Đây cũng là một trong số ít địa chỉ trong cả nước nhận được nhiều sự thiện cảm, thoải mái của du khách khi đặt chân đến Khu di tích Bạch Đằng Giang tham quan và trải nghiệm...
Ba trận thủy chiến còn mãi tinh thần vệ quốc vĩ đại
Sông Bạch Đằng nằm trong hệ thống sông Thái Bình, xuất nguồn dòng chính là sông Kinh Thầy từ Lục Đầu Giang, đến Đông Triều thì đổ ra biển hợp với sông Giá tạo ra dòng sông Bạch Đằng.
Quảng trường chiến thắng với 3 bức tượng uy nghi tạo nhiều cảm xúc cho du khách đến chiêm bái. |
Trong sách Dư địa chí, tác giả Nguyễn Trãi mô tả: “Vân Cừ rộng 2 dặm linh 69 trượng, sâu 5 thước, núi non cao vót, nước suối giao lưu, sóng tung lên tận trời, cây cối lấp bờ, thật là nơi hiểm yếu”. Có lẽ đây chính là hình ảnh gợi tưởng để đặt tên cho dòng sông này, với cả hai nghĩa Vân Cừ (bờ mây) và Bạch Đằng (sóng trắng).
Trong đàm luận về các cuộc chiến thắng trên sông Bạch Đằng, nhiều ý kiến đều khẳng định: “Nói về tầm vóc thì ba trận chiến Bạch Đằng là ba cuộc thủy chiến thuộc diện lớn nhất thế giới…”.
Đền thờ Đức vương Lê Đại Hành. |
Theo Phó Thủ tướng Lê Văn Thành (nguyên Bí thư Thành ủy Hải Phòng), từ xa xưa, thành phố Hải Phòng, vùng đất cửa biển miền Đông Bắc Tổ quốc luôn giữ vị trí chiến lược trọng yếu trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc ta. Các triều đại phong kiến nước ta đều xác định vùng đất này là yết hầu của kinh thành.
Vào thế kỷ thứ 10 và thế kỷ thứ 13 đã diễn ra 3 trận thủy chiến hào hùng của dân tộc ta, chống quân xâm lược phương Bắc. Năm 938, người anh hùng dân tộc Ngô Quyền đã sử dụng trận địa cọc gỗ, vận dụng quy luật thủy triều, lãnh đạo nhân dân, tổ chức kháng chiến chống quân xâm lược Nam Hán. Và chỉ trong một ngày, quân và dân ta đã đánh tan toàn bộ quân xâm lược, kết thúc chiến tranh, hoàn thành sự nghiệp giải phóng dân tộc, chấm dứt 1117 năm Bắc thuộc.
Trên dòng sông Bạch Đằng năm 981, Hoàng đế Lê Đại Hành đã lãnh đạo nhân dân tiếp tục sử dụng phương pháp trận địa cọc gỗ để tổ chức kháng chiến, đập tan cuộc chiến tranh xâm lược của triều đình nhà Tống, giữ vững nền độc lập, tự chủ, đưa đất nước Đại Cồ Việt bước vào thời kỳ xây dựng, phát triển hùng mạnh.
Tượng Phật trên đỉnh núi nơi có chùa Tràng Kênh nằm trong quần thể Khu di tích lịch sử Bạch Đằng Giang. |
Cũng trên dòng sông Bạch Đằng, năm 1288, Quốc công tiết chế Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn một lần nữa đã vận dụng sáng tạo địa hình, trận địa cọc gỗ và quy luật sông nước Bạch Đằng lãnh đạo quân và dân nhà Trần với hào khí Đông A đã nhấn chìm hàng trăm chiến thuyền của quân xâm lược Nguyên Mông, lập lên một trong những chiến công oai hùng bậc nhất trong lịch sử, chấm dứt giấc mộng xâm lăng xuống khu vực Đông Nam Á của đế chế Nguyên Mông, mở ra một thời kỳ phát triển rực rỡ cho quốc gia Đại Việt.
Trong cả 3 cuộc kháng chiến chống ngoại xâm nói trên, cùng với nhân dân cả nước, nhân dân Hải Phòng luôn có những đóng góp to lớn. Những người nông dân, ngư dân miền cửa biển đã trở thành những chiến binh, dân binh đứng dưới ngọn cờ của các vị anh hùng dân tộc, nhiều người trở thành những vị tướng tài giỏi, lập nhiều công trạng, được nhân dân lập đền thờ, tôn vinh là những vị thần, thành hoàng trên nhiều làng quê, khu phố của Hải Phòng...
