“Kỹ sư” của bản làng
A Ngo là một xã miền núi, giáp với biên giới nước bạn Lào, dân số có hơn 90% bà con là dân tộc Pa Kô, trình độ dân trí còn rất thấp, những kiến thức trên sách vở muốn truyền đạt vô cùng khó khăn. Do là địa bàn rừng núi, nhiều nơi ít tiếp xúc với bên ngoài, một số dân tộc miền núi phía tây đời sống còn rất sơ khai vì vậy vẫn còn tồn tại dai dẳng những hủ tục, mê tín.
Nhận thấy được điều đó, vị kỹ sư nông nghiệp Hồ Văn Niêu đã không ngừng tìm hiểu các cách thức chăn nuôi, trồng trọt mới qua sách báo, truyền hình để giúp đỡ cho bà con nông dân vươn để cải thiện đời sống.
Năm 2008, trông cậy vào sức trẻ năng động, nhiệt tình, hội viên Nông Dân xã A Ngo tín nhiệm và đặt niềm tin bầu anh Niêu giữ chức chủ tịch hội Nông Dân xã. Trên cương vị này, anh luôn trăn trở làm sao để có thể thay đổi được tập quán sản xuất nông nghiệp du canh du cư vốn đã ăn sâu vào trong tiềm thức của dân tộc Pa Kô.
Đến năm 2010, được sự hỗ trợ về mặt kinh phí của chính quyền xã, anh Niêu theo học lớp kỹ thuật trồng trọt tại trường trung cấp Phát Triển Nông Thôn Quảng Trị nhằm trang bị cho bản thân kiến thức cần thiết để về phổ biến cho bà con.
Suốt 2 năm tham gia học tập tại trường, anh luôn tìm tòi, học hỏi kinh nghiệm từ các thầy cô giảng dạy, cái gì không biết, không hiểu thì bằng nhiều cách khác nhau, anh luôn cố gắng tìm hiểu cho cặn kẽ rồi mày mò cho ra vấn đề.
Sau khóa học Kỹ thuật trồng trọt, Hồ Văn Niêu trở về tích cực làm công tác tuyên truyền, vận động, phổ biến khoa học kỹ thuật cho người dân trong xã. Anh Niêu trăn trở: “Lúc mới tham gia tuyên truyền khó khăn lắm các anh à.
Đa phần bà con không chịu lắng nghe, chỉ làm theo cách thức, tập quán của ông cha từ xưa truyền lại cho họ thôi. Địa hình của xã A Ngo chủ yếu là đồi núi việc trồng cây gì, nuôi con gì mang lại năng suất cao cũng là một thách thức không hề nhỏ.
Trước mắt chỉ biết động viên bà con từng bước một cái đã, dần dần rồi bà con thấy cái lợi của việc làm đó thì mình tiếp tục kêu gọi bà con thay đổi hẳn phương thức sản xuất. Nhưng để làm được những điều đó đòi hỏi mình phải hết sức kiên trì, không được nản. Cũng may là mình luôn được bà con cũng như các cấp ngành trong địa phương ủng hộ, chứ không thì khó lắm.”
Bất kể ngày mưa hay ngày nắng, kỹ sư Hồ Văn Niêu đều băng rừng, lội suối, đi khắp các thôn bản của xã để hướng dẫn kỹ thuật cho bà con nơi đây. Cùng với đó, để đạt hiệu quả nhanh hơn, anh mở thêm các lớp tập huấn, chuyển giao kỹ thuật một cách tập trung, có sự tham gia hướng dẫn của những người có chuyên môn về trồng trọt, chăn nuôi.
Bên cạnh đó anh nghĩ ra nhiều cách làm hay để hỗ trợ cho những hộ có điều kiện kinh tế khó khăn thông qua phong trào “Nuôi thêm 1 con, trồng thêm 1 cây”. Anh Niêu giải thích: “Thay vì họ nuôi 10 con vịt, nay có phong trào này, họ nuôi thêm một con, rồi con vịt đó bán thành tiền cho vào quỹ hội để hỗ trợ cho nông dân. Mình hướng dẫn cho mọi người tận dụng nguồn chất thải từ chăn nuôi của gia súc như trâu, bò, dê… làm phân bón vi sinh cho cây trồng, vừa tiết kiệm chi phí, vừa có thực phẩm an toàn, bảo vệ được môi trường đất”
Hồ Văn Niêu đang hướng dẫn cách chăm sóc bò cho hộ gia đình anh Hồ Văn Mem, ở thôn A Đang. |
Theo anh Hồ Văn Niêu, nếu như cuộc vận động, tuyên truyền thay đổi tập quán canh tác khó khăn đến đâu thì công tác xóa bỏ lạc hậu, quan niệm sai lệch trong văn hóa lại khó khăn gấp bội lần. Bà con nơi đây vẫn luôn quan niệm khi đau ốm, sinh đẻ, thì cứ tìm đến thầy mo trong bản để xin thần linh che chở. Trai gái trong bản muốn nên vợ, nên chồng thì nhà gái sẽ đưa ra lễ vật thách cưới.
