Nhưng ra tòa kêu oan không thấu, anh Hùng đành ngậm ngùi thụ án xong, trở về tự do rồi mới tiếp tục kêu oan…
Anh Hùng vừa kể lại, vừa chỉ những vết sẹo do bị nhục hình từ năm 1995 |
Nhận tội vì không chịu nổi đòn nhục hình
Theo nội dung vụ án, khoảng 19h40 ngày 24/2/1995, tại khu vực Cầu Mát, thị xã Hòa Bình (nay là TP Hòa Bình) xảy ra một vụ nổ mìn khiến 4 lãnh đạo xã Thống Nhất bị thương. Quá trình điều tra xác định, để trả thù cán bộ xã đã bắt xe gỗ, phạt tiền vì tội buôn bán, vận chuyển gỗ, Nguyễn Văn Tân (xóm Gaọ, xã Thống Nhất, TX Hòa Bình) đã rủ Nguyễn Văn Hùng (cùng trú tại xã) trả thù các cán bộ xã khi họ ăn giỗ ở khu vực cầu Mát vào chiều tối ngày 24/2/1995.
17h ngày 24/2/1995 Tân đạp xe tới đầu cầu Trắng đợi Hùng. Về phần Hùng, chiều hôm ấy, Hùng đi mua phân ở Đồng Gạo nhưng nhờ người xúc phân hộ, gánh phân hộ đến 17h thì bỏ về để thực hiện kế hoạch trả thù. Bản án ghi rõ, đến phút chót, Tân, Hùng đùn đẩy nhau việc đi gài lựu đạn, cuối cùng đích thân Hùng đã tiến tới chiếc xe máy của cán bộ xã và gài lựu đạn khiến 4 lãnh đạo xã bị thương.
3 tháng 1 ngày sau khi vụ án xảy ra, các bị cáo đã được đưa ra xét xử. Tân và Hùng bị kết tội giết người và tàng trữ vũ khí quân dụng với mức án 18 năm tù giam, còn Nghị bị kết án 5 năm tù vì tội giết người. Thụ án 15 năm 7 tháng thì Nguyễn Văn Hùng được giảm án, tha về, ra trại năm 2010.
Ngay từ khi ra trại Hùng đã lập tức viết đơn kêu oan gửi tới các cơ quan tố tụng Trung ương nhưng không có hồi âm. Trong lá đơn kêu cứu khẩn cấp gửi tới Báo PLVN, Nguyễn Văn Hùng viết: “Trong 4 năm đầu ở trại giam, tôi liên tục viết đơn kêu oan nhưng không hề nhận được phản hồi. Vì sợ nếu kêu oan sẽ không được giảm thời gian chấp hành hình phạt tù nên tôi nghe lời cán bộ, tạm dừng việc kêu oan, chờ ra tù mới đi tìm lại công lý cho mình”.
Kể lại sự việc với PV, anh Hùng cho biết, khoảng thời gian từ 16h30-21h ngày xảy ra vụ nổ, anh và anh Thọ chở phân đi bán. Thậm chí trên đường đi bán phân về anh Hùng và anh Thọ còn gặp chị Hòa, là em gái của 1 trong 4 nạn nhân trong vụ nổ mới biết thông tin về vụ nổ. Nhưng mặc dù đã cung cấp đầy đủ thông tin về những chứng cứ ngoại phạm này, anh Hùng vẫn bị bắt khẩn cấp.
Anh Hùng kể lại: “Vừa đưa tôi vào buồng tạm giam, tôi đã bị đưa vào hỏi cung, ép cung… Họ nói tôi nên trình bày đúng sự việc, nhưng tôi không làm nên không thể kể lại. Các điều tra viên khi đó có các ông Phả, Tựu, Hiến thay nhau hỏi cung và đánh đập tôi khi tôi không thừa nhận. Họ toàn hỏi cung ban đêm, thực sự tôi như bị tra tấn, mất hết tinh thần nhưng tôi vẫn quyết khai đúng sự thật”.
“Ngày 16/3/1995, điều tra viên đã đọc cho tôi nghe lời khai của Tân về việc tôi và anh Nghị cùng tham gia vụ án và khuyên tôi nên thành khẩn nhận tội để nhận được sự khoan hồng. Nghe xong tôi có yêu cầu được đối chất với hai người kia nhưng lời đề nghị không được chấp nhận, sau đó tiếp tục là đánh đập dã man, tôi cảm giác như mình sắp chết vì các vết thương lở loét, vì nhiễm trùng” - cảm giác như anh Hùng vẫn rùng mình khi nhớ lại các lần bị đánh đập, dù đã cách đây hơn 20 năm.
