Lời khai bất nhất
Vụ án được đánh giá là “phức tạp” nhưng cáo trạng của VKSND TP.HCM lại khá đơn giản. Theo đó, từ khoảng tháng 4/2009 anh Trần Văn Phát và “vợ hờ” chung sống không đăng ký kết hôn và ở nhờ nhà mẹ vợ trên đường Phạm Thế Hiển (Phường 5, Quận 8, TP.HCM).
Thời gian chung sống, hai người thường xảy ra mâu thuẫn. Ngày 18/4/2010 trong lúc cãi vã anh Phát đã tát vợ hờ.
Nghe tin chị dâu bị đánh, anh Phạm Nguyễn Yên Vũ (em rể chị này) mang theo một cây móc sắt đến nhà tìm Phát. Đồng thời Dương Chí Tâm (cháu gọi người này bằng cô họ) sang bếp nhà hàng xóm lấy con dao bằng sắt (loại dao làm cá thác lác, dài khoảng 28cm, bản rộng 3cm, đầu nhọn) giấu trong túi quần, chạy ra đầu hẻm.
Ra đến nơi, Tâm thấy anh Phát đang cầm thanh sắt, còn Vũ cầm móc sắt đánh nhau. Vũ dùng móc sắt móc một cái vào vùng chân anh Phát. Anh Phát dùng cây sắt đánh vào đầu Vũ gây thương tích.
Dương Chí Tâm thấy vậy liền rút dao trong túi quần đồng thời xông vào đẩy anh Phát ra. Anh Phát dùng tay đánh trúng vào vai của Tâm. Bị đánh nên Tâm bực tức dùng dao đâm một nhát vào bụng anh Phát. Nạn nhân định đánh lại thì bị Tâm đâm tiếp một nhát nữa vào đùi. Anh Phát bỏ chạy đến đầu hẻm thì gục ngã.
Anh Phát được người dân đưa đi cấp cứu tại bệnh viện Chợ Rẫy, hai ngày sau thì tử vong. Ngày 23/4/2010 Dương Chí Tâm bị bắt giữ. Tại cơ quan điều tra, Tâm đã khai nhận hành vi phạm tội như đã nêu trên.
Kết luận giám định tử thi của Trung tâm pháp y kết luận nguyên nhân chết đối với nạn nhân Trần Văn Phát: Choáng mất máu cấp do vết thương thấu bụng gây thủng gan/ xơ gan, lao phổi.
Vụ án xuất phát từ mâu thuẫn nội bộ của những người trong gia đình, diễn biến không có gì phức tạp, các đối tượng tham gia ẩu đả được xác định là chỉ có ba người (anh Phát, Vũ và Tâm). Tuy nhiên, quá trình điều tra thì lại gặp rất nhiều khó khăn.
Đầu tiên là những lời khai bất nhất của Dương Chí Tâm. Trong quá trình điều tra, bị cáo này nhận tội và khai nhận hành vi phạm tội phù hợp với hiện trường cũng như diễn biến vụ án.
Song ngày 24/4/2014, khi TAND TP.HCM mở phiên tòa sơ thẩm, bị cáo này một mực kêu oan. Tâm cho rằng khi đến nơi thì thấy Vũ và anh Phát đang đánh nhau. Do thấy anh Phát đánh Vũ bị thương nên Tâm đã nhảy vào dùng tay xô Phát ra. Sau đó Tâm đi về nhà, còn việc ai đã đâm nạn nhân thì Tâm không rõ.
Mặc dù bị cáo không nhận tội, nhưng HĐXX nhận định từ dấu vết hiện trường và lời khai của các nhân chứng, có đủ căn cứ để xác định Dương Chí Tâm đã dùng dao đâm anh Phát khiến nạn nhân tử vong. Từ đó, TAND TP.HCM đã tuyên phạt Dương Chí Tâm 12 năm tù. Liên quan đến vụ án, bị cáo Phạm Nguyễn Yên Vũ bị tòa tuyên 2 năm tù về tội “Gây rối trật tự công cộng”.
Sau đó, Dương Chí Tâm làm đơn kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt. Tuy nhiên, tại phiên tòa phúc thẩm, bị cáo Tâm lại phản cung kêu oan. HĐXX cấp phúc thẩm đã quyết định hủy án điều tra lại do lời khai của các nhân chứng và dấu vết tại hiện trường có nhiều mâu thuẫn…
Trong quá trình điều tra bổ sung, một lần nữa Dương Chí Tâm lại nhận tội. Tuy nhiên, tại phiên tòa sơ thẩm lần 2 bị cáo này lại tiếp tục phản cung. Đồng thời người cha của nạn nhân cũng kêu oan. Ông này cho rằng, theo lời hai nhân chứng sau trước khi gục xuống nạn nhân Phát đã kêu tên người khác chứ không phải Tâm. Một lần nữa phiên tòa bị hoãn.
“Điều tra lâu quá nên nhận tội cho xong”
Sau gần một năm điều tra lại điều tra lại, Viện KSND TP.HCM kết luận: “Kết quả điều tra bổ sung không làm thay đổi diễn biến và bản chất vụ án…”.
Ngày 28/3, TAND TP.HCM mở phiên xét xử sơ thẩm lần hai. Không khí buổi xét xử căng thẳng, kéo dài từ 8h sáng đến tận 14h chiều. Tại phiên tòa Dương Chí Tâm vẫn một mực kêu oan.
Chủ tọa
- Tại sao các bản tự khai, lấy lời khai ở công an quận 8 bị cáo lại nhận tội?
- Tại điều tra viên đánh bị cáo buộc bị cáo phải nhận tội.