Đền thờ Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn. |
Từ đây tên tuổi Bạch Đằng Giang đã trở thành bất hủ, trong Việt sử tiêu án, tác giả Ngô Thì Sỹ đánh giá: “Võ công hiển hách của Ngô Quyền, tiếng thơm nghìn đời, đâu có phải chỉ khoe khoang một lúc bấy giờ mà thôi…”.
Ba chiến thắng lẫy lừng đã làm nên danh tiếng Bạch Đằng Giang, trở thành biểu tượng của tinh thần vệ quốc vĩ đại, chói ngời suốt chiều dài lịch sử dân tộc. Bạch Đằng Giang không chỉ đi vào huyền thoại, là niềm tự hào ghi danh kinh điển, mà trở thành nguồn cảm hứng của thơ ca, nghệ thuật mọi thời đại. Tác giả Phạm Sư Mạnh thời Trần phải thốt lên rằng: “Vũ trụ kỳ quan Dương Cốc nhật/ Giang san vượng khí Bạch Đằng thâu (dịch nghĩa: Kỳ quan của vũ trụ là mặt trời lên từ hang Dương Cốc/ Khí thiêng sông núi đọng lại ở chốn Bạch Đằng…”.
Niềm tự hào về dòng sông Bạch Đằng, về những chiến thắng vĩ đại trong lịch sử dân tộc đã góp phần hun đúc nên bản sắc, phẩm chất của các thế hệ người dân Hải Phòng. Đó là tinh thần trung kiên, ý chí kiên cường, bất khuất chống giặc ngoại xâm, bảo vệ Tổ quốc. Phẩm chất đó đã được phát huy liên tục trong suốt dòng chảy lịch sử hàng ngàn năm cho tới ngày nay và trở thành nguồn lực, sức mạnh nội sinh trong sự nghiệp xây dựng và phát triển thành phố.
Khu di tích lịch sử Bạch Đằng Giang đón nhận Bằng xếp hạng Di tích quốc gia năm 2020. |
Đặc biệt, việc phát hiện các bãi cọc trong cuộc kháng chiến chống quân xâm lược Nguyên Mông năm 1288 tại thôn Cao Quỳ, xã Liên Khê, tại thôn Đầm Thượng, xã Lại Xuân, huyện Thủy Nguyên càng khẳng định thêm giá trị lịch sử quý giá của Khu di tích Bạch Đằng Giang.
Đầu năm 2021, Khu di tích Bạch Đằng Giang được Nhà nước xếp hạng di tích lịch sử quốc gia là vinh dự lớn và cũng là trách nhiệm của Đảng bộ, chính quyền, nhân dân thành phố Hải Phòng trong việc bảo tồn, giữ gìn, phát huy giá trị đặc biệt của khu di tích.
B |
Bãi cọc Cao Quỳ đã được UBND TP Hải Phòng khánh thành năm 2020. |
Nơi hội tụ hồn thiêng sông núi
Được biết, trước khi có đại dịch COVID-19, vào dịp đầu năm, trung bình mỗi ngày nơi đây tiếp đón hơn 2 vạn du khách đến thăm quan và trải nghiệm. Hàng năm, khu du tích tổ chức nhiều dịp lễ, ngoài lễ hội đầu xuân, lễ khai ấn đền Trần 14 tháng Giêng, ngày giỗ vua Lê Đại Hành 18 tháng Giêng, tính theo âm lịch còn có đại lễ Phật đản vào 15- 4; lễ Vu Lan 15-7 (rằm tháng 7); ngày giỗ Đại vương Trần Quốc Tuấn 20 - 8…
Có thể nói, Bạch Đằng Giang là một khu du tích lịch sử cổ đại. Theo ông Lê Văn Đức, Trưởng BQL khu Di tích Bạch Đằng Giang, khu di tích rộng hơn 20 ha, nơi đây nằm trong quần thể danh thắng Tràng Kênh, được Nhà nước công nhận khu di tích lịch sử vào năm 1962. Tại đây có ngôi miếu cổ thờ các vong linh tử sĩ chiến đấu, hy sinh trên sông Bạch Đằng...
