Chị Đỗ Thị Thanh Huyền. |
Chuyện đường rừng
Rừng Đồng Nai vốn là nơi sinh sống của một trong những quần thể voi hoang dã cuối cùng tại Việt Nam, với số lượng khoảng 16-21 con, trong tổng số 50-100 con voi hoang dã cuối cùng tại Việt Nam. Năm 2010, bảy cá thể voi hoang dã tỉnh Đồng Nai đã bị giết hại vì không kiếm đủ thức ăn trong rừng do diện tích rừng bị thu hẹp, voi phải ra khu vực ruộng trồng cây điều, xoài của người dân kiếm ăn và đã bị đầu độc chết.
Để bảo vệ những con voi hoang dã, Khu dự trữ sinh quyển thế giới Đồng Nai đã lắp đặt 50km hàng rào điện tử ngăn không cho voi ra khu vực nương rẫy kiếm ăn. Tuy nhiên người ta vẫn thường xuyên thấy bầy voi ra kiếm ăn ở khu vực gần hàng rào điện tử và tìm cách vượt ra ngoài. Câu chuyện cho thấy một sự thật rằng, việc khôi phục rừng, trả lại nguồn thức ăn dồi dào cho đàn voi và các loài hoang dã khác phải là giải pháp lâu dài và triệt để bảo tồn sự đa dạng của hệ sinh thái tự nhiên.
Có một câu chuyện rằng, các nhà khoa học đã thực hiện thí nghiệm với hai con ếch và hai cái nồi nước. Hai con ếch được cho vào hai cái nồi khác nhau. Ở nồi thứ nhất, họ tăng nhiệt độ lên 70 độ C chỉ trong vòng 10 phút và con ếch ngay lập tức nhảy ra, còn ở nồi thứ hai, nhiệt độ tăng rất chậm, hai ngày sau mới đạt 70 độ C và con ếch chế́t. Thí nghiệm này cho thấy, những sự thay đổi từ từ sẽ rất khó nhận ra. Trái đất cũng đang trong tình trạng giống như cái nồi thứ hai, với rất nhiều vấn đề từ chặt phá rừng, rác thải nhựa cho đến sự tuyệt chủng của các loài động vật.
Thật vậy, nếu như trước đây, phải vài trăm năm hay vài chục năm mới có một đại dịch, thì chỉ tính từ thập kỷ 60 đến nay, thế giới đã trải qua 9 đại dịch kinh hoàng gồm: Marburg (1967), Ebola (1976), Nipah (1999), Sars (2002), H5N1 (2003), Mers (2012), H7N9 (2013), H1N1 (2009), Covid-19 (2019). Điều này nghĩa là đại dịch tiếp theo chắc chắn sẽ xảy ra trong một thời gian ngắn sắp tới. Và với tốc độ tàn phá thiên nhiên như hiện nay, các đại dịch sẽ càng gần nhau và càng khốc liệt hơn nữa.
Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), 70% các bệnh truyền nhiễm ở người trong thời gian gần đây là bệnh có nguồn gốc động vật. Việc tàn phá thiên nhiên, làm tăng cơ hội con người tiếp xúc với virus và do vậy càng dễ xảy ra đại dịch. Cho đến nay nguồn gốc xuất phát của Covid-19 dù chưa thể làm rõ nhưng một phần nguyên nhân trong đó cũng bắt đầu từ việc con người khai thác thiên nhiên quá nhiều và trong quá trình đó tiếp xúc với các virus mới, trong đó có chủng Corona gây ra Covid-19.
Hiện nay nhiều người không nghĩ rằng bảo vệ môi trường hay bảo tồn thiên nhiên có liên quan gì đến mình. Nhưng mỗ̃i người chúng ta cũng chính là một trong 8 tỉ “con ế́ch” trong cái nồi này. Do đó, nuôi dưỡng tình yêu thiên nhiên và xây dựng ý thức bảo vệ môi trường, bảo tồn thiên nhiên tới tất cả mọi người để không ai bị là “con ếch” trong cái nồi thứ hai là một điều rất cấp thiết…
Trồng rừng để ngăn đại dịch
Những câu chuyện “đường rừng” nói trên đều dẫn tới một nhân vật không hề xa lạ gì trong giới bảo tồn, đó là chị Đỗ Thị Thanh Huyền - nhà sáng lập, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Thiên nhiên Gaia.