- Thế quá trình bị giam tại Trại giam Chí Hòa, do CSĐT công an TP.HCM điều tra có ai ép cung dùng nhục hình bị cáo không?
- Không
- Thế tại sao lúc đó bị cáo cũng nhận tội?
- Tại bị cáo thấy điều tra lâu quá nên nhận tội cho xong.
- Vậy sau đó, tại sao khi ra tòa bị cáo lại phản cung, kêu oan?
- Tại khi ra tòa bị cáo nghĩ mình không làm thì không nhận.
- Ra tòa kêu oan, nhưng khi điều tra bổ sung bị cáo lại nhận tội.
- Tại ngồi tù lâu quá nên lại bị cáo nhận đại cho xong.
Chủ tọa lắc đầu:
- Trước giờ có bị bệnh gì về thần kinh không?
- Bị cáo không bị bệnh gì cả, nhưng do bị giam giữ lâu quá nên sức khỏe thần kinh của bị cáo đều bị sa sút nghiêm trọng.
- HĐXX cho bị cáo tự khẳng định một lần nữa, bị cáo có đâm nạn nhân Phát hay không?
- Không, bị cáo chỉ đẩy anh Phát ra thôi, còn ai đâm bị cáo không biết.
Điều bất thường ở nhân chứng
Phạm Nguyễn Yên Vũ, người có tên trong cáo trạng đã bị truy tố tội gây rối trật tự bị HĐXX phiên tòa sơ thẩm lần 1, tuyên án hai năm tù, nay đã chấp hành xong hình phạt. Hôm đó, anh Vũ cũng có mặt tại tòa với vai trò nhân chứng trực tiếp chứng kiến sự việc.
Trong suốt quá trình điều tra, Vũ đều khai: Sau khi xô anh Phát ra và bị anh này đánh vào vai, Tâm đã dùng dao đâm vào bụng anh Phát.
Tuy nhiên, tại tòa anh Phạm Nguyễn Yên Vũ lại thay đổi lời khai: “Trong lúc đánh nhau với Phát tôi bị ngã xuống đất. Tôi thấy Tâm xông vào xô Phát ra nhưng Tâm có đâm Phát không, thì tôi không nhìn thấy”.
Đại diện viện kiểm sát hỏi:
- Tâm có đâm nạn nhân Phát hay không?
- Tôi không thấy rõ Tâm có đâm hay không?
- Viện không hỏi anh thấy rõ hay không rõ, mà Viện hỏi anh có thấy Tâm đâm nạn nhân không? Có hay không thôi!
Nhân chứng cúi đầu không trả lời.
Đại diện viện kiểm sát giải thích: Lời khai của nhân chứng là rất quan trọng, nếu anh che giấu, có thể một nạn nhân chết oan mà không tìm được hung thủ. Nhưng nếu anh anh khai không đúng sự thật có thể khiến một người có thể bị tù oan. Do vậy kiểm sát viên đã cho anh Vũ ngồi xuống suy nghĩ.
Sau gần 15 phút suy nghĩ, nhân chứng này ngập ngừng:
- Xin HĐXX thông cảm, tôi không thể trả lời được câu hỏi này.
Luật sư bảo vệ quyền lợi bị cáo cũng cho rằng không có đủ cơ sở để khẳng đinh Dương Chí Tâm đâm nạn nhân Phát. Theo luật sư này: bằng chứng quan trọng nhất để kết tội Dương Chí Tâm chính là hung khí bị cáo dùng để đâm nạn nhân. Trong đó, cáo trạng xác định Dương Chí Tâm đâm nạn nhân Phát bằng con dao làm cá thác lác (loại dao có lưỡi sắc, sống tù).
Song, bản kết luận giám định pháp y ngày 12/5/2010 và công văn giải thích giám định pháp y ngày 14/6/2010 của Trung tâm pháp y sở y tế TP.HCM giải thích thương tích trên người nạn nhân Trần Văn Phát có nêu rõ: vết thương 1 và 3 là do con dao bấm (đây là con dao của nạn nhân) có bản khoảng 1,2cm hoặc do có bản nhỏ hơn 1,8cm gây ra 2 thương tích này. Còn với những loại dao khác có bản rộng 3cm trở lên không thể gây ra được nếu đâm sâu.
Ngoài ra, Bản kết luận giám định ngày 28/6/2010 của Phòng Kỹ thuật hình sự công an TP.HCM cũng kết luận: 3 con dao sắt được thu giữ và được xem là vật chứng của vụ án đều không dính máu, riêng con dao bấm cán nhựa thu giữ của nạn nhân thì “có khả năng dính máu nhưng không xác định được máu người hay máu động vật”.
Tuy nhiên, đại diện Viện kiểm cho rằng, cơ quan tố tụng căn cứ vào kết luận của cơ giám định cấp cao nhất đó là Viện pháp y quốc gia – Bộ y tế. Bản kết luận của Viện Pháp y đã khẳng định: cả ba hung khí đều có thể gây vết thương vùng thượng vị phải gây thấu bụng, thủng gan cho nạn nhân Phát. Do vậy, VKDND TP.HCM giữ nguyên quan điểm truy tố Dương Chí Tâm về hành vi giết người.
Sau khi nghị án, HĐXX nhận định, lời khai đầu tiên của bị cáo, nhân chứng phù hợp với tính chất vết thương trên người nạn nhân và hiện trường vụ án.Từ đó, tuyên phạt Dương Chí Tâm 8 năm tù về tội “Giết người”.
Xét theo diễn biến tại phiên tòa, nhiều khả năng bị cáo sẽ tiếp tục kháng cáo kêu oan. Do vậy có thể vụ án này sẽ còn phải kéo dài thêm nữa./.