Thông tin về việc Bộ Y tế đang chuẩn bị kế hoạch cho việc liên thông kết quả xét nghiệm giữa các BV trực thuộc Bộ Y tế, BV hạng I và tương đương, nhiều người dân không giấu nổi niềm vui. Ông Trần Văn Cương (Hà Nội) cho biết: “Bấy lâu nay, mỗi lần tôi hay người nhà đi viện là mỗi lần chúng tôi phải làm lại xét nghiệm từ đầu. Như tôi có đứa cháu phải vào cấp cứu ở bệnh viện Nhi Trung ương, mới vào viện đã phải lấy nước tiểu, lấy máu để làm xét nghiệm.
Sau đó chuyển sang bệnh viện khác, họ lại bắt lấy nước tiểu và lấy máu để làm xét nghiệm tiếp. Mỗi lần xét nghiệm như vậy, cháu tôi vừa mất nhiều máu, mất thời gian lại vừa mất thêm tiền làm xét nghiệm. Nếu như liên thông kết quả xét nghiệm, chúng tôi sẽ được nhờ biết bao nhiêu”.
Cũng chia sẻ về vấn đề này, chị Nguyễn Thị Trầm (Hà Đông, Hà Nội) cho hay: “Nếu Bộ Y tế cho phép liên thông kết quả xét nghiệm thì thật mừng cho người dân. Từ trước đến giờ, mỗi lần con tôi phải đi viện, ở phòng cấp cứu họ đã lấy máu để xét nghiệm rồi, nhưng khi phân về các phòng khoa, họ lại lấy máu để xét nghiệm tiếp. Mỗi lần như vậy tôi thấy thật mệt mỏi và xót con”.
Thực tế, việc các BV không công nhận kết quả xét nghiệm của nhau đã gây ra sự lãng phí lớn về thời gian, sức khỏe và tiền bạc của người dân. Như chỉ tính riêng trong năm 2016, các cơ sở y tế trên toàn quốc đã thực hiện hơn 516 triệu xét nghiệm các loại. Số lượng xét nghiệm tại các bệnh viện năm sau lại tăng hơn năm trước, và tăng trung bình hơn 10%/năm.
Chia sẻ về vấn đề liên thông kết quả xét nghiệm, Thứ trưởng Nguyễn Viết Tiến cũng cho biết, hiện tại trong công tác xét nghiệm y học vẫn còn những bất cập như tính tương đồng giữa kết quả xét nghiệm của các trung tâm xét nghiệm, các bệnh viện chưa cao, cùng một bệnh nhân nhưng kết quả xét nghiệm lại khác nhau; các cơ sở y tế vẫn chưa chấp nhận kết quả xét nghiệm của nhau; không ít trường hợp do đánh giá chưa đúng vai trò của xét nghiệm mà ảnh hưởng tới kết quả khám chữa bệnh…
Do vậy, để thực hiện việc liên thông kết quả xét nghiệm, Bộ Y tế đã đề nghị Giám đốc các bệnh viện tổ chức rà soát các khoa xét nghiệm, đặc biệt lưu ý chấn chỉnh các đơn vị xét nghiệm đặt tại các khoa khám bệnh, phòng bệnh… nghiêm túc thực hiện các quy định về quản lý chất lượng xét nghiệm.
Bên cạnh đó cần thực hiện các giải pháp để chuẩn hóa chất lượng kết quả xét nghiệm giữa các khoa xét nghiệm trong mỗi bệnh viện, lưu ý thực hiện đầy đủ nội kiểm, ngoại bảo, bảo dưỡng, bảo trì trang thiết bị xét nghiệm theo quy định trước khi làm xét nghiệm cho người bệnh. Ngoài ra, lập kế hoạch hoạt động cụ thể các công việc để chuẩn bị cho việc liên thông kết quả xét nghiệm giữa các bệnh viện theo lộ trình quy định.
Để đánh giá mức chất lượng phòng xét nghiệm, Bộ Y tế cũng đang xây dựng tiêu chí đánh giá theo 5 mức (rất tốt- tốt- khá- trung bình khá- trung bình và chưa xếp hạng). Bộ tiêu chí đánh giá mà Bộ Y tế xây dựng sẽ là công cụ đánh giá việc tuân thủ các quy định hiện hành về quản lý chất lượng và thực hiện cải tiến chất lượng tiên tiến. Bộ tiêu chí này cũng nhằm từng bước nâng cao chất lượng xét nghiệm để đảm bảo kết quả xét nghiệm chính xác, kịp thời, chuẩn hoá, làm cơ sở cho việc liên thông, công nhận kết quả xét nghiệm giữa cơ sở khám chữa bệnh.