Con đường dẫn vào làng MRong Yố (xã Iaka, huyện Chư Păh, tỉnh Gia Lai) lầy lội trong những ngày mưa. Đất đỏ quyện từng bước chân dẫn đến nhà nghệ nhân Rơ Châm H’Mút - người giữ lửa cồng chiêng của đồng bào dân tộc Jarai nơi đây.
Tình yêu từ thuở ấu thơ
Rơ Châm H’Mút đón khách trong trang phục truyền thống của người Jrai. Ngôi nhà sàn đặc trưng với những loại nhạc cụ dân tộc: cồng, chiêng, đàn t’rưng… được trưng bày trân trọng.
Nghệ nhân chia sẻ về cơ duyên đến với niềm đam mê cồng chiêng: từ 5, 6 tuổi, ông đã theo cha tham dự những lễ hội làng, xem cha biểu diễn, được cha truyền dạy ý nghĩa về tiếng cồng, tiếng chiêng. Lúc đó ông đã có niềm thích thú và tình yêu đặc biệt dành cho loại nhạc cụ dân tộc này và tự tìm tòi học hỏi.
Sau những lần xem biểu diễn về, mỗi lúc rảnh rỗi, ông thường tìm lấy cành cây, gõ vào những đồ vật bằng kim loại khiến cho chúng phát ra âm thanh nghe vui tai, rồi đứng lên nhảy múa như đang được đứng trong đội hình biểu diễn.
Niềm đam mê ăn sâu vào tiềm thức, khiến những lần đứng trong căn bếp nhỏ, đôi tay ông cũng vô tình biến chiếc muỗng, chiếc nồi thành nhạc cụ. Đối với cậu bé Rơ Châm H’Mút ngày ấy, bất cứ chỗ nào cũng thành sân khấu cho tiếng cồng tiếng chiêng vang dội.
Nhận thấy niềm đam mê mãnh liệt của con trai với cồng chiêng, cha ông đã xin cho con tập luyện trong đội cồng chiêng của làng. Chỉ mới 15, 16 tuổi, ông đã thuộc và đánh thành thạo khá nhiều bài và được biểu diễn trong những dịp làng có hội. Năm 20 tuổi, ông bắt đầu tham gia truyền dạy cồng chiêng cho các em thiếu niên trong làng.
Nghệ nhân Rơ Châm H’Mút truyền dạy cho giới trẻ về cồng chiêng |
Nghệ nhân chia sẻ: “Học cồng chiêng không khó, nhưng cái khó là phải có tình yêu với nó. Đánh cồng chiêng là phải gửi tâm hồn mình vào trong từng nhịp chiêng, khi ấy tiếng chiêng mới hay được”.
Theo ông, tiếng cồng chiêng trong mỗi lễ hội đều mang những ý nghĩa và thông điệp khác nhau. Lễ hội mừng lúa mới, đâm trâu, cưới hỏi sẽ có nhịp điệu nhanh, dồn dập thể hiện niềm vui, sự hào hứng của người đồng bào. Lễ bỏ mả, ma chay… sẽ có những bài riêng, với nhịp điệu trầm buồn để thông báo cho mọi người, cho các làng bên về sự ra đi của một người nào đó để họ cùng chia buồn.
Ước mơ giữ lửa cồng chiêng
Với mong muốn tiếng cồng, tiếng chiêng của dân tộc mình không chỉ sống và tồn tại mãi với con dân buôn làng mà còn vươn xa ra toàn thế giới, nghệ nhân Rơ Châm H’Mút đã nhận lời tham gia biểu diễn cồng chiêng ở nhiều nơi: Festival cồng chiêng Tây Nguyên, TP HCM, Hà Nội…
Lật giở những tấm hình kỉ niệm từ những lần tham gia biểu diễn khắp nơi, nghệ nhân chia sẻ: “Có những lần đi dài ngày, có khi đến vài tháng, nhớ buôn làng, nhớ Tây Nguyên lắm. Nhưng nghĩ đến vẫn còn nhiều người muốn nghe tiếng cồng, tiếng chiêng và tiếng cồng chiêng vẫn được cất lên hàng ngày chính là động lực để tôi cố gắng. Tôi cũng truyền dạy cho thế hệ trẻ bằng tất cả tình yêu của mình”.
