Nghèo khổ gặp bạo bệnh
Đó là trường hợp của cô sinh viên Ngô Thị Thảo Trang (SN 1998, ở khu vực Long Quang, phường Nhơn Hòa, thị xã An Nhơn, tỉnh Bình Định). Gia đình Trang chỉ có hai mẹ con, sống dưới căn nhà xập xệ trong “khu tập trung” của những mảnh đời nghèo khó, cạnh bờ sông Côn.
Trước đây, mẹ Trang, bà Ngô Thị Phương (SN 1958) là cô gái quê hiền lành, hiếu thảo, ở một mình chăm mẹ già mà lần lữa bao lời ngỏ ý vun xây hạnh phúc. Tuổi xuân của bà cứ thế âm thầm trôi qua, đến khi muốn xây dựng một mái ấm gia đình thì đã… lỡ thì con gái.
Niềm khát khao có một đứa con khiến bà chấp nhận “xin” con. Mang nặng đẻ đau, sinh con ra trong nỗi mặc cảm ê chề nhưng bù lại là niềm hạnh phúc của người mẹ. Từ đây, bà đã có thêm cô con gái tạo nên một gia đình, nơi có mẹ, có con, dù rau cháo qua ngày nhưng tin vào con mà sống.
Bà Phương cắn răn chấp nhận lời đàm tiếu của thiên hạ, lặng lẽ giấu nỗi tủi buồn để nuôi dạy con. Về sau mọi người dần thấu hiểu, càng thương hoàn cảnh hai mẹ con. Cuộc đời bà Phương là những tháng ngày tảo tần một nắng hai sương với bao cơ cực để nuôi con, ai thuê việc gì dẫu vất vả cực nhọc bà cũng không nề hà.
“Nhà chỉ có 1 sào ruộng, làm không đủ ăn, khi trước tui đi dặm ruộng thuê, làm công nhân trong lò gạch, những năm gần đây thì làm trong xí nghiệp gỗ. Cố gắng nuôi con bé Trang ăn học, tui chỉ có mình nó thôi. Lỡ tui có đi rồi thì không biết con bé sẽ ra sao…”, bà Phương nghẹn ngào, giọng nói đứt quãng vì cơn đau.
Cách đây hơn nửa năm, bà Phương đã nhận thấy những dấu hiệu “lạ” về tình trạng sức khỏe của mình. Bà hay bị nôn ói, bụng lên những cơn đau thắt. Nhưng vì thương đứa con gái hiếu thảo lại học giỏi nên bà âm thầm chịu đựng để Trang an tâm đi học.
Bà Ngô Thị Chờ, một người hàng xóm, cũng là người đi làm chung xí nghiệp gỗ với bà Phương chia sẻ: “Bà Phương đôn hậu, bà con ai cũng quý mến. Lúc có trái bắp, trái đậu ngon bà đều mang chia sẻ với hàng xóm. Bà ấy bệnh lâu rồi, nhiều lúc vác tấm gỗ muốn ngất xỉu nhưng cố, bảo là chỉ cần thấy con bé Trang nó chăm ngoan học giỏi là mừng rồi, khó nhọc sao cũng chịu được”.
Nhiều lần Trang hỏi thăm sức khoẻ, bà Phương đều bảo rằng mẹ ổn, không sao, chỉ đau nhẹ. Nhưng sức khỏe bà Phương ngày càng suy yếu. Trang cố gắng thuyết phục mẹ để mình đưa đi khám. Đi bệnh viện huyện rồi đến tỉnh, bệnh vẫn không thuyên giảm, sau đó, hai mẹ con đưa nhau vào Bệnh viện đại học Y dược thành phố Hồ Chí Minh khám và được chẩn đoán lâm sàng: Viêm dạ dày H.PYLORY (dương tính).
Vì không có chi phí để nằm viện điều trị, bà Phương xin về quê uống thuốc do bác sỹ kê đơn. Căn bệnh đã lấy đi sức khỏe đồng thời đẩy gia đình bà vào cảnh nợ nần chồng chất, bà phải vay mượn tiền của họ hàng làng xóm để tái khám, thuốc thang. Thế nhưng bệnh cứ âm ỉ mãi chẳng dứt, có khi bộc phát dữ dội khiến thân thể của người phụ nữ lớn tuổi càng thêm gầy rộc, phờ phạc không chút sức sống.