Nếu nhà trai không có tiền đáp ứng được yêu cầu thì sẽ không được vợ. Kinh tế vốn đã nghèo đói nhưng họ luôn quan niệm phải sinh được đứa con trai nối dõi tông đường, đông con là đông của… nên tình cảnh có gia đình 6, 7 đứa con nheo nhóc là phổ biến.
“Để vận động được người dân có thêm nhiều hiểu biết, dần xóa bỏ những hủ tục rườm rà đó chúng tôi kết hợp vừa làm vừa truyền đạt cho bà con hiểu, khi có kết quả thì tự khắc làm theo và nghe theo mình. Cần tạo niềm tin từ bà con trước đã, dần dà rồi mô hình đó sẽ nhanh chóng được nhân rộng ra các thôn khác” - Anh Niêu quan niệm.
Trước những cố gắng không ngừng nghỉ của vị Chủ tịch hội nông dân Hồ Văn Niêu, cho đến nay đời sống của bà con ở những dân tộc vùng sâu vùng xa đã cải thiện rõ rệt. Những lúc ốm đau, sinh đẻ bà con đều gọi nhau tìm đến trạm y tế xã để chữa trị. Tục thách cưới được giảm thiểu đáng kể, nhiều hộ đã thực hiện kế hoạch hóa gia đình với 9 nhóm không sinh con thứ 3. Đời sống vật chất tinh thần được nâng cao, trẻ em được đến trường không phải lên nương làm rẫy nữa...
Thủ lĩnh “ lãnh nợ” gỡ khó
Cùng với việc vận động, tuyên truyền anh Niêu là người đã đứng ra tư vấn vay vốn, gỡ nợ khó, tự mình đi vay mượn tiền cho bà con xây nhà, mua cây giống, phân bón trồng trọt. Nhờ những nỗ lực của anh Niêu, nhiều gia đình đã từng bước thoát khỏi nghèo đói, khó khăn.
Điển hình như gia đình anh Hồ Văn Thông ở thôn Kì Ne trước kia nghèo đói, lại phải nuôi 6 đứa con thiếu đói triền miên. Năm 2010 được anh hướng dẫn kỹ thuật, hỗ trợ vay vốn trồng rau sạch, chỉ sau 3 năm làm lụng chăm chỉ anh Thông đã thoát nghèo, vươn lên trở thành hộ khá giả trong thôn Kì Ne.
Một trường hợp khác là hộ anh Hồ Văn Mem ở thôn A Đang trước kia cũng là hộ nghèo nhất của xã A Ngo. Mem muốn làm ăn nhưng không có vốn, đi vay lại sợ không có tiền để trả vì chẳng biết nuôi con gì. Biết chuyện, Hồ Văn Niêu đích thân tìm đến nhà, khuyên Mem. Hồ Văn Mem chịu đi vay vốn và tham gia sản xuất theo chỉ dẫn của anh Niêu.
Đến nay anh Mem đã xây dựng được nhà kiên cố, mua sắm được xe máy, thu nhập mỗi năm trừ các chi phí được 30 triệu lãi nuôi bò. Anh Mem hồ hởi tâm sự: “Nhà mình trước đây nghèo lắm, may nhờ có ông chủ tịch hướng dẫn cho cách làm ăn chứ không thì cứ khổ mãi thôi các anh à. Chủ tịch của chúng mình tuyệt vời lắm! Năng nổ, nhiệt tình, còn biết nghĩ cho mọi người nữa”.
Một số gia đình không có nhà để ở phải sống trong các lán trại tạm bợ. Thấy vậy anh Niêu đã dùng uy tín của mình đứng ra vay nợ vật liệu xây dựng với số tiền 80 triệu cho bà con xây nhà. Chia tay chúng tôi, anh Hồ Văn Niêu cứ đau đáu một tâm sự: “Cần lắm các anh à. Bà con ở trên này còn nhiều khó khăn lắm, một mình tôi thì chắc không thể kham nổi.
Cần nhiều hơn nữa những con người trẻ đầy tâm huyết, họ có nhiệt huyết có tinh thần cống hiến đủ để thắp sáng những dãy núi còn đang sơ khai với những ánh mắt của đám trẻ thơ đang gắn mình với rừng núi, sống trong những hủ tục lạc hậu và nghèo đói…”.