Bữa cơm cuối cùng
Nguyễn Minh Thừa (SN 1992, ngụ ấp Hậu, xã Tân Thông Hội, huyện Củ Chi, TP HCM), con trai út của bà Nguyễn Thị Gái (SN 1956) mất tích từ tháng 4/2010 đến nay vẫn chưa hề có tin tức. Người ta cho rằng Thừa đã chết, đã bị ai đó phi tang thi thể. Còn bà Gái vẫn hi vọng con mình còn sống và đợi chờ từng ngày trong hơn 6 năm qua.
Nhà bà Gái thuộc hộ cận nghèo, tường gạch cũ nát, mái tôn lỗ chỗ dột nước mỗi cơn mưa. Sáu năm trước, căn nhà ấy vẫn đầy tình nghĩa mẹ con. Bà Gái hạnh phúc vì Thừa, đứa con út luôn chăm lo cho mình. Bởi đời bà chưa một phút yên ổn.
Lấy chồng, sinh được 4 con. Chồng thường rượu chè rồi sinh tật chửi vợ, mắng con. Dù vậy, bà Gái cố gắng nuôi con. Vì rượu, năm Thừa lên 3 tuổi, chồng bà Gái đổ bệnh, suốt ngày bầu bạn với men nồng, không đỡ đần được gì cho vợ con. Gánh nặng càng đè lên vai người mẹ nghèo, bệnh tật.
“Hồi ấy, tôi bán vé số dạo. Thấy mẹ khổ, mấy đứa con lớn bỏ học đi làm kiếm thêm đồng ra đồng vào. Còn nhỏ nên cứ ai mướn gì chúng nó làm nấy chứ không có việc ổn định. Còn thằng Thừa, mới 3 tuổi đã phải theo tôi đi khắp làng bán vé số. Để nó ở nhà, không ai trông nom” bà Gái kể.
Nhiều năm sau, Thừa vừa đi học, vừa bán vé số giúp mẹ. Vì thế, còn rất nhỏ, Thừa thấm thía được nỗi cơ cực của gia đình. Năm lớp 7, Thừa không chịu đến lớp mà muốn ở nhà bán vé số thay mẹ. Bà Gái can ngăn, muốn con mình có thêm con chữ, sau này không khổ như mình. Nhưng thương mẹ, Thừa cương quyết nghỉ học.
Anh Nguyễn Minh Thừa, người mất tích bí ẩn cách đây 6 năm |
Năm 2008, chồng bà Gái mất. Dù nghèo, dù bỏ học sớm nhưng Thừa ngoan hiền, chưa bao giờ làm mẹ buồn hoặc làm phiền làng xóm. Ai cũng thương đứa trẻ siêng năng, biết lo nghĩ cho mẹ, cho gia đình. Lớn hơn một chút, Thừa không còn đi bán vé số vì thu nhập thấp. Thừa chọn nghề phụ hồ cho một số chủ thầu.
Bà Gái kể: “Làm lụng vất vả, Thừa chưa bao giờ than vãn về số phận hoặc so bì với chúng bạn. Ngày nào cũng đi làm, mong kiếm được tiền để sửa lại căn nhà, mua chiếc xe máy cũ đi lại. Tôi bệnh khắp người nên ở nhà lo cơm nước. Làm được bao nhiêu tiền, Thừa mang về, đưa hết cho tôi. Tôi sử dụng thế nào, Thừa không ý kiến. Tôi mua gì, Thừa ăn nấy, không kêu ca”.
Tháng 3/2010, một chủ thầu trong xã kêu Thừa đi phụ hồ cho công trình xây dựng được ở huyện Củ Chi. Thừa nhận lời. Đường xa, không có xe đi lại, người thầu công trình hằng ngày cho Thừa đi nhờ. Cứ sáng đưa đi, chiều đưa về, không có gì bất thường.
Công việc được khoảng 1 tháng. Biến cố xảy ra vào đầu tháng 4/2010, cái ngày mà bà Gái vẫn nhớ như in. Sáng hôm ấy, như mọi hôm, bà Gái dậy nấu cơm cho con lót bụng đi làm. Bữa cơm nhà nghèo với thức ăn là cá khô kho mặn.
Vội ăn vài ba miếng, Thừa xách bịch cơm trưa đi khỏi nhà cho kịp lúc chủ thầu đến đón lên công trình. “Khi đi, Thừa mặc quần dài đen có sọc, áo sơ mi màu cafe cụt tay, cái áo ấy tôi đi Châu Đốc (An Giang) mua cho Thừa hai cái, mang dép lê màu xanh”, bà Gái nhớ lại.
Chiều tối hôm ấy, bà Gái không thấy con về. Một linh cảm không lành, bà Gái chạy ra quốc lộ 22 đứng ngóng chờ con. Vì Thừa không có điện thoại, bà Gái cũng không nên không liên lạc được. Đợi mãi đến tối, bà Gái lê chân về, đóng cửa đi nằm.
Trăn trở mãi không ngủ được, bà đợi nghe tiếng con về gọi cửa. Mấy lần chó sủa là mấy lần bà vùng dậy mở cửa vì tưởng bóng dáng con: “Lúc ấy lo thật nhưng cứ nghĩ đi làm về Thừa ghé nhà bạn hoặc chủ thầu nhậu rồi ngủ lại sáng đi làm luôn. Chứ ngờ đâu, Thừa biệt tích từ hôm đó...”.
