Ví dụ như mới đây, khi thảo luận về Luật Các tổ chức tín dụng, nhiều đại biểu đặt câu hỏi: Gửi hàng tỷ mà khi ngân hàng phá sản chỉ được nhận 75 triệu đồng thì có nghĩa lý gì? Hoặc, nếu điều luật của dự thảo này được thông qua thì dứt khoát sẽ gây đổ vỡ niềm tin vào ngân hàng. Nêu ý kiến của mình, bảo vệ ý kiến đó đến cùng vì cho là đúng đắn, như thế là người có chính kiến, xứng đáng là đại biểu của nhân dân, đại biểu Quốc hội thì không thể nay nói thế này, mai thế khác được.
Ở một chiều hướng ngược lại, nhiều việc xảy ra trong quản lý xã hội, không ít những người có chức quyền, liên tục thay đổi quan điểm của mình. Ví dụ, câu chuyện gây ồn ã suốt một tuần qua về một bác sỹ bị phê bình, kiểm điểm, nộp phạt vì đề nghị Bộ trưởng từ chức trên FB của mình.
Khi báo chí lên tiếng thì họ khẳng định việc họ làm là đúng, khi cấp trên có ý kiến thì họ vội vã sửa sai, xin lỗi và rút hết các quyết định kỷ luật cũng như xử phạt. Dư luận đứng về phía người bác sỹ nọ nhưng không tung hô như một người hùng.
Đơn giản, ông này có “dũng khí” đăng ý kiến chủ quan của mình lên mạng xã hội nhưng khi bị “sờ gáy” thì tỏ ra sợ hãi, không những nhận mình có lỗi, xóa bỏ ngay cái ý kiến vừa đăng mà người đàn ông trên 50 tuổi, bác sỹ phó khoa này- còn xưng “em” rất lễ phép trong bản kiểm điểm, tỏ ra ăn năn hối lỗi thực sự. Đó là những người không có chính kiến!
Vừa có một nhà báo, khi bài viết của anh bị gỡ khỏi trang báo thì anh xin thôi việc ở tờ báo đó ngay. Người đó vừa có chính kiến, vừa có dũng khí và có sự tự trọng bản thân (khác với tự ái rất nhiều).
Một sinh viên Điện lực chạy xe ôm Grab, tìm bằng được chủ nhân của hơn 340 triệu đồng bỏ quên trong cốp xe mình để trả lại mới yên lòng tá túc trong căn nhà trọ 10 mét vuông. Sinh viên này thể hiện chính kiến của mình coi đó là việc cần làm và xin mọi người đừng chú ý đến anh.
Một nông dân học hết lớp 7 sáng chế máy móc nhà nông, bán ra 14 nước, từ chối 2 tỷ đồng tiền bán bản quyền, bỏ nơi làm việc ở nước ngoài với lương 30.000 đô la một tháng, quyết về nước chế tạo máy phục vụ nông dân nước mình. Đó là những người có chính kiến và rất đáng được cộng đồng khích lệ và trân trọng.
Trái ngược với người có chính kiến là những hành vi “mũ ni che tai”, ba phải “mười ba cũng ừ, mười tư cũng gật”, “gió chiều nào che chiều nấy” và tệ hại hơn là cách ứng xử đổi màu như kỳ nhông hoặc a dua “giậu đổ bìm leo”, “tát nước theo mưa”, rất đáng chê trách trong xã hội chúng ta!.