Người đàn bà mang bệnh quái ác: không ai chạm vào là co cứng ngã ngửa

Cứ vài phút một lần, con trai bà Toàn lại phải ôm một lần để mẹ khỏi bị co cứng
Cứ vài phút một lần, con trai bà Toàn lại phải ôm một lần để mẹ khỏi bị co cứng
(PLO) -Nếu sau ít phút không có ai tác động vào người thì cơ thể bà Hồ Thị Toàn (58 tuổi, ngụ xóm 4, xã Quỳnh Hồng, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An) sẽ co cứng, tự ngã xuống đất. Căn bệnh đang khiến người phụ nữ đơn thân vốn chịu nhiều bất hạnh này chết dần chết mòn từng ngày.

Căn nhà nhỏ, lụp xụp của bà Toàn nằm bên con kênh nhỏ. Phía trong chẳng có thứ gì giá trị ngoài một chiếc vô tuyến cũ, hai chiếc giường cùng một chiếc võng đặt giữa nhà.

Đứng ngay trước cửa là hình ảnh người phụ nữ gầy tong teo, mái tóc điểm bạc đã được cắt ngắn, quần xắn lên quá đầu gối. Bà chống gậy, đứng run lên từng cơn dù ngoài trời đang mùa nắng nóng. 

Phía dưới bếp, cậu con trai Hồ Đức Tâm (SN 2000) đang tất tả nhặt mớ rau muống chuẩn bị bữa cơm trưa. Cứ đều đặn 5 phút, Tâm lại chạy đến bên mẹ, nắm tay lôi đi dắt lại nhiều lần từ bên này sang bên khác, xoa bóp.

Sau lần chết hụt là bệnh liệt rung  

Đã hai năm nay, bà Toàn chỉ biết đứng một chỗ, không thể ngồi, nằm được. Toàn thân của bà run lên bần bật, tứ chi tê cứng, không thể vận động. Nếu sau ít phút không có ai tác động vào người thì cơ thể bà sẽ co cứng, tự ngã xuống đất. Căn bệnh đang khiến người phụ nữ đơn thân vốn chịu nhiều bất hạnh này chết dần chết mòn từng ngày.

Bà Toàn là con út và cũng là con gái duy nhất trong một gia đình có 4 anh em. Ở nhà chỉ còn mình bà Toàn với cha mẹ già. Tuy không được ăn học đến nơi đến chốn nhưng bà được biết đến là người nhanh nhẹn, giỏi tính toán.

Thời bao cấp, xã mở quán bán hàng tạp hóa cho dân, bà Toàn được nhận vào làm nhân viên bán hàng. Hàng ngày bà đến quán bán hàng, đến bữa lại tất tả về lo bữa cơm cho cha mẹ. Cuộc sống cứ vậy trôi đi cho đến ngày tai họa ập đến.

Một ngày mùa thu năm 1983, bà đang bán hàng tạp hóa thì người phụ nữ hàng xóm trên tay cầm một con dao bất ngờ lao vào quán la hét, chém tới tấp vào người bà. Vì lúc ấy chỉ có mình bà Toàn trong quán nên không kịp trở tay. Chỉ đến khi người ta phát hiện lao đến can ngăn, thì nạn nhân đã nằm gục, và thủ phạm mới chịu dừng tay.

“Tôi chỉ nhớ bị hàng xóm rượt đuổi, chém tới tấp vào người, vào đầu, khi tỉnh dậy đã thấy mình nằm trong bệnh viện. Bà ấy vốn là một giáo viên công tác tại trường làng. Xưa nay tôi với bà ta chưa hề xảy ra mâu thuẫn, hiềm khích nhau.

Ngày xét xử, bà ta khai do bị người khác lừa gạt, chiếm đoạt hết tài sản. Trở thành kẻ trắng tay, nợ nần chồng chất khiến bà ta bức xúc, hoảng loạn, hóa điên, không điều khiển được hành vi của mình nên mới gây họa. Thời điểm ấy, tôi được bồi thường 4 triệu đồng. Thủ phạm bị tòa tuyên phạt 13 năm tù”, bà Toàn thều thào nhớ lại lần bị chết hụt.

Phải mất gần 2 năm điều trị vết thương bà Toàn mới đi lại bình thường. Sau lần chết hụt, sức khỏe của bà không còn bình thường, khỏe mạnh như trước. Những lúc trái gió trở trời, vết thương cũ tái phát khiến bà đau ê ẩm.

Cũng vì vậy mà bước qua tuổi 27, khi bạn bè cùng lứa đều yên bề gia thất, bà Toàn vẫn không dám nghĩ đến việc lập gia đình. Bà sợ phải trở thành gánh nặng cho người khác và quyết định ở vậy.

Ngoài 40 tuổi, phần vì cô đơn lại được nhiều người khuyên không lấy chồng thì kiếm một đứa con cho vui cửa vui nhà, về già còn có người nâng đỡ lúc ốm đau, bà quyết định trở thành mẹ đơn thân.  

