Người phụ nữ trong cõi hoa

Trần Thùy Linh bên bức tranh Sau cơn mưa
Trần Thùy Linh bên bức tranh Sau cơn mưa
(PLO) - Yêu hoa, họa sĩ Trần Thùy Linh vẽ nhiều về hoa nhưng không phải là những bông hoa cắm trong bình, hay hoa đang khoe hương sắc rực rỡ ở ngoài đời thực. Chị khắc họa chân dung và gương mặt của loài hoa bằng sự khúc xạ với cách cảm và nghĩ của riêng mình. Để hoa không chỉ là hoa, mà là những câu chuyện về cuộc đời.

“Nói theo cách riêng”

Chính sự khác lạ về lối biểu đạt trong tranh vừa nữ tính vừa cá tính của họa sĩ gốc Hà Nội Trần Thùy Linh đã “dắt” tôi đến khám phá phòng tranh của chị ở ven Hồ Tây. Quả nhiên ở đó tôi đã gặp những bông hoa được vẽ theo cách khá mới mẻ, mỗi bức “nói” một câu chuyện khác nhau nhưng đều gây sự rung động bằng tận sâu cảm xúc của nhiều giác quan.

Những “gương mặt hoa” trong tranh đều được đặc tả cận cảnh, cuồn cuộn những đợt sóng phiêu du, siêu thực, vừa mỏng manh dịu dàng, vừa bức bối quặn đau, có lúc lại nhu mì hay gào thét. Đề tài ưa thích nhất của chị là hoa poppy, mẫu đơn, phù dung, hoa xương rồng và các loài hoa dại, những loài có sức sống mãnh liệt.

Ngắm nhìn bức “Sau cơn mưa” tôi đã giật mình bởi dường như nó đã gây cho tôi một sang chấn trong tâm hồn. Những bông hoa poppy được đặc tả bởi màu đỏ thẫm, cánh mỏng manh phối màu xoắn quyện khỏe khoắn, dứt khoát và ám ảnh. Khi tâm sự với Thùy Linh, nữ họa sĩ cho biết: “Tôi chọn những tông đỏ rực rỡ nhất, nhưng cũng đằm thắm nhất, chứa đầy sinh lực như màu máu để vẽ nên sự quả cảm và lòng khát khao tự do, như chính đặc tính của loài hoa dại này”.

Chị dẫn ra câu chuyện có thật rằng, khi những người lính Anh ngã xuống trong Thế chiến lần thứ nhất vào năm 1918 tại vùng Flander (Bỉ), những quả đồi nơi đó đỏ ối những cánh hoa poppy. Máu người lính trộn với màu đỏ của hoa, một trận mưa ập xuống. Những cánh hoa dù bị gió mưa vùi dập vẫn dập dờn trong gió. Khi trời quang mây tạnh, những bông hoa đỏ ấy vươn cao mình đón ánh mặt trời.

“Tôi không mô tả vẻ đẹp của hoa. Tôi chọn loài hoa mà hàng triệu người say mê- poppy đỏ - làm chủ thể để vẽ nên một tình yêu cuộc sống tràn trề đắm say. Sự sống sẽ bắt đầu sau cơn mưa” - Thùy Linh nhấn mạnh.

Một bức tranh khác có tên “Chuyện ngày xưa” mà nữ họa sĩ cũng vô cùng yêu thích. Chị đã vô cùng cẩn thận và mất nhiều thời gian để tạo nền cho tranh, mà trước khi vẽ bản thân cái nền đó đã là một tác phẩm hội họa hoàn chỉnh. Điều đó chứng tỏ chị kỹ lưỡng và muốn chuẩn bị tốt cho một mẻ lưới nghệ thuật. Tất nhiên chị đã hoàn thành tốt bức tranh trong niềm cảm xúc ứ đầy.

“Chuyện ngày xưa” khá trầm trong sự suy tư dồn nén, nhưng sự khỏe khoắn và dữ dội không hề bị giảm. Vâng, màu sắc hoài niệm hằn rõ. Chị muốn tìm lại mình trong không gian xưa cũ, trong hình hài của loài hoa dại phiêu du, để nhớ về những phút giây mong mỏi của ngày xưa về hôm nay. Vẽ một lớp nền của chiếc lồng sắt vàng son giả tạo, vẽ những cơn gió câm nín đi ngang đời hoa và bão tố thẳm sâu xuyên qua đời người.

Thường, trong niềm hoài niệm, người ta sẽ vẽ cảnh, vẽ phố hay làng quê thật thâm trầm, bình yên. Như vậy sẽ dễ thể hiện hơn. Đằng này chị chọn hoa và nghe thấy ngôn ngữ của thiên nhiên theo cách riêng mình. Chị vẽ bằng hồi ức và sự rung cảm về quá vãng tuổi thơ tuyệt diệu. “Chuyện ngày xưa” có gió lao xao như là hoa nói, có ánh nắng chan hòa như hoa cười. 

