Đây là một dấu hiệu đáng mừng cho những người yêu thích loại hình nghệ thuật này, trong đó có nhiều bạn trẻ hứng thú, say mê, tìm hiểu về loại hình nghệ thuật truyền thống này –những người đầy nhiệt huyết với hy vọng truyền bá những giá trị truyền thống mà người xưa để lại, tiếp bước và gìn giữ loại hình nghệ thuật dân gian truyền thống như chầu văn.
Để có một buổi hầu đồng hay, ấn tượng bên cạnh việc cô – cậu đồng nhảy đẹp, diễn giỏi thì còn sự đóng góp âm thầm, lặng lẽ của những cung văn (tên gọi của những người hát văn). Cung văn được biết đến với vai trò diễn xướng những bài hát văn trong buổi hầu đồng của các cô cậu đồng, đóng góp rất nhiều cho sự thành công của buổi hát văn. Tuy nhiên, cung văn trước đây và ngày nay không giống nhau và đang dần bị vật chất hóa trong thời buổi kinh tế thị trường như hiện tại.
Trao đổi với phóng viên, cụ Vũ Ngọc Châu – một cung văn theo nghề đã lâu cho biết, cụ thấy buồn vì những cung văn ngày nay không còn như xưa, họ chạy theo đồng tiền và “vật chất hóa nghiệp chầu văn làm cho đạo đức của người cung văn mờ nhạt”. Theo cụ Châu, cung văn ngày nay đang bị suy thoái về đạo đức nghề nghiệp và “muốn bảo tồn những giá trị truyền thống trước hết những người trong nghề cần phải có cái nhìn đúng đắn, có đạo đức trách nhiệm với những gì mình đang làm”.
Một người cung văn đúng nghĩa như trước kia là phải hội tụ đủ hai yếu tố tâm và đức, nghĩa là phải có tâm, có đức với nghề bởi “cung văn là những người mang lời ca, tiếng hát đến với thánh, đó là những lời ca ngợi, lời chúc tốt đẹp nhất mà người dân muốn bày tỏ với thánh thần”, theo cụ Châu.
Buồn một nỗi, ngày nay cùng với việc hội nhập kinh tế - văn hóa thì cung văn đang “bán rẻ đạo đức, làm nô lệ cho đồng tiền”. “Hy vọng trong tương lai những thế hệ cung văn tiếp theo sẽ giữ vững tâm và đức trong nghề để chầu văn sẽ là chầu văn theo đúng nghĩa của nó” – người cung văn xưa bày tỏ mơ ước của mình.