Luật sư Lê Hiếu - Giám đốc Công ty Luật TNHH Hiếu Hùng tư vấn: Căn cứ khoản 3 Điều 99 Bộ luật Lao động 2019 quy định, trường hợp phải ngừng việc, người lao động được trả lương như sau:
Nếu do lỗi của người sử dụng lao động thì người lao động được trả đủ tiền lương theo hợp đồng lao động.
Nếu do lỗi của người lao động thì người đó không được trả lương; những người lao động khác trong cùng đơn vị phải ngừng việc thì được trả lương theo mức do hai bên thỏa thuận nhưng không được thấp hơn mức lương tối thiểu.
Nếu vì sự cố về điện, nước mà không do lỗi của người sử dụng lao động hoặc do thiên tai, hỏa hoạn, dịch bệnh nguy hiểm, địch họa, di dời địa điểm hoạt động theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền hoặc vì lý do kinh tế thì hai bên thỏa thuận về tiền lương ngừng việc như sau: Trường hợp ngừng việc từ 14 ngày làm việc trở xuống thì tiền lương ngừng việc được thỏa thuận không thấp hơn mức lương tối thiểu. Trường hợp phải ngừng việc trên 14 ngày làm việc thì tiền lương ngừng việc do hai bên thỏa thuận nhưng phải bảo đảm tiền lương ngừng việc trong 14 ngày đầu tiên không thấp hơn mức lương tối thiểu.
Như vậy, căn cứ theo quy định trên, trường hợp người lao động phải ngừng việc do thiên tai theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền thì sẽ được hưởng tiền lương ngừng việc theo thỏa thuận giữa người lao động và người sử dụng lao động nhưng không được thấp hơn mức lương tối thiểu vùng do Chính phủ quy định.
Theo quy định hiện nay, mức lương tối thiểu vùng được áp dụng căn cứ Nghị định 74/2024/NĐ-CP như sau: Vùng I là 4,96 triệu đồng/tháng; vùng II là 4,41 triệu đồng/tháng; vùng III là 3,86 triệu đồng/tháng; và vùng IV là 3,45 triệu đồng/tháng.
Do đó, bạn phải ngừng việc do siêu bão Yagi thì vẫn sẽ được công ty trả lương, tiền lương ngừng việc sẽ do 2 bên thỏa thuận nhưng phải bảo đảm tiền lương ngừng việc không được thấp hơn mức lương tối thiểu vùng đã nêu ở trên.
Căn cứ khoản 2 Điều 6 Bộ luật Lao động 2019 quy định người sử dụng lao động có các nghĩa vụ sau đây: Thực hiện hợp đồng lao động, thỏa ước lao động tập thể và thỏa thuận hợp pháp khác; tôn trọng danh dự, nhân phẩm của người lao động. Thiết lập cơ chế và thực hiện đối thoại, trao đổi với người lao động và tổ chức đại diện người lao động; thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở tại nơi làm việc. Đào tạo, đào tạo lại, bồi dưỡng nâng cao trình độ, kỹ năng nghề nhằm duy trì, chuyển đổi nghề nghiệp, việc làm cho người lao động.
Thực hiện quy định của pháp luật về lao động, việc làm, giáo dục nghề nghiệp, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp và an toàn, vệ sinh lao động; xây dựng và thực hiện các giải pháp phòng, chống quấy rối tình dục tại nơi làm việc. Tham gia phát triển tiêu chuẩn kỹ năng nghề quốc gia, đánh giá, công nhận kỹ năng nghề cho người lao động.
Như vậy, trong các nghĩa vụ của người sử dụng lao động, thì việc hỗ trợ cho người lao động bị thiệt hại do thiên tai là không bắt buộc. Việc người lao động bị thiệt hại do bão số 3 có được hỗ trợ từ công ty hay không phụ thuộc vào quyết định của công ty.
Bên cạnh đó, theo điểm b khoản 1.3 Điều 6 Quy định ban hành kèm Quyết định 4290/QĐ-TLĐ năm 2022 quy định về việc chi tài chính tại công đoàn cơ sở như sau: Chi trợ cấp cho đoàn viên công đoàn và người lao động gặp khó khăn do tai nạn lao động, tai nạn do rủi ro, bị ảnh hưởng do thiên tai, dịch bệnh, hỏa hoạn, mắc bệnh hiểm nghèo, ảnh hưởng chất độc da cam gây tổn thất về sức khỏe hoặc tài sản. Mức chi thăm hỏi, trợ cấp cho đoàn viên công đoàn và đối tượng không phải là đoàn viên công đoàn do công đoàn cơ sở quy định.
Theo đó, người lao động bị thiệt hại do bão số 3 có thể được xem xét hỗ trợ từ công đoàn công ty. Công đoàn công ty tùy vào tình hình tài chính quyết định chi trợ cấp cho người lao động chịu ảnh hưởng do bão số 3 bị thiệt hại về tài sản hay tổn thất về sức khỏe.