Nghiệp và trả nghiệp - có hiểu sẽ sống tốt hơn?

Thượng tọa Thích Nhật Từ - Phó Viện trưởng Học viện Phật giáo Việt Nam.
Thượng tọa Thích Nhật Từ - Phó Viện trưởng Học viện Phật giáo Việt Nam.
(PLVN) - “Nghiệp” là từ xuất hiện khá nhiều trong thời gian gần đây. Thậm chí, dường như “nghiệp” đã trở thành trào lưu khi người ta sử dụng nó như từ đầu cửa miệng cho rất nhiều câu chuyện trong cuộc sống. Thế nhưng, thực sự “nghiệp” là gì, “nghiệp” đóng vai trò thế nào trong cuộc đời mỗi con người thì chưa hẳn nhiều người hiểu được. Phóng viên Báo PLVN Chủ nhật đã có cuộc phỏng vấn Thượng tọa Thích Nhật Từ - Phó Viện trưởng Học viện Phật giáo Việt Nam tại TP HCM để có lời giải đáp.

Nghiệp là gì?

Thưa Thượng tọa, nghiệp là một từ khá phổ biến đối với những Phật tử lẫn người không theo đạo Phật. Vậy Thượng tọa có thể đưa ra kiến giải, theo quan niệm Phật học, “nghiệp” là gì?

Nghiệp là một từ Hán Việt được dịch từ tiếng Phạn - Karma, có nghĩa là các hành vi. Đức Phật là người phân loại 3 nhóm hành vi chính: Hành vi ngôn ngữ, hành vi tay chân và hành vi tư duy. Đức Phật nhấn mạnh đến hành vi tư duy và xem nó là đạo diễn của 2 nhóm hành vi còn lại. Khi con người có sự dụng ý, bận tâm, nếu không bây giờ thì ở lúc khác, nếu không cách thức này thì cách thức nọ, con người sẽ có khuynh hướng thể hiện nó thành lời nói hoặc việc làm.

Từ nhận thức này, đức Phật kêu gọi mọi người làm chủ hành vi tâm thức. Mặc dù hành vi là vô hình tướng, nhưng nếu thiếu kiểm soát nó, mọi người có thể tạo tư cách nạn nhân cho chính mình, tức mình sẽ trở thành con lật đật bị dẫn dắt, giật giây, đồng thời chúng ta biến những người thân, người chung quanh thành nạn nhân của chúng ta qua các hành vi phạm pháp như giết người, trộm cắp, lừa đảo…

 Như vậy, khi Đức Phật gọi một hành vi nào đó là karma, thì Đức Phật nhấn mạnh rất rõ rằng hành động đó dù cho cố ý hay vô tình, thì hậu quả của các hành động đó về phương diện tiêu cực cho xã hội và cộng đồng là không thể tránh khỏi. Những hành động hữu ích cho đời, cho người thì không nên tình cờ mà phải phát xuất từ động cơ cao quý, thái độ vị tha. Nghiệp là một trong các học thuyết quan trọng của triết học Phật giáo.

Nghiệp vừa là một phần của thuyết đạo đức Phật giáo, vừa là một phần của thuyết nhân sinh quan Phật giáo, vừa là một phần của thuyết nhân bản. Khái niệm nghiệp trong Phật giáo nên hiểu nôm na là các loại hành vi của con người, bao gồm hành vi có chủ ý, không chủ ý, hành vi có lợi, hành vi có hại, hành vi tích cực, hành vi tiêu cực, hành vi phàm, hành vi thánh… Tất cả không phải ngẫu nhiên mà là do sự vô tình hay cố ý của chúng ta tạo ra. 

Như vậy, thưa Thượng tọa, vì sao con người phải trả nghiệp?

Phật giáo cho rằng, mỗi một hành động của con người đều tạo ra phản ứng của hành động đó. Chúng ta gọi là quả. Nếu chia ra làm 2 nhóm hành động, thì hành động tích cực đem đến quả tốt, hành động tiêu cực đem đến các hậu quả nghiêm trọng. Khi con người phải chịu các hậu quả xấu đó, Phật giáo gọi là trả nghiệp. Tức, mọi người đều không thể trốn tránh trách nhiệm, hậu quả về tất cả những gì con người đã tạo tác. 

Trong kinh Pháp cú, Đức Phật nêu ra một ví dụ sâu sắc. Nếu khi các yếu đố đã hội đủ, một hành động xấu đã đến lúc chín muồi thì dầu cho có lặn sâu dưới đại dương, ẩn náu kín trong các động đá, bay cao trên bầu trời xanh thì con người vẫn không thể tránh được các hậu quả xấu, phải trả nghiệp.

Theo Đức Phật, nhận thức này sẽ khiến con người cảm thấy, nếu chúng ta không thể chạy khỏi mạng lưới của nghiệp quả, thì thà chậm chân một chút, ít lợi ích một chút, nhưng mọi việc nếu làm đúng lương tâm, đúng pháp luật, thì sẽ được thanh thản, ngủ ngon, không phải lo lắng bất an. Có câu nói “phàm làm việc gì cũng nên nghĩ đến hậu quả của nó”.

