Ý tưởng táo bạo
Hơn hai năm trở lại đây, nhiều người dân đi qua khu vực cánh đồng của xã Bảo Thành và Sơn Thành (huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An) đều vô cùng lạ lẫm trước sự xuất hiện của đàn cừu. Tò mò, nhiều người đã dừng lại chụp ảnh với những con vật đáng yêu, hiền lành.
Đáp ứng nhu cầu của người dân, chủ nhân của đàn cừu là anh Nguyễn Văn Tứ (SN 1980, ngụ xóm 11, xã Bảo Thành, huyện Yên Thành) khéo léo gắn những chiếc chuông ở cổ cừu rồi thả tự do để khách thoải mái ngắm nghía, chụp ảnh.
Tuy nhiên, ít ai biết rằng để có được thành công như hiện nay, người đàn ông đã phải trải qua quãng thời gian vô cùng gian nan, vất vả. Xuất phát điểm rất thấp, gia đình nghèo đói, hơn nữa cừu là loài vật nuôi chưa từng được nuôi ở mảnh đất xứ Nghệ nên khó khăn càng gấp bội. “Cũng nhờ mình liều lĩnh “một mất một còn” nên mới có cơ ngơi như ngày hôm nay”, anh Tứ tâm sự.
Trước khi đến với công việc mới mẻ này, anh Tứ từng có thời gian dài đi khắp nơi, làm thuê đủ nghề. Đang học cấp 2, vì gia đình đông anh em, nhà lại nghèo nên anh phải nghỉ học. Một thời gian sau, anh xin bố mẹ vào Nam kiếm sống, lúc làm ở Đắk Lắk, lúc làm thuê ở Vũng Tàu. Chính vì vậy, anh học được nhiều nghề, làm được nhiều việc khác nhau.
Nhưng đúng như ông bà đã dạy “Một nghề cho chín còn hơn chín nghề”, dù đi nhiều nơi nhưng sau đó anh về quê với hai bàn tay trắng. “Nhìn cuộc sống gia đình, tôi nghĩ cứ sống cảnh làm thuê mãi thì không ổn chút nào, phải tìm cho mình một nghề trong tay. Nhưng làm gì cũng phải có vốn, cuối cùng tôi nhờ bố mẹ thế chấp ngân hàng vay tiền để đi XKLĐ”, anh Tứ hồi ức.
Anh Tứ tại khu chăn nuôi cừu |
Năm 2002, anh Tứ vác ba lô sang xứ người làm thuê. Tại đây, anh làm việc trong một nông trại nuôi cừu. Đây cũng chính là thời điểm ý tưởng đưa cừu về nuôi nhen nhóm trong anh. “Nhìn đàn cừu của gia chủ phát triển tốt, tôi cứ nghĩ ở đây nuôi được sao không thử ở quê mình. Cừu là động vật thích nghi với điều kiện khí hậu khắc nghiệt khá tốt. Hơn nữa tôi quyết tâm đưa cừu về nuôi là chính vì ở quê chưa có ai nuôi loài vật này. Đó là sự khó khăn, nhưng có thể cũng chính là ưu điểm”, anh Tứ cười.
Ý tưởng là vậy, nhưng con đường thực tế lại khó khăn hơn nhiều. Tuy có học lỏm được một số kinh nghiệm trong quá trình làm thuê tại nước ngoài, nhưng khi về nước do chưa hoàn toàn tự tin, anh Tứ quyết định vào Nam ra Bắc tìm đến các trang trại nuôi cừu học hỏi kinh nghiệm. Nói rõ hơn về điều này, anh Tứ nhớ lại thời điểm đó, ở Nghệ An chưa có một mô hình nào hoàn chỉnh, nên anh mất hơn 2 tháng để tìm nguồn giống và dò hỏi kinh nghiệm chăn nuôi.
Anh Tứ cho hay, cừu là động vật dễ nuôi vì chủ yếu ăn lá, ăn cỏ… Cũng chính điều này khiến loài vật trên rất dễ mắc các chứng bệnh như tiêu chảy, sổ mũi… Hơn nữa, việc chuyển cừu đoạn đường dài hơn 1000km là một vấn đề nan giải. Nếu chúng không kịp thích nghi với thời tiết, thức ăn, môi trường thì rất dễ chết trên đường. Sau thời gian trăn trở, anh vẫn quyết đánh liều một chuyến.
Đó là vào giữa năm 2014, anh mạo hiểm bỏ ra hơn 200 triệu đồng để mua 100 con cừu. Đúng như dự đoán ban đầu, số cừu chết trên đường di chuyển và bị bệnh đã hơn quá nửa. Lần ấy, đàn cừu chỉ sống sót khoảng vài chục con.
