"Nếu xác định được cháu bé này bị chính người mẹ của mình vứt đi, thì hành vi vứt bỏ con, bỏ mặc, bỏ rơi con là một trong các hình thức xâm hại trẻ em, gây tổn hại về thể chất, tình cảm, tâm lý của trẻ - dù bất cứ lý do gì thì đều là một hành vi không chỉ vi phạm nghiêm trọng đạo đức truyền thống mà còn là hành vi vi phạm pháp luật, thậm chí trong một số tình huống cụ thể, tùy theo mức độ, tính chất và hậu quả, mà người thực hiện hành vi vứt bỏ cháu bé có thể bị xem xét xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm theo từng trường hợp, cụ thể.
- Trường hợp cháu bé bị vứt bỏ nhưng may mắn khỏe mạnh, không bị thương tật gì thì theo quy định tại Điều 6 – Luật bảo vệ Trẻ em năm 2016 quy định hành vi vứt bỏ hay bỏ rơi, bỏ mặc trẻ em là một trong các hành vi bị nghiêm cấm.Nếu có hành vi xâm hại sức khỏe, hành hạ, ngược đãi thì có thể bị xem xét phạt tiền từ 1.000.000 – 1.500.000 đồng theo quy định về xử phạt hành chính trong lĩnh vực phòng chống bạo lực gia đình tại Nghị định số 167/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013.
- Trường hợp cháu bé bị bị vứt bỏ mà thương tật thì căn cứ vào hành vi với mức độ, tỷ lệ thương tật cụ thể của cháu bé mà cơ quan chức năng ( Công an, Viện Kiểm sát, Tòa án…) xem xét xử lý theo trách nhiệm tương ứng với thương tật của cháu bé. Khi đó, tội Cố ý gây thương tích quy định tại Điều 134 Bộ Luật hình sự có thể được xem xét để truy cứu trách nhiệm người thực hiện hành vi phạm tội.
Nếu người vứt cháu bé không phải là mẹ cháu- Các chủ thể khác ở đây có thể là ông, bà, bố, anh, chị, người giám hộ hay bất kỳ ai khác nếu thực hiện hành vi này với cháu bé vẫn bị xử lý trách nhiệm theo quy định pháp luật, tuy nhiên, tùy theo tính chất, mức độ và năng lực người thực hiện hành vi trong hoàn cảnh, điều kiện cụ thể và đặc biệt căn cứ theo thương tật của cháu bé mà các cơ quan chức năng sẽ quyết định xử phạt hành chính hay truy cứu trách nhiệm hình sự.
Theo quy định của Bộ Luật Hình sự thì tỷ lệ tổn thương cơ thể của cháu bé từ 11% trở lên có thể bị các cơ quan chức năng xem xét để truy cứu trách nhiệm hình sự.
Trường hợp không may mắn mà cháu bé bị vứt bỏ thùng rác mà tử vong thì tùy theo tính chất mức độ của hành vi với năng lực và hoàn cảnh cụ thể khi thực hiện hành vi để truy cứu trách nhiệm hình sự người vứt bỏ cháu bé vào thùng rác theo Tội giết người (Điều 123); Tội giết người trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh (Điều 125) hoặc tội khác theo Bộ Luật Hình sự.
Nếu bị truy cứu theo Điều 123 hoặc Điều 125 nêu trên thì người thực hiện hành vi vứt bỏ cháu bé vào thùng rác dẫn đến cháu bé tử vong còn có thể bị áp dụng tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự là tình tiết “giết trẻ em”.