Không chỉ biểu diễn, nghệ nhân còn nhận lời tham gia giảng dạy cho các bạn trẻ có lòng đam mê với tiếng cồng, tiếng chiêng. Hiện ông đang giảng dạy cho các học sinh trường THCS Iaka và THCS Iamơnông trên địa bàn. Ngoài ra, năm 2013, ông đã tham gia giảng dạy cho sinh viên của học viện âm nhạc Hà Nội trong vòng 10 ngày.
Sự đam mê của các học sinh, sinh viên đối với loại nhạc cụ truyền thống này chính là niềm vui và động lực giúp nghệ nhân dành hết tâm huyết truyền dạy văn hóa dân tộc Tây Nguyên cho các thế hệ trẻ ở nhiều nơi trên đất nước.
Về việc giữ gìn và phát huy văn hóa cồng chiêng ở làng mình, nghệ nhân tự hào chia sẻ, hiện ở làng rất nhiều người biết đánh cồng chiêng. Có những nhà có đến 3, 4 bộ chiêng. Trong làng còn giữ 2 bộ chiêng Lào cổ trị giá đến vài chục con bò, có từ thời xưa để lại, không ai nhớ cụ thể nó xuất hiện từ bao giờ.
Tuy nhiên, ông vẫn ngậm ngùi: “Nhiều năm qua, tôi đã đưa đội cồng chiêng của làng tham gia nhiều hoạt động văn hóa ở khắp các tỉnh, thành trong nước. Nhưng chính trong ngôi làng mình, hoạt động văn hóa này lại đang hiếm dần. Tuy vậy, tôi vẫn sẽ quyết tâm giữ gìn đội cồng chiêng, dạy đánh chiêng cho những đứa trẻ đủ tuổi để chúng không quên văn hóa truyền thống”.
Bằng chứng cho quyết tâm ấy là đội cồng chiêng nữ đang dần được thành lập bởi sự giảng dạy của ông và các thành viên trong đội cồng chiêng lớn tuổi. Ông cho biết, trước đây chỉ có con trai mới tham gia đánh cồng đánh chiêng trong các lễ hội.
Nghệ nhân Rơ Châm H’Mút (người đi đầu) biểu diễn cồng chiêng |
Còn ngày nay, phụ nữ làng MRong Yố 2 cũng được khuyến khích tham gia. Trong làng hiện đã thành lập được 4 đội: Đội lớn tuổi, đội thanh niên, đội thiếu niên và đội nữ đang cố gắng tập luyện hàng ngày để có thể cùng tham gia vào các lễ hội.
Trong ngôi nhà sàn xinh xắn còn lưu giữ nhiều bằng khen của ông từ các cuộc thi. Ông chia sẻ hiện ông cũng đang dạy cho vợ và 4 con gái đánh những bài cồng chiêng cơ bản nhất. Trong những lần đi diễn và những chuyến đi ra Hà Nội, Sài Gòn, ông đều dẫn vợ theo để cùng chia sẻ tình yêu với cồng chiêng.
Bà Puih H’Yui (SN 1960), vợ nghệ nhân, chia sẻ: “Tôi cũng rất thích cồng chiêng nên mỗi lần ông ấy đi đều xin đi theo nghe, rồi tập đánh từ từ để sau này có thể đánh thành thạo, thậm chí dạy lại cho các con, các cháu”.
Ông Rơ Châm H’Mút tâm sự về mơ ước của mình: “Tôi chỉ mong sao có thể đem hết khả năng của mình để biểu diễn ở nhiều nơi hơn nữa, truyền lại tình yêu về văn hóa cồng chiêng cho thế hệ trẻ sau này. Để cồng chiêng Tây Nguyên có được sự quan tâm nhiều hơn nữa từ các dân tộc trên đất nước và vượt lên xa hơn ra thế giới”.
Ông Ksor Sum, Chủ tịch xã Iaka (huyện Chư Pah, Gia Lai) cho biết: “Ngày nay, lớp trẻ nhiều người mải mê dành hết thời gian lo cho kinh tế và bị ảnh hưởng bởi các nền văn hóa hiện đại, bỏ quên dần tiếng cồng tiếng chiêng truyền thống của dân tộc mình…
Văn hóa cồng chiêng đang dần bị thưa thớt, mai một. Nhờ có những người như Rơ Châm H’Mút nên người trẻ đã nhận thức được tầm quan trọng của cồng chiêng. Đó không đơn giản chỉ là loại nhạc cụ mà còn là văn hóa”.