Trung tâm Bảo tồn Thiên nhiên Gaia được Liên Hiệp các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam (VUSTA) quyết định thành lập vào ngày 24/8/2016. Giấy phép hoạt động khoa học của Gaia được Bộ KHCN Việt Nam cấp vào ngày 31/8/2016. Mang tên Gaia - tên của nữ thần Đất Mẹ trong thần thoại Hi Lạp, Trung tâm được thành lập nhờ quyết tâm và tâm huyết của một nhóm các nhà bảo tồn, dẫn đầu là chị Đỗ Thị Thanh Huyền với khao khát xây dựng một tương lai mà con người có thể sống hòa hợp với mẹ Trái đất.
Sinh ra và lớn lên ở Hà Nội nhưng từ lúc nhỏ cô bé Đỗ Thị Thanh Huyền đã rất dễ̃ rung động trước cảnh đẹp thiên nhiên, bờ ao, cánh đồng. Lúc học lớp 5-6, khi họa báo còn rất hiếm, cứ thấy tranh ảnh thiên nhiên là cô bé cắt ra và dán trước bàn học và tưởng tượng mình sẽ đến dòng suối này ở, đến cánh đồng này...
Đến lúc thi đại học, Đỗ Thị Thanh Huyền chọn học ngành sinh học, vì có vẻ gần gũi với thiên nhiên nhất và luôn ước mơ mình sẽ có cơ hội làm việc với Tổ chức WWF là một tổ chức quốc tế về bảo tồn thiên nhiên thường nghe nhắc trong các phim tài liệu và các chương trình bảo tồn trên tivi. Hai chục năm làm nghề bảo tồn cùng các tổ chức như WWF, Plan, WAR, GIZ…, chị Đỗ Thị Thanh Huyền luôn song hành với các dự án, các chương trình giáo dục truyền cảm hứng yêu thiên nhiên cho mọi người, thiết kế các khóa học bảo tồn đa dạng sinh học, bảo tồn thiên nhiên trong các trường học. Nhưng cũng chính những năm tháng làm ở các tổ chức phi chính phủ chị cũng mang theo rất nhiều trăn trở.
“Tôi tin rằng một em bé từng xúc động trước một cành cây, một tiếng chim hót ở trong rừng thì khi lớn lên sẽ không bao giờ cho mình cái quyền quyết định sự sống còn của thiên nhiên mà không cần suy nghĩ đến thiên nhiên. Gaia là nơi tổ chức các chương trình trải nghiệm thiên nhiên, những trại hè, khóa học "trường rừng" đầy cảm hứng, những chương trình góp một cây là góp rừng để cùng trồng rừng từ Bắc chí Nam. Tôi luôn tin giáo dục là một giải pháp bền vững, lâu dài cho tình yêu thiên nhiên"- đó là lý do mà chị Thanh Huyền đã lập nên Trung tâm Gaia sau gần 20 năm tham gia các dự án về bảo tồn thiên nhiên cho các tổ chức phi chính phủ. Không chỉ là Giám đốc Trung tâm Gaia, chị Huyền còn là Chủ tịch mạng lưới Giáo dục Môi trường Việt Nam; giảng viên thỉnh giảng của trường Đại học Tây Nguyên và Đại học Nông lâm Thủ Đức; chuyên gia tư vấn cấp cao cho nhiều dự án bảo tồn thiên nhiên và bảo vệ môi trường khắp Việt Nam.
Quay lại với câu chuyện trồng rừng tại Đồng Nai, Thanh Hóa và tới đây là nhiều tỉnh thành khác nữa của Trung tâm Gaia. Tháng 8/20120, 2000 cây gỗ lớn bản địa trên diện tích 4ha tại rừng Đồng Nai thuộc 7 loài gồm: chiêu liêu, giáng hương, ươi, dầu, gõ đỏ, gõ mật, bằng lăng đã được trồng thành công. Khu rừng sẽ tiếp tục chăm sóc và giám sát trong 4 năm để đảm bảo tỷ lệ sống cao nhất. Sau Đồng Nai, 10.000 cây gỗ lớn cũng đã được cắm rễ vào đất mẹ tại Thanh Hóa để từ đó hồi sinh cánh rừng xanh tươi…
Bức tranh toàn cảnh về hiện trạng rừng Việt Nam đến ngày 31/12/2017 cho thấy, Việt Nam có tổng diện tích che phủ rừng là 41,45%, tương ứng với 14.415.381ha, trong đó, rừng tự nhiên chiếm khoảng 70.8%, còn lại là rừng trồng. Tại rất nhiều địa phương, diện tích rừng tự nhiên đang bị suy giảm mạnh. Nhiều khu rừng là rừng nghèo kiệt. Các khu rừng trồng phần lớn là rừng nghèo loài, không có tầng tán, không có giá trị sinh thái cao như rừng tự nhiên.
