Chuyện về hai bức ảnh chụp 70 năm trước
Trong lúc cả nước đang có nhiều hoạt động kỷ niệm 70 năm Ngày Toàn quốc kháng chiến (19/12/1946 - 19/12/2016) và kỷ niệm 72 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân (22/12/1944 -22/12/2016) thì nhà văn Nguyễn Khắc Phê có may mắn được ông Phan Tân Hội - con trai Luật sư Phan Anh - Bộ trưởng Quốc phòng đầu tiên của Chính phủ Cụ Hồ tặng bức ảnh quý hiếm về Lễ khai giảng Trường Võ bị Trần Quốc Tuấn ngày 26/5/1946 tại Sơn Tây. Bức ảnh được ghi chú: “Lễ khai giảng Trường Võ bị Trần Quốc Tuấn ngày 26/5/1946 tại Sơn Tây, với sự có mặt của Hồ Chủ tịch, Chủ tịch Quân ủy hội Võ Nguyên Giáp và Bộ trưởng Quốc phòng Phan Anh”.
Điều đặc biệt là bức ảnh này là ảnh màu, do gia đình Luật sư Phan Anh lưu giữ 70 năm qua. Dù đã ngả màu theo thời gian nhưng trên lá cờ vẫn nhìn rõ dòng chữ: “Trung với nước”. Được biết, bản sao của nó đã được gia đình Luật sư Phan Anh chuyển đến Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam và tặng một số người.
70 năm sau, nhà văn Nguyễn Khắc Phê có may mắn được sở hữu một bức ảnh có giá trị lịch sử về Lễ khai giảng Trường Võ bị Trần Quốc Tuấn ngày 26/5/1946. Ông không hề biết, một trong những bản sao của bức ảnh đó có 65 năm ở bên Pháp và trở về Việt Nam vào năm 2010.
Ông Trần Kiến Quốc - con trai Tướng Trần Tử Bình cho biết: “Biết cha tôi là Thiếu tướng Trần Tử Bình, từng là Phó Giám đốc, Chính ủy Trường Võ bị Trần Quốc Tuấn nên đầu năm 2010, nhà sử học Dương Trung Quốc - Tổng Thư ký Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam hồ hởi báo tin Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam Phan Huy Lê mới đi Pháp về và được tặng 300 tấm ảnh quý thời kỳ lập nước, trong đó có hai bức ảnh về Trường Võ bị Trần Quốc Tuấn. Vậy là, chúng tôi bắt đầu đi tìm lại cội nguồn của hai bức ảnh lịch sử”.
Ông Trần Kiến Quốc kể: “Năm 1945-1946, hai năm đầu tiên của nước Việt Nam mới, Chính phủ Hồ Chí Minh với bao nhiêu việc phải lo. Vậy mà Người vẫn giao cho Bộ Thông tin tuyển chọn các bức ảnh ngày đầu, làm thành những cuốn album để tặng khách quý.
Một viên đại úy Pháp cũng được tặng một cuốn album. Sau này về Pháp, viên đại úy được thăng cấp đến thiếu tướng. Nhiếp ảnh gia Philippe De Villers - bạn của viên đại úy - từng sống ở Việt Nam những năm 40 của thế kỷ XX, sau này trở thành nhà nghiên cứu lịch sử. Viên thiếu tướng đã tặng lại nhà sử học De Villers cuốn album đó”.
Hai tấm ảnh được nhà sử học Phan Huy Lê mang từ Pháp về ghi lại những hình ảnh về Ngày khai giảng Khóa 1 Trường Võ bị Trần Quốc Tuấn tại sân bay Tông, thị xã Sơn Tây. Đó là bức ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh trao lá cờ thêu 6 chữ vàng “Trung với nước - Hiếu với dân” cho Khóa 1 và bức ảnh Lễ duyệt binh Trường Võ bị Trần Quốc Tuấn trong ngày khai giảng 26/5/1946 ở sân bay Tông.
Tấm ảnh thứ hai về lễ duyệt binh là tấm ảnh ông Phan Tân Hội tặng nhà văn Nguyễn Khắc Phê mới đây. Trường Võ bị Trần Quốc Tuấn là tiền thân của Trường Sĩ quan Lục quân 1 hay Trường Đại học Trần Quốc Tuấn. Cuối năm 2010, hai bức ảnh này được Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam trao tặng lại nhà trường.
