Đổ xô bới đất tìm… quặng
Những ngày trung tuần tháng 2/2017, có mặt tại cầu Nậm Quàng (xã Tri Lễ, Quế Phong, Nghệ An) với tấm băng rôn: “Cấm khai thác khoáng sản trái phép dưới mọi hình thức”. Đi thêm một đoạn thì bóng dáng những người phụ nữ, đàn ông mang theo dụng cụ như là một chiếc mâm gỗ, những chiếc bì, cuốc xẻng…
Tiến vào bên trong thì xuất hiện một tốp người đang hì hục đào bới, xúc cái gì đó như đất trong một bãi đất trống. Thấy người lạ vào những người này nói với nhau câu gì đó rồi bỏ lại những chiếc bao tải đang xúc dở đất đá và cuốc xẻng chạy vào rừng. Một người phụ nữ cho biết, họ tưởng chúng tôi là công an đến nên bỏ chạy, sau đó hàng chục người khác lại kéo đến tiếp tục công việc đang làm dở khi chúng tôi nói không phải là công an.
Những hố đất được những người đàn ông khỏe mạnh đào xúc vào trong bao tải, những người phụ nữ nhanh chóng buộc lại vác trên vai chạy rất nhanh ra khỏi bãi đất. Một lúc sau, một số người đàn ông chạy xe máy đến chở đi đâu đó chúng tôi hỏi thì được biết mang xuống sông đãi. Ghé vai đỡ chiếc bì đựng đất, ước chừng khoảng từ 50kg đến 60kg, nhưng những người phụ nữ nhỏ bé này vẫn cõng trên lưng chạy đi rất nhanh. Bằng mắt thường có thể nhìn thấy bãi đất trống được người dân đào nham nhở, nhiều hố đất sâu, những chỗ lồi lõm sâu đến cả mét.
Đoàn người phụ nữ cõng chiếc bao tải đựng đất trong bãi ra suối đãi quặng, mỗi bao nặng từ 50 -60kg |
Chị Vi Thị Thảo (một người dân trong vùng) cho biết, họ đến đây xúc đất để mang xuống sông đãi quặng bán lấy tiền. Họ làm công việc này cũng được 5-6 tháng nay. Trước đây, không bị công an đuổi nhưng mấy tháng nay công an “truy quét” nên họ lén lút làm và sẵn sàng bỏ lại dụng cụ để chạy khi có người phía chính quyền xuất hiện. Đất sau khi lựa chọn xúc vào bì sẽ được đưa về nhà dân gần đó tập kết và “tranh thủ” đãi khi không có người. Có gia đình còn “chế” một hố nước bằng bạt nilon đãi ngay trong vườn để không phải xuống suối.
Theo chân những người này đến con suối Nậm Quàng có đến hàng chục người phụ nữ đang lúi húi dưới suối đãi quặng. Thấy phóng viên đến, họ thi nhau chạy lên bờ giấu cái gì đó rồi đứng quan sát. Thấy không phải công an đến bắt họ lại kéo nhau xuống sông tiếp tục làm việc, người dân cho biết, một lượng quặng được thu mua với giá 10 ngàn đồng. Nếu “gặp hên” thì có thể kiếm được khoảng 100 ngàn/ngày đãi, không thì khoảng 30-40 ngàn đồng. Thời gian gần đây, do công an làm căng nên mỗi ngày khoảng 20-30 ngàn đồng.
Ngoài thanh niên, phụ nữ đào đãi thì cũng có bóng dáng của những em học sinh với mâm gỗ đãi quặng tại các đoạn suối nhỏ. Em Lô Văn Hiền, học sinh lớp 6 cho biết, đi học buổi chiều nên buổi sáng mang mâm ra khe đãi thiếc kiếm tiền mua quần áo, sách vở. Đôi bàn tay lấm lem bùn đất, đến hơn 9h sáng nhưng số quặng trong bát tô chỉ một chút xíu. Hiền cho biết, từng này cũng được khoảng 5 ngàn đồng…
Bãi đất bị người dân đào bới nham nhở |
Lén lút đào, đãi quặng bất chấp lực lượng chức năng
Qua tìm hiểu được biết, khu vực người dân đào đất mang đi là bãi đất thải của Công ty Ngọc Sáng (trụ sở tại Thanh Hóa) trước đây khai thác sắt hoạt động. Doanh nghiệp này đã dừng hoạt động từ cuối năm 2015, bãi đất trở nên khô cứng lại. Sau trận lụt vào tháng 9/2016, một số người dân phát hiện trong đất thải có quặng nên đãi để bán cho một số người nơi khác đến mua cũng kiếm được nhiều tiền. Ban đầu chỉ người dân trong hai bản Na Lịt và Tà Pàn đến đãi quặng, “tiếng lành đồn xa” hàng trăm người dân trong vùng, ngoài vùng đổ xô về đây để đào đất đãi quặng kiếm tiền.