Năm 2000 con trai chào đời, mẹ con bà được cha mẹ mua cho một căn nhà cũ, ngay sát bờ sông để ở. Khi còn trẻ khỏe bà vẫn cố gắng làm vài sào ruộng, nuôi thêm con bò, đàn vịt, trồng rau trong vườn kiếm thu nhập, trang trải cuộc sống cho hai mẹ con.

Cậu bé Tâm sống thiếu tình thương của cha nhưng tỏ ra là một đứa trẻ ngoan, hiếu thảo và học rất giỏi. Bà Toàn còn dự định gom góp tiền bạc để sau này nuôi con vào đại học. Cuộc sống đang bình yên như vậy trôi đi thì thêm tai ương giáng xuống.

Đã bị người tâm thần truy sát suýt chết, bà Toàn còn mắc căn bệnh liệt rung giai đoạn cuối
Đã bị người tâm thần truy sát suýt chết, bà Toàn còn mắc căn bệnh liệt rung giai đoạn cuối

Thâu đêm đứng chống gậy  

Năm 2011, bà Toàn bắt đầu có cảm giác đau, tê buốt ở các đầu ngón tay, ngón chân, bả vai nhức mỏi. Phần vì không có tiền lại chủ quan nghĩ già yếu, xương cốt thoái hóa dần nên bà chỉ mua thuốc giảm đau về xoa bóp.

Dần dần toàn thân bà run bần bật, chân tay tê cứng, không thể vận động, bà mới nhờ người thân đưa ra Hà Nội thăm khám. Tại đây bà mới biết mình bị bệnh Parkinson (bệnh liệt rung). Vì đã chuyển sang giai đoạn cuối nên các tế bào thần kinh đã thoái hóa dần, không thể chữa trị. Sau 15 ngày điều trị tại bệnh viện, vì không còn tiền, bà đành xin xuất viện. 

Trở về nhà, hễ có ai mách bài thuốc hay ở đâu bà cũng được người thân đưa đi. Thế nhưng bệnh tình ngày càng nặng, chân tay co cứng, toàn thân luôn trong trạng thái run bần bật khiến bà không thể vận động được. Mọi sinh hoạt hàng ngày từ ăn uống, tắm rửa, đi lại đều phụ thuộc hoàn toàn vào cậu con trai duy nhất.

Hai năm nay vì bệnh tật, cuộc sống của bà Toàn chỉ biết chống gậy đứng một chỗ, run lẩy bẩy cả ngày. May mắn lắm bà cũng chỉ ngồi lâu nhất trên ghế 2 phút lại phải đứng lên vì tê buốt. Bà không nằm được giường, chỉ nằm nghiêng trên võng.

Vật vã với cơn đau nên bà không bao giờ ngủ ngày, đêm đến may mắn lắm thì ngủ được 3 tiếng, còn không thức trắng. Mẹ thức, con cũng không dám ngủ, phải ngồi bên xoa bóp, túc trực.

Bệnh của bà Toàn nặng hơn vào mùa đông, khi mọi người được ngủ ngon trong chăn ấm nệm êm, bà vẫn phải chống gậy đứng một chỗ vừa đau đớn, vừa giá lạnh. Không dưới hàng chục lần bà té ngã ra phía sau, nằm bất động. Tâm phải đánh mạnh vào người để mẹ có cảm giác đau mà tỉnh lại.

Cũng vì bệnh tình của mẹ mà Tâm phải nghỉ học từ năm lớp 8. Đã hai năm nay mẹ con Tâm chưa hề đi đâu ra khỏi nhà. Cậu thiếu niên chưa kịp lớn đã phải gánh trên mình trách nhiệm quá nặng nề.

“Bằng tuổi nó, những đứa hàng xóm đang vui vẻ cắp sách đến trường, được ăn no ngủ trọn giấc. Con trai tôi lại khác, vì tôi mà phải bỏ học, lo toan cho mẹ từ miếng ăn giấc ngủ, tội nghiệp lắm. Thân tôi đau ốm thế này, có thương con đến mấy cũng chỉ biết bất lực mà thôi. Đời nó sinh ra đã bất hạnh không có cha, tôi lại ốm đau bệnh tật, không lo được cho con lại còn làm tội, bắt nó phải vất vả”, bà Toàn gạt nước mắt.

Hiện thu nhập chính của hai mẹ con bà phụ thuộc hoàn toàn vào số tiền 400 nghìn đồng hàng tháng Nhà nước hỗ trợ người tàn tật. Ngoài việc chăm sóc, trông chừng mẹ cả ngày đêm nên Tâm cũng không thể làm bất kỳ việc gì để kiếm thêm thu nhập. Ruộng đồng vườn tược đều bỏ hoang, cho người khác làm.

 “Nhiều lần qua thăm thấy bữa cơm của hai mẹ con bà ấy chỉ có đĩa rau muống luộc với bát nước mắm mà thấy tội nghiệp. Khổ thân, bà Toàn ăn như vậy thì làm sao đủ sức chống chọi với bệnh tật. Nhưng vì không có tiền, anh em đều nghèo khó, mẹ con đành phải chịu bất hạnh. Hàng xóm láng giềng thương tình nhiều lúc mua thêm con cá con mắm, mẹ con bà ấy mới có thức ăn”, người hàng xóm chia sẻ.

