Mới đây, CQĐT cho đình chỉ vụ án theo hướng có tội nhưng miễn trách nhiệm hình sự. Vụ án gây nhiều tranh cãi trong dư luận.
Vụ án nhiều tranh cãi
Chiều 25/10, Viện trưởng VKSND huyện Bình Chánh (TP HCM) Nguyễn Văn Đâu cho biết đã tiếp nhận hồ sơ, quyết định đình chỉ vụ án, đình chỉ bị can từ CQĐT Công an huyện Bình Chánh đối với ông Văn Công Bình (SN 1972, ngụ ấp 1, xã Tân Nhựt, huyện Bình Chánh) và chuyển lên cấp trên chỉ đạo báo cáo, kiểm soát theo chỉ đạo.
Ông Bình bị truy tố về tội “chống người thi hành công vụ” xảy ra vào ngày 24/1/2014. Đây là một vụ án có dấu hiệu oan sai được dư luận quan tâm.
Theo hồ sơ vụ án, khoảng 23h ngày 24/1/2014, ông Nguyễn Nhật Bình (cảnh sát khu vực ấp 1, xã Tân Nhựt) và ông Trần Duy Nam (dân quân xã) đi tuần tra trên địa bàn ấp 1. Khi đi ngang qua quán ăn Tuấn Hưng do ông Đỗ Văn Tuấn làm chủ trên đường Láng Le Bầu Cò, thấy vẫn còn mở cửa đón khách, cảnh sát Nhật Bình đứng ở ngoài đường gọi ông Tuấn ra nhắc nhở về vuệc buôn bán quá giờ quy định.
Lúc này, ông Công Bình đang ngồi nhậu với bạn trong quán. Thấy cảnh sát Nhật Bình là người quen biết, ông Công Bình gọi với ra mời vào uống với nhau chén rượu. Cảnh sát từ chối và tiếp tục trao đổi với chủ quán.
Trong lúc cảnh sát còn nói chuyện với chủ quán thì ông Công Bình nhờ bạn bế ra ngoài kênh nước trước quán để đi vệ sinh. Được bạn bế ngang qua mặt cảnh sát Nhật Bình, ông Công Bình dùng tay đánh nhưng cảnh sát Bình né được. Thấy ông Công Bình say xỉn, có hành động không đúng, cảnh sát Nhật Bình nhắc nhở, yêu cầu về nhà nghỉ ngơi và tiếp tục quay sang trao đổi với chủ quán.
Ông Công Bình được bạn đặt trên thành cống để đi vệ sinh và có lời lẽ chửi bới cảnh sát Nhật Bình. Người cảnh sát không phản ứng. Sau khi trao đổi xong, chủ quán đi vào.
Cảnh sát Nhật Bình quay lại nói chuyện với ông Công Bình. Bất ngờ, ông Công Bình dùng tay và lao người về phía cảnh sát. Ông này né được và bị trượt chân xuống mé sông.
Lúc này, ông Công Bình được bạn bế từ thành cống xuống đất và bất ngờ lao đến ôm cổ cảnh sát. Cả hai cùng té xuống ao.
Ông Công Bình được bạn kéo lên. Còn cảnh sát Nhật Bình được chủ quán chạy ra đưa lên bờ. Dù bị thương gãy xương mũi phải đi bệnh viện nhưng cảnh sát này từ chối giám định thương tích và không yêu cầu khởi tố ông Công Bình về hành vi gây thương tích cho mình.
Trở lại vụ xô xát, ngay sau đó, lực lượng 113 được điều động đến đưa ông Công Bình về trụ sở làm việc. Trong quá trình làm việc, ông Công Bình phủ nhận hành vi của mình. Tuy nhiên, CQĐT và VKS vẫn truy tố ông này về hành vi “chống người thi hành công vụ”.
Hồ sơ không nêu rõ “công vụ” gì, với ai, như thế nào. Tuy nhiên, qua lời kể của nhân chứng, cảnh sát Nhật Bình đang thi hành công vụ thông qua việc nhắc nhở chủ quán về hoạt động buôn bán. Sau khi chấm dứt việc thi hành công vụ với chủ quán, cảnh sát này mới quay sang nói chuyện với ông Công Bình.
Nhiều ý kiến cho rằng, hành vi của ông Công Bình vì thế không thể coi là “chống người thi hành công vụ” mà chỉ có thể là hành vi “cố ý gây thương tích” (nếu chứng minh được thương tích của cảnh sát Nhật Bình là do ông Công Bình gây ra). Việc này đã được cảnh sát Nhật Bình bỏ qua như trên.
Vắng bị cáo, tòa vẫn tuyên án
Ngày 18/9/2014, phiên tòa sơ thẩm của Tòa án huyện Bình Chánh xét xử bị cáo Công Bình diễn ra hy hữu, có thể gọi là phiên tòa “3 không”: không bị cáo, không nhân chứng, không người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan. Song HĐXX vẫn dựa trên hồ sơ tuyên án đối với bị cáo Công Bình.
Về việc này, một luật sư ở TP HCM cho biết là một vi phạm tố tụng nghiêm trọng, nhất là không có bị cáo. “Phiên tòa này có lẽ là đầu tiên và “kinh khủng” nhất trong lịch sử tố tụng. Không có mặt bị cáo thì HĐXX xét xử, tuyên án với ai”, luật sư này nói.