Ông Vi Văn Cường, Chủ tịch UBND xã Tri Lễ xác nhận tình trạng người dân đào đãi quặng xảy ra trên địa bàn nhiều tháng nay, là vấn đề rất nan giải. Người dân vẫn lén lút làm dù đã có nhiều biện pháp tuyên truyền, đẩy đuổi, ngăn chặn… Ông Cường cho biết, trước đây lúc cao điểm có đến cả ngàn người đổ xô về đây khai thác.
“Người dân trong các bản như: bản Bò và Tà Pàn, Na Chảng... của xã Tri Lễ, rồi người dân các xã lân cận như xã Châu Thôn, Quang Phong, Cắm Muộn, Nậm Nhóng… nghe tin cũng kéo đến rầm rộ lắm. Mỗi ngày có đến hàng chục tấn đất đá người dân mang từ trên đồi xuống suối để đãi lấy mấy cân quặng bán…”, ông Cường lắc đầu nói.
Người dân đào những hố sâu để chọn đất có quặng lấy đi |
Xã đã có công văn đến các thôn bản, mời trưởng bản đến họp, quán triệt thanh niên, phụ nữ... nghiêm cấm khai thác quặng nhưng người dân vẫn lén lút làm. Ông Cường cho biết thêm, để ngăn chặn đẩy đuổi, xã đã phối hợp với biên phòng, Công an huyện trực chốt, nhưng cứ vắng bóng là người dân lại đổ xô ra để khai thác. Lực lượng công an xã dựng lán trại để trực cả đêm, nhưng vừa qua bị người dân đốt mất.
Trước đó, Công an huyện, UBND huyện, Phòng Tài nguyên và Môi trường…. thành lập đoàn kiểm tra nhưng vẫn chưa có phương án nào tối ưu để hạn chế người dân khai thác quặng. Người dân trong xã Tri Lễ và các xã khác chủ yếu làm ruộng, hiện nay đang là mùa nhàn rỗi nên việc người dân tập trung khai thác quặng đông hơn.
Những người đang đãi quặng dưới sông bỏ chạy khi phát hiện người lạ |
Ông Hà Công Cương, Phó Bí thư Thường trực xã Tri Lễ vừa từ dưới suối trở về, thở dài cho biết: “Thấy xã đến đuổi thì dân về nhà, không thấy lực lượng chức năng dân lại ra khai thác. Cái khó ở đây là những hộ dân ngay bên cạnh suối, không thể đứng canh 24/24h được, đuổi thì họ về nhà, hết đuổi thì họ lại ra. Một phần là nhận thức người dân còn hạn chế, nguồn lợi từ quặng không phải bỏ tiền ra…”.
“Xã đã tính đến phương án họp quán triệt nếu ai khai thác bắt được sẽ cắt hộ nghèo, nhưng dân thấy lực lượng đến thì bỏ chạy không thể bắt được. Công an huyện cũng đã chốt chặn bắt các đối tượng thu mua, nhưng cũng khó vì quặng rất dễ bán, họ chưa bán hôm nay thì để ngày mai, lực lượng không thể chốt chặn để bắt mãi được…”, ông Vi Văn Cường nói.
Cứ thế, bất chấp lệnh cấm, bất chấp hiểm nguy và nhiều hệ lụy khác hàng chục con người vẫn đổ xô đào đất đãi lấy quặng khi vắng bóng cơ quan chức năng. Dòng sông Nậm Quàng mỗi ngày có đến hàng chục tấn đất đá được người dân đổ xuống có thể làm thay đổi dòng chảy, tiềm ẩn nhiều nguy cơ trong mùa mưa lũ. Chính quyền địa phương và các ngành chức năng có liên quan cần sớm tìm ra giải pháp để người dân không đào đất đãi quặng mà trở về làm nương rẫy.