“ Thánh hiển và đi rất nhanh qua đồng”
GS.TS Ngô Đức Thịnh, Ủy viên Hội đồng Di sản Văn hóa Quốc gia Việt Nam cho biết: Hầu đồng là một nghi lễ rất điển hình của đạo Mẫu. Đó là một hình thức diễn xướng dựa trên cách sử dụng âm nhạc mang tính tâm linh với những lời ca, điệu múa uyển chuyển cùng các nghi lễ nghiêm trang, đưa con người vào trạng thái ngây ngất và tạo ra ảo giác là “sự nhập” của thần linh.
Người ta luôn quan niệm, Mẫu là người đem lại cho mình sức khỏe, tài lộc. Đạo Mẫu có đặc điểm gần như hiếm có trên thế giới này bởi nó không hề quan tâm đến con người sau khi chết ra sao.
Chúng ta thờ Phật để mong kiếp sau thoát khỏi kiếp luân hồi, bể khổ; chúng ta theo Chúa là để mong sau này được lên thiên đàng, thì đạo Mẫu không quan tâm đến đời sống sau khi chết.
Hầu đồng còn có tên gọi khác là lên đồng, hầu bóng, thuật ngữ quốc tế là shamal. Người ta tin rằng các vị thần linh có thể nhập hồn vào thân xác các ông đồng, bà đồng nhằm phán truyền, diệt trừ tà ma, chữa bệnh, ban phúc, ban lộc cho các con nhang, đệ tử.
Khi thần linh nhập vào đồng thì lúc đó các ông đồng, bà đồng không còn là mình nữa mà là hiện thân của vị thần nhập vào họ.
Đầu tiên là các Thánh Mẫu được coi là những vị thánh cao quý nhất có trách nhiệm cai quản các vùng khác nhau trong vũ trụ. Quá trình các Thánh Mẫu nhập và thăng trên đồng thường diễn ra rất nhanh, trầm lặng và uy nghiêm, thể hiện vị trí và đặc tính của các Mẫu. Rất hiếm giá hầu Thánh Mẫu, đồng vén khăn trùm đỏ lên để gặp gỡ hay trò chuyện với con nhang, đệ tử.
Vì thế, các giá Thánh Mẫu thường được gọi là hầu trùm khăn. Thay vì nhập đồng thì Thánh Mẫu thường chủ yếu giáng đồng tức là thánh về và đi rất nhanh qua đồng. Việc Thánh Mẫu giáng hay nhập đồng cho thấy Thánh Mẫu đã chứng giám và phù trợ cho đồng được hầu thánh và cho con nhang đệ tử tham gia trong giá đồng trước khi những thánh khác nhập vào.
Các Quan và các Chầu là những vị thánh ở vị trí cao phục vụ cho các vị Thánh Mẫu và đức Thánh Trần. Chính vì thế, giá các Quan và Chầu thường nghiêm trang và long trọng. Vẻ mặt, động tác và cử chỉ của đồng thể hiện khí chất của những vị đứng đầu các công việc hành chính quốc gia, các vị tướng điều binh, các bậc trí sĩ là thày của hoàng tử, công chúa... Những vị thánh này rất hiếm khi cười hay tỏ ra thân thiện với con nhang đệ tử.
Ví dụ như vị Quan đệ nhất đến từ thiên phủ đảm bảo công lý, vị Quan đệ ngũ chiến đấu với quân giặc bảo vệ đất nước, vị Chầu đệ nhị cai quản 81 cửa ngàn trong khi vị Chầu đệ thập giúp vua Lê Lợi đánh đuổi quân giặc nhà Minh ở phương Bắc. Tất cả các vị thánh này khi nhập đều khiến đồng mang một tư thế trang nghiêm, uy dũng.
Tuy nhiên, sang đến giá Ông hoàng, giá Cô, giá cậu Cậu, không khí giá đồng lại mang tính thân thiện, vui tươi, hòa đồng như những sinh hoạt cộng đồng. Các vị thánh này thường không phải mang trọng trách với đất nước và ít phải đảm đương trách nhiệm với dân và cộng đồng như Thánh Mẫu, các Quan và các Chầu.
Các vị thánh này khi nhập đồng thường hay thư giãn, rong chơi, vui đùa, ca hát rất hồn nhiên hoặc phóng túng. Điệu múa, động tác, cử chỉ, thái độ của các vị thánh này thường rất sôi nổi, vui tươi và tràn đầy sức sống khiến người tham gia cảm thấy rất vui, hòa đồng và thư giãn.
