Thị trường tiềm năng
Theo Bộ Công Thương, Việt Nam với dân số lên đến hơn 90 triệu dân, trong đó 49% sử dụng Internet và 34% sử dụng di động để truy cập Internet, thị trường thương mại điện tử (TMĐT) Việt Nam được đánh giá là đầy tiềm năng phát triển. Đến năm 2015, hầu hết các siêu thị, trung tâm mua sắm và cơ sở phân phối hiện đại trong cả nước cho phép người tiêu dùng thanh toán không dùng tiền mặt khi mua hàng. Hạ tầng kỹ thuật phục vụ cho thanh toán thẻ đã được cải thiện, số lượng ATM và POS (các máy chấp nhận thanh toán thẻ) có tốc độ tăng trưởng nhanh. Như vậy, tiềm năng phát triển của ngành này còn rất lớn, đặc biệt trong bối cảnh Việt Nam hội nhập ngày càng sâu rộng vào nền kinh tế thế giới.
Tại Việt Nam, ngân hàng điện tử hay các phương thức giao dịch thanh toán điện tử đã xuất hiện từ năm 2004, với 3 ngân hàng thương mại và đến năm 2014, 100% ngân hàng đều cung cấp dịch vụ này cho khách hàng. Tuy nhiên, theo bà Nguyễn Thị Quỳnh Hoa (Viện Nghiên cứu Thương mại), phương thức thanh toán trực tuyến ở Việt Nam không phát triển như kỳ vọng, giao dịch không dùng tiền mặt trong tổng số giao dịch chỉ đạt ở mức 3%. “Việc mua bán, trao đổi sản phẩm, dịch vụ qua mạng khá phát triển, nhưng cuối cùng phần lớn lại giao sản phẩm và thanh toán bằng tiền mặt”.
Lý giải về điều này, bà Hoa cho rằng nhiều người tham gia giao dịch bằng tiền mặt một phần vì thói quen, phần khác vì chưa tin tưởng vào độ an toàn của giao dịch và chất lượng của hàng hóa, dịch vụ, hoặc do khả năng họ chưa biết đến những tiện ích có thể thanh toán khi không dùng tiền mặt. “Như vậy, thói quen sử dụng tiền mặt của người dân và sự hạn chế về hạ tầng kỹ thuật thanh toán điện tử, mức độ an toàn trong thanh toán điện tử đang là những rào cản lớn nhất (gần đây, liên tiếp các vụ chủ thẻ, chủ tài khoản bị mất tiền càng làm cho người sử dụng lo lắng khi thanh toán hàng hóa qua mạng). Dịch vụ thẻ ngân hàng mới có sự gia tăng về số lượng, nhưng chưa có sự chuyển biến thực sự về chất lượng”.
Chưa chú trọng đến chất lượng
Nói rõ hơn về những tồn tại, hạn chế của thị trường thanh toán bằng thẻ tại Việt Nam, TS. Lê Huy Khôi (Viện Nghiên cứu Thương mại) nhận định, việc phát triển thẻ tín dụng những năm vừa qua chủ yếu thiên về số lượng chưa đi kèm với sự thay đổi căn bản về chất lượng cũng như tăng cường giao dịch của chủ thẻ sau khi thẻ được phát hành.
Điều này thể hiện ở chỗ, mặc dù số lượng thẻ đã tăng khoảng trên 30 lần từ năm 2010 đến 2015 (31 triệu thẻ năm 2010 tăng lên đạt khoảng gần 100 triệu thẻ năm 2015), nhưng số lượng thẻ hoạt động thực tế chỉ vào khoảng gần 70 triệu thẻ. Bên cạnh đó, chi phí phát hành thẻ ở Việt Nam quá cao. Theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước thì chi phí bình quân phát hành 01 thẻ vào khoảng 5 USD, (nhưng theo đánh giá thực tế thì con số này là vào khoảng gần 10 USD) trong khi đó chi phí phát hành thẻ bình quân trên thế giới khoảng 1 USD/01 thẻ.
Toàn cảnh buổi hội thảo. |
Cho rằng doanh thu thanh toán thẻ chủ yếu vẫn là rút tiền từ các cây ATM, (chiếm 85%, chỉ có 15% là doanh thu từ giao dịch thanh toán và các giao dịch phát sinh từ các điểm chấp nhận thanh toán thẻ”, TS Lê Huy Khôi nhấn mạnh đây là một nghịch lý, bởi phát hành thẻ phải song hành phát triển hạ tầng thanh toán rộng khắp, chứ không phải là cuộc đua gia tăng thị phần thẻ và thực hiện mục đích rút tiền mặt.
Đồng quan điểm với bà Nguyễn Thị Quỳnh Hoa khi cho rằng thói quen sử dụng tiền mặt của người Việt Nam vẫn còn nặng nề, đặc biệt là khu vực nông thôn- là nguyên nhân dẫn đến thị trường thanh toán thẻ của Việt Nam chưa phát triển như mong muốn-TS Khôi cũng bổ sung thêm những rào cản dẫn đến hạn chế nêu trên. Đó là hệ thống máy ATM tuy phát triển nhanh, nhưng phân bố lại chưa đều. Số lượng máy tập trung chủ yếu ở khu vực thành thị, nơi phát triển dịch vụ thanh toán, trong khi ở khu vực nông thôn, miền núi còn hạn chế.
Bên cạnh đó, trong khi mặt bằng lãi suất huy động và lãi suất cho vay đang có xu hướng giảm dần thì lãi suất cho vay qua thẻ vẫn được áp dụng ở mức rất cao, cộng thêm các khoản phí phải trả như phí thường niên, phí in bản sao kê, phí chậm thanh toán, phí rút tiền mặt tại ATM, phí chuyển đổi ngoại tệ… có thể dễ thấy được chi phí sử dụng thẻ tín dụng của chủ thẻ là rất lớn.
“Đối với các điểm chấp nhận thẻ, hiện tại, các điểm này đang phải trả phí dịch vụ thanh toán theo quy định cho ngân hàng khoảng 2% để phục vụ vào các khoản đầu tư máy POS và trả phí 1% cho tổ chức thẻ quốc tế. Với mức phí cao như vậy, trên thực tế đã có nhiều trường hợp đơn vị chấp nhận thẻ đã không nhận thanh toán bằng thẻ tín dụng hoặc chuyển mức phí này sang cho chủ thẻ”-TS Khôi chỉ rõ.
Tìm giải pháp khắc phục tình trạng trên, bên cạnh việc tăng cường đảm bảo an toàn và bảo mật thanh toán, nhiều đại biểu tại Hội thảo “Tương lai thanh toán bằng thẻ và tiền điện tử” do Bộ Công thương tổ chức ở Hà Nội, sáng nay (22/11), đề xuất Chính phủ và doanh nghiệp cần cung cấp nhiều dịch vụ hơn trong thanh toán hàng ngày của người dân.
“Để khuyến khích thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt, nhà nước cần có chính sách miễn giảm thuế hoặc hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư lớn cho thương mại điện tử hoặc các doanh nghiệp có mức giao dịch không dùng tiền mặt lớn. Ngay trong thương mại điện tử, muốn thay đổi tâm lý e ngại của người dùng cần thúc đẩy các kênh thanh toán trung gian (giống như mở thư tín dụng ở ngân hàng) sẽ giúp cả người mua và người bán yên tâm trả tiền trực tuyến”- TS Nguyễn Thanh Bình (Học viện Ngân hàng) nói.