Bắc, mỗi ngày vẫn thường xuất hiện các xe khách chạy kiểu “đưa đám” để đón khách thay vì dừng một chỗ như trước đây. Lực lượng tiếp tay cho những chiếc xe khách này chính là những “cò” di động, họ dùng xe máy chạy khắp các ngả đường để tìm khách cho các nhà xe.
Theo ông Lê Viết Hoàng, Giám đốc Công ty CP Vận tải và Quản lý bến xe Đà Nẵng, việc ban hành các hình thức cấm cũng như xử phạt xe khách vi phạm luôn được công ty nhiệt liệt hưởng ứng vì đặc trưng của khu vực vận tải này rất phức tạp, rất dễ xảy ra hỗn loạn nếu không được các cơ quan chức năng kiểm tra và xử phạt triệt để. Trả lời về những bức xúc của hành khách, ông Hoàng cho biết, trong cuộc họp với các cơ quan liên ngành, nhiều đại diện cũng đã đề xuất việc thành lập các điểm đón trả khách để việc quản lý trật tự giao thông được hiệu quả hơn. Tuy nhiên điều này cũng gặp không ít khó khăn về việc bố trí lực lượng quản lý. “Nhiều sinh viên từ quê vào mang theo bì gạo lớn muốn xuống tại Trường ĐH Sư phạm thì không thể để các em chạy xuống bến xe rồi bắt xe thồ lên tốn hàng chục ngàn đồng được”, ông Hoàng đơn cử.
"Nên khai thác tuyến đường tránh hiệu quả hơn": Đó là ý kiến của ông Phan Tân (ảnh), Chủ nhiệm HTX Dịch vụ -Vận tải đường bộ Liên Chiểu khi nói thêm về nguyên nhân mất trật tự tại khu vực xung quanh Bến xe Đà Nẵng. Theo ông Tân, mặc dù tuyến đường tránh Đà Nẵng đã được hoàn thành và đưa vào sử dụng từ năm 2008 nhưng vẫn chưa đạt hiệu quả cao. |
Bài và ảnh: Trọng Hùng - Phan Chung