Trước thực tế đó, các cụ “chuyển kênh” chỉ chọn con dâu, con trai trong làng để truyền khẩu Lải Lèn. “Nàng Lải” năm xưa nay đã ngoài 80 vẫn gồng mình chạy đua với thời gian, nhiệt tâm níu giữ vốn hát cổ.
Trải qua bao năm chiến tranh cùng thăng trầm cuộc sống, những câu hát, điệu múa cổ dần bị rơi rụng, thất lạc, đứt gãy. “Nàng Lải” năm xưa cứ gồng mình chạy đua với thời gian“cuối dốc cuộc đời”, nhiệt tâm níu giữ vốn cổ. Bởi cụ lo sợ khi cụ khuất núi, chẳng biết làng này có ai còn hát Lải Lèn?
Câu hát, điệu múa nghìn năm
Những câu hát Lải Lèn trầm bổng vang lên hòa quyện tiết trời cuối thu mát rượi khiến làng Nội (xã Bắc Lý, Lý Nhân, Nam Hà) yên bình đến nao lòng. Trong ngôi nhà nhỏ, cụ Nguyễn Thị Ngoãn, 82 tuổi, luyện giọng và tập múa với câu hát “đặc sản” của làng cũng như của Nam Hà. Đôi chân gân guốc mải mê xoay vòng. Đôi tay nhịp nhàng quyện với điệu nhạc. Cụ Ngoãn “phiêu” cùng Lải Lèn như đang nhớ về tuổi thanh xuân thời xa vắng.
Không phải ngẫu nhiên, cụ Ngoãn được người làng tôn vinh là “báu vật sống” của làng. Tuổi bát thập, cụ Ngoãn vẫn còn nhớ vanh vách những điệu hát cổ, dù lời văn không dễ nhớ, dễ hiểu. Chẳng nhạc đệm, chỉ có giọng hát với kỹ thuật lấy hơi, nhả chữ, cụ cất giọng: “Đêm chàng chuông kêu la mậu rạng/ Đội ơn chức trọng là múa vong/ Trăm quan tiền thưởng là trả công/ Chức trọng là múa vong đời đời”...
Nhắc đến điệu múa hát có từ nghìn năm trước, ánh mắt mờ đục của cụ Ngoãn chợt lấp lánh. Cụ hào hứng kể: cách đây hơn 1.000 năm, tổng Yên Trạch, phủ Nam Xang (nay là 3 làng: Yên, Đọ, Nội ở Bắc Lý, Lý Nhân) là vùng đất ven sông Hồng nước ngập mênh mông, lau sậy um tùm. Vào thế kỷ thứ VI, Triệu Quang Phục lúc đó đang giúp Lý Nam Đế đánh đuổi giặc Lương đã lấy đầm Dạ Trạch (nay thuộc Châu Giang, Hưng Yên) làm căn cứ chống giặc.
Nằm ở vị trí cách đầm Dạ Trạch không xa, lại tiện sông nước, việc đi lại thuận lợi, tổng Yên Trạch được Triệu Quang Phục chọn làm vành đai bảo vệ, tiếp tế cho vùng căn cứ. Sau khi chiến thắng giặc Lương, lên ngôi vua, Triệu Việt Vương đã về thăm lại vùng đất Yên Trạch. Nhân dân mừng rỡ đón rước. Múa hát Lải Lèn là một trong những nghi thức long trọng đó.
Sau khi vua mất, người dân trong 3 làng cùng lập đền thờ, quanh năm hương khói. Múa hát Lải Lèn và nghi lễ dâng rượu đón mừng chính thức trở thành tục múa hát thờ thần. Cùng đó, tục chạy ngựa, bơi chải cũng trở thành tích trò diễn xướng nhằm mô tả tái hiện những cuộc chiến, những thắng lợi của vua tôi họ Triệu.
Sau khi có đình làng riêng rẽ cùng thờ chung Triệu Việt Vương, dân ba làng đã đặt ra lệ phân định những nghi lễ mà mỗi làng phải đảm nhiệm cho chu đáo. Lâu dần, lệ phân định đó đã trở thành câu ca truyền tụng của dân cư khắp cả vùng: “Làng Đọ bơi thuyền, làng Yên chạy ngựa, làng Nội múa hát Lải Lèn”.
Cụ bảo, mỗi lần gần Tết, cả làng vui như trẩy hội. Làng chọn ra 12 cô gái và 8 thanh niên “18 trăng tròn” vào đội múa hát Lải Lèn. Sau việc nhà nông, tối đến, những nam thanh, nữ tú này lại tụ họp ở đình để được các cụ dạy múa hát. Tối mồng 2 tết, mọi nghi thức, giai điệu, lời ca được ôn luyện thật kỹ, thật nhuyễn, chuẩn bị cho ngày mồng 3 chính hội. Múa hát Lải Lèn được trình diễn tại đình làng Nội.
Trước đây làng có 5 người còn nhớ điệu Lải Lèn, nay chỉ còn 2 |
Nỗi lo câu hát dở dang
Đẫm mình trong không khí cả làng vang lên câu hát cổ, lên 10 tuổi, cô bé Ngoãn đã thuộc lòng những lời hát “học lỏm” được từ mẹ và các cô, các chị trong làng. Đến tuổi trăng rằm, cô gái Ngoãn trở thành “Nàng Lải” tham gia những cuộc diễn xướng múa hát trong hội làng, hội tỉnh.
