Mong muốn chính đáng
Tháng 11/2029, nhân dịp lễ độc thân quốc tế (ngày 11/11), một câu lạc bộ giao lưu, kết bạn dành cho lứa tuổi U50++ đã chính thức ra mắt. Câu lạc bộ này do Vũ Nguyệt Ánh, cựu học sinh trường Amsterdam nổi danh với tên gọi “cô gái hẹn hò” và là người sở hữu thương hiệu hẹn hò Rudicaf sáng lập.
Đồng hành cùng Vũ Nguyệt Ánh trong việc xây dựng và phát triển cộng đồng dành cho nhóm đối tượng này là đạo diễn Hoàng Lê Na - cô gái từng gây sốt truyền thông với câu chuyện “tìm chồng cho mẹ”.
Còn nhớ, trước đó, từ việc đăng tải lên mạng xã hội clip giới thiệu về người mẹ đã ly hôn 15 năm, đạo diễn Hoàng Lê Na đã giúp mẹ tìm được một người bạn đời phù hợp và đầy yêu thương ở độ tuổi 55. Chị còn đích thân tổ chức cho ba mẹ một “đám cưới trong mơ” trên bãi biển và lan tỏa rộng rãi câu chuyện truyền cảm hứng của gia đình mình để giúp cho rất nhiều đối tượng trung niên đang lẻ bóng có thêm niềm tin và hy vọng vào hạnh phúc vẫn đang đón chờ phía trước.
Hoàng Lê Na cho biết, sau khi giúp ba mẹ tìm được nhau, chị Hoàng Lê Na đã có được một cộng đồng mạng rất đông đảo là các cô các bác ở độ tuổi trung niên chia sẻ mong muốn tìm bạn để bầu bạn. Dự án thành lập Câu lạc bộ Hạnh phúc tuổi trung niên cũng ra đời từ nhu cầu có thật đó.
Còn về phần Vũ Nguyệt Ánh cho biết, suốt 3 năm qua, đã có rất nhiều khách hàng ở lứa tuổi trung niên tìm đến thương hiệu hẹn hò Rudicaf, nhưng rất tiếc thời điểm đó dịch vụ của chị chủ yếu hướng đến đối tượng trẻ và mặt khác cũng là do nguồn lực có hạn.
“Khi có duyên gặp gỡ với chị Hoàng Lê Na, nghe câu chuyện thú vị của chị và nhìn thấy tâm huyết của chị với việc xây dựng một cộng đồng kết nối cho các cô bác, anh chị trung niên, tôi đã rất hứng thú và quyết định bắt tay cùng chị để triển khai dự án này” - Vũ Nguyệt Ánh cho biết.
Bước đầu, câu lạc bộ Hạnh phúc tuổi trung niên hoạt động theo hình thức nhóm cộng đồng trên mạng xã hội Facebook. Bên cạnh đó, các hoạt động trong cộng đồng sẽ giúp cho các thành viên có cuộc sống tinh thần phong phú, vui vẻ và hạnh phúc hơn.
Cách đây ít năm, câu chuyện của ông Mai Kim Sơn 93 tuổi ở cư xá Thanh Đa, Bình Thạnh, TP.HCM vẫn làm thủ tục để cưới bà Lý Thị Thu (66 tuổi), khiến nhiều người bất ngờ và càng bất ngờ hơn khi hai ông bà dù đã lớn tuổi vẫn còn rất nhanh nhẹn và khỏe mạnh. Mất vợ, ông Sơn sống thui thủi một mình, thường bỏ bữa, ăn uống qua quýt, nên sức khỏe sa sút dần, chân đi lại không vững.
Không những thế, nỗi buồn, nỗi cô đơn càng khiến ông luôn thấy tinh thần uể oải. Nhưng từ khi gặp bà Thu, thì cuộc sống của ông như có thêm một luồng gió mới. Tình yêu thương đã giúp cho cuộc sống ông bà trôi qua mỗi ngày thật nhẹ nhàng, khỏe mạnh, vui vẻ. “Những người già như chúng tôi có một người bạn đời tâm đầu ý hợp để sẻ chia buồn vui thì không có loại thuốc bổ nào có thể thay thế được” - ông Sơn cho biết.
Mấu chốt của việc phản đối người già tái hôn là vấn đề tài sản
Trong đời sống hàng ngày, không phải người trung niên, cao tuổi nào cũng có được con cái thấu hiểu như người mẹ 55 tuổi của Hoàng Lê Na, hay có chuyện tình cuối đời hạnh phúc như ông Mai Kim Sơn. Đã có những câu chuyện rất đau lòng xảy ra từ việc nhu cầu kết bạn, hẹn hò của người già không được con cái, mọi người xung quanh thấu hiểu.
