Đanh thép ở đất người
Một ngày, Yến nhận được cuộc gọi của San Phụng Nghi, một người hàng xóm, theo học nghề may chị nhờ chị sang Trung Quốc hầu tòa để giúp em gái mình là San Phụng Linh ly hôn với người chồng Trung Quốc.
San Phụng Linh sống tại TP HCM, lên mạng làm quen với một thanh niên người Trung Quốc tên là Chu Đức Ba, người này mua vé cho San Phụng Linh và chị gái của mình qua Quảng Châu, Trung Quốc du lịch chơi. Về nước, Linh và bạn trai mới quen tổ chức đám cưới ngay. Chị ruột của Linh là San Phụng Nghi cùng đi đưa dâu, khi đến Quảng Châu, Trung Quốc, để đến được nhà trai, mọi người phải ngồi xe lửa gần 20 tiếng đồng hồ mới tới Hồ Bắc, rồi mất thêm 3 giờ nữa di chuyển bằng các phương tiện khác và bò kéo.
Thời tiết lạnh giá, khắc nghiệt, nhà chồng nằm ở vùng núi heo hút, chỉ là một mái tranh nghèo xơ xác. Chị Nghi thấy khác hoàn toàn những lời hứa hẹn lo cho cuộc sống em mình nên nổi giận, đòi đưa em gái về, nhưng không được.
Sống với nhau một năm trên núi, hai vợ chồng em Linh xuống núi thuê nhà sống. Xa lạ với mọi thứ, nhớ nhà, đời sống khổ sở, em Linh đòi về nhà nhưng chồng giữ hộ chiếu, không cho Linh cơ hội về nước. Biết hàng năm, chị Hà Phi Yến qua lại Trung Quốc cúng tổ tiên, Nghi nhờ chị tìm cách đưa em gái mình về Việt Nam. Qua đến Trung Quốc, chị thuê xe đến nơi Linh làm để hẹn gặp và bàn với em kế hoạch để có thể về nước. Chị khuyên Linh giữ chứng minh nhân dân, chị sẽ thuê xe đón Linh đi và qua biên giới, về Việt Nam.
Ban đầu, Linh còn thương chồng nên chần chừ, sau đó thì chạy về nhà lấy chứng minh nhân dân. Tuy nhiên, do có người báo, chồng Linh biết và chạy về nhà ngăn chặn, giữ Linh lại nhà. Chị Yến chờ mãi không được, đành một mình trở về. Một thời gian sau, Linh bệnh nặng. Chồng Linh mua vé cho vợ về Việt Nam. Sau khi trị bệnh xong, Linh không dám sang Trung Quốc nữa. Chồng Linh “đòi” vợ mãi không được thì đâm đơn kiện.
Trước kia, khi kết hôn, hai vợ chồng đăng kí ở Vũ Hán, trung tâm tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc, nơi chuyên đăng kí kết hôn cho những cặp vợ chồng có yếu tố kết hôn giữa người Trung Quốc và nước ngoài. Sau khi có đơn kiện vào tháng 5/2015, chị Yến được gia đình Linh ủy thác, đại diện nhà gái sang Vũ Hán hầu tòa. Tòa án Vũ Hán cho rằng Linh đã không làm tròn trách nhiệm với chồng và gia đình chồng, sẽ bị phạt 3 năm, tính theo thời gian cưới.
Chị Yến kể lại, trước phiên tòa, ai cũng nghĩ là không thắng nổi. Làm sao một người phụ nữ ở Việt Nam, không phải luật sư, lại đứng ra biện bộ cho một cô dâu Việt Nam ngay trên đất nước Trung Quốc mà có nhiều hy vọng thành công? Chị bảo, cứ thấy đúng là làm, và vì xót cho Linh nên nỗ lực hết mình. Trước tòa, chị Yến đã dùng tiếng Hoa lưu loát để tranh luận, chị nhấn mạnh, chị và Linh, San đều là người Việt gốc Hoa, sống ở Việt Nam, Việt Nam đã trở thành quê hương, thành máu thịt của mình.
Chị không rành rẽ luật pháp Trung Quốc, nhưng hiểu rằng, hôn nhân phải xuất phát dựa trên sự tự nguyện, hiểu biết lẫn nhau, sự minh bạch và nhất định không nên có sự dối lừa. Đức Ba khi mua vé cho Linh sang Trung Quốc chơi đã hứa hẹn nhiều điều nhưng không hề cho Linh biết gì về gia đình mình, đến khi sang làm dâu, Linh mới biết Đức Ba sống không cố định, nay đây mai đó. “Theo tôi, cuộc hôn nhân này ngay từ đầu đã có sự dối lừa, vậy thì dám hỏi tòa, làm sao đây là một cuộc hôn nhân bền vững, hạnh phúc? Cuộc hôn nhân như thế liệu có nên duy trì hay không?” – chị Yến đã đứa ra câu hỏi đanh thép như thế.
Vị chủ tọa đã quay sang hỏi Chu Đức Ba: “Cậu đưa cô gái đi chơi 4 ngày, có dắt về nhà để tìm hiểu hoàn cảnh gia đình không?”. Người thanh niên trẻ trả lời “Không”. Từ những luận cứ nói trên, tòa Trung Quốc đã ra phán quyết chấp thuận cho hai vợ chồng ly hôn, theo nguyện vọng của Linh. Đây cũng là kỉ niệm đáng nhớ mà mỗi lần nhắc lại, chị lại có thêm động lực cho hành trình không mệt mỏi của mình.
Điểm tựa cho những hoàn cảnh khốn khó
Còn rất nhiều mảnh đời khó khăn được chị Yến nhiệt tình giúp đỡ. Đó là là đình anh Phạm Minh Tâm ở phường Phú Trung, Tân Phú, một hộ nghèo khó. Em gái anh Tâm bị tim, chị chạy vạy vận động các tấm lòng hảo tâm để mổ tim. Đến lúc cô gái này mất, nhà quá nghèo, chị lại một tay lo các thủ tục tang ma. Rồi anh Tâm ngã bệnh, chị lại xắn tay vào giúp đỡ… Hay trường hợp bà cụ người Hoa tên Chu Muội (95 tuổi) được chị quyên tiền giúp đỡ mổ chân, đến nay chân bà cụ đã lành hẳn, bà đi bán nhang trở lại bình thường.
Còn rất nhiều câu chuyện mà chị Yến cho là nho nhỏ nhưng được người dân trong khu vực kể lại với đầy những biết ơn. Riêng chị, vẫn luôn lặng thầm mà đầy nhiệt huyết giúp người, trở thành điểm tựa cho biết bao hoàn cảnh khốn khó…