Thường sẽ bị bội chi hơn…
Tại những siêu thị, người ta thường thấy ngập tràn các biển quảng cáo giảm giá, khuyến mại sản phẩm được đặt ở những vị trí dễ quan sát như cửa ra vào, lối đi, cửa thang máy… Những biển quảng cáo này dễ dàng kích thích lòng tham của người tiêu dùng vì nghĩ rằng các sản phẩm này đang trong dịp khuyến mại, giảm giá sẽ rẻ hơn so với bình thường.
Suy nghĩ như vậy, nhiều người cố gắng “vơ vét” các sản phầm khuyến mại, giảm giá. Nhiều sản phẩm thực sự chưa cần thiết hoặc không cần theo như dự tính trước khi mua hàng, nhưng được nhiều người nhanh chóng cho vào giỏ.
Chị Lê Hương (Đống Đa, Hà Nội) cho biết: “Mỗi lần đi siêu thị, mình mua khá nhiều đồ. Có đồ dùng đến ngay, có đồ chưa dùng đến và cũng có đồ không dùng đến. Đến siêu thị nhiều khi hay mua nhiều hơn so với dự kiến vì có quá nhiều sản phẩm kích thích tiêu dùng, cảm giác như muốn bê cả siêu thị về, buộc mình phải trả tiền nhiều hơn”.
Không những thế, một số siêu thị lớn hiện nay còn áp dụng các “chiêu dụ” khách hàng bằng cách hướng dẫn làm thẻ thành viên, thẻ VIP… để “tích điểm” cho mỗi lần mua theo hướng càng mua nhiều càng được điểm nhiều và có thể có cơ hội “trúng giải trong mơ” mà các siêu thị “quảng cáo”.
Còn nữa, nhiều siêu thị thường hay đặt tại các quầy tính tiền các sản phẩm nhỏ nhắn, xinh xắn và “ít được sử dụng” như các loại bánh nhỏ, kẹo cao su, khăn, bông tai… để ngay khi tính tiền khách hàng cũng bị kích thích và tiện tay “vơ” luôn các sản phẩm này về nhà hoặc thay vì lấy tiền thừa thì lấy hàng cho đủ.
Ngoài ra, còn hàng loạt “mánh khóe” mà các siêu thị đang áp dụng như: các hàng hóa cùng loại, liên quan đến nhau được bày cạnh nhau; các bản nhạc êm ái, du dương luôn được mở để kích thích trạng thái vui vẻ của người tiêu dùng; cho khách hàng ăn thử, dùng thử sản phẩm để khách hàng sau đó sẽ mua đồ thật sử dụng; không để đồng hồ trong siêu thị để khách hàng mua “tới tấp” mà không biết đến “giờ giấc”…
Dễ thấy, chỉ bằng cách bài trí không gian, hàng hóa đơn giản và vài chiêu không quá “nhức óc” mà các siêu thị đã khiến cho người tiêu dùng bội chi hơn cho mỗi lần đến.
Để tránh “mẵc bẫy”
Tiến sĩ Giles Yeo (Đại học Cambridge) và Tiến sĩ Herb Sorense (tác giả cuốn sách nói về các hành vi mua sắm Inside the Mind of the Shopper) trong một bài phân tích cho rằng các siêu thị đã áp dụng các chiêu thức “dụ” khách hàng rất bài bản. Người tiêu dùng cần biết các chiêu thức này để biết cách phòng tránh và “lật tẩy” nó.
Thường các siêu thị với “những cái đầu” quản lý và thực thi khôn ngoan sẽ biết cách marketing hiệu quả và đánh trúng tâm lý của người tiêu dùng khiến khách hàng “tự nguyện” móc hầu bao nhiều hơn.
Một người thường xuyên đến siêu thị mua sắm chia sẻ: “Mình thường liệt kê các sản phẩm ở nhà trước khi đến siêu thị để mua những sản phẩm gia đình đang cần. Do vậy, dù có nhiều sản phẩm khuyến mại, giảm giá đến đâu mà không đúng nhu cầu dùng của gia đình, mình cũng không mua”.
Để tránh tình trạng gặp phải những “chiêu trò” của siêu thị, khách hàng cần lưu ý chuẩn bị sẵn tâm lý trước khi mua hàng bằng việc: Chỉ mang một số tiền nhất định khi đi siêu thị, không thanh toán bằng thẻ để tránh có cảm giác chẳng mất gì nhưng lại được nhiều đồ; hoặc ghi rõ, viết rõ các mặt hàng, sản phẩm cần mua trước khi đến siêu thị và chỉ mua những mặt hàng, sản phẩm cần thiết cho nhu cầu sử dụng, tránh mua những sản phẩm không cần thiết hoặc chưa dùng… Có như vậy mới bỏ được thói quen tiêu dùng không tốt, dẫn tới việc phung phí tiền bạc vào những nhu cầu không thiết yếu.