Thức trắng đêm tìm con
Vào một ngày cuối năm 1993, người dân ở thôn Đồng Sinh bàng hoàng khi hay tin chị Bàn Thị Hạt 14 tuổi (sinh năm 1979), bị kẻ xấu lừa bán sang Trung Quốc. Nghe kể, hôm đó là vào ngày 29/11/1993 (âm lịch), ông Mình cùng ít người trong họ phải đi lên thị trấn Đồng Mỏ của huyện Chi Lăng lo việc hỷ cho người cháu. Bẵng qua nhiều ngày, khi trở về ông mới biết tin con gái mình bị kẻ xấu lừa bán. Lo sợ cho tính mạng của con gái ông gọi tất cả anh em họ hàng cùng chia nhau đi tìm. Một mặt, ông ra công an xã khai báo để cùng phối hợp, truy tung tích của kẻ buôn người.
Được biết, trước thời điểm chị Hạt bị bọn buôn người lừa bán, ở địa phương có một người đàn bà ở địa phương khác đến làm thuê và thường xuyên đến nhà ông Mình chơi với mục đích làm quen và dụ dỗ. Với linh tính và phán đoán của một người cha, ông Mình tin chắc người phụ nữ đó là kẻ đã lừa bán con gái mình. Bởi thế, đi đến đâu ông cũng dò la tin tức, mô tả hình dáng về người phụ nữ này.
Ít lâu sau, người phụ nữ lừa bán con ông Mình đã bị công an bắt giữ. Tại cơ quan công an, người đàn bà này khai tên thật là Nguyễn Thị Huệ, quê ở huyện Lộc Bình. Thị thường xuyên áp dụng cách giả người đi làm thuê rồi lân la ở các vùng sâu làm quen, lừa gạt những cô gái nhẹ dạ để bán đi Trung Quốc. Sau khi lừa được Hạt đi chơi cùng mình, Huệ thuê một người tên Chung chở Hạt lên cửa khẩu Tân Thanh để bán.
Từ những lời khai của đối tượng Huệ, ông Mình lại tức tốc chạy lên cửa khẩu Tân Thanh tìm kiếm tung tích con gái và dò la thông tin về người cửu vạn tên Chung. Do đội ngũ cửu vạn ở cửa khẩu đông lại không thông thuộc địa bàn nên ông Mình nghĩ ra cách nhờ chính quyền xã Tân Mỹ, huyện Văn Lãng giúp đỡ. Ngay sau đó, một chiến dịch tìm kiếm đã được triển khai, qua hai ngày tìm kiếm thì ông Mình và lực lượng chính quyền tìm được cả trăm người cùng tên Chung trong các nhà trọ. Tuy nhiên, do không xác định được kẻ đã đưa con gái mình đi, ông Mình lại quay về Công an huyện Hữu Lũng nhờ di lý Huệ, kẻ lừa bán con gái ông lên Tân Mĩ để nhận mặt. Và may mắn đã mỉm cười, ông Mình tìm được kẻ đã đưa con gái mình lên biên giới.
Trong vòng 10 ngày, ông Mình đã chạy ngược xuôi như một con thoi, quên cả ăn uống, có những lúc mệt lả nhưng ông không chợp mắt. Ông chia sẻ: “Lúc đó tiền trong túi không có, phải ăn bánh mỳ với uống nước lọc cầm hơi. Tôi không có tiền thuê phòng trọ, vạ đâu nằm đấy nhưng cũng không thể nào ngủ được vì lo cho tính mạng của con gái”.
Giả câm để vào nhà thổ tìm con
Sau khi những kẻ buôn người trong đường dây đưa con gái ông Mình sang Trung Quốc bị bắt, ông về nhà vay mượn tiền của người thân và làng xóm, quyết định một mình vượt biên sang Trung Quốc tìm con. Sang đến Bằng Tường (Trung Quốc), ông nhờ một người quen dẫn đi vào các nhà chứa. Tìm hết các nhà chứa, ông hỏi dò mọi nơi nhưng vẫn không thấy tung tích con gái.
