Ngành công nghiệp phát triển mạnh
Bảo hiểm là một trong những lĩnh vực tăng trưởng nhanh nhất của nền kinh tế Việt Nam trong năm 2015, thậm chí tăng mạnh đáng kể so với mức độ tăng trưởng 6,68% GDP.
Theo thống kê của Bộ Tài chính Việt Nam, trong năm qua, doanh thu của ngành bảo hiểm đã tăng 21,4% so với năm 2014, đạt 68 nghìn tỉ đồng (3 tỉ USD). Trong khi đó, tổng tài sản của các công ty bảo hiểm tăng 21,7% lên thành 201 nghìn tỉ đồng (8,9 tỉ USD).
Trong đó, phân khúc bảo hiểm phi nhân thọ có mức tăng cao nhất, chiếm hơn 45% mức tăng doanh thu của ngành bảo hiểm và có mức tăng 14% so với năm 2014.
Còn doanh thu của phân khúc bảo hiểm nhân thọ trong năm qua cũng đạt mức tăng 29,5%, là mức tăng cao nhất của phân khúc thị trường này trong vòng 1 thập kỷ trở lại đây.
Sự tăng nhanh về doanh thu bán sản phẩm bảo hiểm cũng làm gia tăng đáng kể vốn khả dụng để tái đầu tư vào nền kinh tế quốc gia. Theo Hiệp hội bảo hiểm Việt Nam (IAV), trong năm 2015, tổng vốn đầu tư của toàn ngành đạt 152,5 nghìn tỉ đồng (6,8 tỉ USD), tăng 18% so với năm trước.
Đặc biệt, các công ty bảo hiểm đã đầu tư đáng kể vào trái phiếu dài hạn của chính phủ, trong đó tổng vốn đầu tư vào trái phiếu có thời hạn 20 năm của năm qua là 6 nghìn tỉ đồng (267,6 triệu USD).
Tiềm năng thị trường
Dù các kết quả đạt được của ngành bảo hiểm của Việt Nam trong năm 2015 là rất tích cực nhưng tăng trưởng này lại chỉ dựa trên một nền tảng hẹp, trong đó tỉ lệ thâm nhập của các sản phẩm bảo hiểm không bắt buộc vẫn còn còn thấp. Hiện nay mới chỉ có 6 đến 10% người dân Việt Nam có bảo hiểm nhân thọ trong tổng dân số 92 triệu người.
“Mức độ thâm nhập còn thấp của các sản phẩm bảo hiểm nhân thọ trong tương quan với quy mô của thị trường của Việt Nam cho thấy thị trường này vẫn có tiềm năng mở rộng rất lớn” – ông Đào Đình Thi, Chủ tịch của Công ty bảo hiểm Bảo Việt, cho biết.
Hiện nay, phí bảo hiểm chiếm khoảng 2% GDP của Việt Nam, so với mức 5,4% ở châu Á và 3,4% ở ASEAN. Theo cơ quan Giám sát bảo hiểm, trong giai đoạn từ năm 2016 đến 2020, Việt Nam sẽ hướng đến việc tăng mức phí bảo hiểm lên thành 3 đến 4% trong GDP.
Các ước tính từ Hiệp hội bán lẻ quốc tế cho thấy Việt Nam hiện có khoảng 15% dân số thuộc nhóm thu nhập trung bình, báo hiệu những cơ hội đáng kể để ngành bảo hiểm tăng trưởng.
“Giữa việc tăng thu nhập và sự sẵn sàng mua các sản phẩm bảo hiểm nhân thọ có mối liên quan mạnh mẽ. Đây sẽ là một yếu tố quan trọng thúc đẩy tăng trưởng trong phân khúc bảo hiểm nhân thọ ở Việt Nam” – ông Phạm Quang Tùng, Chủ tịch BIDV – MetLife, công ty liên doanh giữa công ty bảo hiểm MetLife của Mỹ và Ngân hàng Đầu tư và phát triển Việt Nam, cho hay.
Bên cạnh đó, ông Takashi Fujii – chủ tịch công ty bảo hiểm Dai-Ichi Life Vietnam của Nhật Bản – cho hay, các công ty bảo hiểm ở Việt Nam cũng đang tìm cách mở rộng tầm với tới khách hàng thông qua bancassurance (phân phối bảo hiểm qua ngân hàng), một kênh bán hàng dù còn tương đối mới với thị trường Việt Nam nhưng đang được xem là một cách thức bán hàng mạnh mẽ và hiệu quả để thúc đẩy sự tăng trưởng của ngành bảo hiểm.
“Dù mô hình bancassurance vẫn mới ở giai đoạn sơ khai nhưng nó đã mở rộng hoạt động nhanh chóng trong thời gian qua và đã chiếm đến 5% doanh thu của ngành bảo hiểm của Việt Nam” – ông Fujii cho hay.