Lối nhận thức này sẽ giúp chúng ta điềm tĩnh hơn, sâu sắc hơn và có trách nhiệm đối với tất cả những gì chúng ta đã, đang làm, sẽ làm, dầu vô tình hay cố ý, với chính mình, người thân hay cộng đồng. 

Chuyển nghiệp bằng cách nào?

Như vậy, nghiệp là một khái niệm chống lại thuyết định mệnh, giúp con người có thể chủ động thay đổi số phận của mình, tức chuyển nghiệp. Thượng tọa có thể chia sẻ cách thức để một người có thể chuyển nghiệp hiệu quả?

Đạo Phật không chấp nhận khái niệm định mệnh. Khi đã làm một hành động nào đó, con người hoàn toàn có thể thực hiện một hành động đối lập để thay đổi. Không nhất thiết hễ chúng ta lỡ làm một hành động thì quả sẽ trả như một sự an bài của định mệnh. Nếu lỡ làm những hành vi xấu, thì đạo Phật có một khái niệm gọi là chuyển nghiệp.

Ví dụ, trước kia nếu chưa hiểu biết gì về nghiệp, một người lỡ móc túi một số tiền 10 triệu đồng. Sau 10 năm, để chuyển được nghiệp trong quá khứ đã làm, người ấy nên dùng số tiền tương đương, theo thời giá, ví dụ như vài chục triệu đồng để làm những việc thiện phước, thì nghiệp xấu mới bị loại trừ, hay còn gọi là vô hiệu nghiệp. Tức là gieo 1 nghiệp cùng bản chất, cùng số lượng, cùng chất lượng để hai nghiệp này triệt tiêu lẫn nhau, về con số 0. 

Bằng học thuyết này, đức Phật muốn nói rằng, nếu đã có một quãng đời xấu trong quá khứ thì hãy đừng mặc cảm, mà hãy phân tích bản chất hành vi xấu trước kia, và nhanh chóng gieo trồng vào cuộc sống này những hành vi đối lập với số lượng tương đương hoặc lớn hơn.

Ví như ai đó trước kia lỡ lầm phá đi một mầm sống trong cơ thể, thì đừng nên khóc lóc, cầu xin… mà hãy tham gia vào các hoạt động hòa bình, tôn trọng sự sống, cân bằng hệ sinh thái, bảo vệ môi trường, và đặc biết nếu có hành động hiến mô tạng sau khi qua đời, và nếu may mắn mô tạng ấy cứu sống được nhiều người, thì nghiệp xấu từng phá thai ấy sẽ được triệt tiêu, người ấy sẽ hết được nghiệp sát sinh, thậm chí sẽ gặp may mắn, tránh được hiểm họa nguy hiểm đến mạng sống về sau.

Phật giáo cho rằng con người không có một số phận cố định và trả nghiệp không dừng lại ở sự ray rứt lương tâm, mà biến thành những hành động cụ thể, hữu ích, đúng đắn để “chuộc tội”, thay đổi định mệnh và có một cuộc sống tốt đẹp, thanh thản hơn. 

Thưa TT, giáo lý Phật giáo có câu rằng, “con người là chủ nhân của nghiệp do mình tạo ra”. Nhưng, thành ngữ Việt Nam có câu “đời cha ăn mặn, đời con khát nước”. Trong thực tế, ta cũng có thể nhận thấy nhiều trường hợp một người gây ra hành vi xấu, thì những người còn lại trong gia đình cũng bị “vạ lây”. Có đúng là nghiệp ai nấy trả hay “đời cha ăn mặn đời con khát nước” không thưa Thượng tọa?

Phật giáo đưa ra hai nhận thức. Thứ nhất, Đức Phật nhấn mạnh đến trách nhiệm đạo đức của mỗi một hành vi mà con người đã làm. “Con người là kẻ thừa tự của nghiệp do mình gây ra”, tức mỗi người là đạo diễn, nhưng cũng là người nhận lấy hậu quả từ hành động của bản thân. Chúng ta cần phải có trách nhiệm với hành động của chính mình và được hưởng những quả tốt đẹp do mình tạo ra.

Từ đó, Đức Phật kêu gọi mỗi người hãy dành thời gian ngay từ khi còn trẻ, khỏe để chia sẻ các phước báu của mình đến những mảnh đời kém may mắn để bản thân tự nhận được những quả lành từ hành động ấy. Tức là, khi chúng ta làm việc thiện phước cho cộng động, thực ra về phương diện nghiệp thì tức là chúng ta đang làm tốt cho chính mình.

Nhận thức được tính thừa tự của nghiệp, người ta sẽ có tinh thần xung phong, tình nguyện, năng động, không trốn tránh, không biện hộ thoái thoát mà trở nên dấn thân hơn… đem lại những giá trị cho chính mình và tha nhân.

Nhận thức thứ hai, để đề cao trách nhiệm đạo đức và trách nhiệm luật pháp của mỗi con người, Đạo Phật nhấn mạnh đến góc độ cộng hưởng nhân quả. Một người tạo ra một tác động không chỉ chịu hậu quả xấu cho chính bản thân người đó mà còn có tác hại cho người thân và những người chung quanh. Nhận thức về thuyết cộng hưởng nhân quả sẽ giúp cho con người biết quan tâm đến tha nhân hơn.

