Hạn chế tối đa tiêu cực trong tuyển dụng cán bộ
Theo Báo cáo tại phiên họp, từ sau Phiên họp thứ 7 của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng (BCĐ), công tác phòng chống tham nhũng tiếp tục được triển khai tích cực trên các mặt. Việc lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền đối với công tác phòng, chống tham nhũng được tăng cường, nhất là trong việc phối hợp giữa các cơ quan chức năng, trong công tác kiểm tra, giám sát, đôn đốc phòng chống tham nhũng, chỉ đạo giải quyết một số vụ việc, vụ án tham nhũng nghiêm trọng, phức tạp...
Công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế về phòng chống tham nhũng được chú trọng, góp phần nâng cao hiệu quả công tác thu hồi tài sản tham nhũng, nâng cao chất lượng cán bộ được tuyển dụng và hạn chế tối đa các hiện tượng tiêu cực trong tuyển dụng cán bộ, công chức, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, góp phần phòng ngừa tiêu cực, tham nhũng.
Các giải pháp phòng ngừa tham nhũng cũng được tích cực thực hiện. Công tác phát hiện và xử lý hành vi tham nhũng được tăng cường. Việc xử lý các vụ án, vụ việc thuộc diện BCĐ theo dõi, chỉ đạo đạt nhiều kết quả tích cực. Vai trò, trách nhiệm của xã hội trong phòng, chống tham nhũng ngày càng tăng.
Hoạt động của BCĐ và Ban Nội chính các Tỉnh ủy, Thành ủy đạt những kết quả tích cực, nhất là việc kiểm tra, giám sát, đôn đốc công tác phòng chống tham nhũng của các đồng chí thành viên BCĐ ; kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện các kết luận, kiến nghị của BCĐ; tổ chức rà soát các cuộc thanh tra kinh tế - xã hội tại các địa phương.
Phải đạt hiệu quả cao hơn nữa
Phát biểu kết luận phiên họp, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đánh giá cao sự nỗ lực cố gắng, sự quyết tâm, thống nhất cao của các cấp, các ngành đã cùng vào cuộc, triển khai bài bản, nghiêm túc các nội dung kết luận tại Phiên họp thứ 7 BCĐ; việc thường xuyên đôn đốc nhắc nhở, tổ chức triển khai quyết liệt đã mang lại kết quả rõ nét, tạo chuyển biến tích cực trên thực tế.
Tổng Bí thư đề nghị BCĐ không can thiệp vào công việc của các cơ quan chức năng mà giám sát, kiểm tra, đôn đốc. Vừa qua, việc xử lý một số vụ án lớn, phức tạp, nghiêm trọng được thúc đẩy nhanh hơn, có tác dụng ngăn ngừa, răn đe, tuy nhiên cần tiếp tục làm kiên quyết, kiên trì, mạnh mẽ hơn, phối hợp tốt hơn để đạt hiệu quả cao hơn nữa.
Về các công việc cần làm tiếp trong thời gian tới, các thành viên BCĐ nhất trí cần tiếp tục đẩy mạnh tiến độ điều tra, truy tố xét xử các vụ án trọng điểm, tăng cường khâu giám định, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong giám định tư pháp, phục vụ công tác điều tra, truy tố, xét xử tội phạm về tham nhũng, kinh tế...
Việc kiến nghị Bộ Chính trị ban hành Chỉ thị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phát hiện, xử lý các vụ việc, vụ án tham nhũng trong tình hình hiện nay, cần lấy ý kiến các cơ quan chức năng, bảo đảm phù hợp với các nghị quyết, chủ trương của Trung ương, luật pháp đã có, không được trái với Hiến pháp; báo cáo Thường trực BCĐ xem xét và đề nghị ban hành.
6 tháng đầu năm, thi hành kỷ luật 366 trường hợp
Trong 6 tháng đầu năm 2015, qua hoạt động kiểm tra, giám sát của cấp ủy và ủy ban Kiểm tra các cấp, đã thi hành kỷ luật 366 trường hợp có liên quan đến tham nhũng, cố ý làm trái. Toàn ngành thanh tra đã triển khai 2.842 cuộc thanh tra hành chính và 116.334 cuộc thanh tra, kiểm tra chuyên ngành đối với 268.251 tổ chức, cá nhân.
Qua thanh tra phát hiện vi phạm hơn 11.298 tỷ đồng, 589ha đất; kiến nghị thu hồi về ngân sách nhà nước 7.593 tỷ đồng và 514ha đất, xử lý trách nhiệm đối với 405 tập thể, 23 cá nhân, ban hành 106.562 quyết định xử phạt vi phạm đối với tổ chức, cá nhân số tiền 1830 tỷ đồng, chuyển cơ quan điều tra xử lý 20 vụ, 76 đối tượng..