59/63 địa phương hoàn thành đạt và vượt dự toán
Thông tin công bố tại Hội nghị trực tuyến tổng kết công tác thuế năm 2016 và triển khai nhiệm vụ công tác thuế năm 2017 của Tổng cục thuế ngày hôm qua, 11/1 cho biết, kết quả thu năm 2016 do ngành Thuế quản lý ước đạt 884.399 tỷ đồng, bằng 109,3% so dự toán pháp lệnh, bằng 109,9% so với cùng kỳ, trong đó: Thu từ dầu thô đạt 40.168 tỷ đồng, bằng 73,7% dự toán; Thu nội địa ước đạt 844.214 tỷ đồng, bằng 111,8% dự toán, bằng 114,5% cùng kỳ. (Trong đó: Thu tiền SDĐ đạt 97.495 tỷ đồng, bằng 195% dự toán, bằng 143,7% cùng kỳ; Thu cổ tức và lợi nhuận chênh lệch đạt 74.168 tỷ đồng, bằng 134,9% dự toán, bằng 110,3% so cùng kỳ; Thu nội địa không kể tiền SDĐ, cổ tức và lợi nhuận chênh lệch đạt 672.550 tỷ đồng, bằng 103,5% dự toán, bằng 111,6% cùng kỳ)
Có 59/63 địa phương hoàn thành đạt và vượt dự toán, còn 4/63 địa phương không hoàn thành dự toán là Bà Rịa Vũng Tàu, Quảng Ngãi, Cà Mau, Kon Tum. Nếu trừ tiền SDĐ có 50/63 địa phương hoàn thành dự toán, còn 13/63 địa phương không hoàn thành dự toán là Bà Rịa Vũng Tàu, Quảng Ngãi, Kon Tum, Hà Tĩnh, Cà Mau, Vĩnh Long, Hà Nội, Lâm Đồng, Quảng Bình, Bình Dương, Cần Thơ, Điện Biên, Bắc Giang.
Mừng vì số thu từ sản xuất kinh doanh tăng
Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuân đã phân tích những cái “khó” của thu ngân sách năm 2016, đó là tình trạng thua lỗ, kinh doanh kém hiệu quả của khu vực DNNN (chỉ bằng 95% so với thực hiện năm 2015, giảm gần 9.000 tỷ đồng và giảm 19.000 tỷ đồng so với chỉ tiêu Quốc hội giao); Giảm thu hơn 80.000 tỷ đồng từ các tổ chức tín dụng (chỉ đạt 79% so với thực hiện năm 2015) do các tổ chức này đang phải xử lý nợ xấu từ trích dự phòng rủi ro; Khu vực tìm kiếm thăm dò dầu khí, ngoài nguyên nhân khách quan là giá dầu giảm, trong năm 2016 thực hiện giảm nghĩa vụ thuế trong nước hơn 2400 tỷ đồng theo ưu dãi như đã cam kết.
Ba cái khó đó đã tác động đến thu ngân sách trung ương và 13 địa phương. Tuy nhiên, trong bối cảnh đó thu ngân sách thực hiện vẫn vượt dự toán và thực hiện năm 2015, đặc biệt thu ngân sách địa phương. Tuy nhiên Thứ trưởng Đỗ Hoàng Anh Tuấn cũng lưu ý, số thu ngân sách địa phương chủ yếu thu từ tiền SDĐ, tức là thu từ tiền bán đất, nên “về chuyên môn là chưa mừng”. “Còn lại mừng vì nó thực sự tăng thu từ phát triển SXKD, từ số DN kinh doanh có nộp thuế 2016 tăng so với năm 2015. Đây là cái gốc của vấn đề cần tập trung nguồn lực và giải pháp để phát huy…”- Thứ trưởng lưu ý.
Với 110.000 DN mới trong năm 2016, theo Thứ trưởng, trong lĩnh vực thuế, quan tâm đến số DN có doanh số, có nghĩa vụ thuế. Con số này đã tăng từ 518.000 DN năm 2015 lên 570.000 DN năm 2016 ( tăng 62.000 DN). Cùng với đó, số thuế và phí ngoài quốc doanh tăng 21% so cùng kỳ 2015, số thu DN FDI tăng 15% từ thuế thu nhập cá nhân . “Đây là kết quả từ SXKD. Và như vậy, trong tăng thu 90.000 tỷ đồng năm 2016 , có gần một nửa là từ SXKD, từ tích lũy trong nội bộ nền kinh tế gia tăng…”- Thứ trưởng Đỗ Hoàng Anh Tuấn phân tích.
Vấn đề được đặt ra là làm thế nào thu ngân sách từ khu vực SXKD được duy trì và phát huy? “Với ngành thuế, cải cách TTHC năm 2016 có kết quả hết sức quan trọng, tăng 11 bậc. Như vậy với năm 2017 phải tăng 30 bậc. Vậy phải làm gì và vì sao? Nghị quyết 19 năm 2017 là tiếp tục tạo môi trường kinh doanh thuận lợi để SXKD phát triển, để tăng thu 20% từ DN dân doanh, 15-16% từ DN FDI, từ 15 – 16% từ thu nhập cá nhân. Số này bằng 1,5 lần số thu từ dầu thô. Nghị quyết 19 năm 2017 là nhiệm vụ số 1 trọng tâm sống còn của ngành thuế, vấn đề là phải biến mục tiêu thành nhiệm vụ cụ thể…” - Thứ trưởng lưu ý.