Nỗi buồn tuổi ấu thơ
Người đàn ông dẫn chúng tôi vào căn nhà nhỏ nằm sâu trong con hẻm gần nhà thờ Xóm Chiếu (phường 14, quận 4, TP.Hồ Chí Minh). Đó là ông Mạc Đăng Mỹ (66 tuổi), người được bà con trong khu phố ca ngợi là người đàn ông tốt bụng, người cha có nghị lực phi thường. Vợ chồng ông Mỹ có người con trai độc nhất, năm nay đã 28 tuổi nhưng số phận của cậu lại không được bình thường như bao đứa trẻ khác.
Ông Mỹ cho biết, vợ ông, bà Đặng Thị An (66 tuổi) vốn là người gốc Campuchia, nhưng sang Việt Nam từ những năm trước giải phóng. Bà An là con nhà gia giáo, được ăn học nên sang Việt Nam bà làm nhân viên trong một ngân hàng lớn thời bấy giờ. Còn ông Mỹ cũng được gia đình cho ăn học đàng hoàng, có thể nói được tiếng Anh, tiếng Pháp…
Thế rồi, duyên phận xui khiến ông Mỹ và bà An gặp nhau, yêu nhau rồi thành vợ chồng. Khi đất nước giải phóng, có nhiều biến cố xảy ra nên gia đình ông Mỹ lâm vào khó khăn, công việc không còn, hai vợ chồng ông phải làm đủ nghề để kiếm sống. Cũng vì hoàn cảnh, mãi đến năm 1988, vợ chồng ông mới quyết định sinh con sau hơn mười năm chung sống.
Niềm hạnh phúc vô bờ khi được làm cha, làm mẹ, hai người đã quyết định đặt tên cho cậu con trai là Mạc Đặng Mừng. Nhưng khi vừa nhìn thấy con, vợ chồng ông đã phải nén nỗi đau vào lòng, bởi Mừng sinh ra chỉ nặng chưa đầy 2 kg. Xót xa hơn, con càng lớn lên bao nhiêu, lại mang đến những nỗi buồn cho ông bà bấy nhiêu.
Mừng đang say sưa học tập |
“Đứa trẻ bình thường đến 2 tuổi đã biết nói, biết đi rồi. Nhưng cháu đến 9 tuổi mới bập bẹ tập nói, tập đi được”, ông Mỹ kể. Lúc này, vợ chồng ông Mỹ mới biết con trai mình đã bị bệnh down bẩm sinh, thần kinh không được bình thường như bao đứa trẻ khác.
Dù buồn bã, thất vọng nhưng tình yêu thương con lớn hơn tất thảy, vợ chồng ông Mỹ cố gạt nước mắt nuôi con khôn lớn. “Mình làm cha làm mẹ, đã sinh ra con thì phải có trách nhiệm lo cho nó. Nó ra đời không may bị như vậy rồi, mình phải chăm sóc cho nó để bớt đi phần bất hạnh, để nó có cuộc sống đàng hoàng của một con người", ông Mỹ chia sẻ.
Thế là từ đó, đi đâu, nghe ai bày cách gì có thể giúp con phát triển là ông bà lại về áp dụng. Ông Mỹ cười vui nói rằng, có thời điểm nghe người khác nói cho con uống nước vịt lộn tốt cho trí não thế là ông cũng làm theo. Ngày nào vợ chồng ông cũng mua trứng vịt lộn về luộc lấy nước cho con trai, còn mình thì ăn trứng. Vì ăn quá nhiều, có những lúc nhìn thấy trứng vịt lộn ông Mỹ cũng phát ớn.
Thành quả diệu kỳ
Với sự yêu thương, chăm sóc của cha mẹ, đến năm gần 12 tuổi, cậu bé Mạc Đặng Mừng đã bắt đầu có thể tự bước những bước đi vững vàng và nói rõ hơn. Mong mỏi cho con có được con chữ như bao đứa trẻ bình thường khác đã thúc giục ông Mỹ đi tìm thầy dạy cho con. Nhưng gặp ai, họ cũng từ chối.
Ông Mỹ bùi ngùi nhớ lại: “Tôi năn nỉ họ về dạy cho con thì họ nói “anh đừng có mướn tôi, anh mướn tôi tôi cũng không dạy. Mà dạy mấy đứa này cũng không học được đâu, chỉ thêm tốn tiền vô ích thôi”.
Thất bại trong việc tìm thầy dạy nhưng ông Mỹ quyết không cam chịu để con đầu hàng. Với vốn kiến thức có được của bản thân, ông quyết định tự mình làm thầy dạy Mừng tập viết, tập đọc... Sau đó, ông quyết định đưa con đến trường Võ Thị Sáu để học. Ngày nào ông Mỹ cũng chở con đi về trên chiếc xe máy cũ đến trường.
Để kích thích trí nhớ cho con, thỉnh thoảng trên đường đi, ông hỏi con có nhớ đường này đường gì, phía trước là đường nào? Có hôm, ông cố tình để con tự đi bộ về và lặng lẽ đi phía sau theo dõi. Rồi có những công thức, định lý, thỉnh thoảng ông lại bảo con đọc lại cho mình nghe.
