25% nam thanh niên cho rằng “bình thường khi chồng đánh vợ”
Mới đây vụ người vợ bị chồng xích cổ như vật nuôi trong nhà tại Kiến Xương, Thái Bình đã một lần nữa gióng lên tính chất đáng lo ngại của các vụ bạo lực gia đình ở Việt Nam. Theo vụ việc, vì người chồng nghi ngờ vợ có nhân tình, trước khi đi làm đã dùng xích và khóa xích cổ vợ vào chiếc xe đồ chơi. Khi gia đình vợ phát hiện thấy con gái đang bị xích đã đi báo cho trưởng thôn và công an xã.
Con số từ kết quả Điều tra quốc gia bạo lực gia đình đối với phụ nữ năm 2010 thực hiện trong Chương trình phối hợp giữa Liên Hợp quốc và Chính phủ Việt Nam cho thấy, 6,4% phụ nữ từng bị bạo lực về thể xác; khoảng 4% từng bị bạo lực tình dục và 25% từng bị bạo lực về tinh thần bởi người chồng trong 12 tháng trước cuộc khảo sát. Các hành vi bạo lực giữa vợ và chồng thể hiện ở hầu hết các dạng bạo lực: tinh thần, thể xác, tình dục, kinh tế.
Trong đó, mỗi dạng bạo lực đều có những hành vi rất cụ thể. Kết quả điều tra tình hình bạo lực gia đình năm 2013 nhằm nghiên cứu các giải pháp phòng chống bạo lực gia đình ở Việt Nam hiện nay do Vụ Gia đình – Bộ VHTT&DL thực hiện cho thấy trong số 130 gia đình nghiên cứu thì người chồng vẫn là người gây bạo lực nhiều hơn so với người vợ (kể cả hình thức mắng chửi hay đánh đập).
Bên cạnh các nguyên nhân do rượu, bia, do kinh tế… thì quan niệm văn hóa về nam tính – nữ tính và những nhận thức về giới cũng là nguyên nhân gây ra bạo lực gia đình. Các nghiên cứu đều cho thấy, đại đa số các vụ bạo lực gia đình ở Việt Nam là bạo lực chống lại phụ nữ do nam giới thực hiện với lý do phân biệt đối xử hoặc do tình trạng bất bình đẳng. Việc sử dụng bạo lực của người chồng với vợ nhiều khi được xem là “công cụ hợp pháp” để thiết lập và duy trì quyền năng của người chồng đối với người vợ.
Một nghiên cứu về thanh niên do UNESCO tiến hành năm 2012 phát hiện rằng 65,5% thanh niên được khảo sát cho rằng “đàn ông luôn xứng đáng được nhận sự tôn kính từ phía vợ, con mình” và 25% nam thanh niên cho rằng “sẽ là bình thường khi chồng đánh vợ vì lý do vợ phản bội hoặc lừa dối chồng”. Đem nhận định này so sánh với vụ ở Kiến Xương, Thái Bình thì thấy hoàn toàn trùng khớp khi người chồng trước cơ quan chức năng một mực không nhận lỗi và cho rằng “vợ tôi, tôi có quyền dạy bảo”.
Từ góc độ luật sư từng tham gia nhiều vụ án về bạo lực gia đình, luật sư Nguyễn Văn Tú phân tích, nguyên nhân lớn dẫn đến bạo lực gia đình thực sự thuộc về văn hóa, những hệ thống định kiến xã hội như “dạy con từ thuở còn thơ, dạy vợ từ thuở bơ vơ mới về”; con theo cha, vợ theo chồng đã trao cho người chồng có quyền, trọng trách chính của gia đình…
Những định kiến này trải qua từ đời này sang đời khác đã tạo nên mối quan hệ trong gia đình bị phân biệt. Đến nay nhờ có giao thoa văn hóa Đông - Tây, kim - cổ, nên hiện nay phụ nữ, trẻ em đều có quyền bình đẳng, điều này xung đột với hệ thống cũ. Sự xung đột ở mỗi gia đình biểu hiện khác nhau, có gia đình xung đột bằng chân tay, nhưng có gia đình lại xung đột ở tinh thần, trí tuệ, khó phán đoán mà đôi khi diễn biến còn nguy hại, khốc liệt hơn xung đột chân tay.
Cái tát đầu tiên với nhát dao cuối cùng rất gần nhau
Đó là cách nói ví von của nhiều cán bộ gia đình khi nói về “vòng tròn” bạo lực vẫn đang rất khép kín mà pháp luật chưa thể phá vỡ được. Có một thực tế rằng, trong cuộc sống, khi bạo lực gia đình diễn ra, những nạn nhân bị bạo lực, đặc biệt là phụ nữ thường có xu hướng im lặng, chịu đựng vì người gây ra bạo lực chẳng phải ai xa lạ mà chính là người thân trong gia đình của mình. Chính sự mềm lòng, nhân nhượng, tha thứ ấy đã dẫn đến hiện tượng “vòng tròn” bạo lực “bủa vây” họ và gia đình họ, làm cho cấp độ bạo lực càng ngày càng lên cao và “cái tát đầu tiên với nhát dao cuối cùng rất gần nhau”.
Ở vụ chồng xích cổ vợ tại Kiến Xương, Thái Bình, khi cơ quan chức năng can thiệp, chị Hương (người vợ bị chồng đối xử như với vật nuôi trong nhà) vẫn một mực viết đơn xin miễn giảm trách nhiệm cho chồng vì không muốn chồng bị xử lý theo pháp luật. Không chỉ vậy, chị Hương còn bày tỏ không oán trách trước những hành động bạo hành mà anh Tùng gây ra. “Mặc dù bị chồng hành xử như vậy, nhưng là người phụ nữ cam chịu nên khi lên làm việc với cơ quan chức năng, chị Hương vẫn một điều “anh ấy” hai điều “anh ấy” và xin cơ quan chức năng xử lý “nhẹ tay” vì “chúng em vẫn còn tình cảm với nhau”, vị đại diện UBND xã Trà Giang – nơi xảy ra vụ việc cho báo chí biết.
Về phía chính quyền, quan điểm “xin xử lý nhẹ tay” này cũng tồn tại khi Hội LHPN huyện Kiến Xương cho biết: “Nạn nhân không muốn làm bung bét sự việc bởi bản thân ông chồng cũng đã nhận lỗi lầm và xin vợ tha thứ. Quan trọng hơn, họ vẫn còn hai đứa con nữa, các cháu đang tuổi ăn, tuổi lớn”.
Phải chăng, cách thức cá nhân và xã hội Việt Nam ứng xử với bạo lực gia đình đã và đang đúng như nhận định trong các báo cáo của Liên Hợp quốc rằng các giá trị và chuẩn mực văn hóa xã hội ở Việt Nam dựa trên Nho giáo có tác dụng dung dưỡng cho chế độ phụ quyền, đặc trưng bởi các dàn xếp trong gia đình theo hướng người đàn ông chiếm ưu thế. Triết lý âm và dương làm cho xã hội quan niệm rằng sự mạnh mẽ của nam giới và sự nhu mì của nữ giới là điều bình thường và nữ giới nín nhịn trong các vụ bạo lực gia đình cũng là điều tất nhiên.