Đó, theo cách của một người khát khao cháy bỏng bước độc hành, hoa và câu chuyện đằng sau nó đã dẫn dụ người xem. Nếu chỉ miêu tả những “gương mặt hoa” đơn thuần theo cách tả thực, bê nguyên xi từ cuộc sống vào thì đã quá nhiều họa sĩ làm thành công, và ngày nay các nhiếp ảnh gia làm rất thạo. Bởi thế, với lối đi riêng bằng những bức tranh hoa không quá xa lạ, nhưng lại mới mẻ để người xem phải ngẫm nghĩ trên lằn ranh trừu tượng, như Trần Thùy Linh ngay tức khắc đã tạo được ấn tượng với người yêu tranh, giới hội họa.

Duyên nghề

Trần Thùy Linh sinh năm 1964 trong gia đình làm nghệ thuật. Đặc biệt mẹ của chị là họa sĩ, từ năm lên 8 tuổi Linh đã được theo mẹ đi vẽ ở các rạp phim và dần “ngấm” hội họa. Trong những năm học phổ thông, gia đình cho chị học thêm rất nhiều thứ, từ thể dục dụng cụ, hội họa, âm nhạc cho tới văn chương, với mục đích sau này con đam mê môn nào sẽ định hướng. Thế nhưng, chị đã đam mê văn và hội họa, rồi lại không được gia đình ủng hộ. Chị đành thi ngành Anh văn, rồi giành học bổng sang học tập tại Đức.

Ở đó chị được học ngôn ngữ và văn học Đức, điều đó làm Thùy Linh rất vui bởi có một phần trong sở thích của chị. Sang năm thứ hai, thời gian học còn trống khá nhiều, nên chị đã xin đi học thêm tại Khoa Lịch sử mỹ thuật. Tất nhiên không được cấp bằng. Rồi chị học thêm Thần học. Tất cả những điều đó sau này trở thành vốn kiến thức hữu dụng cho chị trong quá trình làm việc, sáng tạo.

Sau thời gian học ở nước ngoài, trở về nước, năm 1988 Thùy Linh vào TP Hồ Chí Minh tìm việc. Qua nhiều ngày tháng long đong, chị quyết định chớp lấy cơ hội để được làm tại một công ty du lịch đang cần người biết tiếng Đức. Chính cuộc sống mưu sinh, cơm áo gạo tiền đã cuốn chị đi. Niềm đam mê hội họa phải gác lại, mà sau này Thùy Linh nói mọi niềm đam mê trong chị đã “ngủ” suốt hơn 10 năm trời.

Thùy Linh kể: “Tôi tạm cất đam mê hội họa, để đến một niềm đam mê du lịch. Và rồi đến năm 2000 tôi bước sang cái tuổi cảm thấy cần phải làm một cái gì mà mình muốn. Tôi tìm cách học lại hội họa để bổ trợ thêm kiến thức vì một thời gian dài tạm gác. Họa sĩ tranh lụa Nguyễn Thị Tâm nổi tiếng đã dạy và khơi lại tất cả những gì về hội họa cho tôi”.

Trở lại sống trong không khí sáng tạo màu sắc, chị được bung tỏa, nhiều lúc vẽ như lên đồng, với nhiều bút pháp, thậm chí có lúc vẽ đến mờ cả mắt trong niềm hứng khởi dạt dào. Từ 2006, giới hoạ sĩ và công chúng  thường biết tới Thùy Linh với phong cách trừu tượng qua rất nhiều cuộc triển lãm. Nhưng làng hội họa có hàng trăm gương mặt, năm 2008-2009 là thời gian Thùy Linh quặn đau đi tìm cho mình một phong cách, bởi chị đang chông chênh. Khách trong nước xem thì bảo tranh chị… tây quá. Khách nước ngoài xem lại khen thuần Việt. Đâu là cái riêng của Thùy Linh và cái chất của một phụ nữ Á đông?

Chị cố gắng để mỗi bức đều có một thông điệp, một tiếng nói, nó phải kể được một câu chuyện gì đó với cuộc đời này. Thấu hiểu nỗi nhọc nhằn của cái nghiệp, nên Trần Thùy Linh cố gắng đi bằng hai dòng tranh: trừu tượng và hoa. Chị muốn cả hai đều phải khác lạ và ấn tượng. Dù là hoa hay trừu tượng, thì tranh đều có màu mạnh, khỏe khoắn. Họa sĩ Nguyễn Thị Tâm chứng kiến thời gian đau đáu với nghệ thuật của chị cũng như những thành công bước đầu, động viên: “Em đã tìm được đường đi cho mình, hãy cố gắng đi tiếp”.

Lúc này Linh cho rằng hóa ra quãng thời gian đi làm du lịch chẳng những không mất mà còn được đối với nền tảng hội họa. Ngay như họa sĩ Bùi Mai Hiên, là người bạn thân thiết cũng nhận định như vậy. Bởi những chuyến đi làm du lịch, chị đã được hấp thụ thêm cảnh vật cũng như tình yêu thiên nhiên, cỏ cây hoa lá vào mình, từ đó chọn được một lối đi không theo lối mòn. 