Ví dụ, thánh Cô và Cậu là những vị thánh nam, thánh nữ tuổi còn trẻ và không làm nhiệm vụ gì mà thường hay rong chơi thưởng ngoạn. Điệu múa của họ rất sinh động, sôi nổi và hoạt bát.
Hầu đồng. |
“ Chấm đồng” và kiêng kị
Trước khi lên đồng mọi việc được chuẩn bị kỹ càng, từ việc chọn ngày lành tháng tốt phù hợp với căn số của mình, chọn nơi Đền, Phủ để hầu, mời con nhang đệ tử và quan khách thân thiết tới dự, đến chọn bốn người hầu dâng giúp ông đồng, bà đồng trong suốt buổi lễ, rồi mời cung văn,...
Mấy ngày trước khi lên đồng, ông đồng, bà đồng thực hiện một số kiêng cữ như không được gần gũi với người khác giới, nhất là quan hệ vợ chồng, phải ăn kiêng các đồ ăn làm từ thịt, cá mà phải ăn các đồ chay, ăn ít, thậm chí có thể nhịn ăn, làm sao tạo nên một trạng thái cơ thể ít nhiều khác với ngày thường.
Trong quan niệm của ông đồng và bà đồng thì đó là sự “chay tịnh” làm thanh sạch trước khi giao tiếp với thần linh.
Trong quan niệm chung, các ông đồng, bà đồng cũng như mọi người tham dự buổi lễ không thể biết trước được là những vị Thánh nào giáng đồng và nhập đồng, mà tùy theo ý muốn của Thánh và lời thỉnh cầu của ông đồng, bà đồng mà vị Thánh nào đó có giáng hay không.
Do vậy, vị Thánh nào giáng thì ông đồng, bà đồng phải dùng tay để báo hiệu: Nam thần thì dùng tay trái, nữ thần dùng tay phải, tên từng vị Thánh vốn được gọi theo thứ vị: Đệ Nhất, Đệ Nhị,... thì dùng số lượng ngón tay để báo hiệu.
Như vậy, các vị Thánh từ thế giới hư vô thực hiện các cuộc hành trình của mình, hiển hiện trước con mắt người trần qua nghi lễ lên đồng, đều là các vị Phúc thần tức những thần linh dù có gốc tích từ Thiên thần hay Nhân thần, lúc sinh thời đều là những “người” đã có công lao với dân với nước, khi hóa thì hiển linh và phù hộ, bảo trợ cho sự bình yên, tốt lành cho cộng đồng, do vậy được người trần tôn vinh, thờ phụng.
Các vị Thánh nhập hồn vào thân xác của các đồng là để làm việc thiện: Chữa bệnh, trừ ma tà, mang lại phúc lộc cho mọi người. Nếu như, từ một người bình thường trở thành đồng là việc không phải là tự nguyện, mà do Thánh “bắt lính”, “chấm đồng”, nếu không sẽ bị cơ đày, hành hạ thân xác, thì việc thỉnh mời Thánh nhập vào thân xác đồng là việc tự nguyện, còn việc vị Thánh nào giáng đồng, nhập đồng thì là do ý nguyện của các vị Thánh.
Tuy nhiên, đó chỉ là trên quan niệm và lý thuyết còn thực tế thì với nhiều đồng họ đã có chủ định sẵn từ trước về việc nhập hồn vị Thánh này hay khác theo căn số và mục đích cầu an khang và tài lộc của họ.
Chính bởi yếu tố tâm linh ảo diệu ấy, hiện tượng hầu đồng đang bị lạm dụng như “đồng đua, đồng đú”. Giải thích về lên đồng và một số biến tướng ngày nay, GS Ngô Đức Thịnh cho rằng: khi con người được đặt vào đúng vị trí của họ, được tin cậy thì họ sẽ có trách nhiệm với cộng đồng, với xã hội. Khi người ta làm sai, đi sai quy luật này thì nó sẽ trở thành cái xấu, những hệ lụy cho xã hội.
Thời gian vừa qua hầu đồng nở rộ một cách ghê gớm mà không quản lý được, không đi theo một quy chuẩn nào. Có những người trục lợi trong chính tín ngưỡng của họ.
Ví dụ như vấn đề đồ mã trong các buổi hầu đồng, vấn đề là không thể cấm họ không sử dụng đồ mã, mà ở đây là mức độ; đó là còn chưa nói đến những giá trị nghệ thuật trong những đồ mã đó; nó đều mang những ý nghĩa nhân sinh quan rất sâu sắc, chứ không đơn giản là lợi dụng thánh thần.