Nói về nguyện vọng của mình, Tâm hướng đôi mắt buồn nhìn ra ngoài cửa sổ thở dài: “Đói khổ đến mấy em cũng không sợ, chỉ sợ mẹ chết. Em biết sống làm sao khi không có bố, chỉ mẹ là người thân duy nhất”.  

Ông Trần Đức Song (xóm trưởng xóm 4) xác nhận hoàn cảnh gia đình bà Toàn rất bi đát, là hộ nghèo trong xã. Bà Toàn mắc bệnh nan y khi con trai chưa đến tuổi trưởng thành.
Hàng ngày cháu Tâm phải túc trực, chăm sóc mẹ đau yếu nên không thể làm bất cứ công việc gì để có thu nhập, trang trải cuộc sống. Vị trưởng xóm cũng mong bạn đọc hảo tâm trên cả nước chung tay giúp đỡ hoàn cảnh bất hạnh này. Mọi thông tin chi tiết hơn, bạn đọc vui lòng liên lạc số điện thoại 096.811.5998

Tin cùng chuyên mục

Đọc thêm

Thận trọng khi ăn hạt sen

Hạt sen bổ nhưng một số người nên thận trọng khi ăn (Ảnh: Internet)

(PLVN) - Hạt sen là một loại nguyên liệu được yêu thích trong ẩm thực Việt Nam bởi hương vị thơm ngon và giá trị dinh dưỡng cao. Tuy nhiên, một số người thận trọng khi ăn hạt sen - cần hạn chế hoặc không ăn loại hạt này để tránh những vấn đề sức khỏe không mong muốn.

Để tai nạn thương tích không còn là gánh nặng

Trẻ em - đối tượng rất dễ bị tai nạn thương tích. (Ảnh: BV Sản Nhi tỉnh Phú Thọ)
(PLVN) - Tai nạn thương tích là một vấn đề y tế công cộng nghiêm trọng có ảnh hưởng đến sức khỏe và tính mạng của người dân trên toàn thế giới, đặc biệt tại các nước đang phát triển. Tại Việt Nam, số liệu thống kê từ các cơ sở y tế cho thấy, trung bình mỗi năm có khoảng hơn 1,1 triệu trường hợp bị tai nạn thương tích đến khám và điều trị tại cơ sở y tế.

Lưu ý các biện pháp phòng bệnh mùa đông xuân cho trẻ

Tiêm chủng đầy đủ và đúng lịch là biện pháp phòng ngừa dịch bệnh cho trẻ. (Ảnh: CDC Hà Nội)
(PLVN) - Thời tiết giao mùa tạo điều kiện thuận lợi cho các bệnh lây truyền qua đường hô hấp ở trẻ em, Trung tâm kiểm soát bệnh tật (CDC) TP Hà Nội khuyến cáo người lớn cần lưu ý các biện pháp sau để bảo vệ sức khỏe cho con em mình.

Hiểm họa từ các cơ sở thẩm mỹ 'chui'

Trên thực tế, thực trạng hành nghề thẩm mỹ trái phép, hành nghề “chui” vốn đã xuất hiện từ lâu và gây hậu quả nghiêm trọng đến sức khỏe người dân. (Ảnh minh họa - Nguồn: LĐ)
(PLVN) - Thực trạng hành nghề thẩm mỹ trái phép không chỉ gây hậu quả nghiêm trọng đến sức khỏe người dân mà còn là thách thức lớn đối với ngành Y tế trong việc đảm bảo an toàn người bệnh trong phẫu thuật thẩm mỹ.

Nhận diện sớm và điều trị hiệu quả bệnh nhân đột quỵ

Nhận diện sớm và điều trị hiệu quả bệnh nhân đột quỵ
(PLVN) - Chiều 26/10, Bệnh viện Đa khoa Thanh Vũ Medic Bạc Liêu tổ chức Hội thảo sinh hoạt khoa học chuyên đề: “Nhận diện sớm và điều trị hiệu quả bệnh nhân đột quỵ trong cộng đồng và tại cơ sở y tế” nhằm nâng cao kiến thức chuyên môn về bệnh lý đột quỵ cho đội ngũ y tế của bệnh viện cùng các đơn vị y tế trong và ngoài tỉnh.

Thay 'chân mày phong thuỷ đổi vận', đề phòng tiền mất tật mang

Thay 'chân mày phong thuỷ đổi vận', đề phòng tiền mất tật mang
(PLVN) - Sở Y tế TP HCM khuyến cáo người dân thận trọng trước những thông tin quảng cáo thay tướng đổi vận, cải thiện vận may... của các cơ sở chân mày phong thủy khi chưa có những kiểm chứng khoa học, để tránh sa vào hoạt động mê tín dị đoan gây ra hệ lụy nghiêm trọng.