Để được là mình

Làng hội họa có cách nói rằng, để vẽ đẹp thì nhiều người làm được, nhưng không nhiều người vẽ hay. Trong cuộc chơi sắc màu, người chơi cần làm chủ được thế giới và triết lý của màu sắc, để cùng với không gian, ánh sáng, quyện làm chất liệu cho tranh. Hoa Linh vẽ có sự sang trọng, trải nghiệm và thần thái của người từng có cuộc sống không suôn sẻ, trăn trở trong cuộc sống mưu sinh. Thế giới các loài hoa cho chị phương tiện để hành thiền, tìm về với cội nguồn bản ngã của vạn vật và chính mình. Còn thế giới tranh trừu tượng, cho chị phương tiện diễn đạt một nửa còn lại của con người mình. Để mình được là chính mình.

Thời gian gần đây tranh của chị nền nã, nghiêng về suy tư, chứ không hừng hực, đòi bung tỏa, bức bối và có phần hiếu thắng như trước. Bởi đến một tuổi nào đó chị thấy điều gì cần hơn và nghệ thuật cũng cần sự điềm đạm. Chị có cách điều chỉnh mình.

Thùy Linh tham gia rất nhiều triển lãm quốc tế tại Singapore, Hàn Quốc, Đài Loan, Mỹ, Mông Cổ... Triển lãm toàn tranh hoa lần cuối gần đây nhất cách đây đã 7 năm. Và năm 2017 này, chị quyết định trình làng những gương mặt hoa mang màu sắc mới mẻ hơn, trong hai triển lãm liên tiếp vào tháng 2 và 3 tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh. Chị hiện là Phó chủ nhiệm CLB Mỹ thuật Nữ (Hội Mỹ thuật TP Hồ Chí Minh), Phó Chủ nhiệm CLB Mỹ thuật Ngân Hà, và thành viên nhiều CLB Mỹ thuật khác.

Trở lại những bức cận cảnh hoa và cuốn theo những gương mặt hoa cánh mỏng, như thể được họa sĩ kéo hoa lại gần mà thủ thỉ, tâm sự. Tranh của chị có trong các bộ sưu tập cá nhân tại Việt Nam và nước ngoài. Những thành công ấy  tạo cho Thùy Linh niềm tin tiếp bước trên con đường mình đã chọn, chìm đắm trong sắc màu, cõi hoa, thế giới hoa mà chị đã đi khắp nơi để trải nghiệm, quan sát và thể hiện theo cách riêng.

Đọc thêm

Những “bóng hồng” tài năng trong phim “Lật mặt 7”

Những “bóng hồng” tài năng trong phim “Lật mặt 7”
(PLVN) - “Lật mặt 7: Một điều ước” của Lý Hải dù chưa ra rạp song đã nhận sự quan tâm khi quy tụ dàn diễn viên bậc nhất trong cả series, lên đến 50 người. Trong phần phim mới, có nhiều “bóng hồng” xinh đẹp, tài năng cùng góp mặt.

Nam tài tử đời đầu của màn ảnh Việt

Ông ghi dấu bằng vẻ ngoài đẹp trai, tài năng diễn xuất. (Nguồn: Cô Hai Kim Cương)
(PLVN) - Trước những năm 1975, La Thoại Tân cùng với Trần Quang, Lê Quỳnh, Hùng Cường, được mệnh danh là những nam diễn viên điện ảnh tài năng, phong độ nhất của mảnh đất Sài Gòn phồn hoa. Mười sáu năm sau khi La Thoại Tân mất (13/3/2008), người hâm mộ vẫn chưa bao giờ quên chàng nghệ sĩ lịch lãm, với những vai diễn để đời.

Gieo mầm chân - thiện - mỹ đến học đường thông qua nghệ thuật sân khấu

Sinh viên hào hứng với chương trình Sân khấu học đường. (Nguồn: NVH Sinh viên TP Hồ Chí Minh)
(PLVN) - Nhiều năm qua, không ít nhóm nghệ sĩ tâm huyết đã cố gắng đưa các vở diễn có giá trị nhân văn đến học đường biểu diễn cho các em học sinh. Những nỗ lực này nhằm giúp lan tỏa tinh thần yêu sân khấu đến với thế hệ trẻ, gìn giữ một bộ môn nghệ thuật di sản, đồng thời gieo mầm chân - thiện - mỹ đến học đường thông qua nghệ thuật sân khấu.

Vân Dung - bà mẹ dị trong "Người một nhà"

Vân Dung - bà mẹ dị trong "Người một nhà" (ảnh trong phim).
(PLVN) - Trong “Người một nhà”, nghệ sĩ Vân Dung vào vai người mẹ vừa lạ vừa dị. Người mẹ này đã bỏ hai anh em Tuệ để chạy theo cuộc sống riêng và đó cũng là một phần lý do tạo nên tính cách, hoàn cảnh và những xung đột trong cuộc sống của họ.