“Miềng khá rồi, không nghèo nữa”
Chúng tôi đề nghị anh Hồ Xút – Phó Chủ tịch UBND xã Hướng Lập rằng, hộ nào từ chối hộ nghèo thì anh đưa chúng tôi đến đó. Vị Phó Chủ tịch xã trẻ này cười khà khà: “Trong bản Tà Păng ở gần đây đã nhiều rồi, mất công đi đâu xa. Đến hộ anh Hồ Pả Thử nhé!”.
Năm nay 40 tuổi, Hồ Pả Thử kể về nguyên do từ chối hộ nghèo rằng, gần 20 năm trước, anh cưới vợ rồi ra dựng cái nhà sàn ọp ẹp ở riêng gần cuối bản Tà Păng, cuộc sống khốn khó trăm bề, thiếu túng quanh năm nên được thôn bản bầu, chính quyền xã công nhận hộ nghèo là chuyện quá đương nhiên.
Ngày đó, không riêng anh mà cả bản này, quá nửa là hộ nghèo. Vào năm 2005, nhiều đêm nằm ôm vợ, Pả Thử không chợp mắt được mà cứ đau đáu nghĩ suy. Tại sao đất đai trong bản đầy ra đó mà nhà mình mãi vẫn cứ nghèo, vợ con cứ nghèo khổ mãi? Một sáng đi ra trước bản, thấy mấy ngọn đồi trọc mọc đầy cỏ dại, sim, mua vẫn để hoang mà chẳng ai trồng trọt, Pả Thử nảy ra ý tưởng phải tìm cây gì đó để trồng và lên UBND xã xin đất canh tác.
Những ngày đầu bắt tay vào gây dựng cơ nghiệp, gia đình Hồ Pả Thử đối mặt với trăm bề khó khăn. Đó là những ngày anh Thử đánh vật với những đồi hoang, vai trần gánh cả cái nắng, cái gió, những cơn mưa bất chợt bên sườn Tây Trường Sơn đại ngàn. Đã có lúc, Pả Thử chán nản định bỏ cuộc, nhưng may có vợ luôn động viên hết lời. Khi lúa, ngô, sắn trồng xen canh với cây bời lời cho thu hoạch vụ đầu tiên và con bò cái đẻ lứa thứ nhất, Pả Thử lên gõ cửa nhà trưởng bản vào lúc nửa đêm trình bày cặn kẽ để xin rút khỏi hộ nghèo.
“Miềng có chút của ăn, của để rồi thì phải nhường suất hộ nghèo cho gia đình khó hơn thôi. Như lời thề của mình với núi rừng là sẽ thoát nghèo khi lên đặt nhát cuốc đầu tiên vỡ đất trên ngọn đồi hoang ở Tà Păng” - Pả Thử nói.
“Giờ thì gia đình miềng (mình - PV) có 6ha rừng bời lời đỏ đang chuẩn bị vào thời kỳ thu hoạch, trâu bò có 30 con. Gia sản bây giờ cũng tính ra được vài trăm triệu rồi. Mỗi năm thu lãi từ 50 - 60 triệu đồng. Ở xã miền núi này, cũng được xem là khá rồi đó” - Hồ Pả Thử gãi đầu khoe lẫn chút ngại ngùng. Anh kể thêm rằng, bây giờ mình hãnh diện lắm, chứ không ngại ngùng như xưa nữa, trai tráng sức dài vai rộng mà cứ bị liệt vào danh sách hộ nghèo, đi đâu cũng không mở mặt ra được với bà con.
Sang xã Hướng Việt, gặp anh Hồ Văn Thết, ở bản Tà Rùng thì câu chuyện “từ chối” hộ nghèo của anh chỉ đơn giản là: “Miềng có hướng làm ăn mới để thoát nghèo rồi thì rút thôi, nhường suất đó lại cho những hộ nghèo khó hơn miềng. Khi đã khá hơn rồi thì rút chứ ai mong muốn chi cái tiếng nghèo khó đó, đi đâu cũng ngại lắm, bởi vậy mà đồng bào trên này ai ai cũng đua nhau quyết tâm tìm ra cách thoát nghèo chứ không ai chịu bị bó buộc nghèo mãi rứa đâu” – anh Thết khẳng khái nói.
Trao đổi với Phó Chủ tịch UBND xã Hướng Lập Hồ Xút, anh khẳng định rằng: “Có thể nói những hộ đã tự nguyện từ chối hộ nghèo đều rất khó tái nghèo, bởi họ quyết tâm với lời cam kết trước cộng đồng thôn bản và ai cũng làm kinh tế theo hướng sản xuất nông nghiệp bền vững. Bà con trọng lời hứa lắm, đã nói ra điều gì là phải làm cho bằng được. Chúng tôi là những người trong chính quyền xã, không gì sung sướng và hạnh phúc bằng được thấy đồng bào dân tộc Vân Kiều ở thung lũng Cù Bai đang đổi mới chính mình, bản làng thay da đổi thịt từng ngày và họ không còn trông chờ, ỷ lại vào các chính sách sự hỗ trợ từ Chính phủ, Nhà nước nữa”.