“Đó là quãng thời gian khó khăn nhất khi số tiền bỏ ra bị thiệt hại quá lớn, trong khi chưa biết có thu về được hay không. Rất nhiều người cười, bảo rằng suy nghĩ của tôi là viển vông, thậm chí nhiều người còn khuyên tôi nên bán cừu đi may ra thu lại ít tiền, nếu không sẽ mất trắng.
Nhưng may mắn vào lúc đó có mẹ và vợ tôi ở bên động viên, khích lệ, tôi mới quyết tâm sẽ tiếp tục làm đến cùng”, anh Tứ nhớ lại. Từ khi nuôi cừu, nhiều hôm anh ăn uống, nghỉ ngơi ngoài trại. Mỗi lần cừu đau ốm anh lại buồn bã, ủ rủ theo, rồi chạy đôn chạy đáo kiếm thuốc.
Tham vọng của chàng trai trẻ
Trước đó, để thực hiện ý tưởng, anh Tứ đã mua lại và thuê đất tại xóm 13, xã Sơn Thành (huyện Yên Thành) xây dựng một trang trại chăn nuôi cừu. Chuồng trại được thiết kế cao ráo, sạch sẽ, thoáng mát.
Sàn chuồng được lát bằng gỗ, các nan cách nhau từ 1 - 1,3 cm để phân cừu lọt xuống đất. Nhờ vậy, đàn cừu luôn khô ráo, tránh được dịch bệnh. Sau một thời gian tìm hiểu, đến nay anh Tứ đã có thể hiểu và khống chế được toàn bộ những bệnh cơ bản của cừu.
Người đàn ông này bật mí, cừu khá thích nghi với khí hậu nơi đây. Nhiệt độ lý tưởng cho loại vật nuôi này là trên 20 độ C. Vào mùa lạnh, nhiệt độ thấp thì phải chú ý che chắn chuồng trại và giữ ấm. Còn về thức ăn của cừu khá đa dạng nên rất thuận lợi cho việc chăn thả ngoài đồng, nhất là giai đoạn sau khi gặt lúa. Do vậy, anh Tứ thường đề đàn cừu nối đuôi nhau ăn cỏ trên các bờ ruộng. Điều này còn thu hút sự chú ý của nhiều người đi đường.
Đàn cừu trên cánh đồng |
“Cừu được đánh giá rất lỳ, khi có người lạ tiếp xúc hay tới gần cũng không sợ. Nhưng việc thả cừu giữa đồng thì tôi không ngờ được là gây sự chú ý của mọi người như vậy”, anh Tứ nói.
Sau thời gian thử nghiệm, anh Tứ đã xuất chuồng số lượng cừu khá lớn. Vào thời điểm hiện tại, trong chuồng còn khoảng 100 con cừu, chủ yếu bước vào giai đoạn sinh sản. Ông chủ trang trại cho hay, hiện giá cừu hơi khoảng 140 đến 145 nghìn đồng/kg. Còn nếu bán thịt đã róc xương giá từ 400 đến 450 nghìn đồng/kg. Ngoài ra, anh còn bán cừu giống, cũng như tư vấn cách nuôi cho những người quan tâm.
Việc nuôi cừu đã mang đến cho anh Tứ nguồn thu ổn định, theo tính toán sơ bộ thì năm vừa qua anh đã thu về gần 100 triệu đồng việc bán thịt cừu. Anh còn giải quyết việc làm cho trên 10 lao động, mức lương người ít nhất 3 triệu, người nhiều 7,5 triệu đồng/tháng.
Chia sẻ về dự định tương lai, anh Tứ cho hay, sắp tới sẽ mở rộng khu trang trại để chăn nuôi với số lượng lớn hơn. Chưa hết, anh còn dự định mở một cửa hàng thịt cừu tại TP Vinh, vừa cung cấp lượng thịt cho người dân, vừa quảng bá thương hiệu.
“Tôi tin hướng đi mới của mình sẽ gặp được thành công. Tôi cũng rất ủng hộ mọi người tới tìm hiểu trang trại và sẵn sàng chia sẻ bí quyết để phát triển loài cừu trên địa bàn xứ Nghệ”, anh Tứ nói.
Nói về mô hình chăn nuôi mới này, bà Nguyễn Thị Hải Hậu, cán bộ môi trường xã Sơn Thành cho biết, trang trại của anh Tứ mở cách đây gần 2 năm và đã có các giấy chứng nhận về an toàn vệ sinh của huyện. Từ khi mở trang trại đến nay, chính quyền đã nhiều lần đến kiểm tra nhưng không phát hiện việc ô nhiễm môi trường tại đây.
Người dân xung quanh cũng không kêu ca hay phản đối việc anh Tứ nuôi đàn cừu. Mặc dù thời gian ngắn nhưng đàn cừu phát triển khá nhanh. Đây là mô hình mới lạ khẳng định sự sáng tạo của người dân xứ Nghệ.