Lá đơn do hung thủ Nguyễn Văn Tân viết từ năm 1995 được anh Hùng giữ lại, quyết tìm đường kêu oan cho mình |
Khi hung thủ nhận tội khai man và xin đền bù một phần tội lỗi…
10 ngày sau khi được đưa đi thi hành án tại Trại giam Ba Sao (Hà Nam), Hùng, Tân và Nghị cùng “hội ngộ” trong tù. Nhìn thấy cảnh 2 người vô tội vì lời khai của mình mà chịu chung số phận tù đày, Tân thấy cắn rứt lương tâm, quyết định viết đơn để thú nhận tội khai man của mình. Anh Hùng cho biết thêm, khi nhìn thấy Tân xuất hiện trong trại, trong thâm tâm anh đã nảy sinh ý nghĩ sẽ giết Tân để trả thù, chỉ vì Tân mà cuộc đời anh phải bước vào song sắt nhà lao.
Tuy nhiên, khi nghe Tân hứa sẽ viết đơn minh oan cho anh, tâm trạng anh Hùng mới dịu lại và chờ đợi ngày mình được minh oan. Trong Đơn đề nghị ngày 6/7/1995; ngày 25/7/1995 và mới đây nhất, ngày 20/10/2016, Nguyễn Văn Tân ghi rõ: “Vì nghĩ nhận hết một mình thì sợ tội quá nặng nên tôi đã khai oan cho Hùng và Nghị có tham gia cùng tôi trong việc này. Nhưng thực tế Hùng và Nghị không có liên quan. Chính vì thế nên tôi tự xét thấy lỗi lầm của bản thân tôi. Tôi rất áy náy trong lương tâm tôi”.
Đoạn cuối đơn, Tân viết: “Tôi đề nghị VKSNDTC và TANDTC cùng các cơ quan có thẩm quyền xem xét giúp bản thân tôi, điều tra lại vụ án để làm sáng tỏ vụ án trên và trả lại tự do cho người bị oan là anh Hùng, anh Nghị càng sớm càng tốt”. Đơn đề nghị này được gửi từ Trại giam Ba Sao (Hà Nam). Tuy nhiên, đơn tự khai nhận của Nguyễn văn Tân và đơn kêu oan của anh Hùng được gửi đi suốt 4 năm đầu vào trại nhưng không một cơ quan tố tụng nào hồi âm lại.
Anh Hùng kể lại, ngày anh mãn hạn tù, Tân đã đến nhà anh kể lại toàn bộ câu chuyện và nói lên sự ăn năn hối hận của mình. Đồng thời, Tân còn khẩn khoản mong làm được điều gì đó khắc phục hậu quả, cũng như bù đắp một chút nào đó cho quãng thời gian oan trái của anh Hùng. Do đó, khi anh Hùng xây một chiếc quán nhỏ để buôn bán kiếm kế sinh nhai, Tân đã tình nguyện xin được thanh toán số tiền gạch trị giá 4 triệu đồng cho anh Hùng.
Trao đổi với chúng tôi, Luật sư Phan Thị Lam Hồng, Giám đốc Cty Luật TNHH Đông Hà Nội nhận định đây là một vụ án phức tạp nhưng lại không được điều tra cẩn trọng. Ngược lại, thời gian để điều tra, hoàn tất cáo trạng và tòa án chuẩn bị xét xử chỉ diễn ra trong vòng 3 tháng 1 ngày, trong khi vụ án còn rất nhiều tình tiết mập mờ chưa được làm rõ. Cụ thể nhất, dễ chứng minh nhất chính là những mốc thời gian.
Vụ án xảy ra hồi 19h40, theo anh Hùng, khoảng thời gian đó ông và nhân chứng đang di chuyển từ Đồng Gạo tới Đồng Chụa. Trong khi đó, khoảng cách từ Đồng Gạo tới Đồng Chụa là 3 km, khoảng cách từ Đồng Gạo tới cầu Treo là 3 km, do vậy, anh Hùng không thể cùng một lúc vừa chạy tới Đồng Chụa, vừa chạy tới nhà chị Dung (ở cầu Treo) để đặt mìn trong khoảng từ 19h-19h40 được.
(Còn nữa)