Ông Công Bình kể: “Tôi bị cụt chân, không đi lại được. Công an, VKS và Tòa án có đến nhà mấy lần bảo ký giấy tờ. Tôi có biết gì đâu. Rồi tự nhiên, con trai tôi lên mạng xem mới tá hỏa là tôi bị xử án treo 6 tháng”.
Nói về hành vi của mình, ông Công Bình cho biết: “Tôi mời rượu nhưng anh Nhật Bình từ chối. Khi được bạn bế ngang qua mặt anh Nhật Bình, tôi hỏi: “Sao mời mà không uống”. Tôi đi vệ sinh xong thấy anh Nhật Bình vẫn ở đó nên tiếp tục nhờ bạn bế lại gần để hỏi tiếp. Rồi hai bên lời qua tiếng lại, giằng co, níu kéo. Anh Nhật Bình té xuống kênh, được chủ quán kéo lên.
Lúc đó, trời tối thui, không đèn điện, tôi không biết anh Nhật Bình có bị thương hay không. Sau đó, bạn tôi chở tôi đi uống cafe. Tôi không hề té xuống ao như cáo trạng nêu. Thân thể tôi như vậy thì chống được ai. Chuyện chỉ đơn giản vậy thôi”.
Quán ăn nơi xảy ra sự việc |
Nhận thấy những vi phạm về tố tụng nghiêm trọng của Tòa án huyện Bình Chánh, nhất là việc xét xử không có mặt bị cáo, ngày 16/10/2014, Viện trưởng VKSND TP. HCM đã kháng nghị, đề nghị cấp phúc thẩm xem xét hủy bản án sơ thẩm.
Ngày 1/12/2015, TAND TP HCM mở phiên tòa xét xử phúc thẩm và đã chấp nhận kháng nghị, tuyên hủy toàn bộ bản án sơ thẩm, giao hồ sơ cho cấp sơ thẩm điều tra lại theo thủ tục chung.
Đến ngày 26/5/2016, VKSND huyện Bình Chánh ra cáo trạng lần hai vẫn giữ nguyên quan điểm truy tố ông Công Bình về hành vi chống người thi hành công vụ. Mặc dù các nhân chứng vắng mặt nhưng do ông Văn Công Bình thay đổi lời khai, thừa nhận toàn bộ hành vi phạm tội nên đủ căn cứ truy tố.
Cáo trạng lần này được cho có một số sai sót như ngày xảy ra sự việc là 24/1/2014, nhưng Công an huyện Bình Chánh lại ra quyết định truy tố bị can vào ngày 2/1/2014, tức trước khi vụ án xảy ra 22 ngày.
Cáo trạng nói đến thương tích của ông Nhật Bình nhưng chưa nêu rõ cơ chế hình thành, nguyên nhân gây ra vết thương. Thương tích đó có phải do ông Công Bình gây ra hay không, hay do bị té xuống sông, hay do sự tác động nào khác, chưa thấy thể hiện. Hồ sơ sau đó bị TAND huyện Bình Chánh trả về điều tra lại.
Sau một thời gian điều tra, mới đây nhất, CQĐT Công an huyện Bình Chánh ra quyết định đình chỉ vụ án, đình chỉ bị can đối với ông Công Bình theo khoản 1 điều 25 Bộ luật hình sự miễn truy tố trách nhiệm hình sự đối với ông Công Bình. Tức là, ông Công Bình vẫn phạm tội chống người thi hành công vụ nhưng được miễn trách nhiệm hình sự, không xét xử.
Việc đình chỉ này, được biết công an đã đến tận nhà cho ông Công Bình ký một số giấy tờ. Tuy nhiên, ông Công Bình hiểu rằng mình “trắng án”, không có tội, chứ không biết rằng mình vẫn là người có tội “chống người thi hành công vụ” nhưng được miễn trách nhiệm hình sự, không xét xử.
Trao đổi với PV, ông Nguyễn Văn Đâu – Viện trưởng VKSND huyện Bình Chánh cho biết: “Vụ án đã được CQĐT ra quyết định đình chỉ vụ án, đình chỉ bị can theo khoản 1 điều 25 Bộ luật hình sự đối với ông Công Bình. Hồ sơ được chuyển sang VKS, nhưng thực hiện chỉ đạo của VKSND TP HCM về việc kiểm soát vụ án nên chúng tôi đã chuyển toàn bộ hồ sơ gốc lên trên. Tôi chưa nắm rõ vụ án để trả lời cho PV”.
Cho rằng mình là người có chức năng phát ngôn nhưng ông Đâu thừa nhận chỉ mới nghe vụ án chứ chưa đọc hồ sơ. Thậm chí, ngay quyết định đình chỉ theo khoản 1 điều 25 nhưng thuộc điểm nào và được ký ngày, tháng nào, ông Đâu không nắm được.
“Sau khi VKSND TP HCM kiểm soát xong, trả hồ sơ về, tôi sẽ nghiên cứu và trả lời PV cụ thể, chi tiết hơn”, ông Đâu nói.
PV đề nghị ông Đâu ủy quyền người nắm hồ sơ vụ việc trả lời thay về căn cứ đình chỉ vụ án, nhưng ông Đâu từ chối.
Trước đây, vụ án này do đại tá Nguyễn Văn Quý, nguyên Trưởng Công an huyện Bình Chánh, ký kết luận điều tra; ông Lê Thanh Tòng (nguyên Phó Viện trưởng VKSND huyện Bình Chánh) ký cáo trạng truy tố. Hai người này đã bị kỷ luật vì liên quan đến vụ quán cafe Xin Chào.