Sau đó, doanh nghiệp và các nhà hảo tâm đã nâng cấp, tôn tạo Khu di tích từ năm 2008. Dấu ấn đầu tiên của Khu di tích từ cổng vào, là một trụ đá cao chừng 5m, mặt trước có 7 chữ “Giang san vượng khí Bạch Đằng thâu”. Ba mặt trái, phải, sau khắc công lao và thần tích của vua Ngô Quyền, vua Lê Đại Hành và đại vương Trần Hưng Đạo.
Đi sâu vào trong là các dãy bonsai, nhiều cây cổ thụ bao phủ kín khu di tích. Ngôi đền đầu tiên trong di tích là Tràng Kênh Vọng Đế, thờ vua Lê Đại Hành. Tiếp đó, dọc theo con đường rợp bóng mát là đền chính thờ Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn, nhà quân sự thiên tài góp công lớn trong ba lần chiến thắng quân Nguyên Mông và tạo nên hào khí Đông A của triều Trần- triều đại anh hùng bậc nhất của lịch sử Việt Nam.
Nằm ở trong cùng là đền Tràng Kênh nơi thờ vị Tổ Trung hưng của Việt Nam- Ngô Quyền năm 938. Khi vào với sân tế lễ chúng ta sẽ bắt gặp là hình ảnh của hai chú voi phục nằm hai bên được làm hoàn toàn bằng đá ong từ làng cổ Đường Lâm quê hương của Ngô Quyền.
Việc tạo hình chú voi từ những nguyên liệu chuyển từ quê hương của Đức Vương cũng thể hiện sự tận tâm và tri ân của những người đã làm nên ngôi đền cũng như nhân dân vùng Tràng Kênh với công đức của Ngài.
Cũng như 2 ngôi đền thờ đức vua Lê Đại Hành và Đức thánh Trần đền thờ đức Vương Ngô Quyền cũng được thiết kế theo hình chữ Đinh gồm các khu: trong thờ tượng đồng của Ngài, trung đường thờ quan quân tướng sĩ, bên tả thờ chư vị quan văn, bên hữu thờ chư vị quan võ. Tất cả đều được chạm khắc, sơn son thiếp vàng vô cùng tinh tế- không gian thờ tự trang nghiêm nhưng cũng không kém phần lộng lẫy...
Khuôn viên, cảnh quan trong Khu di tích đã để lại nhiều dấu ấn cho du khách trong và ngoài nước. |
Đặc biệt, Khu di tích Bạch Đằng Giang còn có nơi thờ riêng mà nhân dân Hải Phòng dành cho vị lãnh tụ vĩ đại kính yêu – Đền thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh. Dù Người không thực sự có mặt trong những cuộc chiến đã xảy ra trong quá khứ liên quan đến bãi cọc Bạch Đằng, nhưng Người là thế hệ của lịch sử cận đại đem lại bước ngoặt vĩ đại thay đổi cả một nền văn hóa tương lai, chấm dứt chế độ phong kiến tồn tại hàng nghìn năm và mở ra chương mới của đất nước.
Hàng năm, khu di tích đã đón hàng nghìn đoàn học sinh từ nhiều tỉnh, thành trong cả nước đến tham quan, sinh hoạt ngoại khóa, tìm hiểu lịch sử dân tộc. Có thể nói, với nhiều hạng mục như Khu Nhà bảo tàng: trưng bày hiện vật cọc Bạch Đằng được bảo tồn nguyên trạng - nhân chứng lịch sử của chiến thắng Bạch Đằng; sơ đồ diễn biến các trận Bạch Đằng; các di chỉ khảo cổ đồ gốm các thời kỳ Lê, Trần; Quảng trường Chiến thắng Bạch Đằng; Khu rừng lim, vườn tượng mô phỏng hoạt động chế tác cọc Bạch Đằng... nằm bên con sông lịch sử xuôi ngược, chúng ta dường như đã gặp lại được quá khứ, “chạm” được vào quá khứ hào hùng của dân tộc đan xen với cuộc sống thường ngày...
