Theo báo cáo, 9 tháng đầu năm 2015, trên địa bàn 20 tỉnh, thành phố phía Nam, số lượt công dân đến các cơ quan hành chính nhà nước để khiếu nại, tố cáo không tăng, số đoàn đông người giảm 3%; số đơn thư khiếu nại, tố cáo giảm 8,6%; số vụ việc khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền giải quyết giảm 8,4% so với cùng kỳ năm 2014.
Tại hội nghị, các đại biểu tập trung thảo luận, đánh giá các mặt công tác tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo trên địa bàn các tỉnh phía Nam và các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long thời gian qua, đồng thời rút ra những kinh nghiệm và đề xuất các giải pháp để thực hiện hiệu quả công tác tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo trong thời gian tới.
Để tiếp tục đẩy mạnh nhiệm vụ tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo, ông Huỳnh Phong Tranh - Tổng Thanh tra Chính phủ cho biết, trong thời gian tới Thanh tra Chính phủ sẽ tiếp tục chỉ đạo, phối hợp với các địa phương thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả các nghị quyết, chỉ thị của Trung ương, Chính phủ về công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo; tiếp tục chấn chỉnh những tồn tại, yếu kém trong thời gian qua; đồng thời tăng cường phối hợp giữa Ban tiếp công dân với các cơ quan khác của Trung ương và địa phương trong tiếp công dân, xử lý dứt điểm đơn thư, khiếu nại, tố cáo…
Trước đó, tại buổi làm việc vào sáng 27/11 với UBND TP Cần Thơ về kết quả cũng như kiến nghị sau 10 năm thực hiện Luật Phòng, chống tham nhũng tại địa phương, Tổng Thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh đã ghi nhận những kết quả đạt được của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân TP Cần Thơ qua 10 năm thực hiện Luật Phòng, chống tham nhũng với nhiều cách làm phù hợp cùng với các giải pháp tích cực đã hạn chế điều kiện tham nhũng, ngăn ngừa có hiệu quả hành vi tham nhũng trên địa bàn.
Ông Võ Văn Chính, Chánh Thanh tra TP Cần Thơ cho biết, qua 10 năm thực hiện Luật Phòng, chống tham nhũng, với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị đã góp phần giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội, tạo được niềm tin của Nhân dân vào quyết tâm của Thành ủy, UBND TP Cần Thơ trong công tác này.
Ghi nhận những nỗ lực của Cần Thơ cũng như lắng nghe các kiến nghị, đề xuất của địa phương, ông Huỳnh Phong Tranh cho rằng ngoài những kết quả đạt được, qua 10 năm thực hiện Luật Phòng, chống tham nhũng tại các địa phương đã phát sinh nhiều bất cập cần điều chỉnh, sửa đổi, bổ sung để hoàn chỉnh hành lang pháp lý đủ mạnh, tránh xung đột với các quy định khác, phù hợp với thông lệ quốc tế.
“Lần tổng kết này sẽ làm rõ sự phù hợp của hàng loạt vấn đề trong thực hiện giải pháp phòng, chống tham nhũng, trong đó chú ý đến hiệu quả giải pháp phòng ngừa, xử lý các vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật trên cơ sở phối hợp giữa các cơ quan chuyên môn, định hướng tuyên truyền để nâng cao niềm tin của nhân dân”, ông Tranh cho biết thêm.