Chuyên gia tâm lý TS. Đinh Đoàn cho biết có một người đàn ông gửi đến câu chuyện của mình nhờ ông gỡ rối. Người đàn ông này mất mẹ từ khi còn nhỏ. Cha ông nuôi mấy anh em ông ăn học suốt mấy chục năm trời cho đến năm ngoài 60 tuổi ông mới có ý định tái hôn với người phụ nữ góa chồng. Dù thừa nhận người phụ nữ rất tốt, rất yêu thương cha mình, nhưng anh em trong nhà đều kịch liệt phản đối.
Lý do là họ sợ phải chia sẻ tài sản thừa kế của cha mình cho người phụ nữ lạ. Trước sự phản đối của các con, người cha bắt đầu trở nên buồn bã, lặng lẽ như một cái bóng trong căn nhà rộng, sức khỏe sa sút hẳn. Sau nhiều lần chứng kiến nỗi cô đơn của cha mình, người đàn ông này mới nhận ra rằng chỉ vì quá chú trọng đến vật chất mà mọi người trong gia đình đã không quan tâm đến nhu cầu có thực của cha mình.
Theo TS Đinh Đoàn nói không ít người con luôn phản đối chuyện tái hôn. Nhiều người còn có những quan niệm rất khắt khe, xem cha mẹ già muốn tái hôn là “rửng mỡ”, không đứng đắn, không đàng hoàng. Thật ra việc phản đối người già tái hôn vẫn là vấn đề tài sản. Đây là quan niệm ích kỷ, sai lầm khiến chất lượng sống của người già bị giảm sút.
Nhìn nhận về việc tái hôn của người già, PGS.TS Trịnh Hòa Bình cho rằng: “Người già có tâm trạng cô đơn, hụt hẫng một phần cũng là do con cái cư xử thiếu quan tâm và thiếu tâm lý đối với cha mẹ. Ấy vậy mà khi cha mẹ muốn tìm bạn thì con cái lại phản đối, ngăn cản. Nhu cầu sống có đôi, có bạn ở tuổi già là một nhu cầu chính đáng. Hệ thống an sinh xã hội chưa rộng khắp và đầy đủ, nhiều người lớn tuổi cô đơn không có người giúp đỡ.
Việc người già lấy nhau là tạo điều kiện cho hai bên cùng chăm sóc nhau dưới danh nghĩa vợ chồng sẽ quý hơn nhiều so với các mối quan hệ khác như con cháu, bạn bè, xóm làng... Những người trẻ không nên cản trở, mà nên có thái độ gần gũi, cảm thông với mong muốn của người lớn tuổi khi họ có nhu cầu muốn đến với nhau”…
Học cách dung hòa các mối quan hệ trong gia đình
Với nhiều gia đình, theo các chuyên gia tâm lý người cao tuổi, nếu không thể bảo đảm điều kiện và thời gian chăm sóc, quan tâm đến cha hay mẹ đang cô đơn khi về già thì các con đừng nên quá khắt khe về việc gia đình có thêm thành viên mới. Vì điều này giúp cho người già có thêm sinh lực trong cuộc sống, để mỗi người hiểu nhau, cảm thông cho nhau và xây dựng gia đình đầm ấm hơn.
Người già khi cô đơn muốn tái hôn cũng có cái lý của họ, nhưng người trẻ có thái độ phản đối cũng có lý lẽ riêng. Vì thế, các thành viên trong gia đình cần phải dung hòa các mối quan hệ.
Vấn đề dung hòa các mối quan hệ trong gia đình cũng được Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình do Bộ VH-TT&DL ban hành đề cập tới.
Theo đó, “ứng xử gắn liền với nhận thức, tri thức. Văn hóa nào thì ứng xử đấy. Vì vậy cũng cần phải học hỏi trong gia đình, trong trường đời, trong tự nhiên để có đủ tâm, đủ tầm, để ứng xử đúng mực, ứng xử đầy đủ, ứng xử đúng mực, hài hòa với mọi mối quan hệ của đời sống. Điều đó là cần thiết khi ta phải suốt đời học làm người tử tế. Mà trước hết phải học, phải biết ứng xử tử tế ngay với người trong gia đình mình trước hết là ông bà, cha mẹ mình”.