Bởi thế, khu vực gây cảm xúc mãnh liệt hơn cả chính là khuôn viên cuối của khu di tích Bạch Đằng Giang, nơi có bãi cọc giả định và ba bức tượng đài vô cùng lớn của ba vị anh hùng ghi dấu ấn trên dòng dòng sông Bạch Đằng, tạo nên một bức tranh vô cùng chân thực và cảm động. Ba vị anh hùng tiền nhân lồng lộng giữa mây trời, sóng nước nơi cửa biển, để chúng ta thêm tự hào, trân quý giá trị của hòa bình, của tinh thần dựng nước và giữ nước chảy mãi đến muôn đời…
Và cũng tại đây một điều kì diệu mà 3.000 năm mới có, là hoa Ưu Đàm Bà La đã nở trên chuông đồng. Cũng như thật khó lý giải khi đi vào khu di tích, chúng ta bắt gặp những cây đại thụ xanh tốt như đã hàng ngàn năm tuổi, nhưng thực tế chúng mới được mang về trồng hơn 10 năm qua…
Phó Thủ tướng Lê Văn Thành, người con của Hải Phòng tin tưởng rằng, Khu di tích Bạch Đằng Giang sẽ thực sự trở thành địa chỉ đỏ có giá trị giáo dục truyền thống yêu nước, tinh thần đoàn kết, niềm tự hào dân tộc, hun đúc ý chí, khát vọng xây dựng đất nước hùng cường, thịnh vượng cho các thế hệ hôm nay và mai sau.
Bởi thế, vùng đất Tràng Kênh - Bạch Đằng không chỉ trở thành một địa danh lịch sử đi vào tiềm thức của người dân Hải Phòng như một ký ức không thể nào quên về một chiến công vĩ đại chống giặc ngoại xâm của dân tộc. Tầm vóc ấy trải qua hàng nghìn năm vẫn luôn chói lọi trên đỉnh cao lịch sử, âm vang hào khí Bạch Đằng Giang - Việt Nam còn mãi muôn đời...
Để tưởng nhớ các vị anh hùng dân tộc, Khu di tích Bạch Đằng Giang được xây dựng (từ năm 2008-2018) tại một vùng đất non nước hữu tình thuộc thị trấn Minh Đức- Thủy Nguyên- Hải Phòng.
Hy vọng Khu Di tích Quốc gia Bạch Đằng Giang sẽ từng bước nghiên cứu, bổ sung giá trị hướng tới trình đề nghị UNESCO công nhận quần thể di tích chiến thắng trên sông Bạch Đằng là di sản văn hóa thế giới.
Bãi cọc Cao Quỳ - dấu tích hào hùng trận thủy chiến giữ độc lập
Cuối năm 2019 (từ ngày 27/11 đến ngày 19/12), Viện Khảo cổ học phối hợp với Sở Văn hóa Thể thao, Bảo tàng Hải Phòng tiến hành khai quật 3 hố rộng 950 m2 tại cánh đồng Cao Quỳ, xã Liên Khê, huyện Thủy Nguyên. Kết quả phát hiện 27 cọc gỗ. Cụ thể, hố 1 diện tích khai quật 280 m2 có 17 cọc, hố 2 diện tích 198 m2 có 2 cọc và hố 3 diện tích 472 m2 với 8 cọc.
Cuối năm 2019, các nhà khoa học, chuyên gia cùng lãnh đạo TP Hải Phòng thực địa tại bãi cọc vừa được khai quật tại cánh đồng Cao Quỳ. Các nhà khoa học nhận định bãi cọc này thuộc trận chiến Bạch Đằng lần 3 - năm 1288. Đây là trận địa ngăn chặn quân Mông - Nguyên không đi vào khu vực sông Giá và khu vực chỉ huy của Trần Quốc Tuấn.
Ngay sau khi phát hiện bãi cọc Cao Quỳ, TP Hải Phòng đã khởi công Dự án Khu bảo tồn bãi cọc có diện tích khoảng 30.680m², bao gồm các hạng mục: cổng chính; hệ thống tường bao; nhà đón tiếp, trưng bày và giới thiệu hiện vật; khu bảo tồn bãi cọc xây dựng mái nhà che và hệ thống đường dẫn. Tổng mức đầu tư dự án là hơn 362 tỷ đồng.
Đến tháng 10/2020, UBND TP Hải Phòng tổ chức buổi lễ khánh thành Khu bảo tồn bãi cọc Cao Quỳ.