Nhiều người chuyển sang đi chợ online
Mặc dù đã được phép mở cửa một thời gian nhưng nhiều chợ dân sinh trên địa bàn thành phố vẫn chưa thể quay lại nhịp độ buôn bán như trước đây. Không chỉ do sự hoành hành của dịch bệnh mà còn bởi tâm lý, thói quen tiêu dùng của nhiều khách hàng đã thay đổi.
Tại chợ Thủ Đức, TP HCM, dường như chỉ có chủ nhật thì người ra vào chợ mới nhộn nhịp. Những ngày còn lại, lượng khách giảm hẳn, chỉ bằng nửa ngày thường. Riêng khu vực mua bán nhanh bên ngoài chợ có khách, còn các gian hàng trong nhà lồng chợ lại càng vắng vẻ. Nhiều cửa hàng tại chợ này vẫn đóng cửa, có cửa hàng treo bảng sang nhượng.
Tương tự, tại chợ Gò Vấp, chị Kim Hồng, bán tạp hóa cho biết, lượng hàng hóa chị bán ra từ sau khi mở cửa chợ còn chưa bằng một nửa trước kia. “Người dân chuyển sang mua online, hàng được đem đến tận nhà hoặc vào các cửa hàng tiện dụng mua cho nhanh, có lẽ vì sợ chợ đông người, nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh. Cửa hàng của tôi và các cửa hàng thực phẩm thì còn khá đông đúc, chứ mấy chị phía bán đồ nhựa, gia dụng lượng khách rất ít”, chị Hồng cho biết.
Chị Lương Thị Thùy, nhân viên thu ngân tại một công ty trên địa bàn quận 10 chia sẻ, trước kia chị vẫn thường có thói quen đi chợ, nhưng từ khi giãn cách, do xoay xở tìm cách mua thực phẩm nên chị đã tìm ra những địa chỉ bán hàng giao tận nơi gần khu vực mình ở, gọi điện là người bán giao tận nơi, đỡ phải ra chợ. Nên từ khi các chợ mở cửa chị cũng chỉ mới ra 1 lần.
Theo chị Thùy, thói quen “trữ đông”, tích trữ đồ trong tủ lạnh cũng đã được hình thành từ thời điểm giãn cách. Đặc biệt là trước tình hình dịch bệnh phức tạp như hiện nay, cứ mua một lần rồi ăn nhiều ngày, dẫu không ngon như hàng tươi nhưng cũng giảm thiểu được đi lại, mua sắm, tiếp xúc.
Cạnh đó, đối với nhiều cư dân các khu dân cư, chung cư, thời điểm giãn cách, cư dân nội bộ các khu này đã hình thành “chợ online” nội khu, do những người dân sống trong khu buôn bán qua lại với nhau trên các group Facebook, Zalo. Người bán đăng thông tin, người mua nhắn tin mua hàng, sau đó người bán đem đến tận cửa căn hộ, treo hàng ở khóa cửa, nhấn chuông rồi để đấy. Người mua tự ra lấy hàng vào, thanh toán bằng cách chuyển khoản, vừa nhanh gọn, lại hạn chế tiếp xúc. Thế nên, nhiều cư dân các khu căn hộ sau dịch ít quay lại với chợ truyền thống là vì thế.
Tiểu thương thay đổi để thích ứng
Tất nhiên, chợ truyền thống vẫn là một trong những “trụ cột” mua sắm của người dân, nhất là người bình dân. Nhưng ở tại thời điểm này, đối mặt với dịch bệnh và sự thay đổi thói quen của khách hàng, tiểu thương các chợ cũng rơi vào khốn khổ và phải “gồng gánh” chờ ngày phục hồi.
Nhiều tiểu thương các chợ lập “chợ online” khu vực mình để tiếp cận khách hàng trên mạng. |
Cũng có những tiểu thương, với sự nhạy bén của người làm ăn, đã biết thay đổi để thích ứng với thời thế. Chị Xuân Thảo bán thịt lợn ở khu vực chợ Tam Hà, Thủ Đức chia sẻ, thời gian giãn cách, tháng đầu tiên chị nghỉ bán, nhưng sau đó thấy người dân có nhu cầu, chị liên hệ được lò mổ rồi rao bán trên mạng và hàng ngày đi bộ, đạp xe giao hàng ở khu vực gần nhà. Khi TP HCM hết giãn cách, trở lại quầy thịt, chị nhận thấy không còn đông như trước nên quyết định tiếp tục duy trì bán online. Khách quen có thể đặt mua qua điện thoại hoặc nhắn tin, người nhà chị sẽ đem đến tận nơi.
Tương tự, ở chợ Thủ Đức, vì lượng khách ít ỏi, nhiều chủ cửa hàng tranh thủ mở cửa vào các khung giờ cao điểm rồi đóng cửa để chuyển hướng kinh doanh online. Có tiểu thương lớn tuổi còn nhờ con cái đăng thông tin hàng rao trên mạng, rồi thuê shipper đến giao cho khách. Cuộc sống đã đi vào trạng thái “bình thường mới” nhưng dịch bệnh vẫn còn đó, nhiều thói quen hàng ngày cũng đã thay đổi. Điều này đòi hỏi các tiểu thương phải linh hoạt thay đổi để thích ứng, vừa đảm bảo hiệu quả kinh doanh vừa đảm bảo an toàn dịch bệnh.