Trẻ em trong gia đình có bạo lực gia đình, khả năng học tập bị suy giảm nghiêm trọng và một bộ phận các em có xu hướng sử dụng bạo lực khi giải quyết mâu thuẫn, xung đột với bạn bè. Đây là một trong các nguyên nhân dẫn đến tình trạng bạo lực học đường gia tăng trong thời gian qua... Chính vì thế sự chung tay của các ban ngành, địa phương phòng chống bạo lực gia đình (PCBLGĐ) là rất cần thiết và cần làm ngay.
Nhân Tháng hành động quốc gia về phòng chống bạo lực gia đình năm 2017, với sự chứng kiến của lãnh đạo Bộ VHTTDL, đại diện 19 tỉnh, thành tiêu biểu cho ba miền Bắc – Trung – Nam trên cả nước đã cùng ký cam kết “Từng bước ngăn chặn và giảm dần số vụ bạo lực gia đình trên phạm vi địa bàn quản lý” với những nội dung và chỉ tiêu như:
Đưa mục tiêu PCBLGĐ vào kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, bố trí đủ nguồn lực thực hiện nhiệm vụ PCBLGĐ. Hàng năm tổ chức các chiến dịch, sự kiện truyền thông, vận động về PCBLGĐ ở cấp tỉnh, cấp huyện và một số đơn vị cấp xã trọng điểm; Phấn đấu đến hết quý I năm 2018 có trên 90% đơn vị cấp xã xây dựng và duy trì hộp thư, số điện thoại tiếp nhận thông tin BLGĐ, địa chỉ tin cậy ở cộng đồng; Phấn đấu đến quý IV năm 2018 có trên 70% số đơn vị cấp xã xây dựng và duy trì, nhân rộng mô hình PCBLGĐ; 100% cơ quan, đơn vị khi phát hiện hoặc nhận tin báo về BLGĐ kịp thời xử lý hành vi và người gây BLGĐ theo thẩm quyền, kịp thời hỗ trợ nạn nhân BLGĐ; Chỉ đạo và tổ chức việc thu thập thông tin về BLGĐ, thực hiện báo cáo thống kê về BLGĐ đầy đủ, gửi Bộ VHTTDL trước 15/7 và 15/12 hàng năm.
Cũng ngay tại buổi ký cam kết, bên cạnh quyết tâm thực hiện, đại diện nhiều địa phương cũng bày tỏ những băn khoăn. Ông Mai Bá Hùng – Phó Giám đốc Sở VHTT TP HCM kiến nghị cần có sự chỉ đạo để khôi phục lại phong trào thể thao gia đình, vì theo ông Hùng, phong trao thể thao gia đình không những giúp các thành viên gia đình khỏe về thể chất, tinh thần mà còn tăng cường sự gắn kết tình cảm gia đình – gốc rễ để xóa nạn bạo lực gia đình.
Ông Phan Tiến Dũng – Giám đốc Sở VHTTDL Thừa Thiên Huế cho rằng, bạo lực gia đình giờ đây không có nghĩa chỉ là nắm đấm, bạo lực mà nó đã “lặn sâu” trong gia đình với nhiều hình thức tinh vi, khó phát hiện. Vì thế, “đề nghị Bộ VHTTDL tăng cường phát triển mô hình PCBLGĐ cho địa phương và phát triển mạch truyền thông với cơ quan thông tin đại chúng để có sự phản ánh kịp thời từ địa phương lên trung ương”.
Là một tỉnh miền núi phía Bắc còn nhiều khó khăn, ông Đặng Văn Hùng – Giám đốc Sở VHTTDL Sơn La bày tỏ lo lắng các tiêu chí trong cam kết đơn vị mình sẽ khó thực hiện kịp tiến độ vì “tỷ lệ hộ nghèo ở địa phương cao có ảnh hưởng không nhỏ đến công tác gia đình. Qua theo dõi chúng tôi nhận thấy phần lớn các vụ bạo lực gia đình ở địa phương xuất phát vì lý do kinh tế”. Cũng theo ông Hùng, tuy khó khăn nhưng Sơn La vẫn sẽ cố gắng thực hiện tốt công tác PCBLGĐ, tháng 7 tới đây, Sơn La sẽ ban hành Nghị quyết cộng tác viên và chính sách gia đình để xây dựng và phát triển đội ngũ cộng tác viên gia đình (được hưởng phụ cấp) tới từng thôn bản, kịp thời thông tin những vấn đề khúc mắc về gia đình và PCBLGĐ.
Là người có nhiều năm công tác trong lĩnh vực gia đình, trẻ em và đến nay vẫn có rất nhiều đóng góp cho hoạt động này, bà Trần Thị Thanh Thanh, nguyên Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Bảo vệ và Chăm sóc trẻ em đã kể lại một câu chuyện mà bà đã gặp tại một hội thảo về PCBLGĐ tại Thừa Thiên Huế: “Khi tôi gặp một số ông chồng đã từng đánh vợ, họ nói với tôi rằng thực ra họ thương vợ họ lắm, nhưng lúc đó không kìm chế được nên đã vung tay. Họ mong muốn được bày cách kìm chế để khỏi đánh vợ. Chúng ta rất cần một đội ngũ tuyên truyền viên giỏi về PCBLGĐ, để hướng dẫn, bày cách mọi người tránh xa bạo lực gia đình một cách hiệu quả nhất” – bà Thanh Thanh bày tỏ.
... Qua câu chuyện trên đây có thể thấy, PCBLGĐ không đơn giản nhưng chúng ta vẫn nghĩ. Chỉ dùng pháp luật để trừng trị, trấn áp kẻ vũ phu không đủ, mà rất cần các giải pháp “lạt mềm” khác để “buộc chặt” những hành vi bạo lực.