Một người bạn mới quen bên Trung Quốc trông cảnh ấy thương tình, họ khuyên ông quay trở về Việt Nam, vì nếu ông không quen biết, thông thạo ngôn ngữ sẽ rất nguy hiểm.
Ông Mình kể: “Khi vào nhà chứa tôi giả là một người bị câm, cần tìm gái. Thấy tôi có tiền nên các chủ nhà chứa cũng đồng ý cho các cô gái trẻ đẹp ra để “tâm sự”. Nhưng qua bao lần “lựa chọn” bóng dáng con gái vẫn biệt tăm”. Sau nhiều ngày tìm kiếm không kết quả, số tiền ông Mình mang theo cũng vơi dần. Ông đành quay về Việt Nam trong nỗi vô vọng.
Sau những ngày tha phương nơi đất khách quê người, ông Mình về nhà làm ăn, nhưng tâm trí luôn trong cảnh thấp thỏm, mong ngóng. Sự thiếu vắng người con gái hiền lành, xinh đẹp là một mất mát lớn với gia đình ông. “Những buổi chiều về là vợ chồng ông ấy lại ngóng trông về phương Bắc như để mong chờ một phép màu sẽ mang con gái về lại” – một người hàng xóm thuật lại.
Sau một thời gian trông ngóng tin tức, phần cũng vì thương nhớ con nên ông Mình lại quyết định đi tìm. Để có kinh phí, ông Mình gọi bán đi cặp trâu. Hành trang ông mang theo chỉ có tấm ảnh cô con gái và niềm hy vọng mong manh. Những lần đi tìm kiếm như vậy, ông Mình vẫn vào vai một người câm điếc. Ở bên xứ người, ông Mình cũng phải làm thuê đủ nghề để lấy tiền ăn và đi lại.
Mười năm sau ngày con gái mất tích, dù đã mất nhiều thời gian và tiền bạc để tìm kiếm, nhưng tin tức về người con gái vẫn bặt vô âm tín. Mãi đến đầu năm 2003, gia đình ông Mình nhận được thư của con gái gửi về. Lá thư được viết bằng tiếng Trung Quốc. Nhận được thư, ông Mình tìm người dịch và khi biết được nơi ở của con gái.
Ông Mình mừng quýnh vội nhờ một người Trung Quốc lấy vợ Việt Nam thông thạo đường sá dẫn đường. Sau 3 lần đổi tàu xe và 15 tiếng đồng hồ rong ruổi trên các tuyến đường nơi xứ người, với lý do là đi tìm thầy thuốc chữa bệnh câm, ông gặp được con gái. Ông Mình nhớ lại: “Đó là một vùng quê hẻo lánh, xa xôi của tỉnh Quảng Tây. Đến nơi, tôi và con gái gặp nhau đều rưng rưng nước mắt, không nói được lời nào. Khi biết con gái mình may mắn lấy được người chồng tử tế và cũng đã có hai con, tôi thấy lòng nhẹ nhàng hơn”.
Tiếc nuối duy nhất của ông Mình hiện tại là người con gái tên Hạt không thể thường xuyên về Việt Nam vì còn vướng bận con nhỏ. Là một người cha nặng tình, ông cũng hiểu được nỗi lòng của con gái nên mỗi khi nhớ quá ông lại ngóng về phía bắc gọi tên chị Hạt.
Ngồi bên đôi vợ chồng già tuổi đã ngoài thất thập, nghe ông kể lại câu chuyện tìm con nơi xứ người trong ánh mắt rưng rưng, tôi biết tình yêu thương con cái của ông rất lớn. Từ ngày gặp lại con gái, chị Hạt có đôi ba lần về thăm cha mẹ và người thân, nhưng rồi lại đi vì chị còn có gia đình riêng bên xứ người. Dù thương con nhưng ông Mình cũng không nỡ giữ vì ông không muốn cháu ngoại của mình thiếu đi tình thương của người mẹ. Với ông, được gặp lại con gái và biết con vẫn khỏe mạnh, có gia đình êm ấm là đã đủ mãn nguyện.