Người “khùng” đưa cơ giới hóa vượt đèo Sa Mù
Những ngày sống cùng đồng bào Vân Kiều ở thung lũng Cù Bai, chúng tôi đã được nghe, được thấy, được chuyện trò với nhiều tấm gương từng từ chối hộ nghèo và lời thề thoát nghèo của bà con. Gia đình anh Hồ Văn Thế là một trong những hộ để lại trong lòng chúng tôi nhiều ấn tượng nhất. Bởi anh Thết là một trong những người đi tiên phong trong quá trình đưa cơ giới hóa vượt tứ bề núi dựng cách trở, vượt đỉnh Sa Mù vào thung lũng Cù Bai.
Trước đây, gia đình Hồ Văn Thết nằm trong diện những hộ nghèo nhất ở thung lũng tứ bề núi dựng này. Những năm đó, cả gia đình anh chỉ trông cậy vào mấy gùi lúa đốt trỉa du canh trên các triền đồi. Ngày ngày phải lên rừng đốn củi, bắt con ốc, con cá nhỏ dưới khe suối để đắp đổi miếng ăn qua ngày. Cuộc sống cứ đói kém nheo nhắt quanh năm và nhiều lúc anh Thết cứ tưởng chừng như cả gia đình mình sẽ mãi xơ xác, khắt khô và hoang tàn như chốn núi rừng xứ này, chẳng thể nào hất mặt lên với bản làng.
Ngày trước ở bản Tà Rùng cũng như vùng thung lũng này, người ta chỉ biết trỉa lúa, trỉa bắp du canh trên rẫy thôi. Cứ đầu mùa gieo hạt xuống chẳng chăm bẵm bón phân gì, cuối mùa thì lên thu hoạch, được chăng hay chớ. Nông cụ “hiện đại” nhất lúc đó chỉ là cây rựa đã mòn, cây cuốc đã cùn lưỡi dùng hết mùa này đến mùa khác.
Nhưng kể từ khi UBND các xã Hướng Việt, Hướng Lập cùng phối hợp với Bộ đội Biên phòng tăng cường hướng dẫn và hỗ trợ đồng bào Vân Kiều trong việc phát triển trồng lúa nước, trồng bời lời đỏ, xoan đỏ và chăn nuôi gia súc, gia cầm, đời sống của người dân nơi đây đã đổi thay rõ nét. Lời thề thoát nghèo và từ chối hộ nghèo bằng con đường cơ giới hóa sản xuất nông nghiệp ngày càng hứa hẹn sẽ là sự thật.
Đi khắp bản, ai cũng biết mà kể chuyện ngày xưa anh Thết bị cho là “khùng, điên” khi chạy vạy vay mượn tiền, bắt xe vào tận Đà Nẵng, bỏ ra hàng trăm triệu đồng để mang về thung lũng một chiếc máy cày mới cứng. Từ đận ấy, bà con mệnh danh anh là người “anh cả” tiên phong việc cơ giới hóa cho bản Tà Rùng nói riêng và cả xã Hướng Việt, Hướng Lập nói chung. Bởi thời ấy, bà con nào biết máy cày là cái chi.
“Có máy cày, 1ha ruộng nước chỉ cần một ngày là cày xong chứ không mất vài tuần như trước. Từ việc cày phục vụ cày ruộng của gia đình, miềng còn cày thuê cho bà con với giá 3 triệu/ha” – anh Thết cho hay. Bây giờ, trong căn nhà sàn thuộc hàng khang trang nhất xã Hướng Việt nằm giữa bản Tà Rùng, anh Thết sở hữu đủ bộ máy móc sản xuất nông nghiệp gồm máy cày, máy xay xát, xe công nông để phục vụ đồng bào. Ngoài các loại máy móc, gia sản vợ chồng anh Thế đang sở hữu còn có gần chục con trâu bò, 1ha bời lời đỏ, 1,5ha sắn, 1ha ruộng nước…
Chúng tôi rời thung lũng Cù Bai khi mặt trời bắt đầu khuất dần sau ngọn núi. Trên con đường về đi qua những khu rừng ngút ngàn các loại cây công nghiệp, từng đàn trâu bò nối đuôi nhau đủng đỉnh đi về bản trong tiếng mõ kèng lốc cốc, lắc cắc. Dòng sông Sê-Băng-Hiêng chảy ngược về phía nước bạn Lào phẳng lặng, hiền hòa ôm ấp những bản làng ấm no, rợp một màu ngói đỏ tươi hòa quyện vào màu xanh non, trù phú của núi rừng…
Chợt nhớ lại, dưới đồng bằng vì để được hộ nghèo, nhiều người bằng mọi cách chạy chọt khắp nơi xin, khi bình xét lại xích mích, gây gổ đánh nhau chảy cả máu đầu, lòng chúng tôi lại dấy lên chút chạnh lòng…