Những bức ảnh lịch sử này có ý nghĩa to lớn, bởi Trường Võ bị Trần Quốc Tuấn không chỉ là nơi đầu tiên đào tạo những sĩ quan của quân đội cách mạng mà còn là nơi lần đầu tiên những người lính Cụ Hồ rước lá cờ của Hồ Chủ tịch trao cho lực lượng vũ trang cách mạng với dòng chữ “Trung với nước, hiếu với dân”.
Riêng bức ảnh Lễ duyệt binh Trường Võ bị Trần Quốc Tuấn, gia đình Luật sư Phan Anh đã sao chụp tặng “người anh cả” của Quân đội nhân dân Võ Nguyên Giáp trong dịp kỷ niệm 60 năm (1948-2008) ông được Hồ Chủ tịch phong quân hàm Đại tướng.
Tranh Trường Võ bị Trần Quốc Tuấn đón nhận lá cờ thêu 6 chữ vàng của Bác Hồ |
Lễ khai giảng đi vào lịch sử
Vào đầu năm 1946, chính quyền cách mạng phải đối phó với thù trong, giặc ngoài nên cần nhiều cán bộ cấp đại đội, trung đội... có kiến thức cơ bản về quân sự để chỉ huy chiến đấu. Nguyên Cục trưởng Cục Quân huấn Phan Phác được giao nhiệm vụ nghiên cứu thành lập một trường quân sự và ông đã lấy tên ban đầu là Trường Võ bị Quốc gia Việt Nam, trình lên Chủ tịch Hồ Chí Minh. Người hài lòng nhưng đổi tên thành Trường Võ bị Trần Quốc Tuấn. Địa điểm của trường vốn là Trường Quân sự bộ binh, pháo binh Saint - Cyr của quân đội Pháp ở gần thị xã Sơn Tây được sửa sang lại. Ông Hoàng Đạo Thúy làm Giám đốc, ông Trần Tử Bình làm Phó Giám đốc kiêm Chính ủy. Ngày 26/5/1946, 288 học viên Khóa 1 phấn khởi tề tựu trong lễ khai giảng.
Ở bức ảnh thứ nhất, sau lời phát biểu của Chủ tịch Quân ủy hội Võ Nguyên Giáp và lời tuyên thệ trang nghiêm của các học viên trước quân kỳ, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trao lá cờ thiêng liêng sáu chữ vàng “Trung với nước, hiếu với dân” do Phụ nữ Cứu quốc thành Hoàng Diệu thêu lá cờ cho học viên Bùi Minh Trân - người Sa Đéc.
Bức ảnh thứ hai là Lễ duyệt binh của Trường Võ bị, đứng bên phải Hộ kỳ đoàn là Giám đốc Hoàng Đạo Thúy. Bên trái là Phó Giám đốc kiêm Chính ủy Trần Tử Bình (nhưng bị lá cờ che khuất mặt). Trên kỳ đài là Bộ trưởng Quốc phòng Phan Anh, Chủ tịch Quân ủy hội Võ Nguyên Giáp và Hồ Chủ tịch. Người đi sau chiến sĩ cầm cờ là Đặng Văn Việt - “Con Hùm xám đồng số 4” từng làm cho tướng Pháp kinh hồn sau Chiến dịch Biên giới thu đông 1950, người đã bắt sống cả hai chỉ huy binh đoàn Pháp là các Trung tá Marcel Lepage và Pierre Charton.
Phát biểu với cán bộ, học viên nhà trường, Hồ Chủ tịch nói: “Trung với nước, hiếu với dân là bổn phận thiêng liêng, một trách nhiệm nặng nề nhưng cũng là vinh dự của người chiến sĩ trong đạo quân quốc gia đầu tiên của nước ta”. Đáp lời Người, Giám đốc Hoàng Đạo Thúy nói: “... Thế kỷ XIII, Nguyên - Mông là một đế quốc lật đất, nghiêng trời, chiếm từ bể Đông đến giữa châu Âu. Họ bảo nước ta là to bằng bàn tay ếch. Ba lần họ cất quân sang xâm lược nước ta. Ba lần tướng Trần Quốc Tuấn đã dựa vào thế đất và lòng người đuổi quân giặc phải tháo chạy. Cụ Chủ tịch lấy tên Trần Quốc Tuấn đặt tên cho trường ta, ý Cụ mong cho chúng ta trở thành học trò của Trần Quốc Tuấn”.
