Mỗi thi thể, một câu chuyện đời
Một trưa hè oi ả, chúng tôi tới thăm gia đình ông Nguyễn Ngọc Thi – sống trên con thuyền nhỏ lợp tôn, bấp bênh theo sóng nước. Từ trong con thuyền, dáng hình một người đàn ông gầy gò, khắc khổ, đôi mắt trắng đục đã nhuốm màu thời gian hiện ra, tiếp đón những vị khách lạ một cách nhiệt tình, niềm nở.
Ông Thi tâm sự, ba mẹ ông từ Việt Trì – Phú Thọ vào Nam làm ăn sinh sống, sinh ra ông và cuộc đời ông gắn với nước sông Sài Gòn từ khi lọt lòng tới giờ. Năm 8 tuổi, ông đã theo người thân “cột xác” trên sông Sài Gòn. Hơn 40 năm trong nghề, ông đã cứu sống được hơn 100 người và vô số thi thể được vớt lên, ông không nhớ nổi. Ông Thi bộc bạch gọi là “nghề” nhưng ông làm từ tâm thôi, vì thương người ta mà cứu, mà vớt chứ cũng không đòi hỏi tiền bạc gì.
Ngã ba sông Sài Gòn - nơi gia đình ông Thi neo đậu là vùng nước xoáy nên thi thể tấp vào đây rất nhiều. Mỗi thi thể là một câu chuyện, một phận đời bi ai: Có khi là cặp đôi đồng tính vì không vượt qua được rào cản xã hội mà buộc chân, buộc tay vào nhau tự tử để bên nhau trọn kiếp; có khi là nhóm nữ sinh bồng bột tự tử vì áp lực học hành...
Trong số những phận đời bi ai ấy, có rất nhiều câu chuyện thương tâm mà ông Thi vẫn còn nhớ mãi. Câu chuyện đau lòng nhất là vụ vớt được thi thể của ba mẹ con bị tâm thần, không may bị rơi xuống sông chết đuối, đứa bé nhợt nhạt, tím ngắt ai cũng rất đau lòng. Rồi nhưng khi vớt được xác người mẹ mới phát hiện người mẹ đang mang thai thì ai cũng không thể kìm lòng mà bật khóc.
Con thuyền nhỏ, nơi gia đình ông Thi sinh sống. |
Hay như câu chuyện của một nam tử tù còn rất trẻ. Thanh niên ấy là một trong ba tù nhân trốn trại, khi bơi qua sông Sài Gòn thì tù nhân xấu số ấy chết đuối và dính vào lưới đánh cá của ông Thi.
Rồi câu chuyện khó hiểu và đặc biệt nhất, đó là khi ông Thi cứu cả đồng nghiệp của mình, chính là ông Bảy hay còn gọi là Bảy Nhỏ - người đầu tiên làm nghề vớt xác, cứu người trên sông Sài Gòn.
Ông Thi kể, hôm đó, ông Bảy đánh xuồng chở bốn người qua sông để đi đám giỗ họ hàng, bỗng nhiên giông lốc, mưa to kéo đến làm lật thuyền. Ông Thi lúc này đang bên bờ sông thấy thế mặc mưa to, sóng lớn vẫn lao thuyền ra cứu nhưng tiếc rằng chỉ cứu được hai người. Thi thể ông Bảy và cô con gái sau đó được tìm thấy và đem về chùa Diệu Pháp. Ông Thi thở dài: “Ông Bảy cả đời lội nước vớt xác, cứu người mà cuối cùng lại tử nạn trên chính địa bàn mình”.
Mắc bệnh tim vẫn miệt mài cứu người
Từ cái chết của ông Bảy, người làm nghề vớt xác trên sông Sài Gòn này ngoài ông Thi cũng chẳng còn mấy ai làm nghề này nữa. Ông Thi mặc dù mắc bệnh nhồi máu cơ tim nhưng vì cái duyên với nghề, vì lòng thương người còn nặng lắm nên ông vẫn cố gắng làm đẹp cho đời.
Ông Thi bộc bạch, không phải ai cũng làm được nghề này đâu, phải có duyên. Những thi thể vô tri không còn nhận thức nhưng khi mình chưa đủ duyên, họ không cho mình cột, có những thi thể cột dây vào người để kéo họ vào bờ nhưng năm, bảy lần đều tuột vì họ không tin tưởng mình, phải lên hương khấn vái, hết nén hương họ mới cho kéo vào bờ.