Diện tích rừng bị suy giảm đồng nghĩa với việc các loài thực vật bị khai thác phục vụ nhu cầu con người, các loài động vật hoang dã mất nơi sinh sống phải di chuyển vào khu vực dân cư. Từ đó virus sẽ thoát ra khỏi khu rừng và lây lan dịch bệnh cho con người, thông qua các vật chủ đầu tiên là các loài động vật hoang dã.
Do đó, phục hồi hệ sinh thái thông qua việc trồng rừng là một trong những giải pháp để ngăn chặn đại dịch tiếp theo. “Phục hồi thiên nhiên là giải pháp tốt nhất, bền vững nhất để ngăn chặn đại dịch tiếp theo. Vì các loài virus sống trong cơ thể các loài động thực vật hoang dã, vốn đang yên ổn trong các khu rừng. Khi chúng ta phá rừng, các loài động vật hoang dã mất nơi sinh sống phải di chuyển vào khu vực dân cư, các loài thực vật bị khai thác phục vụ nhu cầu con người, virus sẽ thoát ra khỏi khu rừng và lây lan dịch bệnh cho con người, thông qua các vật chủ đầu tiên là các loài động vật hoang dã. Việc trồng rừng sẽ làm tăng đa dạng sinh học, tạo môi trường sống an toàn cho các loài động thực vật hoang dã và do vậy tăng khả năng kháng bệnh, ngăn ngừa đại dịch không chỉ với thiên nhiên mà với cả con người” - chị Đỗ Thị Thanh Huyền cho biết.
Giáo dục pháp luật về bảo vệ thiên nhiên rất quan trọng
Không chỉ công tác bảo tồn rừng ngoài thực địa, chị Đỗ Thị Thanh Huyền cũng rất trăn trở về hệ thống pháp luật của Việt Nam liên quan đến vấn đề này. Trao đổi với phóng viên, chị cho biết Việt Nam có lẽ là một trong những nước có hệ thống pháp luật về quản lý, bảo vệ và phát triển rừng chặt chẽ và đầy đủ nhất. Tuy nhiên, việc thực thi pháp luật lại gặp rất nhiều thách thức. Có rất nhiều nguyên nhân khác nhau như: nhận thức và ý thức chưa đúng, chưa đủ của người dân và các đối tượng liên quan. Ngoài ra còn là năng lực thực thi pháp luật và thậm chí có những nơi còn là câu chuyện về đạo đức, sự minh bạch trong việc thực thi pháp luật.
“Tuy nhiên, nếu chúng ta đợi đến khi các khu rừng đã bị đốn hạ, các loài động vật hoang dã đã bị bắt giết tiêu thụ rồi mới xử phạt thì có khi đã là quá muộn. Điều quan trọng là cần phối hợp đồng bộ các giải pháp khác nhau, bên cạch các biện pháp thực thi pháp luật. Chính vì thế, Trung tâm Gaia chọn giáo dục nâng cao nhận thức và thay đổi hành vi một cách bền vững để mọi đối tượng có nguy cơ hoặc đang xâm hại đến thiên nhiên tự ý thức được hậu quả hành động của mình và thay đổi” – chị Huyền nhấn mạnh.
Cũng theo chị Huyền, việc truyền thông, phổ biến các quy định pháp luật về bảo tồn thiên nhiên cần sự chung tay của nhiều người, nhiều cơ quan đơn vị, tổ chức không chỉ là trách nhiệm của nhà nước. Thế nên, giáo dục pháp luật về bảo vệ thiên nhiên cũng là một trong các nội dung quan trọng mà Trung tâm Gaia luôn lồng ghép vào các nội dung hoạt động bất cứ khi nào có thể, ví dụ thông việc thiết kế, sản xuất các tài liệu phát đến người dân, học sinh vùng đệm các Vườn Quốc gia, Khu bảo tồn thiên nhiên, trong các cuộc thi, hội thi, và đặc biệt trên các kênh mạng xã hội.