Báo Cứu quốc, cơ quan ngôn luận của Tổng bộ Việt Minh, số ra ngày 27/5/1946 đã tường thuật sự kiện trọng đại này của Quân đội quốc gia rất sinh động và có nhiều chi tiết thú vị: “Trong sân rộng sau khu trường học mới làm, từng đội sinh viên vận binh phục, cầm súng trường sắp sẵn. Anh nào cũng gọn gàng, tráng kiện một vẻ nhà binh trong những bộ quần áo sơ mi dài tay, quần dài ống màu cứt ngựa và mũ ca nô cùng màu gắn huy hiệu sao vàng trên nền đỏ. Chân các anh dận giày da và ống chân mang ghệt ngắn…
Hồ Chủ tịch ngồi chiếc ghế danh dự của Cụ đánh dấu bằng một cành phượng vĩ. Cụ khuyên anh em sinh viên trước hết phải đoàn kết, thật thà, phải có kỷ luật cả tinh thần lẫn vật chất, phải noi gương anh dũng của anh em liệt sĩ hồi khởi nghĩa để làm gương cho các lớp về sau. Rồi Cụ khuyên anh em phải đoàn kết quân dân nhất trí. Sau hết, Cụ ước mong anh em bao giờ cũng làm theo hai khẩu hiệu “Trung với nước, hiếu với dân”.
Lại được Bác khen “Trung dũng, Quyết thắng”
Trong nhật ký của Giám đốc Hoàng Đạo Thúy còn ghi: “Học sinh mới tập đội ngũ có một tuần và đi rất nghiêm, vì đã có thói quen tập thể thao. Tinh thần rất phấn khởi. Đồng chí Vũ chỉ huy nghiêm”.
Với khẩu hiệu “Thao trường đổ mồ hôi để chiến trường không đổ máu”, mặc nắng mưa, mặc ngày đông tháng giá, học viên Khóa 1 đã hăng say, miệt mài học rèn. Các bài giảng được các thầy Võ Nguyên Giáp, Phan Bôi (Hoàng Hữu Nam), Hoàng Đạo Thúy, Trần Tử Bình, Bùi Công Trừng, Vũ Lập, Vương Thừa Vũ… lên lớp. Nhiều sĩ quan Nhật, Mỹ được giới thiệu về làm giáo viên thực hành.
Tháng 10/1946, khi vừa từ Pháp trở về, Hồ Chủ tịch đã lên thăm trường. Người vui vẻ nói chuyện với anh em: “Sau khi ở Pháp về, nhớ những đồng chí trẻ của mình ở đây, đồng chí già liền lên thăm ngay và dặn anh em mấy điểm: Một là phải kỷ luật; hai là phải quần chúng hóa; ba là phải thực tế; bốn là phải ham học, ham làm; năm là phải quyết tâm, chịu khó; sáu là không lúc nào tự cho mình là đủ, không kiêu, không nịnh; bảy là phải đoàn kết, thân ái tự phê bình, phê bình và khuyến khích lẫn nhau”. Bác còn tặng nhà trường 16 chiếc huy hiệu để trao cho 15 học viên đỗ xuất sắc và học viên đỗ cuối cùng trong kỳ thi tốt nghiệp. Sau 6 tháng học tập, kết thúc là cuộc diễn tập hành quân dài ngày từ Sơn Tây, qua Đồn Vàng, lên Việt Trì, Phú Thọ, có sự phối hợp giữa bộ đội và dân quân, nâng cao công tác chỉ huy, kỹ - chiến thuật, công tác chính trị, dân vận. Sau diễn tập, học viên có thêm kinh nghiệm tổ chức hành quân dã ngoại, tình cảm quân dân thêm sâu đậm.
Ngày 8/12/1946, Khóa 1 Võ bị làm lễ tốt nghiệp. Toàn bộ học viên tốt nghiệp được điều động về ngay các đơn vị, bước vào cuộc kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp nổ ra vào ngày 19/12/1946. Nhiều học viên được phân vào đội quân Nam tiến. Anh Bùi Minh Trân - người vinh dự nhận lá cờ Bác trao, trở về Nam bộ chiến đấu và sau đó anh dũng hy sinh. Năm 1947, Khóa 2 và 3 của trường lại vinh dự đón nhận 4 chữ vàng của Bác “Trung dũng, Quyết thắng”.
Đã 70 năm trôi qua, các cựu giáo viên, học viên Khóa 1 Võ bị Trần Quốc Tuấn đã có những đóng góp to lớn cho sự nghiệp cách mạng của dân tộc, nhiều đồng chí đã anh dũng hy sinh, nhiều đồng chí được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng Vũ trang nhân dân như nhà tình báo chiến lược Phạm Ngọc Thảo; Thiếu tướng Nguyễn Kim Tuấn - Tư lệnh Quân đoàn 3; Đại đội trưởng trinh sát Nguyễn Ngọc Bảo… và nhiều học viên được phong hàm cấp tướng…