Mỗi cuộc diễn xướng, thiếu nữ Ngoãn lại xếp những bộ áo nâu đẫm mùi bùn. Ngoãn khoác lên mình bộ trang phục đẹp mắt: quần the, áo lụa đỏ 8 vạt, đầu vấn khăn nhung, chân đi hài trắng biến thành “nàng Lải” dịu dàng, e ấp.
Cụ bảo: “Với mỗi người, những câu hát dân ca như đã trở thành một miền kí ức không thể quên, để rồi nó trở thành nhịp cầu đưa người ta trở về với tuổi thơ. Trời đã se cho tôi bén duyên với Lải Lèn, tôi lại được thừa hưởng cả một gia tài bài hát cổ. Dẫu chẳng sang giàu nhưng tôi rất hài lòng. Tôi chỉ lo chúng bị thất truyền thôi”.
Đang hào hứng, giọng cụ Ngoan chợt trùng xuống: “Trải qua bao năm chiến tranh cùng những thăng trầm cuộc sống, những câu hát, điệu múa cổ dần bị rơi rụng, thất lạc, đứt gãy. Sau khi tỉnh nhà tái lập, năm 1999, cùng với nhiều miền dân ca đặc sắc của quê hương Núi Đọi, Sông Châu, múa hát Lải Lèn thêm một lần được tôn vinh, được ca tụng. Những cảnh múa hát được dựng lại, được ghi hình và lưu truyền rộng rãi với khách gần, khách xa. Khỏi phải nói niềm vui của người dân nơi đây.
Thế nhưng, niềm vui ấy cũng chưa tày ngang, tục múa hát Lải Lèn hiếm khi hiện hữu trong những dịp hội làng. Câu hát Lải Lèn nổi tiếng nhưng thực ra rất ít người biết đến, chả nói đâu xa ngay cả chính quyền địa phương cũng chẳng mặn mà. Mà ít quan tâm thì làm sao có đầu tư kinh phí để truyền dạy, duy trì”.
Cụ Ngoãn ngậm ngùi: “Vài năm trước, làng có 5 cụ còn nhớ điệu hát này. Nhưng bây giờ, 3 cụ đã về với tổ tiên, hiện giờ chỉ còn tôi và cụ Lưu Thị Ngần nữa còn nhớ điệu hát này”. Cả hai cụ đều gần đất xa trời. “Nàng Lải” sợ ngày nào đó, những vần thơ cổ ăm ắp tình người bị mất đi. Họ thấy mình phải có trách nhiệm giữ gìn nét tinh hoa của ông cha.
“Nàng Lải” đã kiên trì tập hợp những câu hát sâu lắng đầy nghĩa tình. Cụ hát tới đâu, con cháu vội ghi tới đó. Sau khi lưu được gần 30 điệu hát, múa cổ, cụ Ngoãn cùng “Nàng Lải” khác cùng nhau truyền khẩu cho nam, nữ trong làng.
Cụ Ngoãn cho hay, thể lệ truyền khẩu điệu múa hát Lải Lèn đã khác trước. Trước kia, thày dạy chỉ được truyền khẩu Lải Lèn cho con gái làng chứ không dạy cho nàng dâu. Thế nhưng, khi dạy xong, các con gái làng đi lấy chồng nơi khác, bỏ lại câu hát dở dang. Trước thực tế đó, các cụ “chuyển kênh” chỉ chọn con dâu, con trai trong làng để truyền khẩu Lải Lèn. “Nàng Lải” năm xưa cứ gồng mình chạy đua với thời gian “cuối dốc cuộc đời”, nhiệt tâm níu giữ vốn cổ. Dù hai “cụ giáo” chẳng được một đồng học phí.
Hiện, trong làng có khoảng 30 nam nữ biết hát Lải Lèn. Điều này khiến cụ Ngoãn nửa mừng, nửa lo. Mừng vì số lượng, nhưng chất lượng ra sao lại là việc đáng bàn. Cuộc sống mới với những thú thưởng thức mới thì Lải Lèn trở thành câu ca của những người hoài cổ. Thế hệ trẻ ngày nay không mấy ai mặn mà với điệu hát này. Chưa nói tới, lời cổ rất khó thuộc, khó hát. Việc tập luyện cho thế hệ trẻ khá vất vả, cần phải kiên trì, cách luyến láy câu từ, âm điệu phải thật chuẩn ngay từ đầu.
Tập hát đúng giai điệu bài hát phải mất khá nhiều thời gian, có khi lên tới 10 ngày người học mới hát đúng được. Hơn nữa, bây giờ, lễ hội làng hiếm khi hát múa Lải Lèn. Ít có đất dụng võ, các thế hệ trẻ chẳng thiết tha với Lải Lèn. Cụ thở dài, ưu tư: “Khi chúng tôi khuất núi, chẳng biết làng này có ai còn hát Lải Lèn”?
…Những con đường làng vàng ruộm nắng, câu hát Lải Lèn trầm bổng vang lên trên cánh đồng bát ngát. Nơi đó, có một “nàng Lải” gần đất xa trời gắn cả đời, gồng mình níu giữ những…hồn Việt, hương xưa.