Sáu năm mòn mỏi tìm con
Sáng hôm sau, bà Gái thấy chủ thầu chạy xe vào nhà, nói là đón Thừa đi làm. Bà Gái ngạc nhiên hỏi thì người chủ thầu nói chiều hôm qua đã chở Thừa về tới đầu hẻm. Bà Gái yêu cầu chủ thầu phải cùng mình đi tìm Thừa và cùng lên công an trình báo sự việc.
Sáu năm sau ngày Thừa mất tích, công an huyện Củ Chi mới có thư trả lời bà Gái |
“Chủ thầu chỉ đi tìm cùng tôi một ngày. Tôi đến công trình hỏi thì người ta nói hôm mất tích, Thừa có làm việc ở đây và sau đó ra về. Chủ thầu nói chở về rồi nhưng tôi đâu có thấy Thừa về nhà. Con tôi cũng không bị tâm thần hoặc xích mích chán đời mà bỏ mẹ, bỏ nhà đi bụi. Tôi làm đơn đến công an, yêu cầu họ điều tra mà người quan trọng nhất là ông chủ thầu”
Vẫn lời người mẹ: “Mãi 6 năm sau, tháng 7/2016, công an huyện Củ Chi mới có văn bản trả lời cho tôi là đã tiếp nhận thông tin. Sau đó, công an yêu cầu tôi cung cấp hình ảnh để gửi đến công an 24 quận, huyện tại TP HCM thông báo. Sáu năm qua, tại sao họ không làm giúp tôi. Cũng từ đó, chủ thầu chưa một lần bước đến nhà tôi hoặc hỏi thăm Thừa đã về chưa”.
Chưa dừng lại ở việc tìm kiếm, nghe người ta đồn thổi Thừa trong lúc phụ hồ bị sập giàn giáo, tử nạn, bà tìm hỏi mãi nhưng không được, đành cùng đứa con thứ 3 lang thang khắp các bệnh viện.
Mục đích của bà Gái là hỏi nhà xác, có tiếp nhận nam thanh niên nào hay không. Nhưng vô vọng, ở đâu, người ta cũng lắc đầu. Mỗi cái lắc đầu là bà Gái thêm một lần suy sụp.
Rồi bà Gái nghe theo lời mê tín dị đoan của “thầy bói” nói “con bà bị vùi xác trong bãi rác Tam Tân ở xã Phước Hiệp (Củ Chi)”. Bà đến tìm kiếm. Không phải một ngày, mà người mẹ mất con đã đào bới bãi rác trong 1 tháng trời với hi vọng tìm được thi thể con.
Bà Gái kể: “Ngày nào tôi cũng đào bới. Chỗ nào nghi ngờ, tôi đều đào. Hết đào, tôi lại mượn người ta mang chó nghiệp vụ đến đánh hơi nhưng vẫn không có chút nào hi vọng”.
Tìm con mãi không thấy, bà Gái đổ bệnh, căn bệnh tiểu đường với nhiều biến chứng khiến bà gục ngã. Bệnh tật, nghèo khổ, bà Gái tạm dừng việc tìm con. Nhưng bà vẫn đợi và hi vọng một ngày nào đó, con mình trở về.
“Hi vọng con tôi còn sống rất mong manh. Sáu năm rồi, nếu nó còn sống, nhất định sẽ một lần về thăm nhà. Không vào nhà thì nó cũng đánh tiếng cho tôi biết. Điều bức xúc là tại sao công an không mời chủ thầu lên làm việc, điều tra. Con tôi còn sống hay mất tích thì nói tôi một lời. Đằng này không ai nói gì”.
Đêm nào bà Gái cũng nằm mơ thấy con mình về. Đứa con trong giấc mơ luôn gọi “Mẹ ơi...” rồi chìm dần vào bóng đêm. Mỗi lần như vậy, bà Gái thức giấc, thắp nhang cho chồng mình, lầm rầm khấn vái giữa khuya.
Sáu năm qua, bà Gái vẫn ở lại căn nhà nhỏ xây bằng gạch đã xuống cấp, mái tôn dột nước để chờ đứa con trai thất lạc. Bệnh tật, không đủ sức đi làm, bà dựa vào đứa con thứ 3.
Thường ngày, bà nhận công việc làm mành trúc từ công ty mang về nhà gia công. Mỗi ngày cố gắng lắm cũng được vài chục nghìn đồng. Bà mân mê cái chứng minh nhân dân, thứ duy nhất có hình ảnh của Thừa: “Mấy năm qua, tôi vẫn chờ đợi nên không lập bàn thờ. Con tôi ngoan lắm, hiền lắm”.
Thường ngày, bà Gái làm mành trúc để kiếm sống |
Trao đổi với XLPL, Bí thư chi bộ địa phương cho biết gia đình bà Gái trước đây thuộc hộ nghèo, hiện nay là hộ cận nghèo. Về việc Thừa mất tích, nhiều người trong ấp rất ngạc nhiên vì thường ngày Thừa ngoan hiền, thương mẹ.
“Sáu năm rồi, chúng tôi cũng không nghe tin tức gì về Thừa. Thừa mất tích một cách kỳ lạ, khó hiểu nên nhiều người nghi ngờ là đã chết và bị phi tang”, vị này cho hay.