Kinh Phật đưa ra một ví dụ như thế này, tại một khu vườn, khi một bông hoa nở có mùi thơm, thì dầu những bông hoa khác chưa nở thì hương thơm lan tỏa khắp nơi, nghĩa là “thơm lây”. Ngược lại, ở một khu chợ cá, một người bước vào, mặc dù không tiếp xúc trực tiếp với cá, nhưng bước ra, mùi cá vẫn thoang thoảng vương bên người. Đó chính là cộng hưởng nhân quả. 

Hai phương diện “gieo gì gặt nấy” và cộng hưởng nhân quả song song tồn tại, bổ sung cho nhau, cả hai không loại trừ, mâu thuẫn nhau. Hiểu rõ cả hai phương diện này, chúng ta cần có trách nhiệm cao hơn, vừa cố gắng sống hữu ích cho chính mình, vừa biết sợ đủ để luôn tránh các hành vi xấu.

Từ đó, loại trừ những nhận thức sai lệch “hy sinh đời bố củng cố đời con”, gây hành vi phạm pháp nhằm trục lợi cho con cháu mình. Gieo các hành động tích cực, tốt đẹp, chính là gieo hạt giống nghiệp tốt cho chính mình, đem lại phước lành cho gia đình, cho con cháu và cho cả cộng đồng, xã hội.

Xin trân trọng cảm ơn Thượng tọa!

Đọc thêm

Trung tâm hỗ trợ phụ nữ và trẻ em gái bị bạo lực: Nơi bình yên tìm về

Ngôi nhà Ánh Dương ở Thanh Hóa chính thức đi vào hoạt động từ tháng 1/2022. (Ảnh: HLHPNVN)
(PLVN) -  Với nạn nhân bị bạo lực giới nói chung và bạo lực gia đình nói riêng, để “bình yên tìm về” là cả một hành trình dài. Nhưng qua mô hình Trung tâm dịch vụ một cửa hỗ trợ phụ nữ và trẻ em gái bị bạo lực - Ngôi nhà Ánh Dương, trong hành trình đó, họ không đơn độc. Với nhiều người, hạnh phúc, bình yên đã thực sự trở lại.

Ngăn chặn ma túy “núp bóng” thuốc lá điện tử

Hiện nay chỉ có một số ít cơ quan có năng lực xét nghiệm phát hiện ma túy tổng hợp được như: Viện Giám định Pháp y – Bộ Y tế, Viện Khoa học hình sự - Bộ Công an. (Nguồn ảnh: Thanh Loan)
(PLVN) -  Trong những năm gần đây, các sản phẩm thuốc lá thế hệ mới hay còn gọi là thuốc lá mới đã xuất hiện trên toàn thế giới với hai dòng sản phẩm chính là thuốc lá điện tử và thuốc lá làm nóng. Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn cho hay, khoảng từ năm 2015, các sản phẩm thuốc lá mới bắt đầu du nhập vào Việt Nam và nhanh chóng thu hút giới trẻ.

Thuốc lá điện tử gây ảo giác, loạn thần

4 trường hợp là học sinh nhập viện do ngộ độc sau khi hút thuốc lá điện tử. (Ảnh: Bệnh viện Bãi Cháy)
(PLVN) - Thời gian qua, tại một số bệnh viện đã tiếp nhận một số bệnh nhân đến điều trị có liên quan đến hút thuốc lá điện tử. Điều đáng lưu ý là hầu hết, bệnh nhân đến bệnh viện do có dấu hiệu đau đầu, lo âu, mất ngủ, rối loạn hoảng sợ, có một vài trường hợp có dấu hiệu loạn thần, ảo giác. Vấn đề này ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe tâm thần của người sử dụng.

Sôi nổi Hội thi “Nghi thức Đội TNTP Hồ Chí Minh” tỉnh Bạc Liêu

Sôi nổi Hội thi “Nghi thức Đội TNTP Hồ Chí Minh” tỉnh Bạc Liêu
(PLVN) - Hòa chung không khí thi đua sôi nổi của thiếu nhi cả nước, thiếu nhi Bạc Liêu đã và đang ra sức thi đua rèn luyện, học tập, thực hiện các công trình, phần việc Măng non lập thành tích chào mừng để kỷ niệm 82 năm Ngày thành lập Đội TNTP Hồ Chí Minh (15/5/1941 – 15/5/2023), làm quà nhân kỷ niệm 133 năm Ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 – 19/5/2023).

Đừng coi thường say nóng, say nắng

Ảnh minh họa. (Nguồn: baochinhphu.vn)
(PLVN) -  Dù miền Bắc mới bước vào đợt nắng nóng gay gắt diện rộng thứ 2 kể từ đầu mùa nhưng nhiệt độ cao nhất ở nhiều nơi mấy ngày qua đều chạm hoặc vượt ngưỡng 40 độ C. Dự báo, thời gian tới sẽ xuất hiện nắng nóng nhiều hơn và gia tăng về cường độ trên phạm vi toàn quốc.