Lúc chúng tôi đến thăm gia đình, bà con đang ngồi khá đông trong căn nhà nhỏ. Người nắm tay hỏi han, người xoa bàn chân gầy rộc của bà mà đôi mắt như chực rưng rưng. Bà Phương nằm võng, miệng mấp máy nói tiếng cảm ơn bà con nhưng chẳng thành lời. Dưới ánh điện tù mù, bà héo hon vì bị căn bệnh hành hạ đau đớn, khiến ai chứng kiến đều thắt ruột thắt gan…
“Em nghỉ học cả tháng nay rồi…”
Lớn lên bằng tình thương yêu, bao bọc của mẹ, từ nhỏ, Trang đã sớm nhận thức những tủi khổ của mẹ và hoàn cảnh nghèo khó của gia đình. Ngoài thời gian đi học, Trang phụ mẹ chuyện bếp núc, ruộng đồng để đỡ đần phần nào những vất vả của bà Phương. Không chỉ siêng năng làm lụng, Trang còn học rất giỏi, suốt mười hai năm trên ghế nhà trường em là học sinh giỏi toàn diện.
Hoàn cảnh nghèo khó nhưng Trang nhiều năm liền là học sinh giỏi |
Trang tâm sự, em nỗ lực như vậy chỉ mong một ngày nào đó có được công việc đàng hoàng đỡ đần, báo hiếu cho mẹ. Trong kỳ thi tuyển sinh đại học, cao đẳng năm 2016, em đã đậu hai trường, một đại học chuyên ngành sư phạm tiểu học và một cao đẳng chuyên ngành dược. Vì muốn rút ngắn thời gian đi học để sớm đi làm nuôi mẹ nên em đã quyết định vào học cao đẳng.
Thế nhưng niềm vui ấy một lần nữa lại song hành với bao nỗi lo toan khác. Cái khó cứ bám víu lấy gia đình của hai mẹ con, cơm ăn ba bữa đã là một vấn đề nói chi đến chuyện học hành. Bao thứ kinh phí khác như tiền trọ, tiền học phí, ăn ở sinh hoạt khiến gia đình Trang bế tắc.
Bà con, lối xóm biết hoàn cảnh, người góp vài ba chục ngàn đồng động viên Trang đi học. Em cũng được một gia đình nhận vào làm, ăn ở miễn phí, chu cấp phương tiện đi lại. Bà Phương khi ấy cũng động viên con gái: “Má không sao đâu. Con cứ yên tâm mà học, đừng lo cho má”.
Mỗi ngày bước chân lên giảng đường, cô sinh viên cứ thắc thỏm không yên vì hơn ai hết Trang biết rằng bệnh tình của mẹ đang chuyển biến ngày càng xấu. Không yên lòng, cuối cùng Trang đành nghỉ học giữa chừng để về cận kề chăm sóc mẹ.
Em tâm sự: “Mẹ em mắc phải căn bệnh ngặt nghèo không ăn uống được, hằng ngày phải chịu đựng những cơn đau hành hạ. Em phải ở nhà để chăm mẹ vì bệnh tình mẹ ngày càng nặng không ai chăm sóc, hơn nữa tình trạng kinh tế gia đình cũng không cho phép nhập viện”.
Mỗi khi đêm về, cơn đau lại hành hạ thân xác già của bà Phương, Thảo Trang phải thức trắng đêm để chườm nước nóng cho mẹ đỡ đau. Bà con láng giềng ai nấy cũng đều xót xa không cầm được nước mắt trước tình cảnh của hai mẹ con bà Phương.
Chị Nguyễn Thị Hương, hàng xóm “tối lửa tắt đèn” của bà Phương kể lại: “Mỗi lần ai tới thăm nước mắt bà Phương chảy dài. Mới hôm bữa đây bà Phương lên cơn đau dữ dội, bà nắm tay con Trang dặn dò phải sống hiền thảo để bà con thương, nghe những lời như trăn trối ấy mà tự nhiên nước mắt tui cứ chảy”.
Khi chúng tôi nói về chuyện học của Trang, cô gái quê cười hiền nhưng đôi mắt đắng đót buồn với bao tâm sự. Em hãy còn muốn đến trường lắm, không muốn dang dở bao cố gắng học tập suốt những năm qua nhưng cô gái ấy sẵn lòng gác lại giấc mơ học đường để dành trọn thời gian chăm sóc mẹ.
Trang trải lòng: “Nhà chỉ có hai mẹ con, em đi học lại rồi lấy ai chăm mẹ. Mẹ quan trọng hơn tất cả, khi nào sức khỏe mẹ ổn định em mới nghĩ đến chuyện đi học lại. Nếu trường cho nghỉ học, thì năm sau em lại thi tiếp”.
Hoàn cảnh của mẹ con bà Phương cùng lời tâm sự của cô gái hiếu thảo Thảo Trang cứ làm chúng tôi xót xa, chỉ cầu mong có một phép mầu nào đó có thể cứu giúp gia đình hai mẹ con qua cơn tai ương ngặt nghèo này…
Bạn đọc muốn chia sẻ với nhân vật trong bài viết có thể liên lạc qua địa chỉ: Ngô Thị Thảo Trang, khu vực Long Quang, phường Nhơn Hòa, thị xã An Nhơn, tỉnh Bình Định. SĐT của Trang: 0961451208