Đầu tư nước ngoài, cơ hội trong nước
Trong năm 2015, Chính phủ Việt Nam đã dỡ bỏ nhiều hạn chế đối với đầu tư nước ngoài trên nhiều lĩnh vực khác nhau nhằm kích thích dòng vốn. Trong những tháng sau đó, số doanh nghiệp đăng ký mới đã tăng đáng kể, với 94.000 công ty được mở năm 2014, một mức tăng kỷ lục, lên đến 25,7% so với cùng kỳ của năm trước.
Sự xuất hiện của các công ty nước ngoài dự kiến sẽ thúc đẩy nhu cầu đối với các loại hàng hóa và dịch vụ, trong đó có các sản phẩm liên quan đến bất động sản, an sinh xã hội và các chi phí chăm sóc sức khỏe, tạo cơ hội đáng kể cho các doanh nghiệp bảo hiểm trong nước.
Hiện nay, Việt Nam đã cho phép các công ty có 100% vốn nước ngoài tham gia cung cấp các dịch vụ bảo hiểm nhân thọ nhưng vẫn chưa mở cửa hoàn toàn toàn bộ ngành công nghiệp bảo hiểm đối với các công ty nước ngoài.
Trong số các quy định đối với tỉ lệ vốn hóa ở 100 tiểu ngành được Việt Nam công bố hồi tháng 12 năm ngoái không có các quy định làm rõ về đầu tư nước ngoài của ngành công nghiệp bảo hiểm.
Tuy nhiên, Việt Nam dường như đang dần mở đường cho việc xem xét lại các quy định về tỉ lệ đầu tư nước ngoài trong ngành bảo hiểm sau khi ký một số thỏa thuận tự do thương mại với các đối tác chiến lược trong năm 2015. 2 thỏa thuận quan trọng là Hiệp định đối tác Xuyên Thái Bình Dương, dự kiến có hiệu lực vào năm 2018, và Cộng đồng kinh tế ASEAN mới chính thức hình thành – dự kiến sẽ khuyến khích ngành bảo hiểm mở rộng hoạt động, đồng thời cũng thúc đẩy sự cạnh tranh quốc tế.
Theo ông Phan Kim Bằng – Chủ tịch IAV – 2 thỏa thuận nói trên sẽ thúc đẩy một danh mục sản phẩm đa dạng hơn, bao gồm bảo hiểm lương hưu tự nguyện, bảo hiểm cho các tài sản công và của chính phủ, và bảo hiểm bảo lãnh.
Các công ty nước ngoài gia tăng sự quan tâm
Trong năm 2016, ngành bảo hiểm của Việt Nam có thể đạt mức tăng 2 con số. Theo dự báo của IAV được công bố hồi tháng 12 năm ngoái, tăng trưởng trong lĩnh vực bảo hiểm phi nhân thọ trong năm 2016 dự kiến sẽ là hơn 18% còn bảo hiểm nhân thọ được dự báo sẽ mở rộng thêm khoảng 25% trong năm nay.
“Thị trường vẫn chưa bão hòa. Vẫn còn thời gian cho các công ty mới thâm nhập vào Việt Nam” – ông Wilfred Blackburn, CEO của công ty bảo hiểm Prudential Vietnam, nhận định.
Theo ông này, thị trường bảo hiểm nhân thọ của Việt Nam đang chờ đón những công ty mới có tiềm năng phát triển và có thể mang tới một cách tiếp cận mới cho ngành này. “Thị trường này cũng sẽ đặt ra thách thức buộc các công ty hiện có năng động hơn và có những chính sách cải tiến hơn để mở rộng quy mô của thị trường” – ông nói.
Các công ty bảo hiểm có tiếng ở khu vực cũng đang xem Việt Nam là một thị trường phát triển tiềm năng. Ví dụ, Tập đoàn bảo hiểm FWD có trụ sở tại Hong Kong, hiện đang hoạt động ở khắp Macao, Thái Lan, Indonesia và Philippines, gần đây đã công bố kế hoạch mở rộng hoạt động tới Việt Nam.
Công ty Samsung của Hàn Quốc cũng đã bày tỏ sự quan tâm tới việc mở rộng “dấu chân” của họ trong lĩnh vực bảo hiểm nhân thọ ở Việt Nam.
Hồi tháng 9 năm ngoái, ông Han Myoung Sup – Tổng Giám đốc Samsung Vietnam, đã thông báo với Bộ Thông tin và Truyền thông về việc 2 đơn vị của công ty tại Việt Nam là Công ty bảo hiểm nhân thọ Samsung và Công ty bảo hiểm cháy nổ và thủy sản Samsung hiện đang nghiên cứu các kế hoạch đầu tư để thâm nhập vào lĩnh vực bảo hiểm nhân thọ của Việt Nam.
Việc Việt Nam đang có kế hoạch nới lỏng thêm những hạn chế đối với đầu tư nước ngoài sẽ là động lực để ngành công nghiệp bảo hiểm của Việt Nam tiếp tục tăng trưởng mạnh trong thời gian tới và mở đường cho các công ty bảo hiểm nước ngoài tham gia sâu hơn vào thị trường đang tăng trưởng này.