Duyên số còn thể hiện ở chỗ cho ông Thi gặp được những thi thể để đưa họ trở về với gia đình. Mỗi thi thể được vớt lên bờ đều được ông Thi khấn bái, mong cho họ siêu thoát, phù hộ cho ông đỡ bệnh.
Ông Nguyễn Ngọc Thi cùng vợ - bà Nguyễn Thị Kim Dung. |
Ngoài cái duyên còn phải có thần kinh thép mới trụ được với nghề. Có những thi thể đứt đầu, đứt tay, phân hủy không còn nguyên dạng... hay có những xác chết bốc mùi ám vào người phải tắm rượu trắng mấy lần mới đỡ. Vợ, con của ông dù bao nhiêu năm thấy ông làm nghề nhưng nhiều khi gặp xác chết phân hủy quá nặng vợ ông vẫn bị ám ảnh, có những thi thể khiến vợ ông bỏ ăn hai ngày.
Bà Nguyễn Thị Kim Dung - vợ ông Thi tâm sự, ông Thi ham nghề lắm, rồi để giữ nghề, gia đình hy sinh cũng nhiều. Không quản thời gian lễ tết, có khi 12 giờ đêm lo vợ con sợ, bị ảnh hưởng tâm lý; ông lại chở mẹ con lên bờ rồi một mình chèo thuyền ra làm việc.
Vừa nói, bà Dung vừa chỉ về bãi lau ở ngay mũi ngã ba: Mùng 2 Tết Nguyên đán vừa rồi, ông Thi mới vớt xác một cô gái mắc kẹt trong bụi lau đấy. Ông Thi phải lội vào kéo cô gái ra, sình lầy lún tới ngang bụng, lại là ngày tết nữa nhưng không kiêng cữ gì cả.
Nói rồi bà Dung nghẹn ngào, hiện giờ sức khoẻ của ông Thi không còn tốt như trước kia nữa. Có những ngày ông ngất tới hai lần nhưng hoàn cảnh nghèo khó không có tiền mua thuốc chữa trị. Con trai bà mới mất cách đây 3 năm nên áp lực kinh tế đè nén lên đôi vai gầy của ông Thi. Bà nhiều lần không muốn cho ông Thi làm công việc này nữa vì lo lắng cho sức khoẻ của ông nhưng nhìn thấy ánh mắt quyết tâm cùng ý nghĩa lớn lao của công việc này, bà lại kìm lòng ủng hộ.
Được hỏi về những ước mơ của mình, ông Thi chia sẻ: “Một là tôi chỉ mong trời phù hộ cho tôi thật nhiều sức khoẻ, mau chóng khỏi bệnh để tôi cứu người, còn sức là còn làm. Hai là thực hiện di nguyện cuối cùng của con trai tôi để lại là gia đình có thể dọn lên bờ sống, có chỗ ở ổn định”.
Hơn 30 năm với trái tim tật nguyền, ông Thi vẫn như một người anh hùng thầm lặng vớt xác cứu người. Trái tim ấy là trái tim không hoàn hảo nhưng là một trái tim kiên cường, mạnh mẽ giàu tình yêu thương nhất. Ông Thi là tấm gương sáng đáng được tôn vinh, sẻ chia, giúp đỡ nhưng có lẽ ước mơ của ông Thi về một trái tim mạnh khoẻ, một mái ấm vững chãi còn quá xa vời, mông lung, dập dềnh theo từng đợt sóng không biết trôi dạt về đâu.
Gia đình vừa đón thành viên mới, vừa tái sinh cho một kiếp người
Trong số hơn 100 người được ông cứu sống, ông Nguyễn NgọcThi nhớ nhất là năm 1998, khi ông sinh cậu con trai đầu lòng cũng là khi ông cứu được một cô gái người Việt gốc Hoa. Người phụ nữ đó tầm 30 tuổi, là một thương nhân có tiếng ở Chợ Lớn - Sài Gòn nhưng vì làm ăn thua lỗ mà nhảy cầu Bình Lợi tự tử. Ông Thi ghi nhớ khoảnh khắc cứu được cô gái đó nhất vì gia đình vừa đón thêm thành viên mới, vừa tái sinh cho một kiếp người.