Học trước, khai giảng sau
Ngày xưa ngày khai giảng là ngày “khai tâm” tức là mở tâm hồn của người đọc ra. Trên cơ sở khai tâm thì “khai trí”, nâng cao trí tuệ lên. Có khai tâm khai trí, có hứng thú thì học sinh mới học tập một cách có hiệu quả. Ngày khai giảng hay ngày tựu trường với ý nghĩa đơn sơ của nó là ngày đầu tiên học trò, thầy cô trở lại trường đón năm học mới.
Lá thư Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi các em học sinh nhân ngày khai trường tháng 9/1945 đã khiến không ít người xúc động. Bác viết: “Hôm nay là ngày khai trường đầu tiên của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa. Tôi đã tưởng tượng thấy trước mắt cảnh nhộn nhịp tưng bừng của ngày mở trường ở khắp nơi. Các em hết thảy đều vui vẻ vì sau mấy tháng giời nghỉ học, sau bao nhiêu cuộc chuyển biến khác thường, các em lại được gặp thầy gặp bạn”.
Cuối thư, Bác chúc: “Ngày hôm nay, nhân buổi tựu trường của các em, tôi chỉ biết chúc các em một năm đầy vui vẻ và đầy kết quả tốt đẹp”. Từ đó, ngày 5/9 trở thành ngày khai trường của học sinh trên khắp cả nước. Ngày khai trường có ý nghĩa rất thiêng liêng, không chỉ với học sinh mà cả với phụ huynh và xã hội.
Về sau này, bài văn của Thanh Tịnh về ngày tựu trường đã nằm lòng với bao thế hệ học trò, về một cậu bé trong một sáng thu đầy nôn nao, xúc động của ngày tựu trường… Thế nhưng, đó là những ngày đã xa lắm rồi. Học trò ngày nay, ngay cả các cô cậu lớp 1 cũng không còn hồi hộp nữa. Bởi các bạn học chữ trước, tập luyện khai giảng, vẫy cờ tới mức… ốm rồi thì ngày khai trường không còn hấp dẫn nữa…
Hãy khai giảng vào ngày đầu tới trường
Bày tỏ quan điểm, nhà báo Trương Anh Ngọc, người có nhiều năm thường trú ở Ý cho rằng ngày khai giảng hiện nay không cần thiết vì đã không còn giá trị là ngày đầu tiên trẻ đến trường, không còn ý nghĩa thực sự như ngày xưa nữa. Một lễ khai giảng đơn thuần là vì mục đích hình thức như bao lễ lạt chúng ta đã thấy nhan nhản hàng ngày trên báo hoặc tivi, để các lãnh đạo đọc diễn văn và hứa hẹn thành tích (luôn là thế), để quay phim chụp ảnh, thì thực ra lại càng không cần thiết nữa.
Sự ham mê với kiến thức của đám trẻ, tình yêu trường lớp của chúng không phải ở ngày khai giảng hoành tráng đến đâu, mà ở việc chúng được học thế nào, bạn bè và cô giáo chúng cũng như chương trình học ra sao.
Ngay sau đó, anh nhận được rất nhiều ý kiến đồng tình và chia sẻ. Một số ý kiến khẳng định rằng, đúng là cần phải xem xét lại việc học trước rồi mới khai giảng sau, bởi việc tổ chức ngày khai giảng theo kiểu hình thức như những năm qua không chỉ tạo ra sự mệt mỏi cho các cháu mà còn có thể khiến các cháu mất đi sự hứng khởi và niềm vui đến trường. Một số ý kiến khác lại nói, nếu không học trước thì làm sao theo được chương trình về sau.
Anh bày tỏ, chỉ có người lớn muốn làm gì đó, muốn tổ chức điều gì đó, nghĩ rằng họ làm thế là vì bọn trẻ, trong khi trên thực tế, họ chỉ quan tâm đến bản thân mình muốn gì. Đừng tưởng tổ chức khai giảng hoành tráng, trống đánh tùng tùng và bóng bay thả khắp nơi cùng các màn biểu diễn văn nghệ là trẻ thích đến trường, thích học hành.
Việc đó không hẳn nằm ở ngày khai giảng mà nằm trong cả năm học, trong chương trình học, trong cách giảng dạy của thầy cô giáo, trong các giờ ngoại khóa, trong những hoạt động chung với nhau ở sân trường…Có ích gì nếu bọn trẻ có được một ngày khai giảng đầy hình thức, với những bức ảnh đẹp chụp bọn trẻ quần áo xúng xính, những bài diễn văn hay ho và xúc động, nhưng chúng phải tập đến khổ những ngày trước đó, và rồi cả năm học là những cuộc chạy đua theo chương trình học, chạy đua theo thành tích, rồi học thêm. Vậy thì đấy là học hay là khổ? Ở đó không có ngày khai giảng.
Mới đây, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã thẳng thắn đề nghị Bộ GD-ĐT cần phải xem xét lại hiện tượng các trường đều tựu trường sớm trước ngày khai giảng. Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh: “Đã đến lúc phải bàn bạc xem xét lại thời gian nghỉ hè kéo dài theo quy định từ trước đến nay có còn phù hợp hay không, nếu không việc khai giảng sẽ rất hình thức”.
Tuy nhiên, phần đa ý kiến của các chuyên gia giáo dục đều cho rằng không thể bỏ ngày khai giảng. Bởi đó là ngày thầy trò gặp mặt để bước vào năm học mới. Và nhất định ngày khai giảng phải là ngày đầu tới trường chứ không phải một lễ khai giảng hình thức, rộn ràng dành cho… người lớn đến vậy.