“Mình hỏi một lần con không nhớ thì nhắc lại cho con. Có lúc phải hỏi 10 lần Mừng mới nhớ được. Cháu phải nhớ được công thức, định lý thì mới chứng minh hình học, mới làm toán được”, ông Mỹ nói.
Có lần, một ông bác sĩ mách ông cho Mừng học đàn sẽ tốt cho thần kinh. Ông Mỹ về lập tức vay mượn tiền mua đàn cho con. “Ông bác sĩ bảo mua đàn Organ cho con đánh để nó tác động lên mười đầu ngón tay, kích thích não hoạt động. Bệnh này là do não bị chết, nên giờ phải làm vậy để bắt nó hoạt động trở lại. Thứ nữa là học võ cho cơ thể khỏe. Rồi tập đi trên những viên đá, vì ở bàn chân có những cái huyệt có thể kích thích thần kinh hoạt động”, ông Mỹ kể.
Tuy nhiên, cũng như việc học kiến thức phổ thông, không có thầy dạy nhạc nào đồng ý dạy Mừng. Cuối cùng, ông đành phải đến gặp ông thầy dạy nhạc của nhà thờ Xóm Chiếu cạnh nhà để nhờ thầy. Và may mắn được thầy đồng ý.
Mừng và bố trong lễ tốt nghiệp khóa thiết kế đồ họa |
Ông Mỹ vui vẻ kể rằng, đến nay Mừng đã biết đàn những bài nhạc cơ bản. Không những vậy, sau một thời gian kiên trì học võ, Mừng cũng đã đạt được đai nâu võ Aikido. Và cuối cùng, sau nhiều năm theo học, mùa hè 2012, Mạc Đặng Mừng cũng tốt nghiệp chương trình cấp 2.
Ông Mỹ kể: “Học xong lớp 9, Mừng đã 25 tuổi rồi, mà có học tới lớp 12 cũng đâu làm gì được. Nên tôi quyết định ngưng để cho con đi học một cái nghề nào đó. Cuối cùng, tôi quyết định cho con đi học tin học và đưa vào Đại học Sư phạm. Ở đây họ dạy tin học căn bản, nhưng mà một năm phải đậu hết 3 môn thì họ mới cấp bằng, còn để một môn qua năm sau thì coi như họ không tính. Vậy mà cháu học rồi thi đậu”.
Sau khi hoàn thành khóa học tin học căn bản, đầu năm 2015, trường Đại học dân lập Văn Lang tổ chức khóa học thiết kế đồ họa dành cho người khuyết tật nên ông Mỹ đưa con mình tới học.
Ông kể lại: “Ở trường này, người khuyết tật chủ yếu là tay chân, mắt mũi chứ đầu óc bình thường. Tôi biết con không thể theo kịp nên đi học cùng con, để có gì thì hỗ trợ cho cháu. Nhưng tuổi đã cao, đùng một cái vào học thấy khó quá nên nghỉ.
Ông hiệu trưởng có tâm nên nói: “Tôi không cho anh nghỉ. Anh phải đi học cho con, anh phải vì con, giúp nó tiến bộ, chứ không phải anh học cho anh nữa. Anh sáu mấy tuổi rồi còn học làm gì. Tôi thấy ông nói có lý nên cũng thu xếp đi học. Vào lớp, hai cha con ngồi hai bàn khác nhau. Con học gì thì mình cũng học đó”.
Để hiểu thêm, ngoài thời gian cùng con học trên lớp, về nhà ông Mỹ cũng tự mày mò thêm, rồi đi học thêm cả một khóa internet dành cho người lớn tuổi. Cứ như vậy, trong khóa học 6 tháng, buổi sáng từ thứ 2 đến thứ 7 hàng tuần, ông Mỹ cùng con đến trường học. Buổi trưa, hai cha con ghé một ngôi chùa gần đó ăn cơm, rồi buổi chiều học tiếp.
Cuối cùng, sau bao nhiêu vất vả, đầu tháng 7/2015, Mạc Đặng Mừng cũng tốt nghiệp khóa học và nhận được tấm bằng trung bình khá do Đại học Văn Lang cấp.
Ông Mỹ nói: “Hiện tại, Mừng được Công ty TNHH VINA TECHLUB trao tặng học bổng "Vượt qua số phận". Phần thưởng là khóa học “thiết kế giao diện web” tại trung tâm tin học, trường Đại học Khoa học tự nhiên, Đại học Quốc gia TP.HCM.
Mừng hát trong một chương trình ca nhạc |
Người ta nói, nếu hoàn thành khóa học này tốt, sẽ đưa Mừng sang Úc làm việc. Vợ chồng tôi cũng hy vọng cháu sẽ thành công. Cháu nó bị thương tật 60% mà hôm nay được như vậy là chúng tôi hạnh phúc và mãn nguyện lắm rồi”.